Nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém có nhiều trong đó có những nguyên nhân chủ yếu sau:
Thứ nhất, Thanh Hóa vẫn là một trong những tỉnh nghèo nền kinh tế lạc hậu,
trình độ sản xuất thấp, cơ sở hạ tầng yếu. Vì vậy, trình độ công nghệ lạc hậu, công nghiệp chưa phát triển, nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong các ngành kinh tế. Là một tỉnh nông nghiệp nhưng cơ cấu chưa thay đổi rõ rệt giữa trồng trọt, chăn nuôi và chế biến. Tỷ lệ hộ nông dân tự cung, tự cấp cao, còn đậm nét quan hệ "nông dân - cổ truyền", ngành nghề tiểu thủ công nghiệp bị suy giảm. Phát triển kinh tế còn chưa đều, cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch chậm, làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nguồn nhân lực nói riêng của Thanh Hóa trong những năm vừa qua. Nguyên nhân này là nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn ít về số lượng, kém về chất lượng ở Thanh Hóa.
Thứ hai, di sản của cơ chế kế hoạch hóa tập trung bao cấp vẫn còn tồn tại. Do đó, nguồn nhân lực của Thanh Hóa nói chung, đội ngũ cán bộ quản lý nói riêng còn thiếu tính năng động theo cơ chế thị trường. Hơn nữa, tình trạng bảo thủ, trì trệ vẫn còn. Điều này cho thấy sự chuyển biến kinh tế - xã hội
của Thanh Hoá chậm so với yêu cầu. Mặt khác các điều kiện cần thiết để Thanh Hóa chủ động hội nhập kinh tế quốc tế cũng như trong nước chưa được chuẩn bị khẩn trương, còn lúng túng trong việc hình thành và triển khai chiến lược mang tính đột phá, đón đầu. Ngoài ra, các chương trình phát triển kinh
tế - xã hội trên địa bàn tỉnh chưa có sự lồng ghép chặt chẽ nên hiệu quả phát huy thấp. Nhất là ở các chương trình về văn hóa giáo dục và đào tạo, dân số có liên quan đến phát triển nguồn nhân lực.
Thứ ba, công tác quản lý nhà nước về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trên
địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa được quan tâm đúng mức và kém hiệu lực, đặc biệt là trong công tác xây dựng chính sách, cơ chế, qui hoạch phát triển dự báo nhu cầu lao động và đào tạo, điều tra và quản lý đánh giá chất lượng đào tạo. Do yếu kém trong công tác giáo dục - đào tạo nên việc giáo dục - đào tạo để tự phát triển theo nhu cầu của người dân mà đa số trong nhân dân còn mang nặng tâm lý khoa cử, coi nhẹ tính thực nghiệm. Do đó đại đa số thanh niên trong tỉnh đầu đơn để thi đại học, thậm chí có nhiều thanh niên thi đến 3 lần. Việc này cũng dẫn đến cơ cấu đào tạo không hợp lý. Mặt khác công tác đào tạo dạy nghề trong tỉnh cũng chưa được chú ý đúng mức nên đã gây nên tình trạng mất cân đối về cơ cấu, trình độ đào tạo của đội ngũ lao động có chuyên môn kỹ thuật.
Sự thiếu hụt đội ngũ giáo viên cả về số lượng và chất lượng đã làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc CNH. Hiện nay, tỷ lệ giáo viên đạt trình độ tiến sĩ là 3,54%, giáo viên đạt trình độ thạc sĩ là 19,11%. Riêng giảng viên
trường đại học Hồng Đức có trình độ thạc sĩ chiếm 18,08% so với tổng giáo viên của tỉnh; bằng 28,41% so với tổng giáo viên của trường. Do đó tình trạng "cơm chấm cơm" không phải là ít. Mặt khác, thời gian giáo viên đứng lớp trong trường và ngoài trường quá nhiều, không có thời gian dành cho nghiên cứu khoa học, học tập, bồi dưỡng để nâng cao trình độ. Phương pháp giảng dạy chưa đáp ứng được yêu cầu chuẩn bị nhân lực cho CNH. Đội ngũ giáo viên do bị hạn chế nhiều mặt, nên chất lượng giáo dục - đào tạo cũng bị hạn chế.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị trong ngành giáo dục và đào tạo cũng là một nguyên nhân làm cho nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ thấp. Hàng năm ngân sách chi cho giáo dục đều tăng: từ 24,51% ngân sách năm 2000, lên 26,63% năm 2002; và lên 28,36% năm 2004. Tuy nhiên, phần chi thường xuyên trong ngân sách giáo dục - đào tạo về cơ bản chỉ là chi trả lương, các chế độ có tính chất lương của đội ngũ giáo viên và học bổng cho học sinh, phần còn lại (khoảng từ 10% đến 20%) rất eo hẹp chi cho đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. việc đầu tư cho giáo dục thấp như vậy nên không đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo. Tóm lại, những yếu kém trên của giáo dục - đào tạo là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân đối về cơ cấu lao động đã qua đào tạo và thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ lao động có trình độ CMKT, tay nghề. Vấn đề cấp bách hiện nay là tỉnh Thanh Hóa phải có một chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho CNH, HĐH ở tỉnh Thanh Hóa.
Thứ tư, chính sách sử dụng người lao động, đặc biệt là lao động có chuyên môn
kỹ thuật cao, và nhân tài còn nhiều hạn chế.
Chính sách tiền lương, tiền công, chính sách bảo hiểm xã hội và các chế độ chính sách khác liên quan đến việc sử dụng lao động đều chưa tạo động lực cho người lao động tự phấn đấu và phát triển trình độ chuyên môn và tay nghề của mình trong quá trình công tác. Hiện nay, nhiều trường hợp lao động giản đơn, hoặc lao động chân tay trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lại có thu nhập cao hơn lao động phức
tạp và lao động sáng tạo có tri thức trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, động lực làm việc nhiệt tình của lao động trong doanh nghiệp nhà nước không còn, nhiều người phải đi làm thêm ngoài chuyên môn, thậm chí bỏ nghề để đi làm những dịch vụ giản đơn, những kiến thức ít được sử dụng mai một là điều khó tránh khỏi, "hao mòn" hữu hình và "hao mòn" vô hình của lao động có trí tuệ đang làm chúng ta mất đi nguồn sức mạnh quý giá phục vụ công cuộc CNH, HĐH đất nước. Đặc biệt đại bộ phận lao động trí óc ở tỉnh ta hiện đang làm việc trong những điều kiện rất thiếu thốn về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Chỗ làm việc chật chội, thiết bị lạc hậu, dụng cụ thí nghiệm thiếu, không đủ thông tin và tài liệu nghiên cứu. Điều kiện làm việc như vậy đã không tạo được môi trường thuận lợi cho sự phát huy tiềm năng trí tuệ của mỗi cá nhân cũng như tập thể, dẫn đến tình trạng "lãng phí ngầm" chất xám rất lớn trong tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh chưa có chính sách, quy định thực sự rõ ràng về việc trọng dụng và đãi ngộ những người có trình độ học vấn cao.
Một vấn đề cần phải nói đến nữa là tình trạng sử dụng lao động nhất là lao động có trình độ CMKT cao không đúng với ngành nghề được đào tạo. Hiện nay có khoảng 70% cán bộ có trình độ CMKT là được sử dụng đúng với trình độ được đào tạo. Còn lại là làm không đúng ngành, đúng nghề. Nhiều cơ sở hoặc doanh nghiệp đã sử dụng cả những sinh viên tốt nghiệp đại học vào làm công việc công nhân kỹ thuật. Cách sử dụng như vậy vừa lãng phí công sức đào tạo, vừa không phát huy được hiệu quả của số lao động có CMKT trong những công việc đó. Do tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa còn chậm, các khu công nghiệp và doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nhu cầu chưa cao về sử dụng lao động qua đào tạo có trình độ CMKT nên ít tuyển lao động có trình độ CMKT vào làm, vì vậy, dẫn đến tình trạng người được đào tạo nhưng không tìm được địa chỉ sử dụng. Mặt khác, một số nhân lực chưa qua đào tạo lại được sử dụng do nhu cầu người sử dụng lao động lớn mà thị trường lao động tay nghề phù hợp chưa kịp đáp ứng. Sự bất cập này còn bắt nguồn từ những cá nhân đã bị tha hóa bởi mặt trái của cơ chế thị trường, họ lợi dụng chức quyền chạy theo chủ nghĩa thực dụng, vị kỷ, tham ô, hối lộ, để nhận những người chưa qua đào tạo vào lao động trong các ngành nghề. Hoặc là sắp xếp vào những ngành nghề không đúng với đào tạo, cốt là để kiếm chỗ "ấm thân".
Sự thực nhức nhối này đã tác động đến thanh niên và sinh viên làm thui chột ý chí học tập vươn lên, làm tăng chán nản trong học tập, nên họ chẳng hứng thú với việc học để nâng cao chất lượng học tập. Việc sử dụng lao động còn nhiều điểm chưa hợp lý này dẫn đến hiện tượng tuy nguồn nhân lực được đào tạo rất ít, nhưng ở lãnh vực này thì thừa, lĩnh vực khác thì thiếu.
Như vậy, những chính sách sử dụng lao động của Thanh Hóa hiện nay chính là một trong những nguyên nhân hạn chế sự sáng tạo, sự phát triển của lao động có CMKT (đặc biệt là của đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ). Với cơ chế, chính sách này lực lượng có CMKT sẽ không có động lực để tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu công việc.
Tóm lại, qua việc phân tích thực trạng nguồn lực con người và việc nâng cao
chất lượng nguồn nhân lực ở tỉnh Thanh Hóa cho thấy, Thanh Hóa có lực lượng lao động dồi dào, người lao động có nhiều truyền thống quý báu như rất cần cù, thông minh, yêu nước, hiếu học đang ngày đêm góp sức vào công cuộc CNH, HĐH của đất nước cũng như của tỉnh nhà. Trong khi đó, giáo dục - đào tạo với tư cách là nhân tố trực tiếp tác động đến chất lượng đội ngũ lao động đã có nhiều thành tích đào tạo ra lực lượng lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Song so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội hiện nay của Thanh Hóa thì nguồn nhân lực Thanh Hóa chưa đáp ứng được, kể cả về số lượng cũng như trình độ chuyên môn. Mặt khác, việc đào tạo và sử dụng lao động còn bất hợp lý và mất cân đối lớn giữa các ngành nghề, giữa các khu vực.
Với thực trạng này, đòi hỏi tỉnh Thanh Hóa cần phải có những định hướng và những giải pháp vừa có ý nghĩa cấp bách vừa mang tầm chiến lược trong việc phát triển nguồn nhân lực ở Thanh Hóa.
Chương 3
Phương hướng và những giải pháp chủ yếu
nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong sự nghiệp
công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Thanh Hóa