tiên phong của chủ nghĩa hiện đại
Chủ nghĩa hiện thực từ H.Banzac đến F.Kafka là cả một quá trình. Nói “quá trình” ở đây không phải là cách định danh của sự đo lường về mặt thời gian mà là ở sự tiến đổi của phương thức phản ánh nghệ thuật. Một bên là
đỉnh cao của chủ nghĩa hiện thực với toàn vẹn sự kết tinh và thăng hoa của kiểu mẫu nghệ thuật thế kỷ XIX và một bên lại là sự từ chối những định thức chuẩn mực nhằm tạo ra một con đường, một cách thức riêng để đổi mới chủ nghĩa hiện thực.
Cuộc đời văn nghiệp của Honore De Balzac gắn với những đột biến trong tiến trình lịch sử Pháp thế kỷ XIX. Đây là thời kỳ người ta đã nhìn thấu tỏ quan hệ sâu xa của giai cấp đồng thời là giai đoạn được đánh dấu bởi sự phát triển của nhiều ngành khoa học như đã biện giải ở trên. H.Balzac (1799 - 1850) đã được Engel trân trọng tôn là “bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực”. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân, ở tại Tours, thủ phủ xưa của vùng Touraine. Ngay từ nhỏ Balzac đã phải chịu sự hành xử lạnh nhạt và bất công của người mẹ sinh ra mình và ông đã nhiều lần than phiền chua xót về điều đó. Balzac đã từng theo luật nghiệp nhưng cuối cùng ông đã hiểu ra mối duyên lành giữa ông và văn chương là định mệnh tiên thiên. H.Balzac thích và từng làm nhiều nghề, ngay cả khi ông đã thành văn hào. Nhưng tất cả những ngành ngoài văn chương ấy ông đều thu được kết quả là hai từ thất bại. Tuy nhiên, Balzac không chỉ mất mà ông lại được rất nhiều, đó là vốn sống giàu có: ông từng làm việc trong văn phòng viên đại tụng, tham gia công tác báo chí, xuất bản, lại ngụp lặn trong hoạt động kinh doanh… nhà văn đã có điều kiện để tiếp xúc, quan sát rất nhiều hạng người khác nhau trong xã hội. Đó chính là những bài học và kho tư liệu đắt giá, phong phú mà ông tích luỹ được. Do vậy, thế giới đa dạng muôn màu, cùng những thủ đoạn dung tục tầm thường đều được ông phơi lộ trên trang giấy. Đã có thời kỳ Balzac tự giấu mình và chìm đắm trong sách vở. Đó chính là những khởi điểm vinh quang của ông. Sự nghiệp sáng tác của đại văn hào này có thể chia làm bốn giai đoạn. Trong đó đáng chú ý là giai đoạn thứ hai và thứ ba. Ở giai đoạn sáng tác thứ hai (1830-1835) ông đã trở thành nhà văn tiếng tăm bậc nhất của nước Pháp. Balzac kiên quyết lên án quyền lực của đồng tiền, nguyên nhân căn bản của những bi kịch trong gia đình và xã hội. Điểm nổi bật nhất trong chủ nghĩa hiện thực của tác giả trong giai đoạn này là ông đã kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc phát hiện và tái hiện chính xác những tính cách, tình huống sinh động. Giai đoạn sáng tác thứ ba là thời kỳ phát quang rực rỡ nhất văn nghiệp của tiểu thuyết gia này. Từ 1836-1840 ông lăn xả và ngụp lặn trong những sáng
tác dầy đặc mà bỏ rơi cả sức khoẻ của chính mình. Từ đây, Balzac manh nha cấu tứ và tập trung thành bộ tiểu thuyết vĩ đại, mà cái tên của nó ông đã từng trăn trở và chọn lựa: Tấn trò đời vào năm 1940. Ngay ở chính cách định danh tiêu đề này, nội dung của nó đã được phơi lộ trong sự trọn vẹn của xã hội đang vận động, diễn tiến. Năm 1942, Balzac viết Lời nói đầu cho cả công trình. Đây chính là bản cương lĩnh nghệ thuật đã tuyên bố nhiều quan điểm mĩ học, triết học, chính trị của toàn bộ thiên tiểu thuyết cũng như tư tưởng của ông. Balzac đã thực hiện một quá trình lao động căng thẳng mà cường độ của nó cho đến nay vẫn khiến người ta kinh ngạc. Có nhà nghiên cứu đã tính trung bình mỗi năm Balzac phải viết 2000 trang liên tục không nghỉ suốt 20 năm. Và điều ấy tạo nên một “hiện tượng đặc biệt phi thường”(72,54).
Ý định của tác giả say mê văn học đến không mệt mỏi này là thực hiện một sáng tác quy mô, gồm 143 tiểu thuyết sẽ tập hợp trong Tấn trò đời, Tấn trò đời trong cấu trúc nội tại hoàn chỉnh của nó, được ông chia ra làm ba phần với sự tập trung của từng tiểu thuyết có sự đồng nhất về đề tài. Đó là: Phần I:
Khảo luận phong tục, trong đó tiêu biểu là những tác phẩm. Lão Goriot, Vỡ mộng, Bước thăng trầm của kỹ nữ… Hầu như mọi tư tưởng và thế giới quan sắc sảo của ông được khái quát qua bức tranh quy mô về xã hội, qua phần này. Ngoài ra phần II: Khảo luận triết học và Phần III khảo luận phân tích
cũng góp tiếng nói để tạo nên sự đa âm trong phong cách sáng tác của nhà văn. Khảo sát sự chia nhánh trong bản sơ đồ hoá những sáng tác của Balzac đã thấy được sự dụng công và vốn sống của ông lấp lánh qua từng tác phẩm. “Bộ nghìn lẻ một đêm của Phương Tây”- theo cách gọi và ý đồ sáng tác của ông, đã có tới 425 nhân vật quý tộc,188 nhân vật tư sản và 487 nhân vật tiểu tư sản…Tổng cộng đến trên 2000 nhân vật bao gồm cả địa chủ, nhà kinh doanh, nhà buôn, chính khách, chủ ngân hàng, quan toà, thầy kiện, linh mục. “Tất cả đã góp phần dựng lên những bức bích hoạ quy mô hùng vĩ mà sử thi của Hôme cũng không sánh kịp” (58,534). Chính sự phong phú về đối tượng sáng tác đã dẫn đến sự đa dạng muôn màu trong những cốt truyện mà ông thể hiện. Cuộc sống thường nhật của các nhân vật chính là vấn đề của các cá nhân được đặt trong lịch sử, dưới sự vận động bên ngoài của các tình tiết là sự vận động sâu xa của lịch sử. Để tạo nên một bức tranh rộng lớn của xã hội Pháp với mọi đối tượng, mọi ngóc nghách của đời sống mà không hề gây sự nhàm
chán, đơn điệu. Đó chính là tài năng của Balzac trong việc quy phạm hoá các tiêu chí phản ánh nghệ thuật chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX và đã đưa chủ nghĩa hiện thực phát triển tới đỉnh cao của nó.
Ở những tác phẩm của Balzac là sự kết hợp, hài hoà linh động và đầy sáng tạo quy luật tự trị của nghệ thuật thế kỷ XIX. Sáng tạo nghệ thuật là khám phá tính quy luật và phá vỡ tính ngẫu nhiên bên ngoài của sự vật và đó cũng chính là hành động nhận thức của người nghệ sỹ. Chính bản cương lĩnh
Lời nói đầu của Tấn trò đời, ông đã trình bày những quan điểm nghệ thuật xuyên suốt của mình: “tiểu thuyết sẽ không là gì cả […] nếu nó không chân thực trong chi tiết” nhưng “cái thật của nghệ thuật không đồng nhất với cái thật của tự nhiên, mà trường cửu hơn, đích thực hơn và vấn đề này chỉ có thể giải quyết bằng điển hình” (68,13). Những nguyên do cơ bản để Balzac xứng danh là bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực, theo cách gọi của Engel, không chỉ ở đỉnh cao của nghệ thuật tiểu thuyết truyền thống mà ông vận dụng sáng tạo. Nhà nghệ sỹ hình thành nên phong cách riêng cũng đồng nghĩa với việc tự chính mình đã ký tên trong lòng độc giả, khi có những sáng tạo đặc thù và mới lạ. Balzac không ngừng tìm tòi và vươn tới chân trời sáng tạo, tuy vẫn nằm trong những giới hạn bất khả thủ của tiểu thuyết truyền thống quy định. Vào năm 1834, từ Lão Goriot, một phát kiến của ông được ứng dụng, đó chính là thủ pháp nhân vật tái xuất hiện. Balzac đã để cho đích danh một nhân vật nào đó tồn tại và xuất hiện trong liên tác phẩm. Đây là thủ pháp miêu tả nhân vật với tính đa dạng và sự vận động cũng như đặt trong thử thách của nhiều mối quan hệ. Đây là thủ pháp mới mà Balzac đã thực hiện trong các sáng tác của mình. Xã hội và sự vận động của nó vẹn nguyên dòng chảy trong các sáng tác của ông chính một phần nhờ thủ pháp này.
Phản ánh nghệ thuật được coi là tấm gương trung thành để từ đó hiện thực cuộc sống đúng như dạng thức vốn có hiện lên sinh động và đa dạng là mục đích sáng tác của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX. Vị “thư ký trung thành của thời đại” - Balzac, lại sử dụng cả chất liệu hoang đường để phát biểu những suy tư, triết lý trong phạm vi hiện thực của mình. Đó chính là những yếu tố kỳ ảo xuất hiện trong tác phẩm của ông với tư cách là phương tiện phản ánh hiện thực đặc thù.
Như vậy, chủ nghĩa hiện thực và tác giả ngự trị trên đỉnh điểm của nó, Honore de Balzac, đã có những đóng góp to lớn trong lịch sử văn học nhân
loại. “Có thể nói về Balzac rằng ông không chỉ là nhà tiểu thuyết vĩ đại nhất, phong phú nhất và đa dạng nhất của chúng ta mà là bản thân tiểu thuyết […] Những tìm tòi và đóng góp của Balzac với nghệ thuật tiểu thuyết và cơ bản đến mức các điều đó nhập vào tiểu thuyết sau ông một cách tự nhiên, tiểu thuyết của Balzac trở thành một cái mốc, một thí dụ, một dẫn chứng bắt buộc đối với tất cả tác giả đến sau, dù họ khâm phục hay phản đối” (66,204).
Franz Kafka xuất hiện như sự đột phá của lịch sử văn học Phương Tây, đang trong dòng chuyển động của nó. Là nhà văn Tiệp Khắc, gốc Do Thái, viết bằng tiếng Đức, ông đã dành trọn cuộc đời ngắn ngủi của mình (1833- 1924) để hun đúc nên những tác phẩm văn học với những đóng góp lớn trong văn học hiện đại. Cuộc đời của F.Kafka đầy những trắc trở và cay đắng. Điểm tựa hạnh phúc của gia đình ở Kafka lại là sự ức chế, căng thẳng và run rẩy của cậu bé ngây thơ với sự khắc nghiệt độc đoán và đầy quyền uy của bố mình.Trong hạnh phúc riêng tư, nếu như Balzac sau những trắc trở vẫn cập được con thuyền tình ái của mình với người trong mộng, tuy chỉ có thời gian ngắn ngủi, muộn màng tuổi xế chiều thì ở Kafka là những bi kịch, cay xót, cô đơn đến tận cuối đời. Nếu như Balzac còn may mắn chứng kiến những đứa con tinh thần của mình được khởi sắc thì Kafka, cay nghiệt và chua xót hơn, lại yêu cầu bóp chết những hun đúc tinh thần mà ông vắt kiệt sức để hoài thai bằng cách yêu cầu người bạn thân, Max Brot đốt sạch những tác phẩm của mình, sau khi ông chết. Nếu như Balzac chỉ được chứng kiến những thay đổi của xã hội trong lòng chế độ tư bản thì Kafka lại là chứng nhân trong dự cảm trước những biến động dữ dội của nhân loại cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX với những cuộc thế chiến sẽ diễn ra mà hậu quả của nó là 60 triệu nhân mạng bị chết, 90 triệu người khác bị thương. Sự khủng hoảng trầm trọng của xã hội đã dẫn đến sự ra đời của hàng loạt trào lưu triết học, mĩ học và văn học nghệ thuật. Cơ sở thế giới quan triết học của chủ nghĩa hiện đại được tập trung trong tư tưởng ý chí luận của Schopenhauer và Nietzsche, chủ nghĩa trực giác của Bergson, hiện tượng học của Husserl, phân tâm học của Freud… Các học giả chủ trương phạm trù này có cái nhìn phi lý, bế tắc, vô nghĩa và bất lực trước cuộc đời. Vì vậy, cả những tác nhân chủ quan và khách quan đã thấm sâu vào tâm hồn quá nhạy cảm và đầy những chấn thương của Kafka. Do đó, những tác phẩm của ông là những đứt đoạn khiến nhịp tim của con người như chùng lại, máu không dồn nhanh trong huyết quản vì “đối tượng trung tâm
của thế giới nghệ thuật của Kafka là sự tha hoá, nỗi lo âu, sự lưu đày và cái chết”(25,194).
Kafka từ trần ở độ tuổi đang tuổi chín muồi và để lại cho di sản văn học thế giới một khối lượng sáng tác khiêm tốn: ba tiểu thuyết, một số truyện ngắn và thư từ cùng nhật ký. Nhưng ở đây người ta không tìm thấy phép tỉ lệ thuận giữa số lượng sáng tác với chất lượng giá trị nghệ thuật thẩm mỹ. Nếu như đối tượng sáng tác của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX luôn hiện hữu, tường minh và có thể khám phá được thì con người trong thế giới nghệ thuật của Kafka luôn tồn hiện trong trạng huống mờ ảo, khó nắm bắt, lơ lửng giữa thế giới mộng và thực…
Với nghệ sỹ lớn như Kafka, dấu hiệu độc đáo, cách tân của khám phá nghệ thuật không dừng ở đó mà ông luôn đề cao sự săn tìm những phương thức mới trong nghệ thuật biểu hiện. Trước hết đó là sự chối từ hệ hằng số thẩm mỹ nghệ thuật của truyền thống: “sự tưởng tượng bị ngủ quên trong thế kỷ XIX được F.Kafka thình lình đánh thức dậy và ông đã thành công trong cái việc mà những nhà siêu thực đã cố sức nhưng không thật sự làm được”(41,23).
Kafka thực sự đã làm ngỡ ngàng tiền nhân và vượt qua cả hậu thế khi ông dùng đôi tay kỳ diệu trộn lẫn nguyên liệu thực tại với những huyền bí, siêu nhiên của hoang đường để tạo nên đặc trưng huyền thoại hoá lung linh, ảo mờ nhưng lại rất thật trong thế giới nghệ thuật của mình. Sự đánh tráo bất ngờ, thú vị giữa thực tại và giấc mơ khiến cho tác phẩm tưởng như mất phương hướng. Sự chính xác của các chi tiết trong quan niệm văn học cũ được ông làm rối tung, ảo mờ và mông lung nhờ thủ pháp mê cung hoá. Không những thế, nhà văn còn đề xuất một lối viết chứa đựng trong đó sự bí hiểm khó thể cắt nghĩa và không thể bắt chước được. Lối viết rời rạc, tưởng như khô khan, khai mở cấu trúc mảnh vỡ đặc trưng cho thời hậu hiện đại.
Tất cả sự cách tân, đột phá lớn lao trên mọi bình diện khiến cho “tác phẩm của ông không chỉ phản ánh hiện thực mà chủ yếu là khai sinh ra hiện thực”(14,111). Từ đây một hiện thực kiểu Kafka ra đời và danh từ “Kafka” không phải là sở hữu riêng của chủ nhân nó nữa. Người ta đã có một loạt các cụm từ “thế giới kiểu Kafka”, “tính chất Kafka”…để áp dụng vào cuộc sống.
* * *
Văn học nghệ thuật với cái nhìn của chiều dọc lịch sử đã ngủ yên với sự bình ổn và logic của nó trong suốt gần 40 thế kỷ nay. Từ Hy Lạp cổ đại khoảng 2000 trước công nguyên đến cuối thế kỷ XIX sau công nguyên an phận với đặc trưng phản ánh nghệ thuật quy ước của mình. Sự kết tinh, thăng hoa của chủ nghĩa hiện thực đặt ở H.Balzac trong những giới hạn sáng tạo nghệ thuật của ông. Hệ hằng số nghệ thuật của chủ nghĩa hiện thực bị phá tung từ khi xuất hiện nhà văn hiện đại kiệt xuất là Franz Kafka. Đây là bước đột phá vĩ đại trong tiến trình văn chương của nhân loại và cũng chính là sự chứng minh cụ thể nhất cho sự vận động của tư duy nghệ thuật nhân loại.
CHƯƠNG 2.