Nhân vật hãnh tiến

Một phần của tài liệu Chủ nghĩa hiện thực và mô hình phản ánh nghệ thuật (Trang 61 - 65)

(Qua một số tác phẩm tiêu biểu)

2.2.1.Nhân vật hãnh tiến

Trong mối liên hệ biện chứng giữa cá nhân và môi trường thì sự cộng sinh, tương hợp của thực tiễn xã hội Pháp nửa đầu thế kỷ XIX luôn là nhân - quả. Quy luật nhân - quả đề cao sự chi phối, chế định của hoàn cảnh khách quan với sự thích ứng tiến thân của chủ quan cá nhân. Chính vì sự đào thải khắc nghiệt của xã hội đảo điên đối với giới thượng lưu nên những kẻ muốn đặt bàn chân vào danh vọng phải luôn chạy theo chủ nghĩa cơ hội. Tiêu biểu cho sự trục lợi, theo đuổi mục đích của mình và xuất hiện từ tiểu thuyết này sang tiểu thuyết khác là các nhân vật Rastignac, Lucien, Vautrin… Đó chính là những kẻ điển hình cho sự hãnh tiến. Theo Từ điển tiếng Việt thì hãnh tiến là “người may mắn gặp thời mà bỗng chốc có được địa vị hoặc được giàu sang”(60,406). Ở đây, nói tới nhân vật hãnh tiến là nói tới nhân vật gặp may mắn ngẫu nhiên mà trở thành khá giả (cả tài sản lẫn địa vị) nhờ biết vận dụng các thủ đoạn và chủ nghĩa cơ hội trên con đường tiến thân lập nghiệp. Ở Việt Nam, Vũ Trọng Phụng trong tiểu thuyết Số đỏ của mình, đã xây dựng kiểu nhân vật này qua hình tượng Xuân tóc đỏ. Cùng với sự tiến thân như Xuân tóc đỏ là nhân vật Nikodem Dyzma trong tiểu thuyết Đường công danh của Nikôđem Dyzma của nhà văn T.Đ.Moxtovich người Ba Lan. Đây là nhân vật đạt đỉnh cao về cả danh và thực... Balzac xây dựng nhân vật hãnh tiến trong sự lặp lại ở các tác phẩm như là quá trình khám phá bản chất giả dối, bẩn thỉu và đầy thủ đoạn của xã hội thượng lưu. Sự cách tân này cho thấy sự đa chiều của các mối quan hệ trong tính đa dạng và sự vận động của nhân vật. Cuộc sống của nhân vật không đặt dấu chấm cùng với sự kết thúc xung đột mà còn tiếp tục, cho dù thành công hay thất bại, vì cuộc sống xã hội vẫn luôn luôn tiếp diễn.

Enge’ne De Rastignac - nhân vật tiêu biểu của tấn trò đời, xuất hiện qua 21 tác phẩm, thực hiện thành công những tham vọng của mình trên con đường công danh hãnh tiến. Trong giới hạn của đề tài, chúng tôi chỉ khảo sát

qua các tiểu thuyết đó là Lão Goriot, Vỡ mộng và Miếng da lừa. Lão Goriot là cánh cửa đầu tiên mà Rastignac bước ra cùng với sự khởi nguyên của thủ pháp lặp lại nhân vật. Rastignac là chàng thanh niên tỉnh lẻ, ưa nhìn và ở hắn vẫn còn rơi rớt lại cái chất quý tộc tuy gia đình là quý tộc sa sút. Lúc đầu Rastignac có tâm hồn rất trong sáng, thánh thiện và đầy nhân hậu. Quán trọ Vanquer chính là cây cầu nối giữa hắn với xã hội thượng lưu. Những tình cảm sâu sắc, chân thành giữa hắn với lão Goriot tội nghiệp, giữa tình bạn thân với Bionchon không bền vững, nó nhanh chóng bị phai nhạt, bị lấp mờ bởi dòng xoáy của cuộc đời. Bản thân Rastignac tự nhận thức “cuộc đời là một vũng bùn” nhưng hắn vẫn tự nguyện đắm mình vào vũng bùn đó và tự nguyện bán linh hồn cho quỷ sứ. Nơi quán trọ tồi tàn, Rastignac đã tiếp xúc với xã hội đồng tiền qua những con người khác nhau: giảo nhân Vautrin, hay lão Goriot đáng thương. Rastignac sau khi lo cho lão Goriot một đám tang nghèo nàn, cũng chôn vùi luôn hình ảnh một thanh niên trong trắng còn biết run rẩy xúc cảm hay biết căm phẫn, hờn giận. Kết thúc tác phẩm Lão Goriot cũng là lúc Rastignac ký hợp đồng với quỷ. Trong suốt tác phẩm, tuy có nhiều lúc phân vân, dằn vặt trong quá trình lựa chọn đường đi nhưng có thể thấy Rastignac chưa bao giờ thoát khỏi sức hút của đồng tiền vạn năng. Từ nghĩa địa Pere- Laichaise - nơi đã tiễn linh hồn Goriot khốn khổ, Rastignac đã lột xác hướng về Paris rực rỡ ánh đèn.

Sau giọt nước mắt thuỷ tinh cuối cùng vùi xuống ngôi mộ của “Lão Goriot”, Rastignac đã tha nhân hoá, vẫn giữ dáng điệu thanh nhã, quý tộc nhưng trang phục ngày càng quý phái, sự cách ngôn trở nên tao nhã. Hắn yêu phụ nữ một cách tính toán hơn, và biết đánh giá người khác một cách sắc sảo hơn, đặc biệt biết tự đánh giá mình để lợi dụng triệt để những lợi thế để có thể tồn tại giữa Paris xa hoa. Đó chính là hình ảnh hoàn toàn mới của cùng một Rastignac đang tiếp tục xuất hiện trong một loạt tác phẩm: Vỡ mộng, Bước thăng trầm của kỹ nữ… Bước chân vào xã hội thượng lưu, đồng thời với quá trình phát triển, thay đổi, Rastignac trở thành một người nổi tiếng của Tấn trò đời. Trong Vỡ mộng, bên cạnh hàng loạt những nhân vật khác, Rastignac lại đột ngột xuất hiện, không chỉ làm vệ sỹ hộ giá cho các phu nhân, Rastignac còn là người “dìu dắt” các chàng trai trẻ khi mới lên Paris. Với Lucien de Ruybempré - người đồng hương sinh sau, đẻ muộn, lúc đầu cũng bị hắn lôi ra

chế giễu, nhưng khi thấy Rubempré được bà hầu tước ưu ái, hắn bắt đầu quan tâm và có ý muốn giao kết với nhân vật này. Hắn hứa sẽ giới thiệu cho anh những tay thanh niên thời thượng và dạy cho cách đánh bài. Đến Bước thăng trầm của kỹ nữ thì cả hai đã trở nên thân thiết rồi chính hắn đã phần nào giúp đỡ cho Rubempré trong mối tình say đắm với cô kỹ nữ lừng danh Exte. Ở tiểu thuyết Miếng da lừa, Rastignac luôn làm Raphael de Valentin phải nể phục. Từng bước một, hắn đã đưa Raphael thâm nhập vào thế giới thượng lưu. Ở tác phẩm này, hắn còn trở thành một kẻ môi giới văn chương khôn ngoan và liều lĩnh. Vì tiền, Rastignac có thể làm những chuyện bất lương, hại cả những người đáng kính vô tội. Như vậy, rời bỏ quán trọ nghèo tàn Rastignac đã được xã hội thượng lưu đón nhận, nhào nặn và biến đổi: Từ một sinh viên nghèo đã quý tộc hoá trong sự ăn chơi của mình.

Như vậy, Rastignac đã nhập cuộc một cách thành công. Trong tác phẩm này hắn là nhân vật chính, ở tác phẩm khác chỉ làm nền cho nhân vật chính nhưng hình ảnh tái ngộ của hắn trong liên tác phẩm đã thấy được sự vận động không ngừng của dòng chảy cuộc đời trong tác phẩm Balzac. Hành trình xuyên tiểu thuyết của Rastignac là cuộc khám phá thế giới thượng lưu trong chiều thời gian, không gian và cả chiều sâu của nó nữa. Những nhân vật trong tác phẩm của ông vì thế trở nên sống hơn, thực hơn trong dấu ấn in đậm nơi hệ thống tác phẩm mà nó tồn hiện. Từng nhân vật xuất hiện trong mỗi tác phẩm đều mang lại một cái nhìn mới mẻ về con người trong thời đại đó, về cuộc sống, về thế giới.

Lucien Rubempré cũng là nhân vật tái xuất hiện được tác giả xây dựng qua hai tác phẩm với vai trò là nhân vật chính. Có thể nói Vỡ mộng của Balzac là cuốn tiểu thuyết đã dựng nên những cảnh đời song song đan chéo… Nổi lên hàng đầu và nhức nhối nhất là số phận của nhân vật Lucien de Rubempré. Đây cũng chính là hình tượng khái quát, điển hình hoá thành công nhất. Quá trình thực hiện tham vọng của nhân vật này được tác giả tập trung khắc hoạ sâu hơn so với các nhân vật khác. Từ chàng thi sĩ ngây thơ, Lucien đã thay da đổi thịt trong suy nghĩ với quá trình vật lộn, trăn trở trong tham muốn làm mới mình. Thời kỳ ở Paris, ảo tưởng về công danh của chàng vĩ nhân tỉnh lẻ cuối cùng bị dìm xuống bùn đen sau những ngày bấp bênh lên voi xuống chó. Những ngày sống ở Paris đã đem đến cho Rubempre hàng loạt sự

nhận thức hiện thực đau đớn. Trước hoàn cảnh hiện thực như vậy, Rubempré’ không đủ bản lĩnh để chống lại, anh đã đầu hàng vô điều kiện trước hoàn cảnh. Hiện tại trong anh luôn vang vọng tiếng gọi công danh, không màng đến mặt trái của những việc mình đã làm. Tham vọng của Rubempre’ còn đẩy lên cao hơn khi anh mong muốn sẽ đạt được đạo dụ của vua để chức vị quý tộc được chính thức tước hiệu hoá. ở Vỡ mộng mặc dù sa ngã nhưng phần nào người đọc vẫn còn thấy được một chút ánh sáng còn sót lại le lói trong tâm hồn Rubempre’ và quá trình hoàn tất sự tha nhân hoá của Rubempre’ diễn ra ở

Bước thăng trầm của kỹ nữ. Sự nhập cuộc có vẻ hoàn hảo bởi đứng đằng sau anh ta là một kẻ lưu manh vượt ngục đội lốt mục sư. Trong quá trình tha hoá của mình, Rubempre’ vừa đắm chìm trong lạc thú ái tình vừa lấy lòng phụ nữ làm phương tiện để đẩy nhanh cho con thuyền háo danh cập bờ. Cuộc tình với bá tước Bargeton, với nữ diễn viên Caralie hay sự đam mê, đắm say trong mối chân tình cùng kỹ nữ, mỹ nhân Exte Gopxech… qua hai tác phẩm, cuối cùng cũng không chỉ vì vinh hoa mà thôi. Có thể nói, ở Bước thăng trầm của kỹ nữ, Rubempre’ có lợi thế hơn trong Vỡ mộng vì ở đây anh ta không còn phải xuôi ngược với những mưu toan được đặt chân vào thế giới của những kẻ quyền quý nữa… Khi xây dựng nhân vật tái xuất hiện, Balzac luôn chú ý tới quá trình thay đổi trong sự thích ứng đi lên của nhân vật. Được hoàn cảnh dạy bảo, các nhân vật đã “khôn” hơn và ngày càng ranh ma lún sâu và các mánh khoé. Tuy nhiên, chính những tham vọng điên cuồng đã đẩy nhân vật vào quy luật đào thải của xã hội nghiệt nghã: Rubempre’ đã phải tìm đến cái chết và đó là sự trả giá cuối cùng của nhân vật này. Balzac đã cho người đọc theo dõi từng bước phát triển của tính cách Rubempre’, từ lúc là học trò nghèo được gia đình nuông chiều rồi qua bao lần va chạm cuộc đời là bấy nhiều lần anh ta “vỡ mộng”, tiếp thu được bao nhiêu bài học trong cách hành xử, và cuối cùng đã nô lệ hoá, sẵn sàng nộp mình cho quỷ dữ để hưởng mọi thứ ăn chơi khoái lạc. Không những Balzac đã đặt nhân vật của mình vào mọi môi trường hoạt động khác nhau, ràng buộc với mọi mối quan hệ phức tạp mà ông đã sử dụng nhiều loại ống kính khác nhau để soi chiếu và làm nổi bật lên mọi khía cạnh ngoắt ngéo, thầm kín trong tâm hồn. Xây dựng hình tượng Rubempre’ nhờ thủ pháp lặp lại nhân vật của mình, Balzac đã tạo nên một điển hình nổi bật của Tấn trò đời.

Thủ pháp lặp lại nhân vật đã đem lại cho mỗi nhân vật được tái hiện không phải một hình ảnh tẻ nhạt, đơn điệu và nhất thời mà đã khắc hoạ hình tượng của một nhân vật được miêu tả ở nhiều thời kỳ khác nhau trong những góc độ, hoàn cảnh, môi trường khác nhau. Những phiến đoạn mô tả ấy sẽ tạo nên một hình ảnh tổng diện, chân thực qua liên tác phẩm. Andre Wurmsev cho rằng nhân vật tái hiện khiến Tấn trò đời không chỉ giống một bức hoạ mà gần với công trình điêu khắc, có ba chiều không gian như thế giới thực.

Trong số hơn 2000 nhân vật của Tấn trò đời, đã có hơn 500 nhân vật tái hiện. Dù tái xuất hiện ở bình diện thứ hai hay để làm nền cho nhân vật chính nhưng mỗi chi tiết đều tạo mối liên hệ nội tại giữa các đơn vị tổng thể toàn vẹn và duy nhất là Tấn trò đời. Vautrin là tên hãnh tiến trong sự thủ đoạn xảo quyệt và ma cô nhất. Hắn chỉ luôn là nhân vật phụ xuất hiện trong các tác phẩm nhưng lại là ông thầy của mọi bài học tiến thân. Vautrin xuất hiện từ

Lão Goriot và tái ngộ ở Vỡ mộng, bước tiến đến Bước thăng trầm của kỹ nữ…

để thực hiện bổn phận nghệ thuật của mình. Balzac cũng rất lưu ý tới quá trình Vautrin lột xác từ tên tù trốn trại đến viên chỉ huy nghành cảnh sát của xã hội trắng, đen lẫn lộn.

Như vậy, thủ pháp lặp lại nhân vật ở khía cạnh nhân vật hãnh tiến này là tiếng nói đa chiều của Balzac trong cái nhìn sâu sắc đặt trong mối quan hệ logic đối với xã hội mà ông gay gắt vạch mặt, tố cáo.

Một phần của tài liệu Chủ nghĩa hiện thực và mô hình phản ánh nghệ thuật (Trang 61 - 65)