Huyền thoại hoá thân

Một phần của tài liệu Chủ nghĩa hiện thực và mô hình phản ánh nghệ thuật (Trang 98 - 104)

(Qua một số tác phẩm tiêu biểu)

2.2.1.Huyền thoại hoá thân

Từ việc đề xuất lối tư duy huyền thoại, Kafka đã tạo nên một thế giới mênh mang như cổ tích nhưng cũng đầy xác thực như những gì diễn ra ở thế giới bên ngoài. Motif biến dạng mà Kafka đã vận dụng nguyên tắc lạ hoá để thể hiện đã phơi mở những tầng ý nghĩa hiện sinh về hình ảnh phúng dụ của thân phận con người gắn liền với nỗi ám ảnh, nỗi thắc thỏm lo âu và sự tha hoá.

Ngay trong thời hiện đại người ta không khỏi giật mình khi đọc ngay những dòng đầu tiên của tiểu thuyết Hoá thân: “một sáng tỉnh giấc băn khoăn, Gregor SamSa nằm trên giường thấy mình biến thành một con côn trùng khổng lồ. Lưng anh rắn như thể được bọc kín bằng giáp sắt, anh nằm ngửa dợm nhấc đầu lên và nhìn thấy bụng mình khum tròn, nâu bóng, phân chia làm nhiều đốt cong cứng... ”(40,115). Người tiếp nhận có thể có phản xạ tự nhiên bằng cách lật lại bìa cuốn sách để thấy tự thoả mãn, nếu như đang cầm nhầm một tác phẩm hoang đường của những sáng tác văn học dân gian. Ở đây tính chất kỳ ảo, hoang đường xuất hiện ngay trong cấu trúc nội tại của sự vật. Đầu tác phẩm tác giả giới thiệu về thời gian “một sáng tỉnh giấc băn khoăn”( cũng là thời gian phiếm chỉ của thần thoại, cổ tích), về nhân vật (Gregor SamSa), về tư thế của nhân vật (nằm trên giường). Nhưng oái oăm thay, cái nhân vật mà lần này Kafka đặc biệt trao cả tên họ, chứ không phải huỷ diệt cả nhân thân, danh tính như các nhân vật khác trong Vụ án, trong

Lâu đài, trong Giấc mơ... , lại ở trong tình trạng gớm giếc: biến thành con bọ khổng lồ. Thân phận con người trong thế kỷ XX còn gì thảm hại hơn? Ngòi bút của nhà văn xoáy kỹ vào những đặc điểm của con vật từ cái lưng, cái bụng và những đốt cong của nó để tạo ấn tượng có thật cho độc giả. Sự biến dạng của con người không phải là hoàn toàn mới lạ trong văn học, nhất là văn học dân gian. Nhưng có điều những người anh của nàng Lidơ sau khi bị biến thành những con thiên nga đã hoàn trả lại kiếp người, mà lại còn tuấn tú hơn xưa, những công chúa ếch, hoàng tử cóc... hay những con cáo thành tinh biến thành người, cuối cùng cũng được hoàn nguyên ở kiếp ban đầu, theo chu kỳ luân hồi của nó, còn tình thế của các biến dạng nơi sáng tác của Kafka, mãi mãi vô vọng trong hình thù, diện mạo gớm giếc của mình. Sự phá vỡ tính luân hồi của biến dạng và tạo chu trình khép kín cho số phận đã tạo một Phản quan niệm trong thế giới nghệ thuật của Kafka. Nếu motif dân gian luôn có

quan niệm về một thế giới tuần hoàn luôn theo chu trình luân hồi và tính nhân quả thì ở Kafka thế giới quan đã hoàn toàn thay đổi. Khi cánh cửa hoàn nguyên kiếp người đóng sập lại trước các nạn nhân thì số phận của nó hiện lên bi đát ngay từ trong bản thể.

Một thày thuốc nông thôn cũng cất tiếng nói tuyệt giao với mọi con đường trở về của những con ngựa, tự nhiên xuất hiện trong chuồng lợn, với hình dạng kỳ quái của chúng. Khi ông thày thuốc giữa đêm tối đang lực bất tòng tâm với nhiệm vụ thì một gã mã phu quái đản đột ngột chui ra và gọi “ lũ ngựa đặc biệt” của hắn: “ gã chăn ngựa gọi và hai con ngựa nối đuôi nhau tiến ra; chân chúng quặp sát vào mình, mấy cái đầu đẹp đẽ cúi thấp xuống như thể đầu lạc đà, rồi bằng sức mạnh phi thường của bộ mông, chúng nhích len qua khung cửa vừa sít thân hình chúng. Nhưng lúc chúng đứng dậy, chân chúng dài ra và thân hình bốc hơi mù mịt”( 40,781). Lần này Kafka đã cụ thể hoá hơn quá trình hoá thân kỳ dị so với sự biến dạng của Gregor SamSa, những “con ngựa” có cái đầu giống lạc đà, có cái mông nần nẫn vốn là sở hữu của lũ lợn ấy, đã đưa ông thày thuốc của làng quê đi chữa bệnh trong đêm và mặc cho sự mong muốn đau đáu của ông, chúng cùng gã mã phu đáng ghét cũng nhất quyết không chịu chui vào và biến mất giữa cái chuồng lợn rách nát, như sự xuất hiện bất ngờ của chúng. Đã hoá thân một lần là tuyệt diệt con đường trở lại, mong muốn trở về với khởi nguyên là điều bất khả kháng.

Không phải ngẫu nhiên mà người ta coi bộ Tấn trò đời với dung lượng khổng lồ của H.Balzac là bộ “nghìn lẻ một đêm”. Ngoài cái lý do là sự phản ánh toàn diện, đa chiều mọi ngõ ngách của cuộc sống, thiên tiểu thuyết còn hấp dẫn độc giả ở những chi tiết siêu nhiên của yếu tố kỳ ảo. Chủ nghĩa hiện thực truyền thống lúc nào cũng mô phạm hoá, sáng tác nghệ thuật phải luôn theo các hình thức của đối tượng, với sự chân thực trực tiếp của các chi tiết nghệ thuật. Balzac đã kế thừa và thực thi xuất sắc hơn bất cứ tác giả hiện thực chủ nghĩa nào những quy ước và hệ giá trị thẩm mỹ ấy. Nhưng trong bàn tiệc của mình, ông đã tạo nên khẩu vị đặc biệt nhờ yếu tố kỳ ảo. Chính nhờ những cái siêu nhiên, hư ảo ấy đã tạo nên giá trị hiện thực và là thi pháp khách quan hoá hiện thực do tạo được tiếng nói dân chủ của thời đại. Kafka đã gặp ở Balzac như những minh chứng cho quy luật tồn tại bất biến của văn học nghệ thuật đó là phải luôn luôn có sáng tạo. Cá nhân nghệ sỹ trong tư cách chủ thể

sáng tạo thẩm mỹ phải có nhiệm vụ đem lại luồng sinh khí mới cho hình tượng nghệ thuật, nhưng không phải ai cũng có được tư chất này. Cùng một đối tượng và cùng mối quan hệ, giữa nghệ thuật với hiện thực, và có thể nói cùng một nguyên liệu nghệ thuật nhưng cách ứng xử của các nhà văn lại không hoàn toàn đồng nhất. Điều này chính là điểm dị biệt của khoảng cách chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX với chủ nghĩa hiện đại thế kỷ XX, tuy trên cùng cái nền của sự phản ánh hiện thực. Việc nhào nặn và sử dụng những cái kỳ bí, siêu thực, hoang đường của yếu tố kỳ ảo nơi Balzac hay huyền thoại hoá ở Kafka, xét tận cùng của nó, đều không thể phủ nhận được là sự lưu giữ của họ đối với ký ức nhân loại về nền văn hoá dân gian từ xa xưa. Từ cái nhìn lịch đại ấy và dựa trên nhãn quan của cái đồng đại, sẽ thấy được sự vận động liên tục trong nội tại dòng chảy văn học - nghệ thuật. Trong huyền thoại cổ và những chi tiết kỳ ảo của Balzac, đã có điểm gặp gỡ. DonJuan trong Thuốc trường sinh của Balzac để thực hiện tham vọng có thể tái sinh sau khi lâm chung và được bất diệt tồn tại cùng thời gian đã sử dụng một linh vật là lọ thuốc trường sinh. Như vậy, sự biến dạng, sự hoá thân của cái thi - thể - đã - chết với cái hiện - thể - trường - tồn, đó là nhờ vào phép lạ của linh vật. Các phép lạ màu nhiệm cũng được sử dụng nhan nhản trong huyền thoại cổ. Mở rộng ra một chút, ở ngoài motif biến dạng, cũng trong sáng tác của Balzac, cái làm cho tác phẩm lung linh hư ảo cũng như để toại nguyện hoá tham vọng điên cuồng của Raphael, Balzac đã để kẻ mù quáng ấy sử dụng “miếng da lừa” có phép lạ. Từ đây chúng ta sẽ thấy được một phản đề nữa của Kafka . Đó là những nhân vật và tác phẩm của ông đã hoàn toàn khước từ những phương tiện kỳ ảo, chối bỏ quyết liệt những linh vật tạo phép lạ. Nhưng vẻ đẹp huyền thoại vẫn rất lung linh và quyến rũ. Trong các tác phẩm của Kafka chỉ duy nhất Người cưỡi xô là sử dụng cái xô để bay nhưng cái xô không phải coi như một linh vật để chủ nhân nó thực hiện phép lạ mà chỉ như một phương tiện để tống khứ, tẩy chay, đào thải thật nhanh cái linh hồn hư vô kia... Đây là cách giải mã khác của số phận con người trong thế giới hiện đại. Từ SamSa đến những con ngựa, cứ tự động, ngẫu nhiên hoá thân. Điều đáng lưu ý ở đây lại là thái độ của những chủ nhân và chứng nhân của biến dạng, Gregor SamSa bỗng chốc thấy thân hình của mình bị vật hình hoá, anh lại còn có thể ngắm được từng bộ phận của cái hình hài bọ gớm giếc mà không hiểu (và

cũng không cần hiểu) từ đâu, nhưng không hề có chút sửng sốt, bàng hoàng hay ngạc nhiên. Thản nhiên đón nhận, thản nhiên chấp nhận, thản nhiên và thích thú ăn những thức ăn ôi thiu dành cho con vật... còn vị “thày thuốc nông thôn” bỗng nhiên thấy xuất hiện gã chăn ngựa và những con ngựa đột ngột, lừng lững chui ra từ cái chuồng lợn ẩm mốc lâu ngày, cũng chẳng có chút phản ứng gì. Thậm chí còn dễ dàng chấp nhận sự phi lý ấy. Động thái duy nhất của ông là “cúi xuống nhìn xem có còn vật gì nữa trong chuồng lợn không” ( 40,781) và sai cô hầu đi giúp gã mã phu thắng ngựa. Ở đây, cũng toát lên hệ luận khác về việc tác giả hoàn toàn thủ tiêu tâm lý thực chứng, vốn là logic nội tại của con người và là thế mạnh của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ XIX, của Balzac. Một xã hội với những cái phi lý diễn ra như một sự tất yếu mà các nhân vật dễ dàng chấp nhận và sống chung với nó, coi nó trở thành quán tính trong cách hành xử của mình thì hiện thực lúc này mới trọn vẹn là hiện thực trong cái nhìn chua chát của nhân loại và chỉ thấy điều này qua huyền thoại hoá của Kafka. Nếu huyền thoại đạt được sự tổng hợp và có tầm khái quát lớn, mang những ẩn ý sâu, là những hình tượng nghệ thuật gián tiếp thì kỳ ảo lại có tính trực tiếp trong việc thể hiện tính mục đích làm cho hình tượng có màu sắc dị thường, kỳ quái. Không phải bất cứ cái kỳ ảo nào cũng trở thành huyền thoại. Biện luận như vậy không phải là hạ bệ Balzac mà phải luôn có cái nhìn khách quan với sáng tạo của ông, cái thế giới nghệ thuật luôn trong giới hạn của sự quy phạm. Chỉ đến thế kỷ XX, với chủ nghĩa hiện đại, mà Kafka là một trong những nhà văn tiên phong, mới bứt lên và phá tung cái bức tường quy phạm ấy... và đó cũng chính là lý do để G.M Marquer phải sốc và vỡ lẽ rằng "có thể viết khác đi"... Những con tê giác của Ionesco cũng xuất phát từ cảm hứng hoá thân của Kafka, dĩ nhiên là với cấp độ khác hơn...

Huyền thoại hoá thân trong các sáng tác của Kafka không chỉ được thể hiện ở cấp độ vĩ mô mà còn ở cấp độ vi mô, không chỉ được thực hiện ở những hình tượng nghệ thuật trung tâm mà còn thực hiện ở ngay những chi tiết, những sự kiện nhỏ... . Điều đó cho thấy một thế giới biến ảo khó lường và thân phận tha hoá của kiếp người là luôn có thể diễn ra, trên bất kỳ hình thức và mức độ nào. Xoá nhoà ranh giới, trộn lẫn và hoà quyện giữa chủ thể và khách thể trong tự sự, cũng là một trong những thế mạnh của Kafka. Điều này đã tạo nên sự tương phản trong quan điểm của các nhà cổ điển. Các cổ điển

gia luôn duy trì khoảng cách với hình tượng sáng tạo để tạo thứ khách quan tuyệt đối còn Kafka lại nhập khoảnh cách đó bằng không. Sự pha trộn tiếng nói bên ngoài và vọng ngôn từ bên trong của nhà văn, một phần tạo tầng bậc của cảm xúc, một phần tạo nên tính kỳ dị của huyền thoại. Vết thương của bệnh nhân, mà lúc đầu người thày thuốc nông thôn khám mãi không thấy gì, bỗng chốc nó lại đột ngột hiển hiện trong sự thay hình đổi dạng, thay sắc đổi màu đầy quái đản và gớm giếc: "màu đỏ tươi, luôn thay hình đổi dạng, đen ngòm ở dưới đáy, sáng hơn khi ở quanh miệng, những hạt máu đỏ mịn xen lẫn những cục máu đen dị thường bày ra trông như thể miệng của một hầm mỏ trong ánh sáng ban ngày"( 40,785). Sự hoá thân của vết thương được miêu tả trong mọi ảo giác của màu sắc (đỏ tươi, đen ngòm, sáng hơn... ), trong mọi vị trí của nó (dưới đáy, quanh miệng... ). Lăng kính nghệ thuật của tác giả gí sát cận cảnh để bày lên trang giấy cái kỳ quái, nồng nặc tanh hôi... nhưng tất cả chẳng gây chút ghê tởm hay sợ hãi gì đối với vị bác sĩ. Tâm lý đã hoàn toàn bị triệt tiêu ở thế giới nhân vật của Kafka.

Ngài Klamm hữu danh vô hình của Lâu đài cũng được miêu tả có sự hoá thân kỳ diệu. Ngay chính nhân vật của tiểu thuyết, cô gái Olga cao lớn đã khẳng định điều này: "ông ta hoàn toàn khác khi đến làng, và lại hoàn toàn khác khi ra đi, ông ta khác khi uống bia và khác sau đó, khác lúc thức và khác lúc ngủ, khác lúc ở trong lâu đài" (39,305). Nhưng sự biến hình đổi dạng của các vị quan chức phải lo trăm nghìn việc lớn đến nỗi không thèm nói chuyện với bất cứ ai và chỉ được phép nhìn trộm qua lỗ nhòm, của thể chế quan liêu... cũng phần nào có thể giải thích được. Còn sự biến dạng trong trạng thái đang diễn tiến trước sự bất lực của nhân vật mới quái dị hơn. Con vật trong Hang ổ, với tư cách là chủ nhà và chủ của phát minh kiến tạo ra cái chỗ thường trú của mình, chỉ trân trân đứng nhìn ngã rẽ vào hang của nó đang "co thắt lại" và "trở nên cứng nhắc" (40,672). Sự biến dạng kỳ ảo tạo sự khác biệt với không gian địa lý hiện thể như vậy thông thường chỉ có ở huyền thoại. Sự hoá thân trong tính huyền thoại của nó, trong các sáng tác của Kafka còn hiện trên mọi đối tượng: từ con người đang trở thành tha nhân, đến các sự vật cũng bị tha hoá. Thế giới quan của ông phải chăng là quá bi quan hay đây là dự cảm trác tuyệt của cái nhìn tiên tri mà nó đã tìm thấy câu trả lời sau hai cuộc đại chiến thế giới, sau Auschwitz, sau Hiroshima. Nguyên căn để gây nên sự tha hoá ở

thế giới nhân vật của Balzac là đồng tiền, là tước vị, là hư vinh... còn ở Kafka thì nó lại chẳng ở gì cả, nó tha hoá trong tính chất siêu hình, phi vật chất và vì vậy nó càng nhấn sâu hơn cái thân phận chẳng được coi là thân phận của con người hiện đại.

Gregor SamSa đột nhiên bị cuốn vào sự hoá thân đầy tính huyền thoại. Nhưng không những không được trả lại kiếp người trong chu kỳ: người - vật- người đã thành cố hữu của motif biến dạng dân gian mà anh lại đau đớn hoá thân một lần nữa. Sự hoá thân từ kiếp bọ đến cái chết. Hay nói chính xác hơn, ở tiểu thuyết này, nhân vật đã chết hai lần. Chết lần một là sự đoạn tuyệt xoá bỏ hình thức nhân tính (giá như bị thủ tiêu luôn cả tâm - hồn - con - người thì Samsa đã không phải chịu sự đày đoạ tận cùng như vậy). Nhưng Kafka vẫn để các ý - thức - người tồn tại trong cái hình hài bị côn trùng hoá kia và điều này sẽ ghi lại ý nghĩa da diết nhất về triết lý nhân sinh. Đây cũng là cách thức để tẩy chay, cô lập con người ra khỏi đồng loại, để cho nó vĩnh viễn trở thành một thực thể cô đơn trong vô vọng. Cái chết lần hai là sự triệt tiêu cả hình thể lẫn nội dung: lốt bọ và kiếp bọ đều đã chết. Sự triệt để ngẫu nhiên ở đây in đậm dấu vết của hiện tượng học. Tất cả đều phải chấp nhận định luật bất biến của vũ trụ, của thế giới, con người không có khả năng nào nắm được bản tính của vũ trụ. Thế giới bỗng trở nên xa lạ và thù địch với con người, mọi tai hoạ

Một phần của tài liệu Chủ nghĩa hiện thực và mô hình phản ánh nghệ thuật (Trang 98 - 104)