tranh chấp, theo Tòa Thượng thẩm Paris, giả thiết rằng công ty không chính thức ủy quyền cho giám đốc này thì công ty vẫn chịu sự ràng buộc về thỏa thuận trọng tài vì đối tác đã tin một cách chính đáng là người này có thẩm quyền ký thỏa thuận trọng tài. Pháp luật Cộng đồng Châu Âu cũng đã theo hướng của án lệ Pháp.
2.1.3. Năng lực ký kết thỏa thuận trọng tài
Chủ thể ký kết thỏa thuận trọng tài là một vấn đề quan trọng bởi không phải bất kỳ ai cũng có thể được ký kết thỏa thuận trọng tài. Khoản 3 Điều 18 LTTTM quy định thỏa thuận trọng tài vô hiệu khi “người xác lập thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự”. Có những trường hợp một bên ký kết thỏa thuận trọng tài là pháp nhân không tồn tại trên thực tế, vì vậy mà thỏa thuận trọng tài đã ký không còn hiệu lực pháp lý nữa. Trường hợp này cho thấy rõ ràng pháp nhân đã không có năng lực dân sự. Như vậy “người xác lập” quy định trong LTTTM nên được hiểu là cá nhân trực tiếp ký thỏa thuận trọng tài hoặc cũng có thể chính là pháp nhân mà cá nhân đó đại diện. Theo quy định tại BLDS 2005 “năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự” còn “năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”. Điều 86 BLDS 2005 cũng quy định về năng lực pháp luật của pháp nhân như sau: “Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân là khả năng của pháp nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự phù hợp với mục đích hoạt động của mình”. Đối với cá nhân, năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự là hai khái niệm khác nhau, phát sinh ở những thời điểm khác nhau. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự nhưng không phải ai cũng có năng lực hành vi dân sự. Đối với pháp nhân, pháp nhân tham gia vào các quan hệ pháp luật như một chủ thể bình đẳng, độc lập với các chủ thể khác, cho nên pháp nhân phải có năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Nhưng khác với năng lực chủ thể của cá nhân, năng lực pháp luật và năng lực hành vi của pháp nhân phát sinh đồng thời và tồn tại tương ứng cùng với thời điểm thành lập và đình chỉ pháp nhân. Như vậy, khi không có năng lực pháp luật dân sự thì đương nhiên pháp nhân sẽ không có năng lực hành vi.
Khoản 3 Điều 10 Pháp lệnh quy định thỏa thuận trọng tài vô hiệu khi “một bên ký kết thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”. Nghị quyết 05/2003/NQ- HĐTP cũng đã có hướng dẫn về trường hợp này: “Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 10 Pháp lệnh, thì theo quy định của Bộ luật Dân sự người không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; do đó, để chứng
minh người ký thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì phải có giấy tờ tài liệu chứng minh ngày tháng năm sinh hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định của Toà án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự”. Dường như cả Pháp lệnh và Nghị quyết 05/2003/NQ- HĐTP đều chỉ đề cập đến năng lực chủ thể đối với người trực tiếp ký kết thỏa thuận trọng tài mà quên đi vấn đề năng lực dân sự của pháp nhân. Tranh chấp dưới đây là một ví dụ cho trường hợp này. Đó là tranh chấp giữa Công ty TNHH Thủ Đô II và Công ty PT VINDOEXIM (INDONESIA) (Quyết định số 207/205/QĐ- TANDTC ngày 13-10-2005 của Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội)32. Tranh chấp giữa hai bên đã được giải quyết tại Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam. Ngày 24-9-2004 Công ty TNHH Thủ Đô II yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội hủy quyết định trọng tài vì cho rằng Công ty PT VINDOEXIM không có thật trên đất nước INDONESIA, việc ông Phan Bá Hưng đã nhân danh là Giám đốc Công ty PT VINDOEXIM là không đúng. Tại phiên tòa sơ thẩm, Hội đồng xét xử không xem xét về sự tồn tại của Công ty PT VINDOEXIM mà chỉ căn cứ vào việc ông Phan Bá Hưng không có văn bản nào chứng minh được Công ty PT VINDOEXIM ủy quyền ký kết thỏa thuận trọng tài nên theo Khoản 2 Điều 10, Khoản 2 Điều 54 Pháp lệnh chấp nhận đơn yêu hủy quyết định trọng tài. Sau đó, đại diện theo ủy quyền của ông Phan Bá Hưng là ông Lê Trường Sơn đã kháng cáo toàn bộ Quyết định hủy quyết định trọng tài của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Xét nội dung đơn kháng cáo của ông Lê Trường Sơn và các tài liệu do ông Lê Trường Sơn xuất trình, Hội đồng xét xử thấy không đủ căn cứ để xác định tư cách pháp nhân (năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân) của Công ty PT VINDOEXIM là chủ thể trong quan hệ thương mại theo quy định tại Điều 3 Luật Thương mại và Điều 832 BLDS 1995. Bởi lẽ các tài liệu này là các tài liệu do cơ quan có thẩm quyền nước Cộng hòa INDONESIA lập, cấp và xác nhận bằng tiếng INDONESIA hoặc tiếng Anh nhưng lại không được hợp pháp hóa lãnh sự hoặc có hợp pháp hóa lãnh sự thì lại đều là bản photocopy, không có bản chính; các bản dịch hầu hết không có công chứng, chứng thực hợp lệ… Hội đồng xét xử nhận định khi không có căn cứ pháp lý để xác định tư cách pháp nhân của Công ty PT VINDOEXIM theo pháp luật Việt Nam, thì đương nhiên việc xác nhận về tư cách đại diện của ông Phan Bá Hưng cũng không có giá trị pháp lý theo pháp luật Việt Nam. Do đó, tòa án đã bác kháng cáo của ông Lê Trường Sơn, giữ nguyên Quyết định hủy quyết định trọng tài của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội. Như vậy, rõ ràng trong trường hợp trên thoả thuận trọng tài vô hiệu do một bên tranh chấp là pháp nhân không xác định được tư cách pháp nhân hay nói cách khác là không có năng lực pháp luật dân sự. Tuy nhiên nguyên nhân này