Vị trí, vai trò

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ nữ từ 1986 đến 2001 potx (Trang 26 - 30)

Như đã nói ở trên, nghĩa gốc của từ cán bộ là chỉ những "người nòng cốt", "người chỉ huy" và những người được coi là "bộ khung" của một hệ thống chính trị - xã hội. Chính những từ này đã nói lên một cách khái quát nhất về vị trí, vai trò của cán bộ.

Lịch sử dựng nước và giữ nước, nhất là sự nghiệp đổi mới toàn diện hiện nay của Đảng NDCM Lào đều đã chứng minh vị trí, vai trò và khả năng to lớn của đội ngũ cán bộ của Đảng nói chung và cán bộ nữ nói riêng. Thắng lợi bước đầu của cuộc cách mạng và sự nghiệp đổi mới là ở sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng với đường lối đổi mới đúng đắn, huy động được mọi nguồn lực vật chất, tinh thần của toàn dân, toàn xã hội, giải phóng lực lượng sản xuất, phát huy vai trò con người là trung tâm là nhân tố cơ bản nhất quyết định toàn bộ hoạt động sản xuất vật chất, tinh thần và là động lực cách mạng của toàn xã hội.

Khi nhân tố con người đã được nhìn nhận một cách đúng đắn, vị trí, vai trò của nó được khẳng định thì công tác cán bộ - một trong những yếu tố liên quan đến con người cũng phải được nhìn nhận và chú trọng như một khâu then chốt có tính quyết định cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Cán bộ là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành bại của cách mạng.

Mác và Ăngghen là những người đầu tiên đưa ra quan điểm khoa học về vai trò của cán bộ. Hai ông đã chỉ ra rằng, nếu không có những hoạt động thực tiễn có mục đích thì những tư tưởng tốt đẹp bao nhiêu cũng chẳng đem lại kết quả mong muốn nào cả. Mác và Ăngghen viết: "Muốn thực hiện tốt những tư tưởng thì cần có con người vận dụng một lực lượng thực tiễn" [9, tr.154] và cũng chính từ trong hoạt động thực tiễn của mình, hai ông đã thể hiện và thực hiện nhiều quan điểm và nguyên tắc về cán bộ.

Trong điều kiện lịch sử cụ thể của cách mạng lúc đó, hai ông luôn nhất quán một nguyên tắc: phát hiện, lựa chọn, đào tạo, rèn luyện các nhà cách mạng (cán bộ lãnh đạo) chủ yếu là qua phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng. Đồng thời luôn coi vấn đề nắm vững lý luận là một tiêu chuẩn rất quan trọng trong cuộc đấu tranh cách mạng. Hai ông sớm chỉ rõ: người cán bộ lãnh đạo trước hết là người tiêu chuẩn có lý tưởng và lẽ sống. Trí thức lý luận, trí thức thực tiễn chỉ có thể biến thành hành động cách mạng, đưa cách mạng phát triển đúng hướng, khi gắn liền với lẽ sống, lòng trung thực, tính kiên

nghị, tự nguyện tham gia vào hàng ngũ những người chiến sĩ cách mạng được thử thách trong quá trình đấu tranh cách mạng.

Cán bộ là khâu then chốt và là một trong những yếu tố cơ bản trong một thời kỳ cách mạng của giai cấp vô sản. Lịch sử đã chứng minh rằng giai cấp nào muốn trở thành giai cấp thống trị xã hội cũng phải tạo ra những lãnh tụ chính trị đủ sức lãnh đạo phong trào quần chúng theo ý chí của giai cấp mình.

Lênin là người kế thừa và phát triển tư tưởng của Mác và Ăngghen về đảng cách mạng của giai cấp công nhân trong điều kiện đảng cầm quyền. Lênin đã chỉ rõ: "Trong lịch sử, chưa hề có một giai cấp nào giành được quyền thống trị, nếu nó không tạo ra được trong hàng ngũ của mình những lãnh tụ chính trị, những đại biểu tiên phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào" [5, tr.473]. Bởi vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập Đảng, Lênin đã rất coi trọng công tác cán bộ.

Qua thực tiễn lãnh đạo Đảng và xây dựng đất nước, Lênin tiến hành đánh giá, sắp xếp lại cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng cán bộ theo yêu cầu và đòi hỏi của nhiệm vụ mới. Lênin khẳng định: "Nghiên cứu con người, tìm những cán bộ có bản lĩnh. Hiện nay đó là then chốt, nếu không thế thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy lộn" [7, tr.449].

Như vậy, Mác - Ăngghen và Lênin đã thống nhất trong cách nhìn nhận và đánh giá vị trí, vai trò của đội ngũ cán bộ, nhất là những người lãnh đạo chủ chốt trong sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản và các Đảng Cộng sản, đó là lực lượng biến "tư tưởng", "mệnh lệnh", các "quyết định" của Đảng thành hiện thực.

Trong hơn nửa thế kỷ lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế càng khẳng định rõ ràng rằng, vấn đề cán bộ luôn giữ vai trò quyết định sự thành bại của cách mạng. Sự kiện sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu đầu những năm 90 của thế kỷ trước cũng có nguyên nhân rất cơ bản là vấn đề cán bộ. Ngày nay các Đảng Cộng sản đang cầm quyền càng có điều kiện để nhận thức và khẳng định vai trò quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ. Đặc biệt trong thời kỳ các nước đang tiến hành sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, thực tế cách mạng và tình hình quốc tế làm cho chúng ta càng nhận rõ tầm quan trọng của công tác cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh tụ của nhân dân Việt Nam, nhà văn hóa lớn của nhân loại khi nói về vấn đề cán bộ, nhất là khi nói về vị trí, vai trò, Hồ Chí Minh luôn khẳng định: "cán bộ là gốc của mọi công việc" [14, tr.269], "công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém" [14, tr.273].

Chủ tịch Hồ Chí Minh xem xét vai trò của cán bộ là người lãnh đạo, họ nhân danh Đảng, nhân danh tổ chức làm đầu tàu dẫn dắt mọi phong trào cách mạng của quần chúng, làm gương cho quần chúng và trong mọi công việc "đảng viên đi trước, làng nước theo sau"; là cầu nối giữa Đảng với quần chúng, họ "đem chính sách của Đảng, Chính phủ giải thích cho quần chúng hiểu rõ và thi hành", đồng thời "đem tình hình của quần chúng báo cáo cho Đảng, Chính phủ hiểu rõ đề đặt chính sách cho đúng" [14, tr.269] và với vị trí đó làm cho cán bộ trở thành cầu nối và giữ mối liên hệ qua lại chặt chẽ giữa Đảng và quần chúng nhân dân; là người đầy tớ của nhân dân, phụng sự nhân dân, bảo vệ lợi ích và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.

Đảng NDCM Lào luôn coi đội ngũ cán bộ, nhất là CBLĐ, QL là động lực thúc đẩy cho sự phát triển và thắng lợi của sự nghiệp cách mạng trong mọi thời kỳ. Trong cách mạng dân tộc dân chủ, nếu như con đường phát triển đặc trưng của cách mạng Lào là "vừa đánh vừa đàm", "vừa mở rộng vừa giữ vững vùng giải phóng, vừa thực hiện "hòa hợp dân tộc", thì cán bộ lãnh đạo yếu tố bảo đảm cho con đường phát triển đó. Khi tổng kết kinh nghiệm của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Cay Sỏn Phôm Vi Hản viết: "Trong mỗi lần lực lượng của chúng ta vào hòa hợp dân tộc là mỗi lần chính nghĩa của cách mạng được tỏa sáng thêm, là mỗi lần làn sóng của quần chúng ủng hộ cách mạng và phản đối chính sách phản động của kẻ thù dấy lên mạnh mẽ hơn... cái quan trọng nhất là vì cách mạng có được lực lượng thực tế đủ mạnh và được triển khai sẵn sàng ở mọi mặt trận" [42, tr.174].

ở đây cho thấy vai trò của cán bộ đảng, cán bộ cách mạng và nổi bật vai trò và khả năng của cán bộ nữ trong công tác vận động quần chúng, các tầng lớp nhân dân, phụ nữ các bộ tộc Lào, khơi dậy lòng căm thù của họ đối với đế quốc xâm lược và bọn phản động tay sai góp phần to lớn vào việc lật đổ chính quyền cũ, thiết lập chính quyền mới và chế độ CHDCND Lào vào ngày 2 tháng 12 năm 1975.

Bước vào giai đoạn cách mạng mới bảo vệ và xây dựng đất nước, Đảng coi đội ngũ cán bộ của Đảng nói chung và đội ngũ cán bộ nữ nói riêng là tài sản quý giá của đất nước và của sự nghiệp cách mạng, "con người là vốn quý giá nhất, chỉ chúng ta biết sử dụng, bồi dưỡng họ và nâng cao trình độ từng bước, đừng vội vàng muốn cho con người hiểu biết toàn diện một lúc, họ sẽ trưởng thành cùng với cách mạng và cùng với phong trào quần chúng từ cơ sở trở lên" [34, tr.186]. Đặc biệt, khi bước vào thời kỳ đổi mới, vai trò của đội ngũ cán bộ, trước hết là CBLĐ, QL đã được khẳng định là: "yếu tố quyết định sự thành bại của đường lối đổi mới" [29, tr.53].

Qua thực tiễn lãnh đạo cách mạng và qua đúc kết những kinh nghiệm quý báu. Hiểu rõ tầm quan trọng của cán bộ và công tác cán bộ, Đảng NDCM Lào, ngay từ khi mới ra đời luôn coi công tác cán bộ nói chung và công tác cán bộ nữ nói riêng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu có tầm chiến lược vì phụ nữ Lào chiếm hơn nửa dân số của cả nước. Đảng đánh giá cao vị trí và vai trò rất quan trọng của lực lượng phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của mình. Vì cán bộ nữ là đội ngũ tiên phong của phong trào phụ nữ và của lực lượng phụ nữ rộng lớn. Muốn thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của mình trong từng giai đoạn cách mạng, Đảng và Chính phủ tăng cường đội ngũ cán bộ nữ để lãnh đạo phong trào phụ nữ rộng lớn thực hiện đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Đảng đánh giá đúng vai trò của cán bộ và nhận định rằng:

Vấn đề then chốt của nhiệm vụ cách mạng mà Đảng đang gánh vác trong tình hình hiện nay là phải chú trọng đào tạo, giáo dục cán bộ đảng viên ở các cấp các ngành về mặt chính trị tư tưởng, trình độ kiến thức, khả năng và phong cách làm việc. Kinh nghiệm và thực tiễn lịch sử của chúng ta khẳng định một cách rõ ràng rằng mặc dù đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng đúng đắn, phù hợp đến mấy, nếu cán bộ đảng viên thiếu kiến thức, thiếu khả năng về các mặt để lãnh đạo và tổ chức thực hiện thì đường lối chính sách đó cũng chỉ là tài liệu nằm yên mà thôi..." [34, tr.359].

Muốn thực hiện được đường lối chủ trương của Đảng phải có lực lượng cán bộ hùng mạnh. Cán bộ là vốn quý giá nhất của Đảng, là người lãnh đạo nhân dân, là người phục vụ nhân dân, là cầu nối giữa Đảng với quần chúng, sau khi Đảng có đường lối chủ trương đúng đắn rồi, mọi công việc của cách

mạng tốt hay kém, thắng hoặc bại cũng đều do cán bộ của Đảng quyết định. Vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một công việc rất quan trọng. Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải tiến hành theo nhiệm vụ chính trị của Đảng, phải chú trọng bồi dưỡng lập trường tư tưởng, lý tưởng chiến đấu, rèn luyện đạo đức chính trị và đạo đức cách mạng. Đồng thời không ngừng tăng cường bồi dưỡng khả năng. Chỉ có làm như vậy thì mới có khả năng tăng cường đội ngũ cán bộ cả về chất lượng và số lượng, đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng [33, tr.68-69].

Phụ nữ có vai trò quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội như việc củng cố và phát triển sản xuất, trong việc giáo dục và phát huy văn hóa dân tộc. Đặc biệt là phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc xây dựng gia đình, nuôi dạy con cháu thành lớp người mới XHCN. Đồng thời phụ nữ cũng là một lực lượng cơ bản của đất nước chiếm hơn nửa dân số.

Không có công việc lớn quan trọng nào của đất nước thực hiện được, nếu không có sự tham gia của phụ nữ; và hơn thế nữa có nhiều lĩnh vực công việc mà nam giới không làm được, hoặc không làm tốt được như chị em. Đặc biệt là chị em có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn tổ ấm và sự bền vững của gia đình,... tượng trưng cho sự bảo tồn phong tục tập quán của dân tộc và là chỗ dựa đáng tin cậy của chồng con [66, tr.54-55].

Thực tế lịch sử ở Lào đã chứng minh: "phụ nữ có vị trí quan trọng đặc biệt trong gia đình, có tác dụng quyết định sự nghiệp của chồng con (tục ngữ Lào có câu: "Xem voi hãy xem đuôi", "Chọn con gái hãy xem mẹ"; "nhẫn đẹp do mặt nhẫn", "chồng tốt là nhờ vợ khéo léo)" [31, tr.24].

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ nữ từ 1986 đến 2001 potx (Trang 26 - 30)