Những hạn chế của bài nghiên cứu

Một phần của tài liệu HÀNH VI TIÊU DÙNG CỦA TẦNG LỚP TRUNG LƯU VIỆT NAM (Trang 63 - 64)

Định nghĩa cổ điển đã sử dụng mức chi tiêu trung bình kết hợp với tiêu chí trình độ giáo dục của những người từ 18 tuổi trở lên để xác định khái niệm tầng lớp trung lưu Việt Nam. Ngoài tiêu chí về trình độ giáo dục, tầng lớp trung lưu theo định nghĩa cổ điển còn có thể được nhận diện theo một số tiêu chí khác như sự sở hữu nhà ở, phương tiện đi lại, sự

tham gia vào các hoạt động văn hóa xã hội, trình độ ngoại ngữ. Nếu được xem xét trên các tiêu chí khác nữa thì định nghĩa về tầng lớp trung lưu sẽ được khảo sát đầy đủ hơn nữa.

Hạn chế thứ hai là hàm sản xuất dùng trong phần ước lượng tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2010-2015. Hàm sản xuất được sử dụng là hàm Cobb-Douglas, với hệ số co giãn của lượng vốn vật chất là 1/3 và tỷ lệ khấu hao là 0,05. Các mức này được lấy từ kết quả nghiên cứu của Mankiw và các cộng sự cho nhóm các nước phi dầu lửa. Do vậy, cũng chưa thể hiện được hoàn toàn những đặc thù của một nền kinh tế Việt Nam.

Hạn chế tiếp theo là giả định về đường cong Lorenz không đổi trong giai đoạn 2010-2015. Mặc dù nhóm nghiên cứu đã chứng minh được rằng sự bất bình đẳng trong phân phối chi tiêu tiêu dùng giữa các nhóm dân cư là rất ít tác động đến sự gia tăng quy mô tầng lớp trung lưu trong giai đoạn 1992 – 2006, nhưng giả định trên đã bỏ qua sự thay đổi tính chất bất bình đẳng trong phân phối chi tiêu theo thời gian và do vậy, chưa đánh giá đầy đủ tầm quan trọng của các chính sách trong phân phối chi tiêu tiêu dùng giữa các nhóm dân cư.

Khi tìm hiểu về hành vi tiêu dùng của tầng lớp trung lưu Việt Nam, chúng tôi mới phân tích được cơ cấu chi tiêu vào các nhóm hàng hóa của Việt Nam theo thời gian. Còn nhiều hàng hóa đặc thù khác mà chúng tôi chưa thể đề cập đến trong phần phân tích này.

Một phần của tài liệu HÀNH VI TIÊU DÙNG CỦA TẦNG LỚP TRUNG LƯU VIỆT NAM (Trang 63 - 64)