Một số giải pháp hỗ trợ khác

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên pdf (Trang 100 - 104)

3. Quản lý và sử dụng đất đai ở cơ sở

3.2.6. Một số giải pháp hỗ trợ khác

* Hoàn thiện chế độ chính sách đãi ngộ đối với đại biểu HĐND:

Theo quy định tại Điều 74 Quy chế hoạt động HĐND: "Kinh phí hoạt động của HĐND là một khoản trong ngân sách địa phương do HĐND quyết định theo đề nghị của Thường trực HĐND và theo quy định của Chính phủ…" [79, tr.102].

Quy chế chỉ quy định kinh phí hoạt động cụ thể của đại biểu, còn các nội dung khác như kinh phí cho hoạt động giám sát, kinh phí phục vụ tiếp xúc cử tri, cung cấp

thông tin, các phương tiện, trang thiết bị…chưa được quy định. Vì vậy, ở mỗi địa phương đã có sự áp dụng khác nhau.

Ở huyện Kim Động, đại biểu HĐND cấp xã đang hưởng các chế độ sau: được cung cấp báo cáo của Thường trực HĐND, UBND cùng cấp và các tài liệu khác liên quan đến hoạt động của HĐND; được cung cấp báo người đại biểu HĐND; được cấp thẻ bảo hiểm y tế nếu không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; được hưởng chế độ mai táng khi qua đời; được giữ nguyên lương và các chế độ phụ cấp nếu có đối với đại biểu là cán bộ, công chức nhà nước; được cấp kinh phí hoạt động theo quyết định của HĐND; đại biểu HĐND cấp xã được phụ cấp hoạt động hàng tháng với mức là 0,3 mức lương tối thiểu. Như vậy có thể thấy, chế độ đãi ngộ đối với đại biểu HĐND cấp xã như hiện nay là thấp so với mặt bằng chung của đội ngũ cán bộ, công chức nước ta và đặc biệt thấp so với mặt bằng thu nhập của xã hội. Đối với những đại biểu không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, mức phụ cấp hoạt động hàng tháng của họ là không tương xứng với nhiệm vụ họ đảm nhiệm, thậm chí, với mức phụ cấp hoạt động như hiện nay, một số đại biểu không thể đảm bảo được cuộc sống hàng ngày khi mà giá cả thị trường đang thường xuyên biến động. Lẽ tất nhiên, trong bối cảnh đó, đại biểu sẽ coi công việc hưởng lương hoặc những hoạt động kiếm sống khác là hoạt động chính còn thực hiện nhiệm vụ đại biểu chỉ được coi là hoạt động “làm thêm”.

Để khắc phục sự bất cập nói trên, cần sớm sửa đổi một số quy định của Quy chế hoạt động của HĐND theo hướng quy định cụ thể về chế độ, chính sách đối với hoạt động của HĐND và chế độ đãi ngộ dành cho đại biểu HĐND để các địa phương áp dụng thống nhất, tránh tình trạng tuỳ thuộc vào ngân sách địa phương mà áp dụng một cách khác nhau như hiện nay. Việc quy định phải đảm bảo nguyên tắc công bằng: cùng một đơn vị công tác có tính chất giống nhau, cùng cấp hành chính như nhau thì cần phải được hưởng chế độ giống nhau, không để có tình trạng nơi cao nơi thấp tuỳ thuộc vào ngân sách địa phương.

* Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật và hiện đại hoá trang thiết bị làm việc của

đại biểu HĐND đối với đại biểu HĐND:

Trong thời đại ngày nay, thông tin trở thành một yếu tố quyết định đối với mọi hoạt động trong đó có hoạt động quản lý. Để người đại biểu HĐND thực hiện tốt chức

năng, nhiệm vụ của mình cần phải đảm bảo chế độ thông tin hai chiều từ trên xuống và từ dưới lên. Trước hết là thông tin phục vụ hoạt động của Thường trực HĐND để Thường trực thực hiện chức năng điều hoà, phối hợp, kiểm tra, giám sát…Theo quy định của pháp luật, các cơ quan chuyên môn cùng cấp phải báo cáo định kỳ về thực hiện nhiệm vụ cho Thường trực HĐND xã , nhưng trên thực tế quy định này chưa được thực hiện tốt. Vì vậy, hoạt động của Thường trực HĐND cấp xã vẫn gặp những khó khăn nhất định. Mặt khác, để các đại biểu có đủ thông tin cập nhật, có khả năng giải thích, những thắc mắc của cử tri, thì ngoài các tài liệu của kỳ họp, Thường trực HĐND cấp xã cần thường xuyên tập hợp, cung cấp thông tin và các văn bản có liên quan để các đại biểu HĐND nghiên cứu. Thực trạng hiện nay cho thấy, việc cung cấp thông tin phục vụ hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND về cơ bản vẫn được tiến hành theo những phương pháp thủ công, vì vậy lượng thông tin thường nghèo nàn và đến chậm so với yêu cầu công việc cần giải quyết. Ngày nay khi mà công nghệ thông tin đã phát triển mạnh mẽ, hoạt động của đại biểu HĐND cũng cần phát huy được vai trò của công nghệ thông tin hiện đại. Chẳng hạn nên lập trang Web của HĐND cấp xã trên mạng internet, lập địa chỉ mail của HĐND cấp xã liên hệ trực tiếp với các đại biểu, khi có thông tin cần thiết các đại biểu có thể vào mạng tra cứu và cập nhật thông tin phục vụ cho hoạt động. Trong giai đoạn hiện nay, đây không còn là vấn đề thiếu tính hiện thực. Nhưng để thực hiện được, một vấn đề đặt ra là phải trang bị phương tiện cần thiết cho đại biểu đồng thời bồi dưỡng cho đội ngũ đại biểu HĐND cấp xã những kiến thức cơ bản về vi tính, những thao tác sử dụng các phương tiện thông tin hiện đại. Các đại biểu HĐND cần được trang bị máy tính và các Tổ đại biểu cần có trụ sở làm việc riêng. Bên cạnh đó, HĐND cấp xã nên thành lập một số đường dây điện thoại để tiếp nhận thông tin do cử tri phản ánh. Với biện pháp này, HĐND sẽ nắm bắt được các vấn đề bức xúc trong nhân dân, kịp thời giải quyết phù hợp với lợi ích của dân.

Về phía các đại biểu, từ trước đến nay vẫn quen tiếp nhận thông tin một cách thụ động mà chưa chủ động tiếp nhận thông tin. Bởi vậy, các đại biểu cần phải chủ động yêu cầu các cơ quan có liên quan cung cấp các thông tin cần thiết để phục vụ cho hoạt động. Có như thế, đại biểu mới có khả năng chủ động trong việc giải quyết các vấn đề thuộc phạm vi thẩm quyền của mình.

Các nhóm giải pháp nói trên đều rất cần thiết. Mỗi giải pháp có một vai trò, vị trí riêng, khó có thể đánh giá giải pháp nào quan trọng nhất. Nhưng có thể khẳng định chắc chắn rằng: những giải pháp này chỉ đem lại hiệu quả thực sự nếu được tiến hành một cách đồng bộ, hợp lý và có kế hoạch trên cơ sở quán triệt các quan điểm chỉ đạo cơ bản của Đảng và nhà nước đối với công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nói chung và đội ngũ đại biểu HĐND cấp xã nói riêng.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên pdf (Trang 100 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(118 trang)