3. Quản lý và sử dụng đất đai ở cơ sở
3.1.2. Quan điểm và những biện pháp chỉ đạo của tỉnh Hưng Yên và huyện Kim Động đối với việc nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở
Kim Động đối với việc nâng cao chất lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã ở huyện Kim Động
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ:
Thực hiện các giải pháp nhằm chấn chỉnh bộ máy và quy chế hoạt động của cơ quan, cán bộ, công chức. Cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, bồi dưỡng theo
yêu cầu nâng cao chất lượng cả về năng lực và phẩm chất đạo đức…Có cơ chế kịp thời đưa ra khỏi bộ máy nhà nước những công chức không xứng đáng, kém phẩm chất và năng lực [19, tr.128].
Ngày 16/01/2004 Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 04/QĐ-BNV về việc quy định tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức, xã, phường, thị trấn. Quyết định 04/QĐ-BNV đã quy định cụ thể các tiêu chuẩn đối với cán bộ xã, phường, thị trấn, trong đó có các tiêu chuẩn về tuổi đời, về học vấn, trình độ lý luận, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, quản lý hành chính nhà nước, quản lý kinh tế… Để quy chuẩn hoá cán bộ, công chức bao gồm cả các cán bộ dân cử, đồng thời đảm bảo năng lực thực tế trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao thì cần sớm đẩy nhanh việc chuẩn hoá chất lượng cán bộ, công chức, trước mắt cần tăng cường bồi dưỡng về lý luận, kiến thức về pháp luật, kiến thức quản lý hành chính, kiến thức chuyên môn cho cán bộ, công chức trong đó có cán bộ, công chức cấp xã.
Tại tỉnh Hưng Yên, quan điểm chung mang tính chất định hướng cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay là:
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ trong toàn tỉnh trong đó quan tâm cán bộ ở cấp cơ sở có tư duy mới về kinh tế, tạo được sự bứt phá và phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh, theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phấn đấu đưa tỉnh ta thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo vươn lên giàu mạnh và tạo điều kiện trải thảm đỏ để các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, phấn đấu tỉnh ta đến năm 2020 cơ bản là tỉnh công nghiệp. Tạo được một đội ngũ cán bộ trong toàn tỉnh vừa đảm đương được nhiệm vụ trước mắt, vừa đảm bảo tính kế thừa liên tục, vững chắc và đoàn kết thống nhất ngày càng cao; chủ động chuẩn bị đủ nguồn để qua mỗi nhiệm kỳ đổi mới từ 30 - 40% Ban chấp hành. Đối với cán bộ và các chức danh công chức, trưởng, phó các ngành phải đảm bảo chuẩn hoá theo quy định [13, tr.9].
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khoá XV tiếp tục khẳng định:
Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ trong toàn tỉnh, quan tâm đến cán bộ ở cấp cơ sở có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức trong sáng, có trí tuệ, tâm huyết, năng động, sáng tạo, đủ sức đảm đương và hoàn thành
nhiệm vụ trước yêu cầu thay đổi cơ cấu kinh tế và phát triển xã hội trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt là chuẩn bị một đội ngũ cán bộ nguồn ở cấp xã có trình độ về trung cấp lý luận và trình độ chuyên môn để hoàn thành tốt nhiệm vụ khi được phân công [14, tr.3].
Từ thực trạng về chất lượng, trình độ của cán bộ cơ sở ở Hưng Yên, Báo cáo số 73/BC-VHXH (ngày 08/12/2005) của Ban văn hoá - xã hội thẩm tra trình tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khoá XIV đã kiến nghị:
Sự quan tâm của tỉnh đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước và khuyến khích ưu đãi tài năng là cần thiết và phù hợp với tình hình kinh tế xã hội của tỉnh. Đối tượng đào tạo bồi dưỡng trước mắt nên tập trung vào đối tượng là cán bộ, công chức hành chính nhà nước và cán bộ chính quyền cơ sở cấp xã, phường, thị trấn nhằm xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước thành thạo về chuyên môn, nghiệp vụ, trung thành với chế độ xã hội chủ nghĩa, tận tuỵ với công việc, có trình độ quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu của việc kiện toàn và nâng cao hiệu quả của bộ máy nhà nước từ tỉnh đến cơ sở, thực hiện thành công chương trình cải cách hành chính [1, tr.4].
Thực tế ở Kim Động hiện nay, nguồn cán bộ cơ sở phần lớn là các cán bộ công tác lâu năm hoặc được tuyển dụng từ nguồn quân nhân thực hiện nghĩa vụ quân sự trở về địa phương. Trong thời gian gần 20 năm có hai lần thay đổi về địa giới hành chính dẫn đến việc đội ngũ cán bộ huyện thay đổi (năm 1977 Kim Động được sáp nhập với huyện Ân Thi thành huyện Kim Thi, tháng 4 năm 1996 huyện lại được tái lập) do đó công tác cán bộ ở cơ sở chưa được thực sự quan tâm. Mặt khác, do cơ chế chính sách chưa được thích đáng nên ít người muốn tham gia công tác tại xã. Thực tế đó dẫn đến tình trạng như đã được phân tích tại chương 2 của luận văn là trình độ đại biểu dân cử ở cấp xã còn thấp, nhiều cán bộ cấp xã chưa được đào tạo qua trường lớp. Để sớm khắc phục tình trạng này, HĐND tỉnh Hưng Yên đã ban hành Nghị quyết số 121/2008/NQ- HĐND (ngày 25/7/2008) về việc thu hút sinh viên có trình độ đại học chính quy về làm công chức dự bị tại xã, phường, thị trấn. Thể chế Nghị quyết số 121/2008/NQ- HĐND, ngày 11/3/2009 Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên đã có Quyết định số 03/2009/QĐ-
UBND về việc ban hành Đề án thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy về làm công chức dự bị tại xã, phường, thị trấn. Điểm nhấn trong Đề án này chính là quy định:
Sinh viên tốt nghiệp hệ chính quy có nguyện vọng về cấp xã công tác, có đủ điều kiện được tuyển dụng bố trí công tác, ngoài chế độ tiền lương được hưởng theo quy định hiện hành đối với công chức dự bị còn được hưởng các quyền lợi sau:
Được ưu tiên trong tuyển dụng công chức;
Khi trúng tuyển công chức dự bị cấp xã được: Trợ cấp 15% cho đủ 100% lương bậc 1, hệ số 2,34, ngạch chuyên viên(trong thời gian tập sự)
Được trợ cấp thu hút một lần: 3.000.000đồng/người;
Được trợ cấp sinh hoạt phí ngoài tiền lương hiện hưởng trong thời gian 12 tháng kể từ ngày nhận công tác với mức 300.000đ/tháng;
Được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định hiện hành [72, tr.5].
Đồng thời để thực hiện tốt công tác cán bộ cho HĐND xã, thị trấn nhiệm kỳ 2010-2015 và nhiệm kỳ 2011-2016, Huyện uỷ Kim Động đã có kế hoạch số 62/KH-HU ngày 22/4/2009 về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong kế hoạch này có quy định về trình độ được đào tạo:
Đối với xã, thị trấn: đưa vào quy hoạch phải có bằng chuyên môn tốt nghiệp trung cấp trở lên (kể cả đang học). Ngoài ra phải đảm bảo đúng tiêu chuẩn cán bộ, công chức cấp xã theo quy định (chú ý đến số sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy được tuyển dụng làm công chức dự bị và số quân nhân đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự nếu có đủ điều kiện) [3, tr.6].
Như vậy, nhận thức và quan điểm chỉ đạo công tác cán bộ cơ sở ở Hưng Yên nói chung, ở huyện Kim Động nói riêng đã rõ ràng và đầy đủ. Mặc dầu vậy, tính đến tháng 6/2009 chưa có sinh viên nào tốt nghiệp đại học chính quy nộp hồ sơ xin tuyển dụng ở cấp xã. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu không tiến hành đào tạo tại chỗ hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức cơ sở đương nhiệm đi học các lớp nâng cao trình độ cả về lý luận và chuyên môn thì chắc chắn sẽ không tạo đủ nguồn cán bộ dân cử cho các nhiệm
kỳ sau như yêu cầu đã nêu trong nghị quyết và kế hoạch của Đảng bộ. Nói cách khác, ở đây đang có vấn đề vướng mắc về các biện pháp cụ thể trong việc triển khai các quan điểm về công tác cán bộ cơ sở. Ngoài ra, ngay chính các chủ trương, chính sách về cán bộ cơ sở của tỉnh Hưng Yên và huyện Kim Động cũng cần phải được điều chỉnh, chẳng hạn: không nên nặng về cơ cấu, thành phần như quy định và thực tế hiện nay, cần cụ thể hoá các tiêu chuẩn cán bộ theo tinh thần Quyết định 04/QĐ-BNV…Có như vậy, trong những năm còn lại của nhiệm kỳ 2004-2011 và các nhiệm kỳ tiếp theo của HĐND cấp xã mới có thể có được đội ngũ đại biểu có đủ trình độ, năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ người đại biểu và qua đó thực hiện tốt vai trò của cơ quan dân cử tại địa phương.