Huyện Kim Động nằm ở phía Tây Nam tỉnh Hưng Yên, phía Bắc giáp huyện Khoái Châu, phía Tây giáp sông Hồng, (bên kia sông là huyện Phú xuyên và huyện Duy Tiên tỉnh Hà Tây), phía Nam giáp thành phố Hưng Yên, phía Đông giáp huyện Ân Thi và huyện Tiên Lữ. Kim Động có tổng diện tích tự nhiên là 11.466,60ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 7405,84ha, đất chưa sử dụng còn có thể khai thác được là 146,55ha. Trong đất sản xuất nông nghiệp cũng chia ra mấy loại: đất cấy lúa chiếm 5.239,93 ha; đất trồng mầu chiếm 1.322,45ha; còn 49,99ha là đất trồng cây ăn quả.
Kim Động là một huyện thuần nông đang ở giai đoạn đầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, các ngành kinh tế - xã hội chưa phát triển mạnh, các đô thị, thị trấn, thị tứ đang được hình thành và phát triển nên mức độ ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất đai chưa nghiêm trọng.
- Về dân số: Dân số ở huyện Kim Động tính đến tháng 5/2009 có 119.383 nhân
khẩu trong đó nữ 61.676 nhân khẩu trong độ tuổi lao động là 55.936 người. Nhìn chung dân số của huyện phân bố không đều, tăng dần theo hướng tây đến tây nam, tập trung đông nhất ở huyện lỵ.
- Về văn hoá: Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng
nếp sống văn minh, gia đình văn hoá được thực hiện tốt. Đến nay toàn huyện có 70% số làng văn hoá, tỷ lệ gia đình văn hoá là 87% toàn huyện có 68 đội văn nghệ, 74 thư viện phòng học.
Công tác bảo tồn, bảo tàng và quản lý hoạt động của các lễ hội dịch vụ văn hoá trên địa bàn huyện được quan tâm, toàn huyện có 12 di tích lịch sử văn hoá được công nhận cấp quốc gia.
- Về giáo dục, y tế: mục tiêu cho sự nghiệp giáo dục của huyện là giữ vững kết quả
giáo dục phổ cập Tiểu học, Trung học cơ sở, tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà. Năm 2004 - 2005 có 106 học sinh các lớp 5, 9, 12 đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, 342 học sinh đạt giải cấp huyện. Cơ sở giáo dục ngày càng được quan tâm: trong 2 năm 2007 - 2008 đã xây dựng được 178 phòng học kiên cố cao tầng. Số xã tiên tiến về giáo dục, số trường tiên tiến xuất sắc tăng lên không ngừng. đến nay toàn huyện có số trường công nhận trường chuẩn quốc gia đạt 45%. Song song với giáo dục là y tế. Trung tâm y tế huyện có 90 giường bệnh với đội ngũ 100 cán bộ công nhân viên với 19 bác sĩ, trong đó có 9 bác sĩ chuyên khoa cấp I, có 5 bác sĩ được phong danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Kim Động có 19 xã, thị trấn thì có 19 trạm y tế xã, thị trấn có bác sĩ khám chữa bệnh. Tất cả các thôn đều có cán bộ y tế, kịp thời chữa bệnh cho nhân dân. Năm 2006 Kim Động là huyện đầu tiên của tỉnh có 100% các trạm y tế xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Các chương trình dân số và trẻ em đều được triển khai một cách có hiệu quả trên địa bàn huyện. Tỉ lệ tăng dân số tự nhiên dân số chỉ còn 0,8%, tỉ lệ sinh con thứ 3 ngày càng giảm.
- Về an ninh quốc phòng: Huyện đã tổ chức thực hiện tốt phong trào quần chúng
bảo vệ an ninh tổ quốc, tăng cường các biện pháp phòng ngừa và tấn công tội phạm. Tình hình an ninh trật tự ngày càng ổn định. Huyện có quy hoạch và biện pháp khả thi để tiếp nhận quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương, hoàn thành tốt việc tuyển chọn và gọi thanh niên nhập ngũ, giao quân vượt chỉ tiêu. Với thành tích đã đạt được trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Kim Động đã được Đảng và nhà nước tặng những phần thưởng cao quý, như tặng danh hiệu huyện Anh hùng Lực lượng vũ trang, theo quyết định số 424/KT-CTN ngày 22/8/1998 do Chủ tịch nước ký; Năm 2005, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba cho huyện Kim Động.
- Về kinh tế: Huyện được tái lập từ tháng 4/1996. Trong những năm đầu của công
cuộc đổi mới, Kim Động gặp phải những thách thức khó khăn.
Là một huyện thuần nông có tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình năm đạt 8,3% (năm 1999), cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp - Công nghiệp xây dựng - Dịch vụ thương mại là 65% - 12% - 23%. Thu nhập bình quân đầu người 2,88
triệu đồng. Tổng thu ngân sách trong toàn huyện đạt 7 tỷ/năm, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhiều xã xảy ra điểm nóng, khiếu kiện kéo dài phải tập trung giải quyết, các thành phần kinh tế chưa phát triển, chưa có doanh nghiệp vào đầu tư trên địa bàn huyện. Đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở đã yếu lại thiếu trầm trọng, không đồng bộ, mất cân đối các lĩnh vực, chưa ngang tầm với phát triển tỉnh nhà trong tiến trình công nghiệp hoá hiện đại hoá [11, tr.5].
Kim động vươn lên khá nhanh trong thời kỳ đổi mới. Báo cáo giữa nhiệm kỳ 2005-2010 đánh giá.
Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đều đạt và vượt so với kế hoạch, tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, cơ cấu kinh tế chuyển dịch kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ giảm...tốc độ tăng trưởng kinh tế năm năm 2008 đạt 13,5%, cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp - Công nghiệp xây dựng - Dịch vụ thương mại là 40,1% - 27,3% - 32,6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng)[50, tr.3].
Với những kết quả đã đạt được, tình hình kinh tế xã hội huyện Kim Động đã có những chuyển biến rõ rệt, đời sống nhân dân được tăng lên đáng kể, nhiều công trình thuỷ lợi, giao thông, xây dựng được đưa vào sử dụng, phát triển kinh tế, phục vụ nhân dân, quốc phòng - an ninh được giữ vững, chính trị ổn định. Phong trào xoá đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới phát triển mạnh. Hệ thống chính trị được quan tâm củng cố, đội ngũ cán bộ ngày càng trưởng thành, từng bước đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới. Điều đó càng khẳng định tính đúng đắn của chủ trương phát triển kinh tế xã hội của Đảng bộ và nhân dân Kim Động, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của tập thể HĐND và các đại biểu HĐND các xã, thị trấn cũng như của toàn thể cán bộ và nhân dân trong huyện Kim Động.