III. Hình ảnh thơ
2. Hình ảnh màn đêm
Trong những năm chống Mỹ cứu nước, màn đêm là một hình ảnh được các nhà thơ khai thác với nhiều tìm tòi, nhiều sắc thái mới. Màn đêm bưng lấy mắt quân thù tàn bạo, nhưng màn đêm lại là người bạn đắc lực của cuộc chiến tranh nhân dân đầy sáng tạo. Những đêm hành quân cả nước lên đường, những đêm xung kích lao vào trận đánh, những đêm đất nước hồi sinh lại sức sống, cỏ cây ruộng đồng bị đốt cháy chảy lại dòng nhựa sống, bầu không khí ngột ngạt nồng khét bom đạn lại trong lành. Đó là đêm của miền Nam trong chiến đấu :
Đêm Quảng Trị dắt ta vào trận đánh Như pháo rung rung đầu líp nụ xoè
Đêm kỳ diệu quen nhuộm màu đen nhánh
Đêm nghìn đời đất thành vẫn trùm che
(Vũ Ngàn Chi)
Hay trăn trở hơn trong những cảm xúc ngọt ngào, sâu lắng của tình yêu đất nước quê hương :
Ôi yêu sao đồng bằng gian khổ
Đêm thấm sâu mang nặng tình châu thổ Đêm ngọt ngào hương gió quyện phù sa
Đêm bao la trong ánh lửa sáng loà
Đêm gợi dậy một bình minh sức sống
(Diệp Minh)
Sức sống của dân tộc lao vào cuộc chiến đấu đã cho Xuân Diệu sức mạnh
để ông vượt trong bóng đêm của những chuyến đi thực tế và tìm được sự giao cảm với con người và tạo vật :
Đêm hành quân thả tâm hồn đi trước Yêu với căm hai đợt sóng ào ào Vỗ bên lòng dội mãi với trăng sao
(Xuân Diệu)
Nơi có bóng đêm bao trùm cũng chính là nơi mà nhịp sống của đất nước trở
nên căng thẳng sôi nổi nhất. Không phải là sự im lìm trong giấc ngủ, mà nói như
Phạm Tiến Duật :
Nơi tắt lửa là nơi vang rền xe xích Kéo pháo lên trận đại đồng cao...
…Nơi tắt lửa là nơi dài tiếng hát
Đoàn thanh niên xung phong phá đá sửa đường
(Phạm Tiến Duật)
Hình ảnh màn đêm còn được nói tới với nhiều màu sắc nữa trong nhiều bài thơ thời chống Mỹ, nhưng chỉ chừng ấy cũng đủ khẳng định sức sống bền bỉ, mãnh liệt và kỳ diệu của đất nước, con người Việt Nam trong những năm đau thương chiến đấu.