Trên cơ sở tuân theo các nguyên tắc cơ bản trên, theo chúng tôi cần tiến hành một số giải pháp chủ yếu sau để có thể khắc phục những yếu kém trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc nước ta, và từ đó, thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống vùng này đạt hiệu quả cao hơn nữa.
Một là, phải nâng cao trình độ của "quan trí" và "dân trí" trong vùng đối với
việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống của vùng. Với việc
thực hiện giải pháp này sẽ góp phần khắc phục được một số nguyên nhân gây nên những tồn tại nhất định trong quá trình thực hiện công việc đó, bởi vì:
Trước hết, nó nâng cao được sự nhận thức của con người nhất là của các nhà quản lý trong vùng về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống của vùng. Từ đó, giúp các nhà quản lý có thái độ đúng đắn trong hoạch định chính sách cũng như trong chỉ đạo thực hiện công việc này. Nó cho phép họ thoát khỏi tư tưởng coi nhẹ việc làm này so với việc phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Hơn nữa, nó còn tạo điều kiện nâng cao sự hiểu biết của mọi người trong vùng về các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống, giúp họ phân biệt được các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống đích thực với những cái lạc hậu, lỗi thời, không còn phù hợp với điều kiện mới. Từ đó, giúp cho việc thẩm định, đánh giá các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống của vùng này được chuẩn xác hơn, góp phần thúc đẩy chất lượng và hiệu quả của công việc bảo tồn và phát huy các giá trị đó ngày càng được tốt hơn.
Mặt khác, với việc nâng cao trình độ dân trí trong vùng còn dẫn tới kết quả làm cho con người ở đây có sự nhận thức đúng đắn về nội dung của bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống, giúp họ tránh được cách nhìn siêu hình đối với công việc này, tránh được sự cực đoan, thái quá trong bảo tồn và phát huy các giá trị đó.
Để thực hiện tốt giải pháp trên, cần phải tiến hành một số công việc cụ thể sau:
- Nâng cao trình độ nhận thức và năng lực chỉ đạo trong hoạt động thực tiễn của các nhà quản lý, nhất là các nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa, môi trường của vùng vì họ là những người trực tiếp lãnh đạo việc thực hiện công việc đó, nên năng lực của họ sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của công việc.
- Nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống. Trong đó, đặc biệt chú ý nâng cao trình độ cho những cán bộ là người bản địa vì họ là người hiểu rõ nhất những giá trị đó.
- Cần phát triển công tác giáo dục và mở rộng hệ thống tuyên truyền để nâng cao trình độ dân trí cho dân cư địa phương nhất là dân cư ở vùng sâu, vùng xa, giúp họ có nhận thức đúng đắn về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên, về vị trí, vai trò của con người trong hệ thống con người - xã hội - tự nhiên - đây chính là cơ sở chung để giải quyết mọi vấn đề sinh thái.
Hai là, phát triển kinh tế, thực hiện xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào trong vùng, chủ yếu là phát triển những ngành, nghề phù hợp với các điều
kiện phát triển bền vững - đây chính là cơ sở kinh tế để bảo tồn và phát huy các giá trị
văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng này đạt được hiệu quả cao nhất, bởi vì, với giải pháp này sẽ cho phép khắc phục được tình trạng kinh tế - xã hội tập kém lạc hậu vốn đã tồn tại từ bao đời nay. Khi vùng này thoát khỏi đói nghèo thì một mặt, sẽ tạo điều kiện để dân cư trong vùng có cơ hội được học hành, nâng cao trình độ dân trí,nâng cao sự hiểu biết về vai trò và nội dung của việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống; mặt khác, nó sẽ tạo ra những tiền đề vật chất cần thiết góp phần giải quyết những tiêu cực trong mối quan hệ của con người nơi đây với tự nhiên - những cái làm cho các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống của vùng có nguy cơ bị mai một như: tình trạng đốt phát rừng bừa bãi, khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách vô độ,...
Để thực hiện tốt giải pháp trên, cần phải tiến hành một số việc sau đây:
- Xóa bỏ hình thức sản xuất tự cấp, tự túc vốn đã tồn tại ở đây từ lâu đời, tạo điều kiện để kinh tế thị trường phát triển. Qua đó, tạo ra động lực để thúc đẩy kinh tế vùng này phát triển, thoát khỏi tình trạng đói nghèo, lạc hậu. Tuy nhiên, cũng phải có biện pháp khắc phục mặt trái của nền kinh tế thị trường đã gây ra sự biến đổi mang tính tiêu cực của các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống vùng này.
- Xóa bỏ sự độc canh trong sản xuất nông nghiệp ở vùng núi Đông Bắc, nhất là ở những nơi vùng sâu, vùng xa. Xây dựng được một cơ cấu kinh tế phù với điều kiện của vùng. Ngoài sản xuất cây lương thực, ở đây còn có thể phát triển một số ngành như: trồng các cây công nghiệp (quế, hồi,..), trồng rừng để cung cấp nguyên liệu cho một số ngành sản xuất công nghiệp,...
- Giúp đỡ vốn, khoa học công nghệ cho dân cư trong vùng để họ có điều kiện về kinh tế và kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng sản xuất. Từ đó góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của dân cư trong vùng.
- Kiên quyết xóa bỏ tình trạng du canh du, cư tự do, kể cả đi và đến ở một số nơi vùng sâu, vùng xa.
Ba là, nâng cao chất lượng công tác thẩm định các giá trị văn hóa sinh thái
truyền thống ở vùng núi Đông Bắc nước ta. Đây là một trong những giải pháp có ảnh
hưởng trực tiếp tới hiệu quả của công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc nước ta, bởi vì, nếu việc thẩm định các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống được thực hiện tốt thì sẽ cho phép chúng ta xác định đúng được đối tượng cần phải bảo tồn và phát huy. Từ đó, sẽ cho phép khắc phục được những sai lầm, cực đoan trong công tác này. Nó giúp chúng ta giữ lại những giá trị văn
hóa sinh thái truyền thống đích thực, còn phù hợp, đồng thời loại bỏ những cái đã trở nên cổ hủ, lạc hậu, không còn phù hợp với điều kiện hiện nay một cách chính xác nhất.
Để thực hiện tốt giải pháp trên, cần phải tiến hành một số việc sau đây:
- Đầu tư đầy đủ tiền đề vật chất, những trang thiết bị có trình độ kỹ thuật cao để phục vụ tốt hơn cho công việc thẩm định các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng này.
- Nâng cao năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tế cho đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác thẩm định các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc nước ta.
Bốn là, cần phải đầu tư cho việc cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng vật chất ở
vùng núi Đông Bắc, bởi vì:
Trước hết, nó góp phần khắc phục được tình trạng đói nghèo, lạc hậu đã từng đeo bám đời sống con người vùng này từ ngàn đời nay. Khi cơ sở hạ tầng vật chất của vùng được hoàn thiện cũng có nghĩa là nó đã tạo ra được một môi trường thuận lợi cho quá trình sản xuất ở đây phát triển. Điều này làm cho nền kinh tế ở vùng núi Đông Bắc có một sự khởi sắc, đổi mới và phát triển không ngừng.
Bên cạnh đó, nó còn tạo điều kiện cho việc mở rộng giao lưu giữa vùng này với các vùng khác. Qua đó, tạo điều kiện cho dân cư ở đây tiếp cận được những thành tựu khoa học hiện đại, nâng cao trình độ dân trí dẫn tới họ có cách thức khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và không ngừng nâng cao chất lượng môi trường sống của vùng như: thực hiện công nghệ khép kín, thay công nghệ cũ bằng những công nghệ cao, công nghệ sạch,...
Để thực hiện giải pháp trên, cần phải tiến hành một số công việc cụ
thể sau:
- Ưu tiên đầu tư vốn và trang, thiết bị cho công việc cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng vật chất ở vùng này. Ngoài nguồn vốn ngân sách nhà nước còn có thể huy động cả các nguồn vốn khác ở trong và ngoài nước.
- Thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất cho khu vực miền núi Đông Bắc phải vừa phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng, vừa góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước. Trong quá trình đó, phải quản lý và giám sát chặt chẽ các quy trình xây dựng và thẩm định của các công trình.
Năm là, trong thời gian tới phải làm tốt công tác kế hoạch hóa gia đình dưới
mọi hình thức từ tuyên truyền, giáo dục đến xử phạt hành chính để giảm tỷ lệ gia tăng
dân số ở vùng này xuống mức phù hợp với mục tiêu chung của cả nước. Việc thực hiện
giải pháp này là một trong những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc được thực hiện có hiệu quả hơn, bởi vì:
Chính việc gia tăng dân số nhanh là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng đói nghèo, lạc hậu ở vùng này trong thời gian vừa qua. Vì vậy, nếu chúng ta làm tốt công tác kế hoạch hóa gia đình, giảm được tốc độ gia tăng dân số thì sẽ góp phần không nhỏ vào việc thực hiện xóa đói, giảm nghèo, làm cho nền kinh tế ở đây phát triển. Từ đó, sẽ có cơ sở kinh tế để các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống vùng này được bảo tồn và ngày càng được phát huy hơn nữa.
Tỷ lệ gia tăng dân số giảm còn góp phần cải thiện được tình trạng khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi, tình trạng ô nhiễm môi trường sinh thái do mật độ dân số tăng nhanh trong vùng như hiện nay.
Để thực hiện tốt giải pháp trên, cần tiến hành một số công việc sau:
- Mở rộng công tác tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình nhằm làm cho dân cư trong khu vực thấy được mức độ ảnh hưởng của dân số đến đời sống kinh tế và vấn đề môi trường sinh thái.
- Có sự đầu tư thỏa đáng cho công tác kế hoạch hóa gia đình, nhất là đối với khu vực vùng sâu, vùng xa từ đội ngũ cán bộ đến phương tiện thực hiện công việc này.
Trên đây là một số giải pháp chủ yếu (chứ không phải là duy nhất) cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc nước ta. Cùng với thời gian, các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống cũng có sự thay đổi nhất định. Nó có thể được bảo tồn, giữ nguyên, hoặc được phát huy, phát triển, hay đã trở thành những cái cổ hủ, lạc hậu, lỗi thời cần phải xóa bỏ. Chính vì vậy, các giải pháp đưa ra cũng chỉ mang tính định hướng, nó cần phải được bổ sung thường xuyên để phù hợp với điều kiện phát triển mới. Tuy nhiên, giải pháp đưa ra bao giờ cũng phải tuân theo quan điểm của triết học Mác - Lênin, đó là: tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, và ý thức xã hội cũng có tính độc lập tương đối so với tồn tại xã hội.
Kết luận chương 2
Được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, vùng núi Đông Bắc nước ta đã thu được một số thành tựu quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống của vùng, các giá trị chân, thiện, mỹ vẫn thể hiện rõ nét trong đời sống mới của con người nơi đây. Dưới sự tác động của kinh tế thị trường nó cũng có
những biến tướng tiêu cực và còn tồn tại một số cái cổ hủ, lạc hậu không còn phù hợp với thời kỳ cách mạng mới; còn tồn tại những hạn chế này vừa do những nguyên nhân chủ quan vừa do những nguyên nhân khách quan khác nhau. Muốn khắc phục được những hạn chế đó phải dựa trên các giải pháp và các nguyên tắc chung của cả nước, trên cơ sở đó mới khắc phục những hạn chế cụ thể, đặc thù của vùng này như điều kiện địa lý phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, trình độ hiểu biết về khoa học, công nghệ của đại bộ phận dân cư còn rất thấp, kinh tế - xã hội kém phát triển, v.v... và đưa ra giải pháp để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống của vùng một cách hiệu quả.
kết luận
Văn hóa sinh thái là một bộ phận của văn hóa nói chung - của "giới tự nhiên thứ hai" do con người sáng tạo ra. Trong quá trình sinh tồn của mình, con người bắt buộc phải có quan hệ với tự nhiên, phải cải tạo và biến đổi nó nhằm phục vụ cho những nhu cầu thiết yếu của mình. Thông qua quá trình tác động vào tự nhiên, con người đã dần dần khám phá ra những quy luật vốn có của nó. Nhờ đó, con người đã đóng vai trò tích cực trong mối quan hệ đối với tự nhiên, con người không còn bị lệ thuộc một cách thụ động vào tự nhiên như ở thời kỳ sơ khai nữa. Đồng thời, trong quá trình tác động và làm biến đổi giới tự nhiên để tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần, con người đã ứng xử trong sáng, lành mạnh và hài hòa với tự nhiên, tạo ra được những cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong quan hệ với tự nhiên. Tất cả những giá trị mà con người có được trong cách ứng xử đó chính là biểu hiện những giá trị của văn hóa sinh thái. Như vậy, vấn đề văn hóa sinh thái có mối quan hệ chặt chẽ với vấn đề môi trường. Hiện nay, vấn đề môi trường và tự nhiên đang đứng trước nguy cơ: sinh thái bị hủy diệt, môi trường bị ô nhiễm, tầng ôzôn bị thủng, rừng bị tàn phá, đất đai bị xói mòn, tài nguyên thiên nhiên bị cạn kiệt,... Đây chính là cái giá mà con người phải trả cho những hành vi "chinh phục" tự nhiên không có giới hạn của mình. Do vậy, vấn đề văn hóa sinh thái đã trở thành vấn đề cấp bách và đang được cả loài người quan tâm.
Khu vực miền núi Đông Bắc nước ta có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt và kinh tế - xã hội lạc hậu, qua đó đã hình thành một vùng văn hóa sinh thái có những giá trị truyền thống mang bản sắc riêng. Trong đó mang đậm nét nhân văn của con người đối với tự nhiên. Con người ở đây từ lâu đời đã có truyền thống sống hài hòa với tự nhiên; có tình yêu vô bờ đối với thiên nhiên; có lối sống luôn tìm cách thích ứng với tự nhiên trong mọi hoạt động sống. Đó cũng chính là những giá trị văn hóa sinh thái truyền thống của vùng.