Những hạn chế của việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc nước ta

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc nước ta hiện nay pdf (Trang 51 - 54)

thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc nước ta

Trong thời gian qua, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng này còn tồn tại một số hạn chế, điều đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân địa phương, tới sự phát triển của vùng này nói riêng cũng như sự phát triển của cả nước nói chung. Đó là:

Mặc dù trong đường lối của Đảng đề ra đã quan tâm đến vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống của cả nước nói chung cũng như của vùng núi Đông Bắc nói riêng nhưng trong thực tế, việc thực hiện công việc này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Sự đầu tư cho công việc này vẫn còn khiêm tốn so với các công việc khác, chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng số vốn đầu tư. Từ đó, công việc sưu tầm, nghiên cứu, thẩm định, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở đây còn gặp nhiều khó khăn từ cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công việc này đến con người thực hiện công việc đó. Do vốn ít nên việc sưu tầm các giá trị văn hóa sinh thái ở vùng núi Đông Bắc rất hạn chế vì địa hình ở đây phức tạp, dân cư sống rải rác, đi lại không thuận tiện, chi phí cho công việc này đòi hỏi phải tốn kém và kì công trong khi đó điều kiện ở đây lại không cho phép. Nhiều giá trị văn hóa sinh thái truyền thống đã không có cơ hội được giới sưu tầm biết đến để bảo tồn và phát huy, nó

bị phai nhạt dần cùng với thời gian. Trong công tác thẩm định các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống cũng có khó khăn nhất định vì điều kiện vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công việc này rất lạc hậu và thiếu thốn. Đặc biệt, vấn đề năng lực chuyên môn và sự nhiệt tình của đội ngũ cán bộ làm công việc này hiện nay cũng còn bất cập so với yêu cầu đặt ra. Đa số những người này chưa nắm vững lý luận cũng như phương pháp tiến hành, phần nhiều làm đâu hiểu đấy theo kiểu vừa làm vừa rút kinh nghiệm chứ chưa được đầu tư đào tạo cơ bản. Từ đó đã dẫn tới hiệu quả thực hiện việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng này chưa cao.

Trong nhận thức về vai trò, vị trí, nội dung của các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống của vùng còn nhiều lệch lạc, chưa đúng dẫn tới việc bảo tồn và phát huy các giá trị này cũng có lệch lạc, sai lầm, nhiều khi lại thái quá, cực đoan: hoặc cho cái cổ truyền là lạc hậu, lỗi thời và muốn xóa bỏ triệt để mà không có sự kế thừa, muốn có ngay cái mới hoàn toàn; hoặc ngược lại, cố níu lấy cái truyền thống, kể cả những cái đã lạc hậu, lỗi thời, đã trở thành hủ tục mà nghi ngại trước cái mới, thực hiện bảo tồn theo kiểu giữ nguyên xi những cái truyền thống mà không có sự chọn lọc, phát huy và phát triển.

Thời gian qua, chúng ta mới chỉ sưu tầm, thu thập và nghiên cứu được một phần nhỏ trong di sản giá trị văn hóa sinh thái của vùng này, phần còn lại có nguy cơ mai một dần cùng với sự ra đi của những nghệ nhân dân gian và lớp người già nắm vững, hiểu biết về các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng này. Trong khi đó, lớp trẻ trong vùng hiện nay lại không nhận thức được các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống là vốn quý nên hay có tâm lý tự ti, mặc cảm, thậm chí coi thường, đánh giá thấp các giá trị do tổ tiên để lại, cộng vào đó, họ lại bị ảnh hưởng, bị choáng ngợp trước văn hóa sinh thái của các vùng phát triển hơn nên có xu hướng coi nhẹ, quay lưng lại với các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống của vùng mà không hề có ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị đó do bao thế hệ sống ở đây tạo ra.

Những năm gần đây, dưới tác động của nền kinh tế thị trường đã làm cho các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng này nhiều khi không giữ nguyên được giá trị của nó, nó đã bị ảnh hưởng và bị lai căng, nhiều khi trở thành sự kệch cỡm, các giá trị không còn giữ được bản sắc riêng của mình nữa, ví dụ như, người Mông ở đỉnh núi cao có thói quen ở nhà đất, điều đó rất phù hợp với điều kiện tự nhiên và môi trường sinh thái ở đây, nhưng gần đây nhiều ngôi nhà được xây dựng đã tiếp thu không ít kiểu kiến trúc của người Kinh từ đó làm mất đi bản sắc riêng của văn hóa sinh thái vùng này, họ đã trang trí đòn nóc bằng cách chạm, khắc hay vẽ hoa văn, ghi niên đại xây dựng nhà, khẩu hiệu và câu đối như người Kinh.

Thực tế ở vùng này còn nhiều trường hợp có sự nhầm lẫn giữa các phong tục, tập quán sinh thái lành mạnh, tín ngưỡng dân gian với mê tín dị đoan, chưa có sự phân định chính xác đã dẫn tới hiện tượng có những giá trị văn hóa sinh thái truyền thống còn có ý nghĩa, có tính tích cực thì bị bỏ quên, trong khi đó, có những cái đã hết giá trị, không còn phù hợp với thời đại mới, đã trở nên cổ hủ, lạc hậu thì vẫn được giữ lại, được bảo tồn, thậm chí còn được phát triển hơn. Ví dụ như, ngày hội xuống đồng (hội Lồng Tồng) của người Tày hay lễ hội cầu mưa của người Lô Lô,... một mặt nó là tín ngưỡng dân gian, nhưng mặt khác, nó còn thể hiện ước muốn hòa hợp với tự nhiên, chinh phục tự nhiên của con người nơi đây, vì vậy, nó cần phải được bảo tồn chứ không thể bị xóa bỏ hoàn toàn như trước đây có một thời kỳ chúng ta đã thực hiện. Hay quan niệm về thần núi của người Tày, người Nùng cũng không hẳn là sự mê tín dị đoan, một mặt nào đó, nó đã góp phần hạn chế tình trạng chặt phá rừng nhất là rừng đầu nguồn một cách bừa bãi, từ đó góp phần bảo vệ tự nhiên, bảo vệ môi trường sống. Ngược lại, có những hiện tượng như tập quán du canh du cư với tình trạng đốt rừng làm nương rẫy hiện nay đã trở nên lỗi thời, không còn phù hợp với điều kiện mới, nó đã vi phạm đạo đức sinh thái, có ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái nhưng vẫn chưa được xóa bỏ hoàn toàn, có một số đồng bào ở vùng sâu vùng xa vẫn còn duy trì cách thức sinh sống và canh tác kiểu này. Đối với những hiện tượng này, trong thời gian tới cần phải kiên quyết xóa bỏ.

Hiện nay con người ở vùng này do mải chạy theo lợi nhuận, chạy theo "chủ nghĩa thực dụng" nên nhiều khi vì lợi ích của bản thân đã xâm phạm tới lợi ích của tự nhiên. Con người đã khai thác tài nguyên khoáng sản đến mức cạn kiệt, chặt phá rừng nhất là rừng đầu nguồn một cách bừa bãi dẫn tới tình trạng mất cân bằng sinh thái, tình trạng hạn hán và lũ lụt thường xuyên xảy ra đe dọa đến sự sinh tồn của chính con người. Không ai có thể quên được những trận lũ quét tàn khốc xảy ra ở một số khu vực miền núi Đông Bắc như Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang,... đã phá hoại tài sản và cướp đi sinh mạng của bao con người. Sở dĩ có những hiện tượng hãi hùng đó là do con người vùng này trong thời gian qua đã coi nhẹ việc bảo tồn các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống, đã quên đi những giá trị văn hóa sinh thái tốt đẹp như: tư tưởng phải sống hòa hợp với tự nhiên, hay tình yêu thiên nhiên của con người,... Đó chính là hậu quả của việc con người ở đây đã coi thường các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống do sự tác động của nền kinh tế thị trường và do ảnh hưởng của các thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại, đúng như lời nhận xét của ông F. Mayor - Tổng giám đốc UNESCO: "Chưa bao giờ như ngày nay, sự căng thẳng giữa khoa học và lương tâm, giữa kỹ thuật và đạo đức lên tới cực điểm đã trở thành mối đe dọa toàn thế giới" [35, tr. 38].

Để khắc phục những yếu kém, tồn tại trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ở vùng núi Đông Bắc nước ta hiện nay, trước hết phải tìm ra được những nguyên nhân đã gây ra tình trạng yếu kém đó.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc nước ta hiện nay pdf (Trang 51 - 54)