Những thành tựu của việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc nước ta

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc nước ta hiện nay pdf (Trang 48 - 51)

sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc nước ta

Trong thời gian qua, đặc biệt là từ sau khi Luật Bảo vệ môi trường ở nước ta được Quốc hội thông qua ngày 27/ 12/ 1993 và từ Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (6/7/1998) đến nay, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc nước ta đã đạt được một số thành tựu đáng kể:

Nhà nước đã có một số biện pháp nhằm nâng cao sự hiểu biết của nhân dân trong vùng về vai trò của việc bảo tồn các giá trị văn hóa sinh thái của cả nước nói chung, của vùng núi Đông Bắc nói riêng như: đã tổ chức được một số hội nghị, hội thảo khoa học bàn về vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống. Qua các hội thảo này bước đầu đã nghiên cứu và đề ra một số biện pháp mang tính định hướng cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng này với phương châm bảo tồn trên cơ sở có chọn lọc và phải góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của vùng này nói riêng cũng như của cả nước nói chung. Đồng thời, sử dụng các phương tiện truyền thông như báo đài của trung ương và địa phương để tuyên truyền giáo dục; tại các tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú tương đối tập trung đã có những buổi phát sóng bằng tiếng dân tộc thiểu số như: Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam đã phát 7 thứ tiếng dân tộc thiểu số, trong đó có tiếng H Mông, các đài phát thanh - truyền hình địa phương cũng đã phát một số tiếng dân tộc thiểu số: Dao, Tày, Nùng, H Mông, Giáy, Hà Nhì với một trong những nội dung cơ bản được đề cập đến đó là vấn đề

các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống của vùng. Qua đó, đã góp phần giải thích, tuyên truyền những giá trị văn hóa sinh thái đến tận những đồng bào ở nơi hẻo lánh xa xôi nhất, tạo ra được niềm tự hào dân tộc và nâng cao sự nhận thức của người dân nơi đây đối với các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống của vùng. Từ đó, khích lệ và động viên người dân địa phương - chủ thể của các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống tham gia trực tiếp vào việc bảo vệ các giá trị đó.

Công việc sưu tầm, nghiên cứu các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống của vùng núi Đông Bắc bước đầu đã được chú ý, quan tâm đến. Không chỉ như vậy, các giá trị này còn được giới thiệu rộng rãi không những trong phạm vi địa phương mà còn trong phạm vi cả nước, thậm chí cả nước ngoài nữa. Qua đó, đã góp phần không nhỏ vào việc bảo tồn và phát huy, phát triển các giá trị văn hóa sinh thái vùng này theo kịp sự phát triển của thời đại. Đặc biệt là năm 1995, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được thành lập đã góp phần to lớn vào việc bảo tồn và phát huy, phát triển văn hóa các dân tộc, trong đó có các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống của vùng núi Đông Bắc.

Đa số các địa phương trong vùng hiện nay vẫn còn giữ được lối sống thích ứng với môi trường tự nhiên trong hoạt động sống của con người mặc dù nội dung của sự thích ứng hiện nay đã có những khác biệt so với trước kia. ở nhiều địa phương trong vùng vẫn còn giữ được những phong tục, tập quán sinh thái có giá trị, ví dụ như: tục thách cưới bằng chăn bông, vải thổ cẩm của dân tộc Tày ở Tuyên Quang, Lạng Sơn,... nhờ đó mà nghề trồng bông, dệt vải thổ cẩm truyền thống vẫn tồn tại và phát triển, hay quan niệm về những khu rừng thiêng của người dân nơi đây đã góp phần ngăn chặn được tệ nạn khai thác rừng, nhất là rừng đầu nguồn một cách bừa bãi. Hầu hết đồng bào ở vùng này vẫn còn giữ được những bài thuốc quý mang tính chất gia truyền mà nguyên liệu của nó là những động, thực vật trong tự nhiên. Nhờ đó, việc bảo tồn các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống đã được chính những người dân ở đây - những người đã sáng tạo ra các giá trị đó thực hiện tương đối có hiệu quả.

Mặc dù có sự ảnh hưởng nhất định của nền kinh tế thị trường nhưng với ý thức cộng đồng cao, tư tưởng sống hòa hợp với tự nhiên và tình yêu thiên nhiên của con người vùng này trong thời gian qua vẫn được bồi đắp và phát triển, việc bảo vệ môi trường sinh thái ở đây đã được đồng bào thực hiện khôi phục lại khá tốt thông qua hàng loạt công việc mà họ đã thực hiện như: chương trình phủ xanh đồi trọc, chương trình đưa nước sạch tới từng gia đình, quy ước bảo vệ rừng đầu nguồn (ví dụ: người Dao ở Hoàng Su Phì - Hà Giang đã xây dựng quy ước riêng: người nào chặt một cây gỗ có đường kính từ 10 cm phạt 2.000 đồng; đào một củ măng phạt 2.000 đồng; chặt phá song, mây phạt 10.000 đồng và thu toàn bộ cây đã chặt), chống khai thác tài nguyên bừa bãi (ví dụ: người Dao ở Hà Giang có quy định cấm đánh bắt cá bằng mìn, điện. Ai cố tình vi phạm thì nộp phạt 50.000 đồng),... Như vậy, về cơ bản, các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống vùng này vẫn được con người tôn trọng, bảo tồn và tìm cách khôi phục một cách hợp lý, khá nghiêm túc.

Kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi Đông Bắc trong thời gian qua đã được cải thiện và nâng cao, nhờ đó, sự hiểu biết về tự nhiên, trình độ chinh phục tự nhiên của con người nơi đây cũng ngày càng được phát triển. Người dân ở đây không chỉ biết bảo tồn và khôi phục những giá trị văn hóa sinh thái truyền thống đã đạt được mà còn biết phát huy, phát triển những giá trị đó cho phù hợp với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mặc dù vẫn sinh sống ở những nếp nhà sàn truyền thống nhưng con người ở đây không còn sống mất vệ sinh, nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm nhà như trước đây nữa mà đã biết nuôi gia súc, gia cầm ở những khu riêng, đã biết đảm bảo vệ sinh, không gây ô nhiễm môi trường sống. Sống trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, những bộ trang phục truyền thống vẫn được con người ở đây sử dụng nhưng chủ yếu là trong các dịp lễ hội còn trong cuộc sống hàng ngày nó cũng đã được cách tân cho phù hợp với yêu cầu của lối sống công nghiệp. Đồng bào vùng này không chỉ dùng các dược liệu trong tự nhiên để chữa bệnh theo các phương thuốc gia truyền mà còn biết kết hợp với tây y để việc bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho con người được tốt hơn. Lối sống du canh du cư hiện nay đã không còn phù hợp, cần được thay thế bằng lối sống định canh định cư vừa mang tính ổn định lại vừa không gây ra tình trạng phá hoại cảnh

quan môi trường, khai thác tài nguyên nhất là tài nguyên rừng một cách bừa bãi,... ở đây, quan điểm khôi phục, bảo tồn, phát huy và phát triển các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống đã được con người vùng này kết hợp một cách chặt chẽ, mang tính hợp lý cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng này vẫn còn hạn chế do những nguyên nhân khác nhau mà trong thời gian tới chúng ta phải tìm mọi cách khắc phục.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc nước ta hiện nay pdf (Trang 48 - 51)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(77 trang)