hoạt và sản xuất
Một trong những mục tiêu cao nhất của con người trong mọi hoạt động sống chính là hiệu quả công việc. Trong khi đó, để tiến hành các hoạt động sống, con người không thể không có mối quan hệ với tự nhiên thông qua việc con người phải tác động, khai thác và cải biến tự nhiên theo mục đích của mình. Vì vậy, để đạt được mục tiêu đó con người phải tạo ra được mối quan hệ tốt với tự nhiên. Trong mối quan hệ giữa con người và tự nhiên thì nhân tố con người bao giờ cũng đóng vai trò là nhân tố chủ thể tích cực, còn tự nhiên chỉ là nhân tố khách thể bị động. Tự nhiên không thể tự cải tạo mình để thích ứng với con người mà ngược lại, con người phải luôn tìm cách thích ứng với môi trường tự nhiên để mọi hoạt động sinh hoạt và sản xuất đạt được hiệu quả cao nhất. Đối với đồng bào vùng núi Đông Bắc nước ta, quan điểm này lại càng có ý nghĩa quan trọng, càng phải được tuân theo do ở đây có những lý do riêng của nó:
- Điều kiện tự nhiên ở đây rất phức tạp nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày của con người. Với địa hình chủ yếu là núi cao có độ dốc lớn, thậm chí ở một số vùng còn toàn núi đá đã gây khó khăn cho con người trong quá trình canh tác nương rẫy. Đồng bào ở đây không thể canh tác đất đai như ở đồng bằng mà đòi hỏi phải có phương thức canh tác riêng cho phù hợp với thực tế. Sống trong môi trường núi cao như vậy, trong sinh hoạt thường ngày của đồng bào cũng không thể theo cách sinh hoạt của vùng đồng bằng, bắt buộc con người ở đây muốn tồn tại thì phải tìm ra những cách thức sinh hoạt cho phù hợp. Cùng với núi cao, khí hậu ở đây cũng rất khắc nghiệt, mùa hè thì lũ lụt, mùa đông thì hanh khô, nhiệt độ giảm, thậm chí có vùng cao nhiệt độ đã hạ tới 00C. Điều này đòi hỏi con người cũng phải có cách thức sinh hoạt khác hẳn với các vùng khác. Với tất cả những yêu cầu đó đã làm cho con
người ở đây luôn phải có ý thức tìm cách thích ứng với môi trường tự nhiên trong sinh hoạt và sản xuất.
- Đời sống kinh tế - xã hội ở vùng này còn thấp kém, trình độ của những công cụ, phương tiện phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất của con người rất lạc hậu, cho nên đã hạn chế rất lớn khả năng cải biến tự nhiên của con người. Từ xa xưa, con người vùng này chủ yếu sống thích ứng với môi trường tự nhiên một cách bị động, chạy theo sự biến đổi của tự nhiên, chịu sự chi phối của tự nhiên và hầu như chưa có sự chinh phục lại tự nhiên một cách chủ động. Tất nhiên, đây là một thực tế hoàn toàn có lý đối với vùng này - một vùng còn thấp kém về kinh tế, lạc hậu về xã hội. Sống trong hoàn cảnh đó, đã nảy sinh một cách tự phát là con người phải tìm mọi cách thích ứng được với môi trường tự nhiên.
- Do khó khăn về giao thông, liên lạc, con người ở đây ít được tiếp xúc với các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại. Điều này làm cho con người vùng này nhận thức về tự nhiên còn rất hạn chế. Từ đó xuất hiện tâm lý con người phải tuân theo tự nhiên, phải tìm mọi cách để thích ứng với môi trường tự nhiên. Mặc dù tâm lý này ở thời kỳ hiện đại đã bộc lộ những mặt trái, mặt tiêu cực của nó, nhưng đối với đồng bào miền núi vùng Đông Bắc ở thời kỳ trước kia thì nó vẫn có tính ưu việt nhất định. Chính tâm lý này đã tạo điều kiện để con người vùng này có thể sinh tồn và phát triển cho đến ngày nay.
Lối sống con người luôn tìm cách thích ứng với môi trường tự nhiên trong sinh hoạt và sản xuất đã trở thành một giá trị văn hóa sinh thái truyền thống của vùng núi Đông Bắc nước ta. Đây là một nhận định hoàn toàn có thể chấp nhận được, bởi vì:
Đối với đồng bào vùng này, việc phải tìm mọi cách để thích ứng được với môi trường tự nhiên trong mọi hoạt động sống đã có từ lâu đời, nó do hoàn cảnh sống ở đây tạo nên. Trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày, con người vùng này từ xa xưa đã có
thói quen hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, tuân theo tự nhiên. Tuân theo tự nhiên, đối với họ có nghĩa là không chống lại tự nhiên, đi ngược lại với tự nhiên mà phải tìm cách thích nghi được với môi trường tự nhiên ở trong mọi hoàn cảnh. Đây là một lối sống mang tính truyền thống được đồng bào thực hiện từ lâu đời và nó còn tồn tại cho đến tận ngày nay với những biểu hiện cụ thể trong thực tế mang đậm dấu ấn, bản sắc riêng của vùng này.
Để thích nghi với điều kiện tự nhiên, người dân ở đây đã tìm ra cho mình lối sống sinh thái phù hợp, những phương thức canh tác hữu hiệu nhất, cùng với nó là thế giới vật nuôi, cây trồng phù hợp. Điển hình như: người Mông ở vùng cao Đồng Văn (Hà Giang) canh tác trên núi đá với những nương đá xếp và đã sáng tạo ra phương thức canh tác thổ canh hốc đá; người Nùng ở Hoàng Su Phì (Hà Giang) canh tác trên núi đất với những triền ruộng bậc thang chạy lên đỉnh đồi cùng hệ thống nước tưới tự chảy; người Tày ở Tuyên Quang, Lạng Sơn canh tác theo kiểu kết hợp trồng lúa nước ở các thung lũng và nương rẫy trên đồi,... Với các kiểu canh tác đa dạng như vậy, công cụ lao động trong cải tạo đất đai của đồng bào cũng rất đa dạng, tùy thuộc vào hình thức canh tác của từng nơi. Người Mông do sống ở trên đỉnh núi có địa hình phức tạp, đất cằn sỏi đá nên trong canh tác nông nghiệp, chủ yếu họ sử dụng loại cày dáng thô, thân to khỏe, bắp cong, mập gắn chặt vào thân cày tạo thành khối vững chắc, lưỡi cày to, dày, mũi hơi tù. Người Nùng do sống ở triền đồi, làm ruộng bậc thang nên trong canh tác nông nghiệp chủ yếu họ sử dụng cuốc. Còn người Tày do sống ở các thung lũng nên trong canh tác nông nghiệp chủ yếu họ sử dụng loại cày dáng nhỏ hơn, lưỡi cày nhỏ và mũi cũng nhọn hơn,... Về giống cho sản xuất nông nghiệp, đồng bào vùng này cũng tùy điều kiện thời tiết, khí hậu của mỗi địa phương mà sử dụng những loại giống lúa khác nhau, ví dụ như: người Dao ở vùng núi cao xã Quyết Tiến (Quản Bạ, Hà Giang) hay dùng các giống lúa đỏ, lúa trắng, lúa nếp; còn người Dao ở thung lũng như xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang, Hà Giang) lại hay dùng các giống lúa mộc tuyền, chân trâu lùn,...
Trong sinh hoạt thường ngày, con người nơi đây cũng có những cách thức riêng để thích nghi với tự nhiên. Chính thông qua những cách thức riêng đó đã tạo ra những
nét riêng biệt, thể hiện bản sắc riêng của vùng này. Tuy cùng là người Tày nhưng người Tày ở phía Tây Lạng Sơn và Cao Bằng thường dựng nhà ở theo nếp nhà sàn cổ truyền kiến trúc kiểu 4 mái, bằng các vật liệu tre, gỗ, lá với kết cấu kỹ thuật thuộc loại nhà khung cột (cột, kèo, xà chịu lực). Kiểu nhà này phù hợp với điều kiện tự nhiên của vùng là rừng vẫn còn nhiều, tre gỗ còn phong phú và nơi này vẫn còn nhiều thú dữ nên cần phải đề phòng. Trong khi đó người Tày ở phía Đông lại dựng nhà ở theo kết cấu sườn tường (nhà nửa sàn, nửa đất, không chỉ có khung cột mà còn có sườn tường trình), tường trình bằng đất dày từ 60 - 80 cm, xung quanh nhà có hệ thống cửa kiên cố, có cánh cửa và song gỗ bảo vệ, kiểu nhà này thích hợp với điều kiện tự nhiên của vùng là rừng đã bị khai thác cạn kiệt, tre gỗ hiếm; khí hậu rất lạnh về mùa đông lại thường xuyên có giặc ngoại xâm và trộm cướp cần phải phòng thủ. Về cách lấy nước dùng cho sinh hoạt ở đây cũng có sự khác biệt so với vùng xuôi để thích nghi với môi trường tự nhiên ở vùng núi cao, đồi núi nhấp nhô, đường sá đi lại khó khăn. Người dân địa phương chủ yếu dùng hệ thống máng dẫn bằng thân cây dẫn nước từ đầu nguồn trên núi về chứ không sử dụng thùng gánh lấy nước từ các giếng đào, giếng khoan như ở vùng xuôi vì ở đây sử dụng thùng gánh nước sẽ rất vất vả, tốn nhiều công sức.
Để thích nghi được với điều kiện tự nhiên, trong điều kiện kinh tế - xã hội còn lạc hậu, chủ yếu là hình thức kinh tế tự cung, tự cấp khép kín, người dân ở đây còn có những cách thức nấu ăn, chế biến thức ăn độc đáo, phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Do vùng này mùa đông rét đậm kéo dài nên đồng bào địa phương thích dùng nhiều thịt, mỡ, thích chế biến thức ăn kiểu xào, rán, quay, hầm, dùng nhiều gia vị cay, chua, ngọt, đắng vì chế biến thức ăn theo kiểu này sẽ tạo ra nhiều năng lượng cho con người để chống lại cái giá rét. Ngoài ra, họ còn biết chế biến thức ăn phù hợp với hoàn cảnh thường phải đi rừng trong thời gian dài như: người Tày thì hay nấu cơm lam, còn người Mông thì hay sử dụng món ngô bột (mèn mén); hay người ta còn có những cách tích trữ thức ăn trong một thời gian lâu như: làm thịt chua, sấy và làm khô thịt, ngâm thịt rán trong mỡ,...
Sống trong điều kiện núi rừng trùng điệp, đường sá đi lại khó khăn, với cuộc sống xưa kia chủ yếu là du canh du cư, con người vùng này hầu như không có mối quan
hệ giao lưu rộng rãi với các vùng khác, họ sống hoàn toàn nương nhờ vào tự nhiên. Để tồn tại, con người đã sử dụng những vật phẩm của tự nhiên không chỉ trong ăn uống, sinh hoạt, sản xuất mà còn cả trong việc chữa bệnh, nâng cao sức khỏe vì sự phát triển của hệ thống y tế ở vùng này trước kia hầu như chưa có. Đây cũng là một biểu hiện của sự thích ứng của con người vùng này đối với môi trường tự nhiên. Từ thực tế cuộc sống, con người đã tìm ra được nhiều phương thức hiệu nghiệm trong việc dùng những sản phẩm của tự nhiên để chữa bệnh và nâng cao sức khỏe của cộng đồng. Để bồi dưỡng tăng cường sức khỏe, tăng sức đề kháng của cơ thể, đồng bào Dao Đỏ ở xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì, Hà Giang) thường cho sản phụ ăn rau ngải cứu rừng hầm với thịt gà, ngoài ra, còn kết hợp với tắm gội bằng nước thuốc gồm có 3 vị mà tiếng Dao gọi là cây
chàng đia, cây chai gai thiết mây, cây tung vườn. Còn thuốc chữa bệnh chủ yếu được sử dụng từ các loại cây cỏ có vị đắng, chát, ngọt,... và các bộ phận hiếm của động vật như mật gấu, dạ dày nhím, mật trăn,... Chẳng hạn, vỏ cây vông kết hợp với lá cây dứa dại đỏ để chữa bệnh trĩ; cây giun đất dùng để chữa bệnh sởi; dạ dày nhím, màng của mề gà, nghệ vàng loại đốt ngắn được trộn lẫn đun phơi khô, tán nhỏ trộn với mật ong rừng để chữa bệnh dạ dày;...
Sự thích nghi với môi trường tự nhiên của con người vùng núi Đông Bắc không chỉ dừng lại ở việc tận dụng tối đa những lợi thế của tự nhiên để phục vụ cuộc sống con người mà còn được thể hiện thông qua việc con người ở đây đã biết tận dụng những thuộc tính vốn có của tự nhiên để tô điểm, nâng cao đời sống thẩm mỹ của bản thân mình. Để tạo ra xôi nhiều màu, đồng bào miền núi không dùng các hóa chất thực phẩm mà thường dùng các nguyên liệu từ tự nhiên như: ngâm gạo với nước cây năng làm
phình để có màu đỏ, ngâm gạo với nước của cây năng làm méng để có màu xanh, ngâm
gạo với nước nghệ để có màu vàng. Hay để nhuộm sợi, tơ trong vải may trang phục, người ta thường lấy chất màu từ thảo dược (nhựa cây lá chàm để lấy màu chàm, nhựa củ nâu để lấy màu nâu, chiết xuất màu từ cánh kiến để lấy màu đỏ điều,...) có sẵn trong tự nhiên chứ không nhuộm sợi vải bằng hóa chất như người dân ở vùng xuôi.
Con người vì sự sinh tồn của mình không thể không có quan hệ với tự nhiên, không thể đối lập với tự nhiên mà luôn phải tìm mọi cách thích ứng được với môi trường tự nhiên dù là tự phát hay tự giác. Quan điểm này trong thời đại ngày nay vẫn còn nguyên giá trị của nó, nhất là đối với người vùng núi Đông Bắc nước ta là một vùng có những điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội đặc biệt so với các vùng khác. Tuy nhiên, do yêu cầu của thời đại, tư tưởng con người phải luôn tìm cách thích ứng với môi trường tự nhiên ở vùng này hiện nay cần phải được nhận thức rõ rằng, đó là một sự thích ứng mang tính tự giác cao chứ không phải là một sự thích ứng mang tính tự phát như ở thời kỳ xa xưa trước đây.
Từ quan niệm sống hài hòa với thiên nhiên, từ tình yêu sâu sắc với thiên nhiên, con người vùng núi Đông Bắc đã tìm mọi cách để sống thích ứng, hòa nhập tối đa với tự nhiên, nương nhờ và tận dụng thiên nhiên nhằm phục vụ cho sự sinh tồn của mình. Chính trong quá trình hoạt động sống gắn bó chặt chẽ với môi trường tự nhiên mang tính đặc thù đó của người dân các dân tộc vùng núi Đông Bắc nước ta đã hình thành và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa sinh thái độc đáo, mang tính bản sắc của vùng. Các giá trị văn hóa sinh thái đó đã được thể hiện ở nhiều lĩnh vực hoạt động rất khác nhau: từ hoạt động sản xuất (cách thức canh tác phù hợp với điều kiện đất dốc, rừng sâu), đến nếp ăn (ẩm thực), nếp mặc (trang phục), nếp ở (xây dựng nhà cửa, kiến trúc), thuốc thang chữa bệnh... đều cố gắng tận dụng tối đa những gì vốn có của tự nhiên.
Kết luận chương 1
Nhân loại đang đứng trước một nguy cơ lớn đó là cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường, nguy cơ này do chính con người gây ra, do con người đã và đang hành động một cách thái quá trong quá trình tác động đến tự nhiên. Đặc biệt ở những vùng đầu nguồn của các con sông, những vùng núi cao, rừng sâu, với trình độ nhận thức về tự nhiên còn thấp kém và điều kiện kinh tế - xã hội còn rất khó khăn, lại chịu sự tác động của mặt trái của cơ chế thị trường thì việc làm phương hại nghiêm trọng thêm cho tự nhiên là một điều không tránh khỏi. Trước tình hình đó,
nghiên cứu lối sống, hành động của con người đối với tự nhiên ở vùng núi Đông Bắc nước ta để rút ra những kết luận về văn hóa sinh thái vùng là việc làm cần thiết cho sự phát triển bền vững của vùng này nói riêng, cho cả nước nói chung.
Văn hóa sinh thái là kết quả của quá trình con người tác động và cải biến giới tự nhiên. Các giá trị của nó chính là những mặt tích cực góp phần tạo ra cho con người có một môi trường sống tốt đẹp, hài hòa hơn với tự nhiên với năm đặc trưng chủ yếu của nó. Trong thực tế, các giá trị của văn hóa sinh thái được biểu hiện qua những hình thức cụ thể từ văn hóa sinh thái vật thể đến văn hóa sinh thái phi vật thể. Nó chính là sự kết hợp chặt chẽ giữa ba giá trị chân - thiện - mỹ trong mối quan hệ của con người với tự nhiên.
Vùng núi Đông Bắc nước ta có điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội khá phức tạp, đó là cơ sở để hình thành các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống của vùng. Thông qua cách thức làm ăn, sinh sống và suy nghĩ của con người ở vùng này đã bộc lộ rõ nét