Tư tưởng sống hòa hợp với tự nhiên

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc nước ta hiện nay pdf (Trang 32 - 36)

Tư tưởng sống hòa hợp với thiên nhiên là một giá trị ưu trội, đặc trưng của văn hóa phương Đông, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, tư tưởng sống hòa hợp với thiên nhiên của đồng bào các dân tộc vùng núi Đông Bắc nước ta cũng có những nét đặc thù riêng, phù hợp với các điều kiện thiên nhiên và kinh tế - xã hội của vùng.

Để tồn tại và phát triển, con người và xã hội loài người cần được cung cấp một lượng vật chất nhất định. Để có được lượng vật chất này, con người phải khai thác, cải biến, "nhào nặn" tự nhiên, nghĩa là con người phải có sự liên hệ, tác động trực tiếp tới tự nhiên. Trong quá trình tác động qua lại với tự nhiên, tùy thuộc vào trình độ nhận thức của mỗi con người, vào điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của mỗi dân tộc mà thái độ đối xử của con người đối với tự nhiên có sự khác nhau: con người hoặc sống hòa đồng với tự nhiên, thuận theo tự nhiên, coi tự nhiên như người bạn của mình; hoặc sống đối lập với tự nhiên, khai thác tự nhiên một cách bừa bãi, coi tự nhiên như nô lệ của mình. ở khu vực miền núi Đông Bắc nước ta, từ ngàn đời, con người luôn có tư tưởng sống hòa hợp với tự nhiên, nương nhờ tự nhiên và thuận theo tự nhiên. Sở dĩ con người nơi đây có tư tưởng sống như vậy, bởi vì:

- Do điều kiện tự nhiên ở đây tương đối khắc nghiệt: khí hậu chênh lệch hai mùa rất lớn, địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao, có độ dốc lớn, xen giữa các dãy núi là khá nhiều sông, suối. Điều này cản trở việc cải biến tự nhiên theo ý muốn chủ quan của con người. Mặt khác, đứng trước tự nhiên hùng vĩ, với núi rừng trùng điệp như vậy, con người cảm thấy mình bị nhỏ bé trước tự nhiên, do đó, đã bị tự nhiên chinh

phục. Sống trong hoàn cảnh và với tâm lý như vậy, con người không còn cách nào khác là phải tuân theo tự nhiên, coi tự nhiên như người bạn của mình, như một phần cuộc sống của mình.

- Điểm xuất phát trong sản xuất của con người ở đây từ đời xưa đến nay về cơ bản là tồn tại nền sản xuất nông nghiệp với hình thức canh tác nương rẫy là chủ yếu. Một trong những đặc điểm của sản xuất nông nghiệp, nhất là trong trồng trọt, đó là sự phụ thuộc vào các điều kiện tự nhiên, trước hết là đất đai canh tác và nguồn nước tưới tiêu phục vụ cho sản xuất. Để hoạt động trồng trọt đạt được hiệu quả cao, bắt buộc con người phải quan tâm tới những điều kiện của tự nhiên có ảnh hưởng tới sản xuất như: khí hậu, thời tiết, thời vụ,... nghĩa là con người phải quan hệ chặt chẽ với tự nhiên, phải quan sát tự nhiên thật kỹ lưỡng để rút ra những kinh nghiệm cần thiết trong cách ứng xử với tự nhiên. Chính điều này làm cho con người nơi đây có sự gắn bó chặt chẽ với tự nhiên và hòa hợp với tự nhiên hơn.

- Nền kinh tế ở vùng núi Đông Bắc nước ta còn thấp kém, đời sống của con người còn nhiều khó khăn và lạc hậu. Trong khi đó, người dân vùng này lại ít được tiếp cận với các thành tựu khoa học mà loài người đã đạt được, nên có thể thấy rõ sự nhận thức về các quy luật của tự nhiên, sự hiểu biết về tự nhiên của họ rất hạn chế. Con người ở đây không có đủ khả năng để giải thích các hiện tượng tự nhiên dựa trên những cơ sở khoa học nhất định. Từ đó, họ đã phụ thuộc tuyệt đối và mù quáng vào thiên nhiên, tôn thờ thiên nhiên, họ đã đồng nhất thiên nhiên với thần linh nên đã coi các hiện tượng tự nhiên diễn ra xung quanh cuộc sống của con người là do sự tác động của thế giới thần linh, có thể đó là do sự trừng phạt của thần linh đối với con người khi họ đã xâm phạm vào tự nhiên. Do đó, theo quan niệm của con người vùng này thì con người không được phép chống đối lại tự nhiên, mà phải hòa hợp, tuân theo tự nhiên một cách tuyệt đối.

Tư tưởng sống hòa hợp với tự nhiên, gắn bó, nương nhờ và tận dụng tự nhiên là một giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ưu trội của người Việt Nam nói chung, của

các dân tộc vùng núi Đông Bắc nước ta nói riêng. Điều khẳng định này là hoàn toàn có cơ sở của nó:

Tư tưởng này đã có ở đây từ lâu đời và trường tồn theo thời gian, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó còn thể hiện được những nét đặc trưng riêng mang tính bản sắc của vùng phù hợp với điều kiện tự nhiên và hoàn cảnh kinh tế - xã hội nơi đây.

Với tư tưởng này, ở một khía cạnh nhất định, nó đã thể hiện được cái đúng, cái có lý của con người đối với tự nhiên trong hoàn cảnh cụ thể bởi vì sống hòa hợp với tự nhiên nghĩa là con người phải sống hợp với lẽ Trời, tức là hợp với quy luật của tự nhiên và xã hội mặc dù sự phù hợp này chỉ là do kinh nghiệm sống của con người đúc kết lại chứ chưa phải là kết quả do con người nhận thức được các quy luật của tự nhiên một cách tự giác. Từ thời xa xưa, đồng bào ở đây đã biết dựa vào các hiện tượng tự nhiên, thông qua những biểu hiện bên ngoài của giới động vật, thực vật hoặc qua một số hiện tượng tự nhiên khác ở xung quanh con người để phán đoán thời tiết. Ví dụ: vào đầu năm từ tháng 1 đến tháng 4 nếu vào rừng gặp con ong rừng làm tổ ở các lùm cây thấp gần mặt đất thì năm đó sẽ có gió bão hoặc mưa to có ảnh hưởng đến năng suất thu hoạch của cây trồng; thấy hoa rau muống rừng nở đỏ rực là dấu hiệu trời ấm áp không rét trở lại, có thể gieo cấy sớm; thấy loại cây dây leo leo lên cây nở hoa màu vàng, thì thời vụ sang tháng năm âm lịch cần tiến hành các công việc gieo lúa nương, cấy lúa mùa;... hay các kinh nghiệm chọn đất làm nương rẫy du canh du cư trước đây cũng được đồng bào phản ánh qua các câu tục ngữ, ca dao như: "Trồng ngô chọn đất chân đồi, trồng lúa chọn đất cuối khe";... hay kinh nghiệm về thời vụ sản xuất như: "Ruộng cấy tháng 6 gãy đòn gánh, ruộng cấy tháng 7 nhà bán vợ",...

Tư tưởng sống hòa hợp với tự nhiên đã làm cho con người có một lối sống sinh thái lành mạnh, có sự tôn trọng và bảo vệ các điều kiện tự nhiên cần cho sự sống, ít ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường bởi vì "Thiên - Nhân hòa đồng" có nghĩa là con người đã coi bản thân mình là một phần của giới tự nhiên, là thuộc về giới tự nhiên; và ngược

lại, giới tự nhiên cũng được coi như là thân thể vô cơ của con người, nó gắn liền với sự sinh tồn của con người. Chính vì vậy, để tồn tại và phát triển thì con người không còn cách nào khác là phải tôn trọng và bảo vệ tự nhiên như bảo vệ chính cuộc sống của mình. Từ đó, đã hình thành cái thiện, cái nhân văn của con người đối với tự nhiên. Con người vùng này do nhận thức được tầm quan trọng của các yếu tố trong tự nhiên như rừng, đất, nước,... nên việc bảo vệ những yếu tố này đã trở thành truyền thống lâu đời được truyền lại qua các thế hệ kế tiếp nhau. Đồng bào ở đây quan niệm rằng, mọi vật đều có "linh hồn" và từ thời xưa đã có những khu rừng thiêng do thần linh cai quản, do vậy, con người không được xâm phạm. Điều đó đã góp phần bảo vệ được những khu rừng nguyên sinh, nhất là rừng đầu nguồn. Còn đối với nguồn nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt, theo tập quán của người Dao vùng này, cuối năm mỗi gia đình cử một người đi tu sửa, khơi dòng lấy nước ở đầu nguồn. Người Dao có quy ước: nếu bắt được ai thả các súc vật chết, vật bẩn vào nguồn nước ăn, người đó phải làm lại máng nước và khơi nguồn nước khác cho người bị hại. Họ cũng quy định không được chôn cất người chết gần nguồn nước. Người Dao ở Hà Giang còn có quy định bảo vệ thủy vực như: sông, suối chảy qua địa phận làng nào thuộc quyền quản lý của làng đó. Nguồn lợi thủy sản (tôm, cua, cá,...) mọi người đều được hưởng, nhưng phải tuyệt đối tuân thủ quy định của làng như: cấm dùng hình thức duốc cá bằng lá độc, thuốc độc;...

Sống hòa hợp với tự nhiên còn có nghĩa là phải có sự kết hợp khéo léo và hài hòa giữa con người với tự nhiên. Điều đó được thể hiện qua trang phục, đặc biệt là trang phục của phụ nữ. Nói đến vùng này, người ta không thể không nhắc đến những thiếu nữ với bộ trang phục váy áo bằng vải thổ cẩm, màu sắc sặc sỡ được trang trí rất công phu, thể hiện trình độ thêu thùa và bộ óc thẩm mỹ cao trước tự nhiên của những cô gái người Mông, người Dao; hay những bộ trang phục màu chàm giản dị, hòa lẫn trong màu xanh của núi rừng bao la của những cô gái người Tày, người Nùng.

Tư tưởng sống hòa hợp với tự nhiên không những là một giá trị văn hóa sinh thái truyền thống của vùng núi Đông Bắc mà còn là giá trị văn hóa sinh thái truyền thống của cả nước nói riêng cũng như của cả phương Đông nói chung. Tư tưởng này

trường tồn cùng với thời gian và đến ngày nay nó vẫn còn những giá trị nhất định. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và của công nghiệp, tư tưởng này đã bị con người sao nhãng. Vì chạy theo lợi nhuận, chạy theo "chủ nghĩa tiêu thụ" con người đã tàn phá tự nhiên một cách tàn nhẫn, đã gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường đe dọa đến sự sinh tồn của loài người. Do vậy, việc khôi phục và phát huy tư tưởng sống hòa hợp với tự nhiên là một việc làm không thể không thực hiện ở miền núi Đông Bắc, tư tưởng sống hòa hợp với tự nhiên hiện nay cũng phần nào bị giảm sút do sự xuất hiện của nền kinh tế thị trường nên nó cũng cần phải được bảo tồn và phát huy. Đặc biệt, cần nhận thức được rằng, nội dung hòa hợp với tự nhiên ở vùng này hiện nay phải có những nét khác so với trước kia. Trước kia, con người vùng này hòa hợp với tự nhiên một cách vô điều kiện, thông qua kinh nghiệm thực tế mà họ tiếp cận được các quy luật của tự nhiên một cách tự phát, họ sống hoàn toàn thụ động nương nhờ vào tự nhiên, không có sự vận dụng quy luật để cải tạo và biến đổi tự nhiên một cách tự giác. Còn hiện nay, con người phải hòa hợp với tự nhiên theo nghĩa con người không những hiểu được các quy luật của tự nhiên mà còn phải biết vận dụng một cách đúng đắn, chính xác những quy luật đó vào hoạt động thực tiễn cải tạo và biến đổi giới tự nhiên theo mục đích của mình.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa sinh thái truyền thống ở vùng núi Đông Bắc nước ta hiện nay pdf (Trang 32 - 36)