Mở rộng và phát triển đồng bộ các loại thị trường ở nông thôn

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát triển nông nghiệp hàng hóa ở đồng bằng sông Cửu Long - Thực trạng và giải phá pdf (Trang 74 - 79)

- Kinh tế kỹ thuật chủ yếu liên quan đến phát triển nông nghiệp hàng hóa.

3.2.3.Mở rộng và phát triển đồng bộ các loại thị trường ở nông thôn

Thị trường có vai trò rất to lớn đối với sự phát triển kinh tế. Trước đây do không thấy hết vai trò của thị trường, nên có những biện pháp chủ quan duy ý chí: ngăn sông, cấm chợ..., kìm hãm sự phát triển kinh tế hàng hóa. Ngày nay thị trường được coi là yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế, nếu nó phát triển theo hướng tích cực. Và ngược lại, thị trường cũng kìm hãm sự phát triển kinh tế.

Thực tiễn một số năm gần đây, khi sản xuất nhất là sản xuất nông nghiệp được mùa, tình hình cung cầu về nông sản diễn biến theo hướng cung lớn hơn cầu, nên bán khó hơn mua. Cần nói thêm rằng sản xuất và tái sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn có đặc điểm quan trọng ở chỗ sản phẩm của nó phần lớn là tươi sống, khó bảo quản, mang tính thời vụ. Mặc dù mục đích của sản xuất là tiêu dùng, song sự tiêu dùng thuộc về khách hàng gắn với thị trường đầu ra của các nông phẩm hiện đang gặp khó khăn. Thị trường trong nước về nông sản phẩm còn hạn chế về nhịp độ và dung lượng. Thị trường ngoài nước do chấn động của khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở các nước trong khu vực làm cho kim ngạch xuất khẩu bị thu hẹp. Mặt khác, nền nông nghiệp còn mang nặng tính chất của một nền nông nghiệp hàng hóa nhỏ, cơ cấu manh mún, phân tán, kỹ thuật - công nghệ còn lạc hậu, chất lượng nông sản phẩm chưa cao nên sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thị trường ngoài nước còn thấp, trước sự xâm nhập hàng nước ngoài và khó phát triển vào thị trường mới, nhất là thị trường khó tính - khắt khe về chất lượng và giá cả.

Tình hình đó tác động bất lợi đối với sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm lãng phí lao động, tài nguyên và tác động không tốt đến tâm lý người sản xuất, mà sự phản ứng trước hết của họ là thu hẹp sản xuất, không phấn khởi hăng hái đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Tình hình này, nếu không kịp thời giải quyết, việc quay trở lại đặc tính "tự cung, tự cấp và khép kín" là khó tránh khỏi.

Bởi vậy, khi nói đến thị trường cho sự phát triển kinh tế hàng hóa trong nông nghiệp cần coi trọng cả hai loại thị trường: thị trường đầu vào và thị trường đầu ra. Cả hai loại thị trường cần được phát triển đồng bộ.

Về thị trường đầu vào:

Thị trường đầu vào bao gồm thị trường tư liệu lao động, thị trường vốn, thị trường vật tư phục vụ nông nghiệp, thị trường sức lao động. Vừa qua do không nắm chắc khâu này nên nhiều nơi trong vùng thị trường vật tư bị lũng đoạn về giá cả và có nhiều hàng giả tuồn vào, do đó nhiều nơi phun thuốc sâu mà sâu không chết, bón phân đạm mà lúa không tốt. Nhà nước cần thông qua việc tổ chức và đổi mới hệ thống các công ty, trạm trại thuộc kinh tế nhà nước để nắm chắc khâu này. Tất nhiên, không nên độc quyền về vật tư, song cũng không thể phó mặc hoàn toàn thị trường cho tư nhân. Cần có quy định chặt chẽ thông qua luật đăng ký kinh doanh vật tư nông nghiệp. Người muốn kinh doanh phải qua trường lớp đào tạo có hiểu biết về kỹ thuật khuyến nông, nắm chắc được những danh mục, những mặt hàng nào được sử dụng, mặt nào cấm..., để giới thiệu với người tiêu dùng sử dụng đúng liều lượng, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và cân bằng sinh thái. Thông qua hệ thống tín dụng ngân hàng và tín dụng tập thể được tổ chức sắp xếp và đổi mới về thủ tục giấy tờ để tổ chức tốt thị trường vốn, nhất là vốn trung hạn và dài hạn với quy mô, thời hạn cho mỗi khoản vay và lãi suất ưu đãi, hợp lý để kinh tế hộ nông dân có điều kiện đổi mới kỹ thuật công nghệ, đầu tư chiều sâu, cải tạo vườn tạp sang vườn cây hàng hóa. Chính quyền địa phương trong vùng cần căn cứ vào Luật lao động để tổ chức và quản lý tốt thị trường sức lao động ở nông thôn. Giải quyết thỏa đáng mối quan hệ về nghĩa vụ và quyền lợi giữa người sử dụng sức lao động và người cung ứng sức lao động trong các trang trại.

Từng bước hình thành và phát triển thị trường đất đai dựa trên cơ sở đất đai là sở hữu toàn dân, là tổng hòa các mối quan hệ chuyển nhượng có bồi hoàn quyền sử dụng đất, nói cách khác là để phân phối tài nguyên đất đai thông qua thị trường, trong điều kiện kinh tế hàng hóa. Tất nhiên thị trường đất đai ở đây chỉ là quan hệ chuyển nhượng có bồi hoàn quyền sử dụng đất đai chứ không có sự chuyển dịch quyền sở hữu vì nó thuộc sở hữu toàn dân.

Để từng bước mở rộng thị trường đất đai phù hợp với cơ chế thị trường định hướng XHCN, trước mắt phải:

- Quán triệt Luật đất đai có sửa đổi vừa qua, thực hiện nghị định về chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất để giúp cho người sử dụng đất có điều kiện khai thác đất đai có hiệu quả.

- Đẩy nhanh tốc độ cấp giấy quyền sử dụng đất cho các đối tượng tạo sự an tâm cho người sử dụng đất sản xuất kinh doanh.

- Nhà nước cần nghiên cứu và sửa đổi lại giá và khung giá đất cũng như chính sách đền bù cho hợp lý. Đây là vấn đề phức tạp, nếu không giải quyết thỏa đáng, kịp thời sẽ khó kiểm soát được thị trường này.

Về thị trường đầu ra:

Thị trường đầu ra hay còn gọi là thị trường tiêu thụ nông sản phẩm giữ vai trò quyết định đối với thị trường đầu vào, đối với sự tăng trưởng và phát triển nông nghiệp hàng hóa.

Để giải quyết vấn đề mở rộng và phát triển thị trường đầu ra, trong thời gian tới, phải coi trọng và thực hiện đồng bộ các vấn đề sau:

Thứ nhất, nâng cao trình độ tiếp cận thị trường và dự báo thông tin về thị trường trong vùng, trong nước và ngoài nước, bao gồm việc củng cố và phát triển thị trường cũ đồng thời tìm kiếm thị trường mới. Từ đó, xác định tính đúng đắn phương hướng sản xuất cái gì, bằng công nghệ gì cho thích hợp. Bởi lẽ người ta chỉ bán cái thị trường cần chứ không phải bán cái mà mình có.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm nông, lâm ngư nghiệp (lương thực, tôm cá, trái cây...), vì đầu vào của công nghiệp chế biến lại chính là đầu ra của sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp, với tư cách là nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến.

Thứ ba, mở rộng và phát triển thị trường trong vùng, một vùng với dân số hơn 16 triệu người và tương lai còn sẽ tăng lên do sinh đẻ tăng lên và sẽ tăng nhanh dân số cơ học khi công nghiệp chế biến, dịch vụ các thị tứ, thị trấn hình thành và phát triển đi vào hoạt động. Sự tăng lên về dân số và lao động theo đó là thu nhập dân cư tăng lên dẫn đến dung lượng thị trường trong vùng sẽ tăng lên, sản phẩm nông nghiệp có cơ may phát triển phải đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, giải quyết công ăn việc làm cho mọi người lao động. Từ đó tăng thu nhập, tăng sức mua bằng tiền cho các tầng lớp dân cư trong nước. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định đối với việc mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản hàng hóa trong nước.

Thứ tư, phải mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản hàng hóa theo hướng: duy trì và phát triển quan hệ với thị trường truyền thống; tìm kiếm và phát triển thị trường mới; phấn đấu thiết lập được thị trường tiêu thụ lớn, ổn định lâu dài cho những mặt hàng quan trọng (gạo, thịt, rau quả, thủy hải sản). Muốn thực hiện được việc mở rộng thị trường ngoài nước, phải có sự đầu tư phát triển sản xuất tạo ra một khối lượng lớn, phải ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất và chế biến để nâng cao chất lượng hàng hóa theo yêu cầu của khách hàng, phải phát triển công nghiệp bao bì, bảo quản, đóng gói, phải sử dụng nhiều hình thức xuất khẩu trực tiếp, gián tiếp, xuất khẩu tại chỗ, phải có sự nghiên cứu tiếp thị...

Thứ năm, phải phát triển màng lưới lưu thông hàng nông sản hợp lý, bảo đảm lưu thông trong và ngoài nước, khắc phục tình trạng tranh mua, tranh bán, ép cấp, ép giá hoặc bỏ trống trận địa để cho tư thương chèn ép nông dân. Mở rộng việc giao lưu hàng hóa giữa các vùng trong nước, giữa thành thị và nông thôn, giữa trong và ngoài nước.

Bao tiêu hàng nông phẩm là việc Nhà nước tổ chức mua vào với khối lượng lớn hàng nông phẩm của nông dân. Về thực chất đó là việc thiết lập một thị trường trung gian tự giác của Nhà nước nhằm nối sản xuất với thị trường, sản xuất với tiêu dùng.

Do đặc điểm sản xuất nông nghiệp, cung cầu và giá cả nông phẩm thường hay biến động phức tạp. Để phát huy tính "sở trường" sản xuất của nông dân và hạn chế tính "sở đoản" của họ là việc phải đối mặt với thị trường, cần phải tổ chức bao tiêu hàng nông phẩm của nông dân nhằm hạn chế rủi ro, bị chèn ép trong tiêu thụ nông phẩm, khuyến khích và định hướng cho nông dân đẩy mạnh sản xuất nông phẩm hàng hóa, cung ứng ngày càng nhiều nông phẩm cho thị trường, tăng thu nhập cho nông dân.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, trong chiến lược phát triển nông nghiệp của mình, nhiều nước đã thực hiện chính sách bao tiêu hàng nông phẩm cho nông dân với mức độ bao tiêu và mặt hàng bao tiêu khác nhau, riêng lương thực, thực phẩm thì hầu như các nước đều có chính sách bao tiêu tích cực. Đối với ĐBSCL, trong những năm qua, nông phẩm sản xuất chưa phải là nhiều so với tiềm năng nông nghiệp của vùng, nhưng rất khó tiêu thụ, nhất là lúa gạo, mía, trái cây. Vì vậy, bao tiêu nông phẩm của nông dân ĐBSCL trong thời gian tới sẽ tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp vùng này phát triển, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân. Tuy nhiên, muốn thực hiện được điều này đòi hỏi phải có điều kiện cơ bản:

Nhà nước cần thiết lập được hệ thống thị trường tiêu thụ nông phẩm mang tính quốc gia phát triển tốt. Nghĩa là phải thực liên kết các tổ chức kinh doanh tiêu thụ nông phẩm giữa các vùng trong nước, giữa thị trường trong nước với thị trường nước ngoài thành một hệ thống bao gồm các tổ chức dịch vụ tiêu thụ ở địa bàn nông thôn, đến các công ty kinh doanh nông phẩm của Nhà nước từ địa phương đến Trung ương. Thông qua hệ thống tổ chức này Nhà nước thực hiện bao tiêu, điều khiển thị trường nông phẩm của vùng. Làm được điều này đòi hỏi Nhà nước có nguồn ngân sách đủ mạnh. Thực tế cho thấy, trong 2 năm (1996 - 1997) giá lúa gạo ở ĐBSCL giảm mạnh, thậm chí thấp hơn chi phí sản xuất, Nhà nước đã chi ra mỗi năm từ 500 - 600 tỷ đồng

bù lỗ cho các đơn vị quốc doanh mua lúa dự trữ lưu thông theo giá sàn, đảm bảo cho có lãi 30-40%. Từ đó đã làm cho sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL tiếp tục phát triển. Và đầu năm 2000 đến nay Nhà nước đang phải đối mặt với tình hình giá lúa gạo đang ngày một giảm mạnh ở ĐBSCL, có nơi giá lúa trong tháng 4/2000 chỉ có 1.300 đồng/kg so với giá sàn là 1.500 đồng/kg.

Thứ bảy, chính sách hỗ trợ vốn cho quỹ dự trữ lưu thông nông phẩm.

Để cho thị trường tiêu thụ nông phẩm ổn định và phát triển, cần phải có lượng hàng nông phẩm dự trữ lưu thông khá mạnh, để kịp thời điều hòa cung, cầu khi giá cả biến động. Trong hàng hóa dự trữ lưu thông, thì lương thực là mặt hàng quan trọng nhất, vì nó có vai trò đặc biệt quan trọng đối với quốc kế dân sinh. Sự mất ổn định của nó về cung cầu và giá cả có thể gây ra sự phản ứng dây chuyền đến nhiều mặt hàng khác đang lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

Kinh nghiệm của nhiều quốc gia cho thấy, để bảo đảm sự ổn định về kinh tế và chính trị của đất nước, Chính phủ thường "can thiệp" vào thị trường lương thực, trong đó nổi bật là việc giải quyết nhu cầu về vốn, nhất là vốn vay với lãi suất ưu đãi để các tổ chức kinh doanh lương thực của Nhà nước xây dựng quỹ dự trữ lưu thông làm nhiệm vụ điều hòa cung, cầu khi giá cả thị trường đột biến.

Hiện nay, sản xuất lương thực hàng hóa ở ĐBSCL là nguồn thu nhập chính của nông dân, nó cung ứng trên dưới 90% lượng gạo xuất khẩu hàng năm của cả nước và đảm nhận vai trò chủ yếu trong chiến lược an ninh lương thực quốc gia. Vì thế xây dựng quỹ lương thực dự trữ lưu thông để các tổ chức kinh doanh lương thực của Nhà nước làm nhiệm vụ điều hòa cung, cầu lương thực trên thị trường ĐBSCL và cả nước là hết sức cần thiết.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát triển nông nghiệp hàng hóa ở đồng bằng sông Cửu Long - Thực trạng và giải phá pdf (Trang 74 - 79)