- Kinh tế kỹ thuật chủ yếu liên quan đến phát triển nông nghiệp hàng hóa.
2.2.4. Cơ sở vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp hàng hóa và cơ sở hạ tầng cho nông thôn
cho nông thôn
Kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ĐBSCL tuy có được tăng cường so với trước nhưng nói chung còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở vùng này. Thực tế cho thấy, cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật vùng này phát triển không đều, còn nhiều yếu kém, chưa đủ sức đáp ứng vai trò thúc đẩy sự chuyển biến kinh tế nông nghiệp, nông thôn:
- Một loại kết cấu hạ tầng quan trọng như giao thông vận tải nông thôn, hệ thống thủy lợi, mạng lưới điện, thông tin liên lạc, cung cấp nước sạch... ở ĐBSCL thuộc diện thấp kém nhất so với bình quân cả nước và các vùng kinh tế khác.
- Cơ khí hóa nông nghiệp ở ĐBSCL đã có bước phát triển về tiềm lực cũng như năng lực, góp phần tích cực làm tăng hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng, tăng vụ, mở rộng diện tích... Song vẫn còn nhiều hạn chế so với nhu cầu đòi hỏi, do hạ tầng cơ sở yếu kém việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng thật sự khó khăn, nhiều khâu sản xuất cơ khí hóa không đều, tiêu biểu khâu làm đất lao động thủ công còn chiếm tỷ trọng khá cao (trên 50%). Hầu hết số lượng máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp đều nhập từ nước ngoài vào, máy mới thì giá cao, máy cũ tân trang thì nhanh chóng hư hỏng mà nông dân vùng này thì trình độ quản lý và sử dụng máy móc rất thấp, đó là nguyên nhân làm cho nông dân khó khăn cải tiến công cụ lao động, tăng năng suất, đẩy nhanh hiệu quả kinh tế trên chính mảnh ruộng của mình, là trở ngại của tiến độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Vấn đề đặt ra nhằm giải quyết tình trạng này, là phát triển mạnh mẽ mạng lưới dịch vụ nông nghiệp ở nông thôn, mà doanh nghiệp Nhà nước phải có vai trò và trách nhiệm rất quan trọng.
- Thực tế sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở ĐBSCL những năm qua chưa thật sự gắn với công nghệ chế biến nông sản. Trong khi tổng khối lượng nông- thủy sản ở
vùng này sản xuất tăng liên tục, năm sau cao hơn năm trước, nhưng công nghiệp chế biến còn rất hạn chế, chưa đủ sức đáp ứng yêu cầu của sản xuất đặt ra, chỉ đáp ứng một phần mặt hàng lúa gạo và thủy sản với chất lượng thấp, còn lại hầu hết các mặt hàng khác như một số mặt hàng cây công nghiệp ngắn ngày và mặt hàng trái cây chưa thật sự được quan tâm.
Chính vì hệ thống công nghiệp chế biến thiếu và yếu nên nông phẩm (trừ gạo) vùng này lưu thông trên thị trường phần lớn dưới dạng tươi sống, hoặc chế biến thô nên giá trị thấp và việc bảo tồn giá trị sử dụng hết sức khó khăn.
Thị trường thế giới ngày nay đang và sẽ tiếp tục có nhu cầu ngày càng cao đối với một số nông phẩm như rau quả nhiệt đới, các loại thực phẩm chế biến sâu từ thực vật, động vật của tự nhiên phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của thời đại hướng trở về với tự nhiên, xa dần các loại hóa chất tổng hợp dùng trong đời sống ăn uống hàng ngày, xu hướng này thể hiện rõ ở các nước giàu, các nước phát triển. Và những loại nông phẩm trên với điều kiện tự nhiên sẵn có của ĐBSCL cho phép chúng ta có thể sản xuất ra chúng. Song vấn đề đặt ra trong thời gian tới là phải hoàn thiện được hệ thống công nghiệp chế biến tương đối hoàn chỉnh ở vùng này.
Chương 3
Phương hướng cơ bản và giải pháp chủ yếu nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa
ở đồng bằng sông Cửu Long
Nông nghiệp hàng hóa ĐBSCL dưới sự tác động của đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đã có bước phát triển đáng kể. Nhưng đó mới là kết quả bước đầu chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của vùng. Mặt khác, sự phát triển ấy trong chừng mực nào đó còn mang yếu tố tự phát, thiếu bền vững và chứa đựng nhiều mâu thuẫn.
Để nông nghiệp hàng hóa phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng của vùng ĐBSCL nhất thiết phải có những phương hướng và giải pháp đúng, có tính khả thi cao.