- Kinh tế kỹ thuật chủ yếu liên quan đến phát triển nông nghiệp hàng hóa.
2.2.3. Về thị trường nông thôn
Với hơn 90% dân số và 80% lao động ở nông thôn là một thị trường rộng lớn. Yêu cầu mở rộng thị trường nông thôn đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng đang là vấn đề bức xúc, nhất là cho sản xuất và tiêu dùng đối với ngành nông - lâm - ngư nghiệp ở ĐBSCL.
Đối với thị trường đầu vào: ở ĐBSCL việc cung ứng vật tư sản xuất cho nông dân của các doanh nghiệp Nhà nước rất hạn chế, hầu hết khối lượng phân bón nhập khẩu và lưu thông trên thị trường nội địa về danh nghĩa là các doanh nghiệp Nhà nước, song trong thực tế đều do các công ty tư nhân và tư thương thực hiện. Từ đó việc khống chế giá, thao túng thị trường vào mùa vụ là điều thường xảy ra và hiện tượng hàng giả là không tránh khỏi, gây tổn thất lớn cho nông dân và ảnh hưởng xấu đến môi sinh môi trường, đặc biệt là gây tổn thất cho các mô hình sản xuất gắn với chăn nuôi (mô hình lúa - cá, lúa - vịt...).
Hiện nay tuy chất lượng các loại vật tư, máy móc, công cụ phân bón, con giống... do các doanh nghiệp quốc doanh trong nước sản xuất đã được nâng lên, nhưng giá thành sản xuất còn cao, chưa đủ sức cạnh tranh với hàng nhập, vì vậy chưa tạo ra được mối quan hệ kinh tế giữa nông dân với các tổ chức cung ứng sản phẩm đầu vào.
Các công trình thủy lợi còn hạn chế, chưa đáp ứng được tình hình tưới tiêu vào mùa khô và thoát lũ vào mùa mưa bão. Khả năng dịch vụ thủy nông chỉ mới từng bước đáp ứng nhu cầu thâm canh cây lúa, còn những cây khác để chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp - nông thôn chưa có tác động rõ.
Lưới điện quốc gia đến hộ nông dân ĐBSCL chủ yếu phục vụ cho sinh hoạt, đường điện từ trung tâm xã đến các hộ nông dân chất lượng kém, là nguyên nhân tổn thất điện năng lớn làm cho giá mua điện ở nông thôn cao... nông dân chịu thiệt, đồng
thời là nguyên nhân làm hạn chế của các hoạt động dịch vụ nông nghiệp, nhất là các loại máy bảo quản, chế biến nông - lâm - thủy sản, làm hàng xuất khẩu truyền thống...
Đối với thị trường đầu ra cho nông nghiệp: giá cả nông sản bấp bênh tỷ lệ khoảng cách giữa hàng nông sản và hàng công nghiệp vẫn chưa bảo vệ lợi ích của người sản xuất nông nghiệp.
ĐBSCL với tốc độ phát triển tương đối cao về sản xuất nông nghiệp, nông sản hàng hóa ngày càng nhiều thì thị trường tiêu thụ nông sản càng trở nên không ổn định và bị động. Thị trường nội vùng, nông phẩm hàng hóa phát triển rất phong phú đa dạng, song do sức mua của dân cư trong vùng còn thấp, nẩy sinh tình trạng hàng hóa ế ẩm nhưng dân cư thì vẫn chưa thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng; do thấp kém và hạn chế về quy trình bảo quản, chế biến hàng nông phẩm sau thu hoạch cùng với chi phí vận chuyển cao là nguyên nhân làm cho nông sản hàng hóa vùng này khó vươn tới các vùng khác trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Hiện nay, tuy một số mặt hàng như gạo, trứng vịt muối, tôm cá nước ngọt, đặc sản biển... đã có mặt tương đối trên thị trường thế giới, song chưa ổn định, chưa vững chắc. Nói chung, việc tiêu thụ nông sản hàng hóa, đặc biệt là lúa gạo đang là nỗi lo thường xuyên của nông dân ĐBSCL.
Như vậy, việc xây dựng chiến lược thị trường nông sản, tổ chức tiếp thị tiêu thụ nông sản hàng hóa kịp thời, bảo đảm lợi ích cho nông dân đang là vấn đề đặt ra rất gay gắt và cấp bách, trong chiến lược thị trường nhằm giải quyết tốt đầu ra của hàng hóa nông phẩm phải tập trung giải quyết tốt các mâu thuẫn vốn có và thường xuyên diễn ra ở vùng này: Mâu thuẫn giữa khả năng sản xuất nông phẩm ở ĐBSCL còn lớn với thị trường tiêu thụ nông phẩm còn hạn hẹp, mâu thuẫn giữa số lượng nông phẩm sản xuất ra ngày càng nhiều với sự yếu kém của công nghiệp chế biến nông phẩm hiện nay, mâu thuẫn giữa yêu cầu mở rộng thị trường tiêu thụ nông phẩm của vùng với hệ thống lưu thông nông phẩm yêú kém hiện nay; đồng thời với việc sản xuất phải bám sát, gắn bó với yêu cầu thị trường cả về số lượng và chất lượng, phấn đấu nâng cao chất lượng gắn với hạ giá thành sản phẩm để nâng cao sức cạnh tranh của hàng nông sản trong vùng trên trường quốc tế là một trong những nhu cầu quan
trọng nhất của sản xuất nông lâm ngư nghiệp đối với thị trường nông thôn ĐBSCL hiện nay.