Sự cần thiết phải hoàn thiện pháp luật về phân quyền cho chính quyền địa phương trong quản lý đất đai.

Một phần của tài liệu Các vấn đề pháp lý về phân quyền mạnh cho chính quyền địa phương trong quản lý Nhà nước về đất đai (Trang 44 - 46)

trong quản lý đất đai.

Những năm vừa qua, nhà nước ta đã có nhiều cố gắng trong quản lý, khai thác và sử dụng đất. Việc quản lý đất đai đã từng bước đi vào nề nếp, ngày càng có hiệu quả và tiết kiệm hơn. Tuy nhiên, việc quản lý và sử dụng đất vẫn bộc lộ những hạn chế như chưa đẩy lùi các vi phạm pháp luật về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất; việc sử dụng quỹ đất giao thông, thuỷ lợi còn nhiều bất hợp lý; tình trạng mua bán, chuyển nhượng đất đai trái phép xảy ra phổ biến. Điều này chứng tỏ công tác quản lý đất đai của nhà nước ta trong thời gian qua chưa đạt hiệu quả mong muốn. Một trong những nguyên nhân là pháp luật chưa phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quản lý đất đai cho các cấp chính quyền địa phương.

Mặt khác, kể từ khi nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường, đặc biệt sau khi luật đất đai 1993 ra đời, pháp luật cho phép người sử dụng đất được chuyển quyền sử dụng trong thời hạn giao đất đã phá vỡ tình trạng “đóng băng” trong quản lý đất đai ở nước ta. Đồng thời làm phát sinh nhiều loại giao dịch đất đai mang tính chất dân sự, thương mại trong xã hội. Tuy vậy, phương thức quản lý đất đai của nhà nước chậm thay đổi không theo kịp với sự vận động của quan hệ đất đai. Chính phủ vẫn phải giải quyết quá nhiều các công vịêc như giao đất, cho thuê đất. Trong khi đó, Uỷ ban nhân dân các cấp lại chỉ có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất ở mức độ hạn chế về diện tích, đối tượng và mục đích sử dụng. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc thuê đất sản xuất kinh doanh, thậm chí làm chậm hoặc bỏ lỡ cơ hội kinh doanh phía đối tác của Việt Nam. Đây là một lý do để nhà nước thực hiện việc phân cấp quản lý cho chính quyền địa phương.

Việc phân quyền về quản lý đất đai cho chính quyền địa phương đặt trong tổng thể công cuộc cải cách thủ tục hành chính của Đảng và nhà nước ta. ở nước

ta, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý nên nó chi phối rất lớn đến việc sử dụng đất trong xã hôi. Hiện nay, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước ta chưa đáp ứng được các đòi hỏi của công tác quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, gây cản trở cho quá trình pháp triển kinh tế. Xét trong lĩnh vực quản lý đất đai của nhà nước thì vẫn còn dấu ấn của cơ chế quản lý tập trung, quan liêu bao cấp không theo kịp với sự phát triển của xã hội. Vì vậy, một đòi hỏi cấp bách đặt ra hiện nay là phải cải cách mạnh mẽ, toàn diện nền hành chính quốc gia nói chung và cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai nói riêng, khắc phục những mặt yếu kém, trì trệ của bộ máy các cơ quan nhà nước và đội ngũ công chức góp phần nâng cao hiệu lực quản lý đất đai theo đúng định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng IX: “Xây dựng một nền hành chính nhà nước dân chủ, trong sạch, vững mạnh, từng bước hiện đại hoá...Tiếp tục xoá bỏ các thủ tục hành chính phiền hà, nhất là ở những lĩnh vực, những khâu dễ xảy ra tham nhũng, sách nhiễu”.(Văn kiện Đại hội Đảng IX, NXB Chính trị Quốc gia 2001, trang 133, 134, 135, 136.)

Thực tiễn công tác quản lý đất đai ở nước ta hiện nay đặt ra yêu cầu phải phân quyền quản lý đất đai cho chính quyền địa phương. Luật đất đai 1993 được sửa đổi, bổ sung năm 1998 và 2001 là một trong những đạo luật quan trọng thể hiện đường lối đổi mới của Đảng và nhà nước. Những kết quả đạt được là tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần ổn định chính trị xã hội. Chính sách, pháp luật đất đai đã trở thành một trong những động lực chủ yếu đưa nước ta vào nhóm những nước hàng đầu thế giới về xuất khấu nông sản và thuỷ sản. Kinh tế nông nghiệp đã thoát khỏi tình trạng tự cấp tự túc và chuyển sang sản xuất hàng hoá. Bề mặt kinh tế - xã hội nông thôn được cải thiện. Người sử dụng đất gắn bó hơn với đất đai, quyền sử dụng đất đã trở thành nguồn vốn lớn để người sử dụng đất đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Thị trường bất động sản bao gồm quyền sử dụng đất tuy còn sơ khai nhưng đã thu hút một lượng vốn đáng kể vào đầu tư hạ tầng, chỉnh trang và phát triển đô thị, cải thiện dần điều kiện về nhà ở của nhân dân. Tuy nhiên, tình hình quản lý và sử dụng đất đai còn tồn tại nhiều yếu kém. Hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa đáp ứng

được nhu cầu của thực tiễn, tính khả thi thấp. Việc quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch chưa trở thành ý thức trong các cơ quan nhà nước và người quản lý, sự tuỳ tiện xảy ra khá phổ biến. Tình trạng tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về việc quản lý và sử dung đất đai có xu hướng tăng. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thiếu hiệu quả. Lực lượng thanh tra đất đai vừa nông, vừa yếu lại phải tập trung giải quyết quá nhiều khiếu nại, tố cáo nên chưa thanh tra, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về đất đai. Bên cạnh đó, pháp luật đất đai lại chưa phân quyền quản lý đất đai “đủ mạnh” cho chính quyền địa phương để các cơ quan này hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

Để khắc phục những tồn tại này, nhà nước cần tăng cường, củng cố và hoàn thiện hệ thống cơ quan quản lý đất đai, đồng thời mạnh dạn trao thêm nhiều quyền hạn cho các cơ quan quản lý đất đai ở địa phương. Có như vậy thì công tác quản lý đất đai trong thời gian tới mới đạt hiệu quả và góp phần vào quá trình cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai ở nước ta.

Một phần của tài liệu Các vấn đề pháp lý về phân quyền mạnh cho chính quyền địa phương trong quản lý Nhà nước về đất đai (Trang 44 - 46)