Sự phân quyền trong hoạt động thu hồi đất.

Một phần của tài liệu Các vấn đề pháp lý về phân quyền mạnh cho chính quyền địa phương trong quản lý Nhà nước về đất đai (Trang 35 - 36)

Cùng với giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất là một biện pháp để Nhà nước - đại diện chủ sở hữu - thực hiện quyền định đoạt đất đai. Theo Luật đất đai 2003: “Thu hồi đất là việc Nhà nước ra quyết định hành chính để thu lại quyền sử dụng đất hoặc thu lại đất đã giao cho tổ chức, Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn quản lý theo quy định của pháp luật”.

Thu hồi đất được đề cập trong luật đất đai 1993 bằng các quy định về các trường hợp thu hồi đất, thẩm quyền thu hồi đất và nguyên tắc khi thu hồi đất. Tuy nhiên luật đất đai 1993 quy định như vậy là chưa đầy đủ và thiếu các quy định cụ thể về việc bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất. Trên thực tế, người có đất bị thu hồi được đền bù thiệt hại nhưng lại không có quy định nào đề cập cụ thể để giải quyết hậu quả pháp lý của việc thu hồi đất như: giá đất để tính đền bù thiệt hại, giải quyết vấn đề tái định cư, đời sống việc làm cho người có đất bị thu hồi, xử lý các trường hợp cố tình không thực hiện quyết định thu hồi đất. Hạn chế này đã làm chậm chễ việc giải phóng mặt bằng khi thực hịên các dự án đầu tư, phát sinh nhiều khiếu kiện từ phía người dân. Mặt khác, tại một số địa phương, cộng đồng dân cư khi xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng đã sử dụng đất của một số hộ gia đình, cá nhân nhưng pháp luật lại không có quy định để xác định đền bù cho các đối tượng này như thế nào. Khắc phục hạn chế này, luật đất đai sửa đổi năm 2001 đã xác lập nguyên tắc trong việc đền bù khi Nhà nước thu hồi đất như sau:

- Người sử dụng đất được bồi thường hoặc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

- Nhà nước có chính sách để ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi. Trong trường hợp thu hồi đất phải chuyển chỗ ở thì được mua nhà của Nhà nước hoặc được giao đất có thu tiền sử dụng đất để làm nhà ở.

- Trường hợp cộng đồng dân cư xây dựng các công trình phục vụ lợi ích công cộng của cộng đồng theo quy hoạch bằng nguồn vốn do nhân dân đóng góp hoặc Nhà nước có hỗ trợ thì việc bồi thường hoặc hỗ trợ cho người có đất để sử dụng xây dựng công trình công cộng do cộng đồng dân cư và người có đất tự thoả thuận.

Không chỉ xác lập các nguyên tắc giải quyết việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, pháp luật đất đai còn quy định rõ thẩm quyền thu hồi đất của các cơ quan quản lý nhà nước. Thẩm quyền thu hồi đất được pháp luật đất đai xác lập theo hướng ngày càng đề cao vị trí và trách nhiệm của chính quyền địa phương. Cụ thể là thẩm quyền thu hồi đất được xác lập dựa trên nguyên tắc “Cơ quan nào có thẩm quyền quyết định giao đất nào thì có thẩm quyền thu hồi đất đó”.

Như phần trên đã phân tích, quan điểm phân cấp mạnh cho chính quyền địa phương trong việc giao đất, cho thuê đất là để giảm bớt cho Chính phủ không phải giải quyết các công việc mang tính chất sự vụ, tập trung vào công tác chỉ đạo, điều hành quản lý đất đai ở tầm vĩ mô. Vì vậy, thẩm quyền thu hồi đất được pháp luật đất đai giao cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện trên cơ sở các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất do Chính phủ quy định.

Thu hồi đất là một nội dung không kém phần quan trọng trong quản lý Nhà nước về đất đai nên cần có một chính sách nhất quán trong việc bồi thường hỗ trợ khi Nhà nước quyết định thu hồi đất của các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Hơn nữa, cần phân định cơ chế thẩm quyền rõ ràng vừa nâng cao tính chủ động của các cấp chính quyền địa phương vừa đảm bảo thực thi các chính sách kinh tế của Nhà nước. Từ đó cũng góp phần hạn chế những khiếu kiện, khiếu nại, tranh chấp phát sinh trong nội bộ nhân dân và giữa những người sử dụng đất với Nhà nước.

Một phần của tài liệu Các vấn đề pháp lý về phân quyền mạnh cho chính quyền địa phương trong quản lý Nhà nước về đất đai (Trang 35 - 36)