Sự phân quyền trong hoạt động giải quyết tranh chấp đất đai.

Một phần của tài liệu Các vấn đề pháp lý về phân quyền mạnh cho chính quyền địa phương trong quản lý Nhà nước về đất đai (Trang 41 - 44)

Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.

Tranh chấp đất đai là một nội dung của quản lý Nhà nước về đất đai. Giải quyết tranh chấp đất đai được hiểu là hoạt động của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền nhằm tìm ra một giải pháp đúng đắn dựa trên các quy định của pháp luật để giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn giữa các bên tranh chấp.

Trong giai đoạn hiện nay, tranh chấp đất đai mang nặng tính chất đặc thù. Tài sản tranh chấp không thuộc quyền sở hữu của các bên tranh chấp mà thuộc quyền sở hữu của Nhà nước. Vì thế, hậu quả của việc tranh chấp không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của các bên tham gia tranh chấp mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước. Cho nên, trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai, Nhà nước khuyến khích quyền tự thương lượng, hoà giải trong nội bộ nhân dân. Nếu đã xảy ra tranh chấp mà hoà giải không thành thì tuỳ theo tính chất và mức độ tranh

chấp, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai sẽ thuộc thẩm quyền của các cơ quan hành chính hoặc các cơ quan tư pháp.

Trong những năm vừa qua, Nhà nước ta thay đổi cơ chế quản lý đất đai làm cho người sử dụng đất gắn bó với đất đai, thấy được giá trị to lớn của đất. Bên cạnh đó, cơ chế quản lý đất đai này cũng làm gia tăng các tranh chấp đất đai với tính chất ngày càng phức tạp hơn. Chính vì vậy, việc giải quyết tranh chấp đất đai gặp phải không ít khó khăn, phức tạp. Nhận thức được những khó khăn này, pháp luật đất đai đã xác định rõ thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Theo đó, các tranh chấp về quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Uỷ ban nhân dân. Các tranh chấp về tài sản gắn liền với việc sử dụng đất và các tranh chấp về quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp thì sẽ do toà án nhân dân giải quyết.

Không chỉ dừng lại ở việc quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, pháp luật đất đai còn chú trọng tới việc phân quyền trong giải quyết tranh chấp đất đai. Luật đất đai 1993 quy định Nhà nước khuyến khích việc hoà giải các tranh chấp đất đai trong nộibộ nhân dân. Uỷ ban nhân dân cấp xã phối hợp với mặt trận tổ quốc và các tổ chức thành viên của mặt trận hoà giải các tranh chấp đất đai. Như vậy, luật đất đai 1993 chưa xác định hoà giải tranh chấp đất đai là một nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện của chính quyền cơ sở hay không? Đến luật đất đai 2003 đã quy định vấn đề này cụ thể rõ ràng hơn. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hoà giải. Nếu các bên không hoà giải được thì gửi đơn đến Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi có tranh chấp. Trong vòng 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, Uỷ ban nhân dân cấp xã phối hợp với các đoàn thể quần chúng ở cơ sở hoà giải tranh chấp giữa các bên. Đây là một thủ tục bắt buộc phải tiến hành ở chính quyền cơ sở. Quy định này vừa là thẩm quyền vừa là trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc giải quyết tranh chấp đất đai. Việc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hoà giải ở cơ sở sẽ làm

giảm gánh nặng cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, khắc phục được việc người dân khiếu kiện vượt cấp, đồng thời tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp xã, phát huy vai trò của các đoàn thể quần chúng trong việc giải quyết tranh chấp đất đai.

Vấn đề phân cấp thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cho chính quyền các địa phương còn thể hiện rõ ở việc quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai chủ yếu do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện, hạn chế tối đa việc giải quyết tranh chấp đất đai của các cơ quan Trung ương, khắc phục tình trạng đơn thư khiếu nại vượt cấp, gây tốn kém thời gian công sức của người dân trong việc khiếu kiện làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội và làm cho tranh chấp đất đai không được giải quyết dứt điểm, để dây dưa kéo dài. Quan điểm về phân cấp thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho các địa phương thể hiện rõ ở quy định sau:

Tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 - Điều 50 của luật này được giải quyết như sau:

- Trường hợp chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết, quyết định của chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là quyết định cuối cùng.

- Trường hợp chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết lần đầu mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường là quyết định cuối cùng (Khoản 2 - Điều 136 - Luật đất đai 2003).

Chương III

Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về phân quyền mạnh cho chính quyền địa phương trong quản lý Nhà nước về đất đai.

Một phần của tài liệu Các vấn đề pháp lý về phân quyền mạnh cho chính quyền địa phương trong quản lý Nhà nước về đất đai (Trang 41 - 44)