Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của Chính phủ.

Một phần của tài liệu Các vấn đề pháp lý về phân quyền mạnh cho chính quyền địa phương trong quản lý Nhà nước về đất đai (Trang 27 - 29)

Luật đất đai 1993 quy định thẩm quyền giao đất tập trung chủ yếu ở Chính phủ, dẫn đến tình trạng trên thực tế Chính phủ phải giải quyết nhiều công việc mang tính chất sự vụ mà không có điều kiện để tập trung vào việc chỉ đạo, điều hành công tác quản lý đất đai thống nhất trong cả nước. Cụ thể, Điều 23 luật đất đai 1993 quy định Chính phủ có thẩm quyền giao đất để sử dụng vào mọi mục đích trong trường hợp cần thiết. Quy định này làm nảy sinh những bất hợp lý sau đây:

Thứ nhất, Chính phủ vừa là người xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vừa là người có thẩm quyền giao đất. Điều này dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Hơn nữa, Chính phủ sẽ mất nhiều lần xem xét việc quyết định giao đất.

Thứ hai, pháp luật đất đai không có quy định cụ thể hoá “giao đất trong trường hợp cần thiết” là những trường hợp cụ thể nào. Với quy định này, người đọc sẽ có thể hiểu là Chính phủ sẽ giao đất trong mọi trường hợp mà không có cơ sở phân định rõ ràng nếu chỉ dựa vào sự cần thiết. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự tuỳ tiện trong việc giao đất của Chính phủ. Hơn nữa, quy định kiểu này làm cho các chủ thể sử dụng đất khó khăn khi làm thủ tục xin giao đất, thuê đất.

Nhận thức được sự bất cập này, đồng thời thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về cải cách thủ tục hành chính trong việc giao đất, cho thuê đất, luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật đất đai năm 2001 đã phân cấp thẩm quyền giao đất, cho thuê đất cho Uỷ ban nhân dân các địa phương trong quản lý Nhà nước về đất đai. Vì vậy, Điều 23 đã được sửa đổi bổ sung năm 2001 về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích không phải sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, làm muối thì thẩm quyền giao đất của Chính phủ được quy định như sau:

- Giao đất có thu tiền sử dụng đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng theo dự án.

- Giao đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.

Ngoài ra, Chính phủ sẽ quyết định cho thuê đất đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư có nhu cầu sử dụng từ 5 ha trở lên đối với đất đô thị và từ 50 ha trở lên đối với các loại đất khác.

Như vậy, khi xác định thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của Chính phủ đối với các tổ chức, cá nhân trong nước, luật đất đai sửa đổi 2001 không đưa ra mức đất khống chế cụ thể cho từng dự án, từng công trình. Và trước đây, nếu mọi trường hợp giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài đều tập trung vào Chính phủ thì hiện nay thẩm quyền này đã được giao bớt cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh (điều 80, luật đất đai sửa đổi 2001). Đây là một cải cách lớn trong việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương trong việc giao đất, cho thuê đất. Mặt khác, từ việc quy định cho Chính phủ có thẩm quyền giao đất vào mọi mục đích trong trường hợp cần thiết của luật đất đai 1993 đến việc thu hẹp bớt thẩm quyền giao đất của Chính phủ xuống chỉ còn giao đất trong ba trường hợp được xác định trong luật đất đai 2001 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của Nhà nước ta trong việc phân cấp mạnh thẩm quyền giao đất cho Uỷ ban nhân dân các địa phương, góp phần cải cách đáng kể các thủ tục hành chính trong quản lý đất đai.

Quá trình cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai nhằm giảm bớt các công việc mang tính chất sự vụ của Chính phủ, đồng thời phân quyền

mạnh hơn nữa cho các cấp chính quyền địa phương được tiếp tục thực hiện trong luật đất đai 2003. Theo điều 37 luật đất đai 2003, thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được giao hết cho Uỷ ban nhân dân các cấp và Chính phủ không đảm nhiệm các chức năng này nữa.

Sự ra đời của luật đất đai 2003 cơ bản đã hoàn thành quá trình phân cấp về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất cho Uỷ ban nhân dân các cấp. Chính phủ không còn phải thực hiện những công việc giao đất mang tính sự vụ mà tập trung vào việc quản lý, điều hành công tác quản lý đất đai ở tầm vĩ mô. Công tác giao đất, cho thuê đất sẽ được thực hiện nhanh chóng hơn đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho sản xuất, kinh doanh của các nhà đầu tư, giảm bớt các thủ tục hành chính đất đai không cần thiết. Đồng thời, đề cao trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc quản lý đất đai ở địa phương. Chính phủ vẫn có thể kiểm tra, giám sát được hoạt động giao đất, cho thuê đất của Uỷ ban nhân dân các cấp thông qua công tác xét duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác thanh tra, kiểm tra đất đai.

Một phần của tài liệu Các vấn đề pháp lý về phân quyền mạnh cho chính quyền địa phương trong quản lý Nhà nước về đất đai (Trang 27 - 29)