nhập kinh tế quốc tế ở Việt Nam thời gian qua
Đối với một nhà nước, thuế đóng vai trò rất quan trọng. Thuế, trong đó có thuế nhập khẩu là nguồn thu chính của ngân sách nhà nước. Nhận thức được điều này, Nhà nước ta đã thành lập các cơ quan Hải quan ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công. Trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung ở nước ta, do Nhà nước độc quyền ngoại thương nên chỉ có các tổ chức kinh tế nhà nước mới được phép trao đổi hàng hóa với nước ngoài thông qua các tổ chức xuất, nhập khẩu. Trong bối cảnh đó, Nhà nước thực hiện chế độ thu, bù chênh lệch ngoại thương. Nhiệm vụ chủ yếu của chế độ này là đảm bảo về mặt tài chính cho các tổ chức xuất, nhập khẩu, chưa đặt vấn đề quản lý các hoạt động ngoại thương và mục tiêu thu Ngân sách nhà nước.
Chuyển sang cơ chế thị trường, cùng với chủ trương mở cửa nền kinh tế, hoạt động ngoại thương trở nên đa dạng, phong phú, mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, song nó cũng phát sinh ra những vấn đề tiêu cực, đòi hỏi có sự quản lý của Nhà nước thông qua các chính sách pháp luật, trong đó có pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Chính vì vậy, ngày 29/12/1987 Quốc hội đã ban hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch để thay thế cho chế độ thu, bù chênh lệch ngoại thương. Đây là một công cụ quản lý hữu hiệu cho hoạt động thương mại quốc tế nước ta lúc bấy giờ. Qua 4 năm thực thi, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hàng mậu dịch đã bộc lộ những nhược điểm và tỏ ra không còn phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội trong thời kỳ đổi mới. Ngày 26/12/1991 Quốc hội đã ban hành Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thay thế cho Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu hạng mậu dịch năm 1987. Luật này đã được sửa đổi, bổ sung vào những năm 1993. Nhìn chung Luật thuế xúât nhập khẩu ban hành trong thời kỳ này trong điều kiện nước ta chưa tham gia vào một tổ chức thương mại nào. Do đó Luật thuế xuất nhập khẩu không bị chi phối bởi yêu cầu hội nhập. Năm 1995 Việt nam tham gia vào khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) đã ký kết hiệp định thương mại với EU và chuẩn bị những bước cần thiết để gia nhập WTO. So với những quy định của tổ chức này thì
Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu còn thiếu những quy định để có thể thực hiện được những cam kết của Việt Nam với những tổ chức này cũng như thiếu những quy định để tạo những công cụ pháp lý hỗ trợ có hiệu quả, giúp bảo vệ lợi ích quốc gia trong điều kiện mở rộng quan hệ thương mại với các nước. Những thiếu sót cụ thể là:
- Trong Luật thuế Xuất, Nhập khẩu 1991 và 1993 chỉ quy định thuế suất đối với hàng nhập khẩu gồm thuế suất thông thường và thuế suất ưu đãi. Thuế suất ưu đãi được áp dụng cho hàng hoá nhập khẩu từ các nước có ký các điều khoản ưu đãi trong quan hệ buôn bán với Việt Nam với điều kiện phải ghi rõ từng mặt hàng với số lượng cụ thể và mức thuế suất ưu đãi được xác định theo từng nước cụ thể. Việc quy định về thuế suất ưu đãi mang tính song phương như vậy không phù hợp với thông lệ quốc tế về thuế suất và ưu đãi tối huệ quốc. Việc Nước ta gia nhập ASEAN đã đòi hỏi phải có những quy định để tạo thuận lợi cho việc thực hiện các cam kết quốc tế cũng như được hưởng những ưu đãi từ những cam kết này. Việc Ký hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung (CEPT) với ASEAN Luật thuế XNK nước ta phải phải bổ sung thêm một mức thuế suất thuế nhập khẩu nữa ngoài hai mức thuế nhập khẩu nêu trên là mức thuế suất ưu đãi đặc biệt.
- Thực tế hoạt động xuất nhập khẩu trong thời kỳ này cho thấy có tình trạng hàng hoá của nước khác bán phá giá vào Việt Nam do bán phá giá hoặc do được sự trợ cấp của nước xuất khẩu hoặc trường hợp hàng xuất khẩu của Việt Nam bị nước khác áp dụng chính sách phân biệt đối xử khi nhập khẩu vào nước họ, nhưng ta chưa có được các biện pháp đối phó phù hợp, thoả đáng. Bởi vì Luật Thuế XNK chưa có quy định này. Biện pháp chủ yếu mà ta thường áp dụng là nâng mức thuế nhập khẩu của hàng hoá đó lên. Nhưng vì là mức thuế của biểu thuế chung nên mức thuế này cũng được áp dụng chung cho các nước khác. Điều này vừa không thể hiện được thái độ của Nhà nước ta đối với những hành vi chơi xấu trong quan hệ thương mại của một số quốc gia với Việt Nam. Đồng thời làm ảnh hưởng xấu quan hệ thương mại của nước ta với các nước khác.
Để phù hợp với các cam kết quốc tế về ưu đãi thuế nhập khẩu gồm ưu đãi tối huệ quốc trong các hiệp định thương mại giữa Việt nam với các nước, ưu đãi đặc biệt với các nước ASEAN và yêu cầu hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Đồng thời tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện đúng cam kết quốc tế và cũng để thể hiện rõ chính thuế nhập khẩu được phân biệt theo mức độ quan hệ giữa Việt Nam với các nước, tạo thuận lợi trong đàm phán về thuế với các nước trên thế giới. Hơn nữa cũng là để tăng cường các công cụ pháp lý nền sản xuất trong nước theo tinh thần bảo hộ có chọn lọc, có điều kiện, có thời hạn phù hợp với thông lệ quốc tế và tiến trình hội nhập trong điều kiện tự do hoá thương mại mà Việt Nam đã cam kết khi hội nhập với khu vực và thế giới. Trên tinh thần đó, ngày 20/05/1998 Quốc hội nước ta đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu .
Trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu năm 1998 có quy định: thuế suất đối với hàng hoá nhập khẩu gồm có:
- Thuế suất phổ thông áp dụng cho hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ nước không có thoả thuận đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam.
- Thuế suất ưu đãi áp dụng cho hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ nước có thoả thuận đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam.
- Thuế suất ưu đãi đặc biệt áp dụng cho hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ nước mà Việt Nam và nước đó đã có thoả thuận ưu đãi đặc biệt về thuế nhập khẩu theo thể chế khu vực thương mại tự do hoặc thương mại biên giới.
Đồng thời Luật thuế XNK sửa đổi, bổ sung năm 1998 còn quy định sẽ đánh thuế nhập khẩu bổ sung đối với trường hợp :
- Hàng nhập khẩu mà giá bán của nước xuất khẩu thấp hơn giá bán thông thường và việc đó gây tổn thất hoặc cản trở sự phát triển ngành sản xuất hàng hoá tương tự của Việt Nam.
- Hàng hoá có sự trợ cấp của nước xuất khẩu và việc nhập khẩu những hàng hoá này gây tổn thất hoặc cản trở sự phát triển ngành sản xuất hàng hoá tương tự.
- Hàng hoá nhập khẩu từ nước mà nước đó có sự phân biệt đối xử về thuế nhập khẩu hoặc có những biện pháp phân biệt đối xử khác đối với hàng hoá của Việt Nam.
Uỷ ban thường vụ quốc hội sẽ quy định việc áp dụng đánh thuế bổ sung cho các trường hợp này.
Để phù hợp với các yêu cầu khách quan của quá trình phát triển kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta, đặc biệt là sau khi hiệp định thương mại Việt - Mỹ được ký kết dựa trên nguyên tắc và chuẩn mực của WTO và do sức ép của tiến trình đàm phán của Việt Nam với các nước để gia nhập WTO, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản pháp luật về thuế nhập khẩu để đáp ứng yêu cầu đó cụ thể:
- Ngày 06/06/2002 Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2002/NĐ-CP quy định về việc xác định giá tính thuế đối với hàng hoá nhập khẩu theo nguyên tắc của hiệp định thực hiện điều 7 hiệp định chung về thuế quan và thương mại. Bộ Tài chính ban hành Thông tư 118/2003/TT-BTC ngày 8/12/2003 hướng dẫn thi hành Nghị định 60/2002/NĐ-CP nêu trên.
- Ngày 25/05/2002 Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh số 42/2002/PL-UBTVQH10 về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam; Chính phủ ban hành Nghị định 150/2003/NĐ-CP ngày 08/12/2003 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về tự vệ trong nhập khẩu hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam.
- Ngày 25/5/2002 Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 41/2002/PL-UBTVQH10 về đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế.
Ngày 29/04/2004 Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh số 20/2004/PL-UBTVQH11 về chống bán phá giá hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam
Ngày 20/08/2004 Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành pháp lệnh số 22/2004/PL-UBTVQH11 về chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.
Ngày 31/8/2004 Bộ Tài chính ban hành Thông tư 87/2004/TT-BTC Hướng dẫn thi hành thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Ngày 11/07/2005 Chính phủ ban hành hai nghị định là:Nghị định 89/2005/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Chống trợ cấp hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và Nghị định số 90/2005/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Chống bán phá giá hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam.
Ngày 14/06/2005 Quốc hội đã thông qua hai Luật là Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 và Luật số 42/2005/QH11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 ;
Ngày 06 tháng 12 năm 2005 Chính phủ ban hành Nghị định số 149/2005/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu. Bộ Tài chính ban hành Thông tư 113/2005/TT-BTC ngày 15/12/2005.Hướng dẫn thi hành nghị định về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Ngày 15 tháng 12 năm 2005 Chính phủ ban hành Nghị định số
155/2005/NĐ-CP Quy định về việc xác định trị giá hải quan đối với hàng hoá
xuất khẩu, nhập khẩu thay thế cho Nghị định số 60/2002/NĐ-CP.
Trong thời gian gần đây pháp luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thường xuyên sửa đổi, bổ sung và ban hành nhiều văn mới nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và có nhiều nội dung mới đáp ứng yêu cầu gia nhập WTO vào cuối năm 2006. Những nội dung sửa đổi cơ bản trên của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2005 và các văn bản pháp luật về thuế nhập khẩu khác đã thể hiện được mục tiêu, yêu cầu cải cách hệ thống chính sách thuế theo yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.