Nếu thương mại quốc tế diễn ra trong một hoàn cảnh lý tưởng không có phân biệt đối xử không có hạn chế định lượng, không có trợ cấp, phá giá…thì vấn đề xác định xuất xứ hàng hoá sẽ không phải đặt ra. Sở dĩ phải xác định xuất xứ tức là xác định nước được coi là nơi sản xuất ra hàng hoá là vì:
- Để xem hàng hoá đó có được hưởng ưu đãi thương mại hay không ? một số nhóm nước hoặc tổ chức khu vực ký với nhau các thoả thuận về ưu đãi thuế quan chẳng hạn. Để tránh các nước ngoài nhóm lợi dụng ưu đãi này thì cần phải xác định để chắn chắn là hàng hoá xuất xứ từ nước được hưởng ưu đãi.
- Để hạn chế định lượng nhập khẩu từ một số nước nhất định ví dụ các nước được áp dụng hạn ngạch với hàng dệt may và để biết được một nước đã xuất khẩu vào thị trường nước khác hết lượng hạn ngạch đã cho chưa thì phải xác định xuất xứ.
- Để chống lại các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Để có thể áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp thì cần phải xác định được đâu là hàng hoá xuất xứ từ nước có hành vi cạnh tranh không lành mạnh;
- Để phục vụ cho mục đích thống kê.
Quy tắc xuất xứ là tập hợp các quy tắc được một nước áp dụng để xác định xuất xứ của hàng xuất- nhập khẩu.
Nếu toàn bộ quá trình sản xuất ra một loại hàng hoá từ khai thác nguyên liệu, gia công, chế biến thành phẩm đều diễn ra tại một nước thì nước xuất xứ chính là nước sản xuất ra hàng hoá (Xuất xứ thuần tuý).
Nền kinh tế hiện đại với đặc trưng là phân công lao động rõ rệt và dịch chuyển đầu tư từ nước này sang nước khác đã làm cho hàng hoá ngày càng mang tính quốc tế hoá. Một mặt hàng có thể trải nhiều công đoạn chế biến hoặc bao gồm cấu kiện sản xuất tại nhiều nước khác nhau, nhưng việc xác định xuất xứ chỉ cho phép ta chọn một nước để coi là nơi xuất xứ. Do vậy nước được chọn không hoàn toàn là nước sản xuất ra mặt hàng đó, nên chỉ được coi là nơi sản xuất ra mặt hàng đó.
Có hai phương pháp chính để xác định xuất xứ hàng hoá:
Một là, theo tỷ lệ %. Nếu giá trị gia công, chế biến tại một trong các nước tham gia sản xuất nên mặt hàng đạt một tỷ lệ nhất định thì hàng hoá được coi là xuất xứ từ nước đó. ASEAN lấy 40% làm tỷ lệ xác định xuất xứ để được hưởng ưu đãi của hiệp định CEPT.
Hai là, theo chuyển dịch dòng thuế. Nếu sau khi gia công chế biến tại một nước mà tính chất hàng hoá thay đổi đến mức có thể phân loại thành một dòng thuế khác so với trước khi gia công, chế biến thì hàng hoá đó có thể coi là xuất xứ tại nước đó.
Với hiệp định về quy chế xuất xứ hàng hoá ( hiệp định ROO), WTO chính thức đưa ra vấn đề xuất xứ hàng hoá vào phạm vi điều chỉnh của mình. Hiệp định ROO yêu cầu các nước hài hoà hoá các quy tắc xác định hàng hoá dựa trên những quy tắc mẫu do một uỷ ban ký thuật đưa ra. Do việc soạn thảo các quy tắc mẫu đòi hỏi phải có thời gian nên hiệp định ROO cũng đề những nguyên tắc các nước phải tuân thủ trong thời gian quá độ và sau khi kết thúc thời kỳ quá độ.
Những yêu cầu của thời kỳ quá độ: Trong thời gian trước khi các quy tắc mẫu được soạn thảo xong, các nước phải đảm bảo:
- Các quy tắc để xác định xuất xứ phải rõ ràng rành mạch;
- Quy chế xuất xứ không được dùng làm công cụ để theo đuổi các mục đích thương mại, không được làm ảnh hưởng tới thương mại quốc tế.
- Tuân thủ nguyên tắc đãi ngộ tối huệ quốc và đãi ngộ quốc gia khi xác định xuất xứ;
Các yêu cầu đặt ra cho quy chế xuất xứ sau khi hài hoà:
Sau khi hài hoà , quy chế xuất xứ của mỗi nước phải đảm bảo:
- Được áp dụng trong tất cả các trường hợp cần thiết phải xác định xuất xứ trên cơ sở không phân biệt đối xử;
- Tuân thủ nguyên tắc đãi ngộ tối huệ quốc và đãi ngộ quốc gia khi xác định xuất xứ;
- Mang tính khách quan, dễ hiểu và dễ dự đoán; - Được thực hiện một cách nhất quán thống nhất. - Dựa trên các tiêu chuẩn thuận;
- Chỉ công nhận xuất xứ thuần tuý hoặc xuất xứ tại nước cuối cùng có sự thay đổi cơ bản tính chất hàng hoá.
Phương pháp xác định xuất xứ theo tỷ lệ % vẫn có thể được áp dụng như một phương pháp bổ sung khi không xác định được khi nào hàng hoá có sự thay đổi cơ bản về tính chất.
Hiệp định ROO không áp dụng để xác định xuất xứ hàng hàng được hưởng ưu đãi thương mại mà nó chỉ áp dụng để xác định xuất xứ của hàng hoá nhập khẩu trên cơ sở không phân biệt đối xử; hàng hoá nhập khẩu chịu thuế suất tối huệ quốc, hàng hoá bị đánh thuế chống phá giá hoặc thuế đối kháng, hàng hoá bị áp dụng các biện pháp tự vệ. Như vậy hàng hoá thuộc diện được hưởng ưu đãi trong các khuôn khổ AFTA không bắt buộc phải tuân thủ hiệp định ROO.
CHƯƠNG II