Kon Tum là một tỉnh miền núi, vùng cao, biên giới nằm ở cực Bắc Tây Nguyên được tái lập lại vào tháng 10 năm 1991, có độ cao từ 550-700 mét so với mặt nước biển, có tọa độ địa lý từ 107020'15" đến 108033'30" kinh độ Đông và từ 13055'10" đến 15027'15" vĩ độ Bắc.
Diện tích tự nhiên của tỉnh Kon Tum là 9.614,5 km2; phía Đông giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, phía Tây giáp tỉnh Atôpơ, Sê Kông (Lào) và tỉnh Ratanakiri (Campuchia) với đường biên giới dài 280,7 km; phía Nam giáp tỉnh Gia Lai.
Tổng số đơn vị hành chính của tỉnh gồm có 8 huyện và 1 thị xã (KonTum); với 95 xã, phường, thị trấn. Dân số tỉnh KonTum là 377.007 người (tính 31/12/2000) với nhiều dân tộc anh em khác nhau như: Kinh, Xê Đăng, Bana, Gia rai, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Mâm, và một bộ phận nhỏ các dân tộc ở phía Bắc di cư vào sinh sống (Tày, Mường, Thái, ...).
Các dân tộc có số lượng khác nhau, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm tỉ lệ 54.3%, dân tộc Kinh chiếm tỉ lệ 45,7% trong tổng dân số của cả tỉnh.
KonTum là một tỉnh nghèo so với cả nước, nền kinh tế của tỉnh có điểm xuất phát thấp. Trong những năm gần đây, mặc dù tỉnh KonTum đã có sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, nhưng nông - lâm - thủy sản vẫn chiếm một tỉ trọng khá lớn. "Giai đoạn 2000-2005 tỉ trọng công nghiệp - xây dựng
tăng từ 15,69% lên 19,04%; thương mại - dịch vụ tăng từ 38,05% lên 38,58%; nông - lâm - thủy sản từ 45,89% giảm xuống 42,38%" [12,Tr.12].
Tổng sản phẩm (GDP) bình quân hàng năm tăng 11%. Tốc độ tăng trưởng bình quân của nông nghiệp là 9,15/năm; công nghiệp - xây dựng tăng trưởng cao, bình quân hàng năm đạt 16,76%; thương - mại dịch vụ có bước phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân 11,18%/ năm.[12, Tr.13]
Văn hóa xã hội có buớc tiến bộ, nhiều vấn đề xã hội bức xúc đã được quan tâm giải quyết. Công tác xóa đói giảm nghèo được triển khai tích cực, cơ bản đã xóa hết hộ đói, giảm mạnh tỷ lệ hộ nghèo từ 17,91% năm 2000 xuống còn 9,23% năm 2005 (tiêu chí năm 2000), thu nhập bình quân đầu người từ 182 USD năm 2000 tăng lên 289 USD (4,7 triệu đồng) năm 2005.
Vấn đề lao động, việc làm có bước chuyển biến đáng kể, hàng năm giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động. Công tác đào tạo nghề được quan tâm hơn; mạng lưới trường, lớp dạy nghề được mở rộng đến một số huyện với nhiều hình thức đào tạo đa dạng; tỷ lệ lao động qua đào tạo, bồi dưỡng đạt 21%.
Chương trình quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học đã thực hiện tốt (KonTum là tỉnh đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học); đồng thời tăng cường công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở (đã có 43% số xã được công nhận).
Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đội ngũ y, bác sĩ (81% xã có trạm y tế kiên cố, bán kiên cố; 48% số xã cố bác sĩ). Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình được duy trì, giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 2,1% (năm 2000 tỷ lệ này là 2,5%), tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm từ 37% năm 2000 xuống còn 26,6% năm 2005.
Nhiều công trình văn hóa, phúc lợi xã hội được đầu tư xây dựng. Các di tích lịch sử, văn hóa được bảo vệ và từng bước tôn tạo. Đến nay, 100% số hộ được phủ sóng phát thanh; 85% số hộ được phủ sóng truyền hình; 100% số xã được cấp phát báo Nhân dân và Báo KonTum. [12, Tr,15-16]
Mặc dù trong những năm qua KT-XH của tỉnh KonTum đã có sự chuyển biến tích cực, nhưng theo đánh giá chung thì KonTum vẫn là một tỉnh nghèo, chậm phát triển. Không những gặp khó khăn về vốn, thiết bị và
công nghệ mà KonTum còn gặp khó khăn cả về nguồn nhân lực có khả năng tiếp thu và áp dụng các tiến bộ KH-CN .
Cơ sở hạ tầng còn nghèo nàn, lạc hậu, đầu tư manh mún, hiệu quả thấp. Tập quán sản xuất ở các xã vùng sâu, vùng xa còn mang tính tự cấp, tự túc.
Đời sống của nhân dân, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao so với mặt bằng chung của khu vực Tây Nguyên và cả nước.
Trình độ dân trí thấp, có sự chênh lệch quá lớn về trình độ hiểu biết giữa đồng bào các dân tộc thiểu số so với người Kinh, giữa thành thị với nông thôn và vùng sâu, vùng xa; các hủ tục mê tín, dị đoan còn tồn tại.
Kon Tum là một tỉnh còn trong tình trạng nghèo, nhưng có thế mạnh về tài nguyên đất đai và rừng, tiềm năng về thủy điện. Nếu giải quyết tốt các vấn đề về vốn, cơ sở hạ tầng, trình độ dân trí, đặc biệt là về nguồn lực con người (nhờ phát triển giáo dục, thì KonTum sẽ sớm thoát khỏi tình trạng đói nghèo, lạc hậu và tiến nhanh đến CNH-HĐH .