cơ bản, quan trọng của địa phương đòi hỏi người đại biểu phải có sự hiểu biết sâu rộng về mọi lĩnh vực của địa phương. Có như vậy các nghị quyết của HĐND đưa ra mới thực sự có tính khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, phù hợp với các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và phù hợp với tiến trình phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên theo báo cáo chính thức của các cơ quan có thẩm quyền, hoạt động của đại biểu HĐND vẫn còn nhiều yếu kém, hạn chế. Điều này do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng trong đó nguyên nhân cơ bản vẫn là do năng lực của một số đại biểu còn hạn chế. Bởi vậy, vấn đề đặt ra là làm thế nào để nâng cao chất lượng đại biểu, đảm bảo để họ thực sự có năng lực, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong điều kiện mới.
1.2. Khái niệm, các yếu tố cấu thành năng lực của đại biểu Hội đồng nhân dân trong thực hiện chức năng quyết định dân trong thực hiện chức năng quyết định
1.2.1. Khái niệm năng lực của đại biểu Hội đồng nhân dân trong thực hiện chức năng quyết định chức năng quyết định
Để đưa ra được khái niệm năng lực của đại biểu HĐND trong thực hiện chức năng quyết định, truớc hết chúng ta phải làm rõ khái niệm năng lực.
Theo từ điển Tiếng Việt và từ điển triết học, năng lực là khả năng, điều kiện chủ quan sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó. Theo A.G.Côvaliốp, nhà tâm lý học người Nga thì “Năng lực là một tập hợp hoặc tổng hợp những thuộc tính của cá nhân con người, đáp ứng những nhu cầu của hoạt động và bảo đảm cho hoạt động đó có kết quả cao” [4, tr.90].
Nói đến năng lực là nói đến khả năng đạt được kết quả trong hoạt động nào đó. Muốn hoạt động có kết quả thì cá nhân phải có những phẩm chất tâm lý nhất định phù hợp với yêu cầu của hoạt động đó. Nếu những thuộc tính tâm lý không phù hợp với yêu cầu của hoạt động thì coi như không có năng lực. Năng lực không phải là những thuộc tính cá nhân riêng lẻ mà là một tổ hợp các thuộc tính cá nhân đáp ứng yêu cầu cao của
hoạt động. Tổ hợp không có nghĩa là các thuộc tính đó tồn tại song song mà chúng có quan hệ và tác động lẫn nhau, thống nhất với nhau theo yêu cầu nhất định.
Năng lực vừa là cái “tự nhiên” có sẵn, vừa là kết quả của quá trình học tập, rèn luyện, hoạt động thực tiễn của con người. C.Mác cho rằng: “Đến chủ nghĩa cộng sản con người làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”. Đó chính là lúc con người từ vương quốc của tất yếu sang vương quốc tự do. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Năng lực con người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có, mà một phần lớn do công tác, do luyện tập mà có” [36, tr.40].V.M.Bechtêrep cho rằng, bất kỳ sự sáng tạo nào cũng cần có mức độ tài năng nhất định, cần có sự giáo dục thích hợp.
Có thể nói rằng, năng lực không phải là tư chất bẩm sinh thuần tuý vốn có của con người, tự động đảm bảo cho con người đạt kết quả trong hoạt động nào đó mà nó là kết quả của sự phối hợp những tư chất bẩm sinh vốn có với sự rèn luyện, tu dưỡng, học tập thông qua hoạt động thực tiễn của con người.
Người cán bộ nói chung và người đại biểu HĐND nói riêng cũng phải có năng lực nhất định mới có thể hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Trong đó năng lực tư duy lý luận và năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn là hai nhân tố quan trọng nhất tạo nên tài năng của mỗi người. Hai yếu tố này có quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời nhau, cái này hỗ trợ cái kia phát triển. Không có năng lực tư duy lý luận thì không thể nào có khả năng khái quát, sáng tạo và vận dụng đúng đắn, linh hoạt. Trái lại, chỉ có năng lực tư duy lý luận mà không có năng lực tổ chức thực tiễn thì năng lực tư duy lý luận dần dần bị xơ cứng, giáo điều, thoát ly thực tiễn, thoát ly cuộc sống, dễ rơi vào chủ nghĩa chủ quan, duy ý chí.
Là người đại biểu HĐND luôn gần gũi với nhân dân địa phương đã bầu ra mình để lắng nghe và truyền tải ý chí, nguyện vọng của cử tri đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, biến ý chí của nhân dân địa phương thành các quyết định quản lý nhà nước, đại biểu HĐND tỉnh phải là người có năng lực toàn diện trên tất cả các lĩnh vực mới có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Bởi vậy, ngoài các yếu tố trên, người đại biểu HĐND còn cần phải có tính sáng tạo, tính quyết đoán, khả năng làm việc độc lập cũng như khả năng làm việc tập thể cao.
Từ sự phân tích trên đây chúng ta có thể hiểu, năng lực của đại biểu HĐND trong thực hiện chức năng quyết định là một tổ hợp các khả năng của người đại biểu giúp cho họ đạt được kết quả cao nhất khi tham gia thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ người đại biểu HĐND.