Kết luận Hội nghị lần thứ 10 BCH TW Đảng khoá IX đã khẳng định:
Cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng- văn hóa diễn ra ngày càng gay go, quyết liệt, phức tạp. Các thế lực thù địch sử dụng các sản phẩm và hoạt động văn hóa để thực hiện “diễn biến hòa bình”. Tập trung vào việc hạ thấp làm phai nhạt, dẫn đến suy thoái về lý tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Chúng mưu toan dùng văn hóa để “phi chính trị hóa” đời sống xã hội và “giải thể hệ tư tưởng Mác-Lênin”, từ đó thực hiện âm mưu và mục tiêu xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa trên đất nước ta và các nước xã hội chủ nghĩa khác, cũng như chống lại các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới [5, tr.45-46].
Rõ ràng, cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa diễn ra ngày càng phức tạp trên toàn thế giới. Đối với nước ta, kẻ thù của CNXH đã tiếp tay cho thế lực thù địch ở nước ngoài kết hợp với bọn phản động trong nước chống phá cách mạng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa nghệ thuật. Văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực gắn liền với hình thái ý thức xã hội và cuộc đấu tranh tư tưởng, vì vậy kẻ thù đã lợi dụng sự giao lưu và mở cửa để đưa các tác phẩm văn hóa nghệ thuật có nội dung chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa vào nước ta ngày càng nhiều. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải nâng cao cảnh giác cách mạng, chủ động phá tan âm mưu “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy sức mạnh tối đa của yếu tố nội sinh trong việc chống trả sự xâm nhập của các yếu tố độc hại từ bên ngoài. Bên cạnh cơ cấu tiếp nhận, cần phải xây dựng một cơ cấu thanh lọc và phản công lại mọi thứ văn hóa phẩm độc hại này. Tuy nhiên, việc chống“diễn biến hòa bình”phải đặt trong bối cảnh quan hệ quốc tế ngày càng mở rộng, giao lưu về văn hóa nghệ thuật ngày càng được tăng cường, không nên vì cuộc đấu tranh này mà đóng cửa, chối từ tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới.
Để cuộc đấu tranh trên lĩnh vực này đạt được kết quả tốt, cần phải có những biện pháp ngăn chặn kịp thời và thích hợp như sau:
Thứ nhất, Thành phố Hồ Chí Minh, trước hết là các cơ quan nghiên cứu lý luận của
Thành phố cần xây dựng một đội ngũ lý luận phê bình văn hóa nghệ thuật vững vàng về chính trị, có trình độ chuyên môn cao, được cung cấp những cơ sở vật chất và thông tin
đầy đủ để họ có thể đảm nhận tốt vai trò là người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng. Vạch trần những âm mưu đen tối của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước, góp phần giữ vững sự thống nhất về tư tưởng trong nhân dân.
Thứ hai, Sở Văn hóa - Thông tin Thành phố cần tăng cường các biện pháp quản lý
hoạt động văn hóa nghệ thuật bằng pháp luật bên cạnh những biện pháp tuyên truyền giáo dục tư tưởng. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự sáng tạo nhiều những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng- nghệ thuật cao, kịp thời cung cấp những món ăn tinh thần bổ ích và làm lành mạnh hóa đời sống tinh thần của nhân dân.
Thứ ba, Các cơ quan quản lý và bảo vệ pháp luật cần tăng cường các biện pháp đấu
tranh chống sự xâm nhập và phát triển lan tràn của các phương tiện nghe nhìn độc hại. Sự bùng nổ của truyền thông đại chúng, số lượng của các sản phẩm nghe nhìn đang tràn ngập vào Thành phố tác động đến nhiều lứa tuổi khác nhau, đặc biệt là thanh niên, học sinh. Các sản phẩm độc hại cũng qua đó xâm nhập vào càng ngày càng nhiều, mức độ càng cao, gây tác hại xấu đến xã hội. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp quản lý và kiểm tra các sản phẩm xuất - nhập khẩu thật chặt chẽ. Đặc biệt ở lĩnh vực băng, đĩa lậu. Về truy cập Internet, cần tuyên truyền sâu rộng những nguy cơ bất lợi và tai hại khó lường của việc truy cập những trang web độc hại. Yêu cầu các đại lý cho truy cập Internet làm cam kết việc không giới thiệu và truy cập những trang web có nội dung xấu.
TIỂU KẾT CHƯƠNG 3
Giao lưu văn hóa nghệ thuật là một quá trình diễn ra thường xuyên từ trước đến nay. Một nền văn hóa muốn phát triển, hòa nhập vào dòng chảy chung của văn hóa nhân loại thì không thể không giao lưu rộng rãi với các nền văn hóa khác trên thế giới. Nếu không có sự trao đổi, giao lưu các giá trị văn hóa nghệ thuật thì nền văn hóa của mỗi dân tộc ngày một nghèo nàn và lạc hậu. Vai trò to lớn đó là điều hiển nhiên không ai có thể phủ nhận. Nhưng, trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, việc truyền bá hay tiếp nhận các giá trị văn hóa nghệ thuật cần phải có định hướng cụ thể. Ở mỗi thời đại, mỗi dân tộc, các hình thức giao lưu không giống nhau. Vì vậy, các nhà nghiên cứu luôn phải dự báo trước những xu hướng giao lưu sắp tới để từ đó tìm ra những phương hướng, giải pháp thích hợp áp dụng cho từng thời kỳ khác nhau để nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất trong quá trình giao lưu. Đảng và nhân dân ta đã xác định được phương hướng đúng đắn: Xây dựng và phát
triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Một khía cạnh của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc chính là sự mở rộng giao lưu với thế giới, tiếp thụ có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế. Đó là những phương hướng quan trọng và phù hợp trong thời đại ngày nay. Tuy nhiên, phương hướng đúng là hết sức cần thiết nhưng chưa đủ. Cần phải có những giải pháp thích hợp, phải có chính sách tổng thể, một cơ chế quản lý chặt chẽ và thống nhất, tạo các hành lang pháp lý cho các hoạt động giao lưu văn hóa nói chung, giao lưu văn hóa nghệ thuật biểu diễn nói riêng được phát triển rộng mở. Thiết nghĩ, hơn bất cứ một thành phố nào khác trong nước, Thành phố Hồ Chí Minh mà trước hết là Sở Văn hóa – Thông tin Thành phố, các cơ quan biểu diễn nghệ thuật và những người làm công tác văn hóa nghệ thuật Thành phố cần ý thức rõ vai trò của mình trong lĩnh vực giao lưu văn hóa nghệ thuật để góp phần vào xây dựng và phát triển văn hóa nghệ thuật biểu diễn nói riêng, phát triển văn hóa nói chung của Thành phố ngày càng hiện đại và giàu bản sắc dân tộc.
KẾT LUẬN
Nghị quyết lần thứ 5 BCH TW (khóa VIII) đã khẳng định vai trò và vị trí của văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước, trong đó coi văn hóa đối ngoại là một bộ phận hữu cơ, gắn chặt với chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta. Đẩy mạnh việc hợp tác và giao lưu văn hóa nghệ thuật với nước ngoài trở thành một nhu cầu cần thiết, nhất là trong điều kiện Việt Nam đang thực hiện đường lối mở cửa, muốn là bạn với các nước trên thế giới và cộng đồng quốc tế. Với phương châm: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, chúng ta vừa tranh thủ giới thiệu bản sắc văn hóa Việt Nam vừa học hỏi được nhiều kinh nghiệm hay của các nước bạn, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa tiên tiến của nhân loại để làm giàu thêm nền văn hóa Việt Nam. Mọi nền văn hóa sẽ không thể tự cô lập và bất biến. Nó chịu sự tác động qua lại với các nền văn hóa khác và luôn luôn biến đổi. Nếu không có sự giao lưu thì tính đa dạng văn hóa không còn ý nghĩa, nếu không có sự phát triển thì sự bình đẳng giữa các nền văn hóa cũng sẽ bị phá vỡ dần. Mở rộng giao lưu văn hóa luôn gắn liền với mở rộng tiếp nhận văn hóa. Càng mở rộng giao lưu văn hóa, việc tiếp nhận văn hóa càng diễn biến sôi động và tất nhiên là phức tạp hơn. Với tinh thần tiếp
thu có chọn lọc, có phê phán, có sáng tạo, lịch sử văn hóa Việt Nam đã có những thành
công trong qúa trình giao lưu văn hóa quốc tế, đã từng tiếp thu, biến đổi nhiều yếu tố của nền văn hóa Ấn Độ, văn hóa Trung Hoa, văn hóa phương Tây. Trên cơ sở đó, ngoài cái lõi văn hóa bản địa, văn hóa Việt Nam còn có những lớp phủ văn hóa lớn như lớp văn hóa Ấn Độ, lớp văn hóa Trung Hoa và lớp văn hóa phương Tây như là kết quả của một quá trình giao lưu.
Nằm giữa hai nền văn minh lớn của phương Đông là Ấn Độ và Trung Hoa, nhưng nền văn hóa Việt nam không hòa tan, tiêu biến mà ngược lại đã phát huy được bản sắc văn hóa của mình. Đó là nhờ ông cha ta đã biết gạn đục, khơi trong, tiếp thu văn hóa nước ngoài, đồng thời bảo lưu truyền thống văn hóa. Chuyển hóa những gì tiếp thu được từ bên ngoài thành nền văn hóa của mình, khả năng tiếp biến ấy đã làm cho dân tộc Việt Nam trụ vững được trước sức mạnh của ngoại bang. Điển hình cho sự kết hợp hài hòa giữa đạo lý dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại, không ai khác, đó chính là chủ tịch Hồ Chí Minh. Người đã tiếp thu thành công tinh hoa của văn hóa Đông Tây, từ cổ chí kim, từ quan niệm
của một thế giới đại đồng của Nghiêu – Thuấn xa xưa ở Trung Hoa cổ đại đến Tuyên ngôn nhân quyền, dân quyền của Pháp cũng như Tuyên ngôn độc lập của Mỹ thời cận đại. Người vừa kế thừa tinh hoa nhân loại có ở Sếchspia, Víchto Huygô, Lỗ Tấn, C.Mác, Ph. Ăngghen, V.I.Lênin, vừa giữ gìn và phát triển di sản văn hóa dân tộc đã có hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước.
Trong bài diễn văn khai mạc Hội nghị Văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/1946, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Văn hóa Việt Nam là ảnh hưởng lẫn nhau của văn hóa Đông phương và Tây phương chung đúc lại…Tây phương hay Đông phương có cái gì tốt, ta học lấy để tạo ra một nền văn hóa Việt Nam. Nghĩa là lấy kinh nghiệm tốt của văn hóa xưa và văn hóa nay, trau dồi cho văn hóa Việt Nam thật có tinh thần thuần tuý Việt Nam để kết hợp với tinh thần dân chủ”.
Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn chiến lược quan trọng nhất của khu vực phía Nam, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả vùng Nam Trung Bộ và Nam Bộ, là cửa ngõ đầu mối giao lưu quốc tế. Không chỉ phát triển về kinh tế, chính trị mà Thành phố Hồ Chí Minh còn là trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn của cả nước. Có được những thành tựu này là nhờ vào sự giao lưu, tiếp biến và hội tụ những giá trị tinh hoa của nhiều nền văn hóa khác nhau của các dân tộc phương Đông và phương Tây. Trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa nghệ thuật, Thành phố Hồ Chí Minh không những không bị hòa tan hoặc đồng hoá, trái lại, nó vẫn giữ được bản sắc, bản lĩnh văn hóa Việt Nam, hội tụ được những giá trị tinh hoa của văn hóa, văn minh phương Tây để tồn tại và phát triển.
Với nhiều thế mạnh, nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc, giao lưu văn hóa nghệ thuật biểu diễn ở Thành phố Hồ Chí Minh đã và đang có những bước chuyển mình rõ rệt. Chúng ta đã từng bước giới thiệu và quảng bá những tinh hoa văn hóa nghệ thuật của Thành phố nói riêng và văn hóa nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam nói chung với bạn bè quốc tế, nhất là các loại hình nghệ thuật truyền thống như tuồng, ca nhạc tài tử, cải lương, múa rối. Đây được xem là những đặc trưng của vùng sông nước phương Nam. Đây là những lĩnh vực mũi nhọn cần tập trung đầu tư và phải được phát triển tốt để những loại hình nghệ thuật này không chỉ phục vụ làm giàu đẹp thêm nền văn hóa nước nhà mà còn xem đây là những loại hình độc đáo, đặc trưng đem giới thiệu, giao lưu với các nước trên thế giới.
Một số phương hướng và giải pháp mà luận văn nêu ra là những gợi ý hữu ích để góp phần đẩy mạnh giao lưu văn hóa nghệ thuật biểu diễn trong thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ở thành phố mang tên Hồ Chí Minh vĩ đại.