Ở THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TRONG THỜI GIAN QUA
Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố trẻ, đất rộng, người đông. Tính đến nay, với diện tích 2.390,3km2 và khoảng 6 triệu dân, Thành phố Hồ Chí Minh được xếp là thành phố lớn nhất nước ta.
Ngay từ buổi sơ khai, Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh đã là địa bàn chiến lược quan trọng nhất của khu vực phía Nam. Và cũng từ rất sớm, Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả vùng Nam Trung Bộ và
Nam Bộ, là cửa ngõ đầu mối giao lưu quốc tế. Với vị trí địa lý, hướng Đông có cảng quốc tế từ cửa biển Cần Giờ vào sông Sài Gòn, hướng Tây giáp biên giới với Cam Phu Chia, có sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, là một trung tâm về giao dịch qua mạng (cửa ngõ Intenét), Thành phố Hồ Chí Minh vô cùng thuận lợi trong việc giao lưu, hội nhập về mọi lĩnh vực với bạn bè quốc tế.
Từ thế kỷ XX, Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh đã được xem là một trong các tiêu điểm điển hình của sự hội nhập và phát triển văn hóa - văn minh của dân tộc. Lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển của Nam Bộ nói chung và Sài Gòn nói riêng là công trình văn hóa sáng tạo tuyệt mỹ của con người phương Nam, góp phần không nhỏ vào kho tàng văn hóa dân tộc. Đời sống văn hóa nghệ thuật từ khi hình thành, phát triển ở Thành phố Hồ Chí Minh không giống như các địa bàn khác trên cả nước, nó mang đặc trưng riêng bởi lịch sử phát triển của vùng đất này. Nói về đặc điểm riêng của Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng đã có một nhận xét xác đáng, có cơ sở khoa học và thực tiễn sâu sắc rằng:
Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh đương nhiên không thể so sánh được với cái nôi của cả nước là Hà Nội- Thăng Long nằm trong lưu vực sông Hồng, Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh cũng không thể so độ dày lịch sử với Huế. Nhưng Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh là một thành phố đặc biệt. Chỉ với 300 năm mở cõi, thành phố đó đã trở thành một trung tâm kinh tế lớn nhất nước, đồng thời cũng là trung tâm đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng đời sống xã hội, luôn có mặt trên tiền tuyến... [26, tr.25].