Xu thế toàn cầu hóa

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giao lưu quốc tế về văn hóa nghệ thuật ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới hiện nay pptx (Trang 35 - 41)

Thế giới vận động theo quy luật khách quan và chịu sự tác động của những xu hướng biến động chung trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa, xu thế hòa bình ổn định và phát triển, xu thế đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội là những xu thế chủ yếu trong giai đoạn hiện nay. Ngày nay, khái niệm “toàn cầu hóa” được áp dụng trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, từ kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ đến quan hệ quốc tế. Khái niệm “toàn cầu hóa”cho thấy một cách khái quát sự tiến triển của một hiện tượng toàn cầu chung và sự nhận thức của con người về quá trình đó. Vậy toàn cầu hóa là gì? Định nghĩa về toàn cầu hóa cũng giống như định nghĩa về văn hóa vậy; hiện nay có hàng trăm định nghĩa khác nhau, khó

mà đưa ra một định nghĩa cụ thể nào. Xét về phương diện văn hóa, chúng ta có thể đồng ý với ý kiến sau:

Toàn cầu hóa là quá trình đấu tranh để xác lập những giá trị và chuẩn mực trên phạm vi toàn cầu. Đây cũng là quá trình đấu tranh để tự khẳng định các giá trị đặc thù của các nền văn hóa dân tộc. Quá trình toàn cầu hóa vừa là quá trình phổ biến những giá trị chung trên phạm vi toàn cầu mang tính nhất thể hóa, vừa là quá trình đa dạng hóa, quá trình tự khẳng định bản lĩnh và bản sắc của các nền văn hóa [48, tr.89].

Toàn cầu hóa đã và đang tạo nên hai vấn đề mâu thuẫn. Một mặt, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự hợp tác kinh tế quốc tế, sự trao đổi văn hóa và du lịch đã thúc đẩy các quốc gia ngày càng xích lại gần nhau hơn, mở mang sự hiểu biết lẫn nhau về các phương diện văn hóa và tri thức. Ngoài việc tiếp thu những giá trị văn hóa của dân tộc khác, mỗi dân tộc có điều kiện suy ngẫm nhiều hơn về các giá trị của văn hóa dân tộc mình. Đặc biệt trong tình hình hiện nay, khi cuộc đấu tranh về ý thức hệ vẫn diễn ra một cách gay gắt, khi một số cường quốc kinh tế và kỹ thuật đang muốn lợi dụng sức mạnh của mình để áp đặt lối sống, tư tưởng của mình sang các nước khác, thì ý thức về dân tộc và văn hóa dân tộc của các quốc gia cần phải được nâng cao. Mặt khác, bên cạnh đó là tác động có sức mạnh ghê gớm về nguy cơ san bằng và đồng nhất hóa các chuẩn mực, các hệ thống giá trị, đe doạ làm suy kiệt khả năng sáng tạo của các nền văn hóa - nhân tố hết sức quan trọng đối với sự tồn tại lâu dài của toàn nhân loại. Hàng loạt văn hóa phẩm mang tính độc hại đang được tung vào mọi quốc gia. Làm thế nào để trong quá trình phương Tây hóa mạnh mẽ như hiện nay, chúng ta vẫn tiếp thu được nhiều tinh hoa của nước ngoài cho chính mình mà không bị đồng nhất, hòa tan các hệ thống giá trị? Đó là câu hỏi đặt ra cho mỗi người dân Việt Nam trong thời đại ngày nay. Nhân dân Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng, toàn cầu hóa là cơ hội lớn để văn hóa Việt Nam học hỏi và phát huy các giá trị của mình. Việt Nam nhất thiết phải mở cửa, phải hội nhập để đón những giá trị mới của nhân loại. Đó là lẽ sống còn của dân tộc. Nhưng mở cửa hội nhập để phát triển, chứ không phải trở thành bóng mờ của nền văn hóa khác.

Có thể nêu ra một số thời cơ và thách thức lớn của xu thế toàn cầu hóa đối với nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay như sau:

Về phương diện thời cơ: Chúng ta có điều kiện để được tiếp xúc, giao lưu với nhiều nền văn hóa, văn minh nhân loại; trong đó có những quan hệ truyền thống và các quan hệ khác được thiết lập. Chúng ta có nhiều thời cơ, điều kiện để tiếp thu một cách có chọn lọc những tinh hoa của văn hóa, văn minh thế giới, làm phong phú thêm cho văn hóa Việt Nam trên cơ sở giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Tranh thủ, tận dụng những thành tựu của văn hóa, văn minh nhân loại để rút ngắn bước đi của chúng ta, rút ngắn khoảng cách khá xa về mọi mặt với thế giới; tạo đà cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Về phương diện thách thức: Đó là, toàn cầu hóa dẫn đến nguy cơ làm mất bản sắc

văn hóa dân tộc, coi thường văn hóa dân tộc, làm đứt gẫy truyền thống văn hóa dân tộc. Toàn cầu hóa còn gây áp lực rất lớn đối với các nước đang phát triển. Đó là, chủ nghĩa đế quốc trong văn hóa và âm mưu thực hiện “diễn biến hoà bình” để xóa bỏ định hướng xã hội chủ nghĩa, gây mất ổn định về chính trị, tạo sự rối loạn trong văn hóa của các thế lực phản động quốc tế. Những tiêu cực xã hội, những hoạt động phản văn hóa cũng có khả năng lây nhiễm toàn cầu như ma tuý, cờ bạc, tham nhũng, hối lộ, maphia, xã hội đen…

Những thời cơ và thách thức mới đặt ra đối với nền văn hóa trong xu thế toàn cầu hóa cho thấy rằng chúng ta không thể đứng ngoài xu thế ấy. Chúng ta đón nhận những thời cơ thuận lợi và cả những thách thức đặt ra đối với nền văn hóa nước nhà. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta phải có một “cơ thể khoẻ mạnh” để thắng mọi sự lây nhiễm của vi rút và bệnh tật từ bên ngoài.

Là một thành phố công nghiệp trẻ, đạc biệt với vị trí đầu mối giao lưu quốc tế của cả nước, Thành phố Hồ Chí Minh đã tranh thủ được nhiều thời cơ và cũng gặp không ít trở ngại trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay. Trước hết, thử thách mà Thành phố Hồ Chí Minh cần vượt qua chính là ở bản thân mình. Trước những tác động của kinh tế thị trường, xu thế “thương mại hóa” trong văn hóa nghệ thuật diễn ra tràn lan. Cho nên, đòi hỏi văn hóa nghệ thuật phải có bản lĩnh vững vàng trước mọi cám dỗ. Thử thách thứ hai là phải đối mặt với nguy cơ bị hòa tan trước nhiều làn sóng văn hóa khác nhau trên thế giới. Hiện nay có rất nhiều kênh để đến với người thưởng thức văn hóa nghệ thuật, có những kênh thông tin nằm trong tầm quản lý, nhưng cũng có những kênh thông tin nằm

ngoài tầm kiểm soát. Vì thế, nhiều làn sóng văn hóa có thể tràn vào Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh một cách dễ dàng. Là một trong hai trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội lớn nhất nước, Thành phố Hồ Chí Minh từ xưa đã là địa chỉ trọng tâm để các lực lượng phản động tấn công vào. Ngày nay, với cơ chế mở, Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, các lực lượng phản động lại càng có cơ hội để tìm mọi cách tấn công. Ngoài ra, những tư tưởng cá nhân cực đoan, lối sống thực dụng, gấp gáp, kích động bạo lực, tuyệt đối hóa đồng tiền…được ẩn trong những văn hóa phẩm độc hại đã trở thành mối lo của toàn xã hội.

Rõ ràng, nhiệm vụ “Tiếp thu tinh hoa của các dân tộc trên thế giới, làm giàu đẹp thêm nền văn hóa Việt Nam, đấu tranh chống sự xâm nhập của các văn hóa độc hại, những

khuynh hướng sùng ngoại, lai căng, mất gốc” mà Đại hội Đảng lần thứ VIII, IX đã đề ra cho

nền văn hóa nước nhà là một nhiệm vụ khó khăn và phức tạp. Chúng ta cần phải có những phương hướng và giải pháp thích hợp trong việc thực hiện những nhiệm vụ này.

2.1.3. Về khoa học - công nghệ

Ngày nay, khoa học và công nghệ đã xâm nhập vào tất cả các ngõ ngách của đời sống xã hội. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò cực kỳ to lớn của nó đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhưng sự phát triển khoa học công nghệ cũng có hai mặt của nó: tác động tích cực và tác động tiêu cực. Chỉ tính riêng khía cạnh truyền thông đại chúng, chúng ta cũng đủ thấy được điều này. Ở Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, truyền thông đại chúng đã trở thành một bộ phận quan trọng của đời sống văn hóa xã hội toàn thành phố. Nó đã trở thành một nhu cầu thiết yếu trong đời sống cá nhân và tất cả các tầng lớp trong xã hội. Nó trở thành một phương thức sinh hoạt tinh thần phong phú của người dân. Người dân Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay được phục vụ bởi một hệ thống truyền thông khổng lồ, nếu chỉ tính bằng con đường chính thức, đã có thể thống kê được:

-Về kênh truyền hình tiếng Việt: tại Thành phố, người dân đã có thể sử dụng cùng một lúc 10 kênh của VTV, HTV, ĐN, BD, TTV.

-Nếu dùng thêm cáp truyền hình thêm 8 kênh nữa. -Nếu dùng anten parabol: 30 kênh

Theo số liệu điều tra xã hội học của Trung tâm nghiên cứu văn học -Viện khoa học xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh trong Báo cáo tổng hợp các kết quả điều tra xã hội

học phục vụ cho đề tài khoa học: Một số vấn đề văn hóa cơ bản của Thành phố Hồ Chí

Minh trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa (Năm 2000): Khi được hỏi bạn sử

dụng thời gian rỗi để làm gì? Có: 73% trả lời là để xem tivi, video. Và khi được hỏi, Nền văn hóa hiện đại bị chi phối bởi các yếu tố nào thì kết qủa cho thấy như sau:

-Sự phát triển khoa học kỹ thuật, phương tiện nghe nhìn, thông tin: 54% (lứa tuổi từ 20-25 tuổi), 57% (từ 35-45 tuổi), 59% (từ 45 tuổi trở lên)

Như vậy, rõ ràng truyền thông đại chúng đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống văn hóa nghệ thuật của người dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Khi nói về tác động của công nghệ thông tin đối với văn hóa nghệ thuật, chúng ta không thể không nhắc đến một sản phẩm của công nghệ thông tin phục vụ cho nghe nhìn hoàn hảo nhất và càng ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam, nhất là ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời đại hiện nay, đó chính là: mạng Internet. Thế giới ngày nay có đến 400 triệu người truy cập Internet (Châu Phi 2,5 triệu; Bắc Mỹ 140 triệu; Châu Âu 90 triệu; Châu Á 100 triệu...) Ở Việt Nam từ năm 2002 đã có khoảng 175.000 số thuê bao.

Để truy cập vào Internet, người Việt Nam thể qua các cổng

ISP:FPT,NETNAM,CINET,VITRANET,PHƯƠNGNAMNET. Thông tin có thể tìm thấy tức thì qua các website thông qua âm thanh, hình ảnh (động và tĩnh). Chỉ tính riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ các chủ thể ISP, ICP đã có 13 cổng vào Internet chủ yếu như: CINET, SAIGONNET, PHƯƠNGNAMNET, FPT, VNN, NETNAM…với tổng cộng gần 70.000 thuê bao, trong đó có những thuê bao dịch vụ (số thuê bao này có sức lan tỏa rộng lớn, đặc biệt là trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên). Chỉ tính riêng trên địa bàn Quận 1 đã có đến hơn 300 cửa hàng dịch vụ. Cùng với hơn 2500 cửa hàng cho thuê băng video, trên 100 ăngten parabol cho phép chuyển tải thông tin và hình ảnh trực tiếp từ vệ tinh các nước vềThành phố … Tất cả phương tiện kỹ thuật phong phú và hiện đại ấy luôn luôn là con dao hai lưỡi: nó giải quyết nhanh nhạy các nhu cầu về thông tin trong nước vô cùng cần thiết cho hội nhập, cho làm ăn buôn bán và giao lưu với bên ngoài …, nếu không có nó đất nước sẽ tụt hậu. Nhưng mặt khác, lợi dụng các phương tiện truyền thông này và với những ý đồ đen tối, các thế lực phản động đã chuyển tải những nội dung văn hóa độc hại vào mọi tầng lớp nhân dân.

Cùng với Internet, phát thanh, truyền hình và các sản phẩm nghe nhìn khác đang hàng ngày, hàng giờ tác động mạnh mẽ đến đời sống tinh thần của nhân dân thành phố. Có thể nói, đó là một sức mạnh vô hình khổng lồ đang tác động vào việc hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống, ứng xử, cảm thụ …của nhân dân. Truyền thông đại chúng có chức năng quan trọng là điều chỉnh các quan hệ xã hội, có chức năng giáo dục, hướng cho con người noi theo. Truyền thông đại chúng là phương thức để xã hội tiếp nhận vốn văn hóa của các cá nhân, đồng thời là phương thức để xã hội kế thừa văn hóa thế hệ trước và lưu truyền văn hóa cho thế hệ sau.

Ngày nay, văn hóa nghệ thuật và đặc biệt là văn hóa nghệ thuật biểu diễn đã được công nghệ kỹ thuật hiện đại hỗ trợ rất nhiều. Chỉ tính riêng những công nghệ chuyên phục vụ cái nghe, cái nhìn cũng đủ thấy điều đó. Ví dụ: những công nghệ chuyên phục vụ cái nghe ra đời từ mono chuyển sang stéréo (âm thanh nổi), rồi đến turbo (âm thanh nén), âm thanh xoay chiều, âm thanh lan truyền (sản phẩm độc quyền của hãng âm thanh Bóe của Mỹ: càng có vật cản, âm thanh càng xa). Với tiến bộ của công nghệ thông tin, cái nhìn được đẩy đến giới hạn của cái thật và ảo.

Nói tóm lại, thực trạng giao lưu văn hóa nghệ thuật nói chung và giao lưu văn hóa nghệ thuật biểu diễn nói riêng trong những năm qua đã đạt được những thành tựu đáng kể. Lực lượng làm tiếp biến văn hóa nghệ thuật trước hết phải kể đến “những người môi giới”, “những người dẫn đường”. Họ là những văn nghệ sĩ, những dịch giả, những người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy về văn hóa, nghệ thuật nước ngoài, các viện nghiên cứu, các cơ quan xuất nhập khẩu…và không thể không nói đến vai trò của truyền thông đại chúng. Có thể nói, hoạt động giới thiệu các tác phẩm đủ các loại hình nghệ thuật của nước ngoài vào nước ta ngày một tăng, một phần không nhỏ là nhờ vào các cơ quan truyền thông đại chúng. Các chương trình “ca nhạc quốc tế”, các buổi biểu diễn nghệ thuật nổi tiếng ở nước ngoài chỉ cần tiếp sóng, nối mạng là người dân trên mọi miền đất nước cũng có thể được thưởng thức. Từ đó, đời sống văn hóa tinh thần, trình độ thưởng thức văn hóa nghệ thuật của nhân dân ngày môt nâng cao. Nhưng bên cạnh đó, nguy cơ tiến công của“chủ nghĩa đế quốc văn hóa”đối với sự phát triển văn hóa nghệ thuật của các quốc gia trên thế giới ngày càng tăng. Cùng với sự mở rộng các quan hệ kinh tế và thương mại, cùng với sự bùng nổ các phương tiện thông tin đại chúng hiện đại,

trước những đợt sóng du lịch quốc tế và sự tăng cường mở rộng quan hệ văn hóa, giáo dục…; sự bành trướng và độc quyền truyền bá văn hóa nghệ thuật từ các nước lớn đến các nước khác theo con đường cưỡng bức từ bên ngoài cũng ngày càng nhiều hơn. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giao lưu quốc tế về văn hóa nghệ thuật ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới hiện nay pptx (Trang 35 - 41)