TIỂU KẾT CHƯƠNG

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giao lưu quốc tế về văn hóa nghệ thuật ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới hiện nay pptx (Trang 30 - 31)

Nhân loại đang bước sang thiên niên kỷ thứ 3, xu thế giao lưu, hội nhập, toàn cầu hoá kinh tế đang diễn ra sôi động trên toàn thế giới. Hòa chung vào dòng chảy nhân loại, Việt Nam đã và đang từng bước đi lên trên con đường công nghiệp hoá, hiện đại hóa, mở rộng hợp tác quốc tế, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân thế giới, kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh của thời đại, ra sức thực hiện thành công chủ nghĩa xã hội. Trên con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội, Đảng và nhân dân ta luôn xác định, kinh tế là trung tâm, “văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển

kinh tế xã hội”. Văn hóa muốn thực hiện thành công nhiệm vụ của mình thì không thể không

giao lưu, tiếp biến với các nền văn hóa khác trên thế giới. Chính vì thế, đẩy mạnh giao lưu văn hóa nói chung và giao lưu văn hóa nghệ thuật nói riêng với các nước trên thế giới luôn luôn là một nhiệm vụ quan trọng, nhiệm vụ thiết yếu, nhất là trong giai đoạn hiện nay.

Văn kiện Hội nghị lần thứ V Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã nhấn mạnh: “Làm tốt việc giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với thế giới; tiếp thụ có chọn lọc các giá trị nhân văn, khoa học, tiến bộ của nước ngoài, phổ biến những kinh nghiệm tốt xây dựng và phát triển văn hóa của các nước. Ngăn ngừa sự xâm nhập các sản phẩm văn hóa phản động, đồi trụy” [24, tr.67].

Có thể nói, giao lưu văn hóa là một kênh thông tin chủ đạo nhằm giới thiệu hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam với bạn bè các nước trên thế giới. Nó giúp cho thế giới hiểu chúng ta hơn, tăng cường sự hợp tác, tranh thủ thêm nhiều nguồn lực và kinh nghiệm trong việc xây dựng xã hội mới. Qua giao lưu, nền văn hóa nghệ thuật phong phú, đa dạng, độc đáo và đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta được bạn bè khắp năm châu biết đến. Từ đó,

tạo cho Việt Nam có một vị thế trên trường quốc tế. Đồng thời, thông qua giao lưu, chúng ta có thể tiếp thu những giá trị văn hóa tốt đẹp từ ngoài vào, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của dân tộc, tạo điều kiện phát triển văn hóa dân tộc và ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của những biểu hiện phản văn hóa, ảnh hưởng xấu đến thuần phong mỹ tục, những nét hay, nét đẹp của văn hóa nước nhà.

Giáo sư Đinh Gia Khánh trong cuốn “Mấy vấn đề văn hóa và phát triển ở Việt Nam

hiện nay” đã nhận xét rất đúng:

Một nền văn hóa khép kín và co lại trong một môi trường hạn hẹp thì sớm hay muộn sẽ khô cằn rồi chết cứng. Một nền văn hóa cởi mở, tức là vận động trong một môi trường ngày càng rộng hơn thì mới dồi dào sinh khí. Môi trường tự nhiên, môi trường xã hội trong sự vận động tương tác với nhau quy định tính chất của tiến trình văn hóa cũng như nội dung của văn hóa [29, tr.25-26].

Giao lưu văn hóa nghệ thuật biểu diễn là một trong những hoạt động có ý nghĩa to lớn để thúc đẩy văn hóa nói chung, văn hóa nghệ thuật biểu diễn nói riêng phát triển. Trong quá trình xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, việc đẩy mạnh giao lưu văn hóa nghệ thuật một cách đúng hướng sẽ góp phần to lớn vào việc khẳng định bản sắc và bản lĩnh dân tộc, đồng thời là cơ hội và điều kiện để chúng ta đổi mới và nâng cao tính hiện đại và tính quốc tế của văn hóa nghệ thuật biểu diễn Việt Nam, đóng góp vào sự đa dạng và thống nhất của nền văn hóa nghệ thuật biểu diễn thế giới.

Chương 2

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giao lưu quốc tế về văn hóa nghệ thuật ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới hiện nay pptx (Trang 30 - 31)