Lĩnh vực sân khấu truyền thống

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giao lưu quốc tế về văn hóa nghệ thuật ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới hiện nay pptx (Trang 64 - 73)

Nghệ thuật sân khấu truyền thống Việt Nam bao gồm: Tuồng (hát bội), chèo, cải lương, múa rối. Mỗi thể loại đều có xuất xứ từ một vùng đất nước. Nếu đồng bằng Bắc Bộ sản sinh ra chèo, múa rối; Nam Bộ - quê hương của cải lương; thì mảnh đất miền Trung là nơi phát triển tuồng. Đã một thời, sân khấu truyền thống đã trở thành “khuôn vàng thước ngọc”của kho tàng văn hóa Việt nam, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống nông thôn và cả nhân dân thành thị. Thế nhưng giờ đây, mỗi năm một vắng, sân khấu truyền thống đang đứng trước thử thách của thời đại, đang được dư luận đặt câu hỏi “tồn tại hay không tồn tại?”. Sự khủng hoảng của sân khấu truyền thống cũng là điều dễ hiểu bởi dưới sự tác động mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, đời sống xã hội đã có những biến đổi sâu sắc. Sân khấu truyền thống không còn là loại hình nghệ thuật thống lĩnh gần hết mọi hoạt động giải trí của người dân như trước đây nữa. Ngày nay, sự giao lưu văn hóa nghệ thuật với thế giới ngày càng mạnh mẽ, dồn dập bằng những kỹ thuật hiện đại đã giúp công chúng có thể lựa chọn bất cứ loại hình nghệ thuật nào mà mình thích. Hơn nữa, với lớp trẻ, sân khấu truyền thống đã trở nên xa lạ, họ không thuộc các tuồng tích lịch sử. Vì thế, khi xem tuồng, chèo, cải lương, lớp trẻ không hiểu hết được những ý nghĩa lịch sử chứa đựng trong các vở diễn. Không hiểu đâm ra chán, mà đã chán thì không thể thưởng thức giá trị nghệ thuật. Vấn đề công chúng cho sân khấu truyền thống đang trở thành nổi trăn trở của các nhà làm công tác văn hóa nghệ thuật. Làm thế nào để kéo được công chúng về với sân khấu truyền thống? Làm thế nào giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn những cái gì thuộc về cái riêng, cái độc đáo của cha ông?

Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đang chủ trương bảo tồn, phục hưng và phát huy loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên, đây là bước đường đầy gian nan, thử thách, nhất là sân khấu hát bội (tuồng) và sân khấu cải lương.

* Nghệ thuật Tuồng (hát bội)

Hát bội là loại hình nghệ thuật trình diễn độc đáo, có truyền thống lâu đời, đã từng giữ địa vị độc tôn trên sân khấu nghệ thuật ở nước ta. Ở Nam Bộ, hoàn cảnh lịch sử làm cho nghệ thuật hát bội có thời kỳ chi phối hầu như toàn bộ đời sống văn hóa tinh thần của cư dân, ít nhất cho đến các thập niên đầu thế kỷ XX, trước khi cải lương xuất hiện.

Nghệ thuật hát bội theo bước chân của lưu dân đến Sài Gòn và Nam Bộ, bắt rễ trên đất Bình Định từ thế kỷ XIX. Vì thế trước đây Bình Định được coi là cái nôi của nghệ

thuật hát bội. Nhưng khi loại hình nghệ thuật này phát triển trải dài xuyên suốt dải đất Nam Bộ thì sự có mặt của người Hoa hoặc ảnh hưởng của tuồng tích Tàu sau này không làm cho nghệ thuật hát bội biến màu, mà càng làm cho nó thêm phần nhuận sắc. Mặc dầu ảnh hưởng của Trung Quốc, của Chiêm Thành đến sân khấu cổ truyền Việt Nam là điều không thể phủ nhận, cũng không thể xem nhẹ; bởi giao lưu văn hóa là hiện tượng tất yếu và hữu ích - nhất là đối với các dân tộc láng giềng mà trình độ văn hóa đã sớm phát triển tới mức cao.

Sân khấu hát bội vừa mang những nét đặc trưng chung của sân khấu châu Á, của sân khấu truyền thống Việt Nam, lại vừa có những đặc trưng riêng biệt. Đặc trưng chung là sân khấu tổng thể với ngôn ngữ nghệ thuật diễn viên kiêm cả: nói, hát, kịch câm, múa mà các yếu tố ấy đều là thủ pháp nghệ thuật của diễn viên, chứ không có chức năng ngôn ngữ như ca nhạc vũ kịch. Kịch bản văn học cũng tổng thể, sử dụng tích hợp văn vần, thơ, từ, văn xuôi.

Sân khấu thuộc hệ tự sự, không gian ba chiều, kiến trúc dàn trải chứ không dồn nén. Đó là những đặc trưng chung, còn đặc trưng riêng: Cách bố trí sân khấu đơn giản, không cầu kỳ, rườm rà như sân khấu phương Tây. Hát bội lấy nguyên tắc tượng trưng làm gốc, không cần tranh vẽ cho phù hợp với cảnh vật trong tuồng, như hát cải lương hay kịch nói. Kịch bản sử dụng thơ văn bác học Việt Nam.

Dàn nhạc của hát bội rất quan trọng, không có nhạc, hát bội không hát được. Có đờn mà không trống, không kèn, thiếu chập hỏa cũng không hát được. Nhạc không dây, có đờn và ống tiêu, trống lớn, trống nhỏ, chập chõa, đồng la và sanh. Kỹ thuật hát tích hợp giữa thanh nhạc và tiếng nói sân khấu, phát huy kỹ thuật ngữ khí, ngữ điệu lên trình độ bác học.

Y quan phong phú, màu sắc sặc sỡ. Có y quan dành riêng cho vua, hoàng hậu, hoàng tử, cung phi, quan văn, quan võ, trung, nịnh… Có người cho rằng y quan của hát bội Việt Nam bắt chước y phục của Hán, có người cho rằng giống các quan triều đình Huế, có lẽ giống cả hai.

Diễn viên hóa trang cách điệu hóa, có nhiều hình thức vẽ mặt, vẽ theo nhân vật, mỗi vẽ đều có ý nghĩa nhất định nhằm phân biệt vai này với vai kia. Khi xem, khán giả dễ

nhận ra các vai trong tuồng cổ. Râu ria vẽ cũng nhiều thứ: râu năm chòm, ba chòm, râu đen, râu bạc, râu hoe hoe, cũng tuỳ theo loại vai.

Giọng hát bội là những giọng nhạc lễ. Có một ít giọng nguyên là của Trung Quốc nhưng đã được ta biến cải từ lâu. Nhạc đệm tấu những bài như: bài hạ, nam xuân, nam ai, nam nữ, theo lối hát hay lối của đào kép chứ không tấu trọn bài.

Trong hát tuồng thì nói lối dành phần lớn. Nói lối là nói dẫn đường, hay nói chính xác hơn, nói lối là nói có cách có điệu, có giọng riêng gần như là hát và xướng, tuỳ theo trường hợp, hoàn cảnh, trạng huống, tâm tư của nhân vật để tỏ bày ý nghĩa, sự tình, cảm xúc, để xưng tên tuổi, chức tước, để tả cảnh, tả tình, để nói cả khuynh hướng nữa… Có nhiều điệu nói lối khác nhau.

Nói tóm lại, mỗi loại hình nghệ thuật đều có phương tiện nghệ thuật của mình. Phương tiện nghệ thuật có vai trò quyết định đặc trưng nghệ thuật loại hình. Hành động là phương tiện của nghệ thuật sân khấu nói chung. Hành động trong tuồng, chèo truyền thống được thể hiện dưới hình thức hát, múa, nói lối, động tác được vũ điệu hóa, và tiết tấu hóa khác nhau. Những yếu tố này khi đã được tiết tấu hóa, tự nó đã mang tính ước lệ, không còn ở trạng thái tự nhiên mà trở nên đẹp, mang tính khái quát hơn.

Tuồng (hát bội) ở Nam Bộ nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng chịu ảnh hưởng văn hóa của người Miên và người Hoa nhiều. Đặc biệt là các gánh hát Quảng, hát Tiều đi diễn khắp Nam Kỳ, rồi các đoàn hát kinh kịch hay Việt kịch (Quảng) từ bên Trung Quốc sang biểu diễn ở Sài Gòn chợ Lớn, họ diễn hay, quần áo đẹp, nhạc vui nhộn, ảnh hưởng rất lớn đến hát bội và cải lương Nam Kỳ.

Nghệ thuật hát bội với tất cả đặc trưng cố hữu của nó từ tổng thể đến bộ phận, là một nghệ thuật đậm đà bản sắc dân tộc. Nằm trong hệ thống sân khấu tổng thể châu Á, nhưng khác rõ với sân khấu truyền thống Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Đông Nam Á khác. Vậy nhưng, gần chục năm nay, tuồng ngày càng mất khách nhất là ở thành thị. Làm thế nào để níu giữ lại nó? Để mất nó, tức là xóa mất một mảng quan trọng trong bức tranh toàn cảnh của nền nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của nền nghệ thuật Việt Nam XHCN; là đánh mất một đỉnh cao trong nền nghệ thuật thế giới mà tổ tiên ta đã phải trải qua mấy thiên niên kỷ mới xây dựng nên.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay còn có một Nhà hát nghệ thuật Hát bội, ra đời từ ngay sau ngày giải phóng, qua bao bước thăng trầm, bĩ cực, ngày nay Nhà hát vẫn cố gắng bám trụ, mặc dầu gặp không ít khó khăn. Mỗi năm Nhà hát vẫn cố gắng dựng vở mới để tồn tại. Có thể kể một số vở tiêu biểu trong những năm gần đây. Năm 2000, Đoàn hát bội Thành phố đã diễn 82 suất, phục vụ 30.000 lượt người xem, tiêu biểu là vở:Trần Cao Vân - người mang hồn nước.

Năm 2003 là năm nghệ thuật tuồng ở Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều khởi sắc. Số vở diễn cũng nhiều hơn, thu hút khán giả về với tuồng đông hơn. Với 176 suất diễn, phục vụ 89.130 lượt người xem. Số vở diễn và số khán giả trên là những con số đáng mừng cho Nhà hát nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghệ thuật hát bội rất tinh vi và đặc sắc. Tuỳ trình độ văn hóa, tuổi tác, giai cấp, người xem đánh giá hát bội theo nhận thức và cảm quan của mình. Vì thế, bản thân người làm nghệ thuật phải tiếp nhận bao nhiêu lời phẩm bình, ca ngợi, khen chê nhưng ý kiến chung thì ai cũng muốn sân khấu hát bội phải được trường tồn. Dưới con mắt của người nước ngoài, nghệ thuật hát bội của ta cũng được ca ngợi rất nhiều. Bà Zôphia Mackiêvich, nhà phê bình sân khấu, người Ba Lan, uỷ viên văn hóa Liên hợp quốc sau khi xem vở tuồng San Hậu, đã nói: “Không cần nghe lời dịch, tôi có thể hiểu nội dung qua động tác. Sân khấu này thật giỏi về biểu diễn động tác” [87, tr.677]. Một viện sĩ Hàn lâm nghệ thuật Hoàng gia Anh, nhân xem diễn một số trích đoạn hát bội đã lên sân khấu phát biểu: “Không ngờ đến đây, tôi được xem nghệ thuật này. Nghệ thuật của các bạn vô cùng điêu luyện. Đây không chỉ là đỉnh cao của nghệ thuật Việt Nam, mà còn là đỉnh cao của nghệ thuật thế giới” [87, tr.677]. Trong quyển “Hát cổ truyền Việt Nam”, nhà nghiên cứu sân khấu người Pháp đã có nhận xét rất tinh tế và chính xác về sân khấu hát bội của ta qua nghệ thuật trình diễn. Ông ca ngợi:

“…Đây là một loại hình sânkhấu của một dân tộc văn minh…”.

Nghệ thuật hát bội được đánh giá là viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa Việt Nam. Bảo tồn, phục hưng và phát huy sân khấu hát bội là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Với phương châm duy trì chương trình sân khấu học đường và khai thác tốt lực lượng diễn viên trẻ do Nhà hát đào tạo, Nghệ sĩ Hồng Quân -Giám đốc Nhà hát và toàn bộ anh chị em nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh đang cố gắng vực dậy giữ gìn môn nghệ thuật truyền thống này.

* Nghệ thuật sân khấu cải lương

Sân khấu cải lương được xuất hiện trong đời sống văn hóa của cư dân Sài Gòn và Nam Bộ trước những biến chuyển của thời cuộc khi tiếp xúc với nền văn minh phương Tây (vào thế kỷ XX). Một loạt các lĩnh vực như nông nghiệp, nếp sống, phong tục, văn hóa, giáo dục…ở thời kỳ này đều có yêu cầu cải lương (phong trào cải cách lúc đó người ta gọi là cải lương). Do đó, cải lương không đơn thuần là sự đổi mới của một loại hình nghệ thuật, mà mang dấu ấn của cả dân tộc và thời đại. Vấn đề cải lương sân khấu được nêu lên, đối tượng cần phải cải lương là sân khấu hát bội. Bởi trước khi cải lương ra đời, sân khấu hát bội giữ vai trò chủ yếu trong đời sống văn hóa nghệ thuật. Nhưng do một số nhân tố mới xuất hiện, đòi hỏi phải có sự thay đổi thích ứng như đối tượng công chúng mới với nhịp sống rất cần được sự thỏa mãn nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật trình diễn. Hát bội với những tuồng tích ca ngợi trung hiếu tiết nghĩa, với những lối diễn ước lệ không còn phù hợp với công chúng nghệ thuật nữa. Sự tiếp xúc với nền kịch nghệ phương Tây qua từng lớp Tây học và công chúng đô thị cũng chưa phù hợp vì còn “quá Tây”, sống sượng nên cũng làm cho công chúng hụt hững. Lúc bấy giờ, văn học chữ quốc ngữ đã định hình, công chúng cần có những tuồng tích mới; thay thế chữ viết và phong cách diễn biền ngẫu điển tích Hán Nôm.

Để dung hòa tất cả những yếu tố đó, một loại hình mới ra đời: ca ra bộ. Ca ra bộ là vừa ca vừa làm những điệu bộ phù hợp với lời ca trên cái nền của ca nhạc tài tử. Ca nhạc tài tử thuộc dòng nghệ thuật dân gian Nam Bộ, xuất hiện trong các cuộc tế lễ, ma chay, hòa một số bài bản của nhạc lễ và một số bài bản của nhã nhạc từ miền Trung đưa vào.

Từ giữa những năm 1920, tại Sài Gòn, ca ra bộ mang tên Cải lương. Cải lương ra đời là sự thay đổi hát bội, Giáo sư Hoàng Như Mai đã đánh giá: “Cải lương là đối chiếu với hát bội. Cải lương toàn diện từ văn học đến nghệ thuật biểu diễn” [53, tr.176].

Phong cách nghệ thuật của cải lương dần dần được định hình, nhích gần với kịch nói. Các vở diễn chia theo hồi, màn theo kiểu kịch phương Tây chứ không theo kiểu sân khấu tự sự như hát bội. Văn chương ít dùng chữ Nho và gắn với ngôn ngữ thường ngày của đời sống hơn.

Cải lương cũng như Hát bội, Chèo là ca kịch chứ không phải nhạc kịch, như thế có nghĩa ca là yếu tố chủ yếu. Diễn viên thể hiện bằng lời ca, bài ca dùng những bài bản đã sẵn có và đặt lời mới.

Cải lương ra đời trong hoàn cảnh xã hội có nhiều biến động giữa cái cũ và cái mới, nhưng đã kịp thâu tóm khá nhiều vốn cổ tinh hoa của truyền thống. Về bài bản như các nhịp sáu bắc, ba nam, bốn oán, bảy bài, hoặc theo bốn điệu: xuân, ai, bắc, oán…được tổng hợp trong các bản xếp loại: nhất lý, nhì ngâm, tam nam, tứ oán, ngũ điểm, lục xuất, thất chính, bát ngự, cửu nhị, thập thử [53, tr.180-181]. Về nhạc cụ, từ đàn nhạc tài tử hòa tấu gồm đàn nguyệt, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn bầu, đàn tranh, sến, tam thập lục, ghi ta phím lõm để nhấm nhá theo giọng của ta, rồi sử dụng luôn cả dàn tân nhạc. Ngoài ra còn đổi mới về diễn xuất, về hóa trang, kỹ thuật trang trí, xảo thuật….Diễn xuất trên sân khấu cải lương có khuynh hướng hiện thực hơn hát bội, không bắt buộc phải tuân thủ hình thức, chỉ cần cách điệu là chính. Điệu bộ chỉ nhằm diễn tả tâm trạng cho đẹp mắt là được. Đó là diễn xuất trong các vở tuồng Tàu. Còn các tuồng xã hội thì diễn xuất theo tự nhiên, giống như kịch nói.

Nghệ thuật diễn viên của ca kịch cải lương nhìn chung không theo một chủ trương nghệ thuật nào cả. Nghĩa là nó pha trộn giữa trường phái biểu hiệntrường phái thể

nghiệm. Không rơi vào tính cực đoan thuộc trường phái đòi diễn viên phải nhập vai

hoàn toàn, hòa hợp hoàn toàn thể xác và tinh thần của minh vào vai kịch và ngược lại cũng không ở chỗ thể hiện những dấu hiệu bên ngoài của cảm xúc và dùng cách đó mà đánh lừa khán giả. Có lẽ, bởi sân khấu cải lương Nam Bộ đã tìm ra được nghệ thuật biểu diễn riêng cho nên dẫu đã gần một trăm năm tồn tại và phát triển, đến nay vẫn còn để lại trong công chúng ái mộ cải lương sự tin yêu, lòng thán phục nghệ thuật diễn xuất của Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Phượng Liên, Thanh Nga, Lệ Thủy…là những nam, nữ ca sĩ đã đạt được các yếu tố cơ bản về ca diễn của nghệ thuật ca kịch cải lương Nam Bộ. Hiện nay, tuy đã lớn tuổi, có người ở nước ngoài hoặc đã mất, nhưng mỗi khi họ xuất hiện trên sân khấu, trên vô tuyến truyền hình, nghe giọng ca của họ trên băng ghi âm, thì hình ảnh của họ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giao lưu quốc tế về văn hóa nghệ thuật ở Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ đổi mới hiện nay pptx (Trang 64 - 73)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)