Chính sách xã hội là sự cụ thể hóa và thể chế hóa bằng pháp luật những đường lối, chủ trương, những biện pháp để giải quyết các vấn đề xã hội dựa trên những tư tưởng, quan điểm của những chủ thể lãnh đạo và quản lý, phù hợp với bản chất chế độ xã hội - chính trị, phản ánh lợi ích và trách nhiệm của cộng đồng xã hội nói chung và của từng nhóm xã hội nói riêng, nhằm mục đích cao nhất là thỏa mãn các nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân về đời sống vật chất và văn hóa. Chính sách xã hội đúng là một động lực quan trọng của phát triển sản xuất, tiến bộ xã hội.
Trong chỉ đạo xây dựng chính sách xã hội, Hồ Chí Minh nhắc nhở:
Đảng và Chính phủ điều tra, nghiên cứu, cân nhắc cẩn thận nhằm vào lợi ích của nhân dân, đặt chính sách. Cán bộ phải nghiên cứu, hiểu suốt, thấm nhuần chính sách ấy. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, hiểu suốt hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho mọi người hiểu thấu và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như là của họ, rồi thi đua thực hiện đầy đủ chính sách ấy [48, tr.346].
Người chỉ rõ: Chính sách đúng là nguồn gốc của mọi thắng lợi. Mọi chính sách của Đảng và Nhà nước đều nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội và không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân; việc gì có lợi cho dân thì phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Chính sách xã hội phải hướng tới sự công bằng, tiến bộ xã hội.
Trong chính sách xã hội, Hồ Chí Minh luôn coi trọng thực hiện chính sách về dân số, lao động và việc làm. Người nhắc nhở Đảng, Chính phủ phải làm tốt công tác điều tra dân số, trên cơ sở đó đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi công cộng đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh của nhân dân. Người chỉ rõ: “việc điều tra dân số là nhằm mục đích phục vụ lợi ích của nhân dân” [52, tr.74]. Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động. Nói chuyện với cán bộ, công nhân nhà máy dệt Nam định ngày 24-4-1957, Hồ Chí Minh khẳng định: “Tất cả mọi người phải có lao động. Có lao động thì mới có ăn” [50, tr.338]. Người nhắc nhở Đảng và Nhà nước phải tạo công ăn việc làm để nâng cao đời sống của nhân dân; phải sắp xếp công việc thích hợp cho các cụ già, các cháu mồ côi và những người tàn tật.
Đối với công tác phòng chống các tệ nạn xã hội, Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng và Nhà nước phải sớm khắc phục những tàn dư của xã hội cũ để lại, những phong tục, tập quán lạc hậu như: cờ bạc, nghiện hút, trộm cắp; đồng thời, xây dựng những thuần phong mỹ tục tốt đẹp của dân tộc, xây dựng đời sống mới, lối sống mới có văn hóa, ngăn ngừa những hành vi tiêu cực trong các hoạt động xã hội, nhất là trong hoạt động của các cơ quan nhà nước như: tham ô, lãng phí, quan liêu, v.v.. Để ngăn ngừa và phòng chống các tệ nạn xã hội có hiệu qủa, Người yêu cầu phải kết hợp đồng bộ nhiều biện pháp khác nhau như: giáo dục, thuyết phục, nêu gương, các biện pháp xử phạt hành chính, v.v.
Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm chỉ đạo xây dựng, thực thi chính sách xã hội đối với từng giai cấp, tầng lớp xã hội.
Đối với giai cấp công nhân là giai cấp bị áp bức bóc lột nặng nề của đế quốc, Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của giai cấp công nhân trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc; cảm thông với nỗi khổ cực của người công nhân dưới chế độ thực dân, phong kiến. Người thường xuyên nhắc nhở Đảng, Chính Phủ, các cấp ủy đảng, lãnh đạo các nhà máy, xí nghiệp, các tổ chức công đoàn phải không ngừng cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao đời sống vật chất văn hóa tinh thần của công nhân. Nói chuyện ở trường cán bộ công đoàn ngày 19-1-1957, Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Mục đích công đoàn là phải cải thiện dần đời sống công nhân, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của giai cấp công nhân nói riêng và của nhân dân nói chung” [50, tr.297]. Phải quan tâm đến điều kiện sinh hoạt vật chất của công nhân. Cán bộ từ trên xuống dưới phải chăm nom đến chỗ ăn, chỗ ở, chỗ làm
việc của công nhân, hướng dẫn anh chị em cách tổ chức nhà ăn, nhà ở, nhà giữ trẻ cho tốt, cho chu đáo.
Đối với giai cấp nông dân - lực lượng to lớn của dân tộc, Hồ Chí Minh nhắc nhở: Tất cả đường lối, phương châm, chính sách của Đảng và Nhà nước phải nhằm nâng cao đời sống của nhân dân nói chung, của nông dân nói riêng. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh căn
dặn Đảng và Nhà nước cần miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp sau khi nước nhà thống nhất, “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” [54, tr.511].
Đối với đội ngũ trí thức, Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của trí thức, họ là thầy giáo, thầy thuốc, kỹ sư, những nhà khoa học, văn nghệ, những người làm bàn giấy… “Do đó lao động trí óc có nhiệm vụ rất quan trọng trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, trong công cuộc hoàn thành dân chủ mới để tiến đến chủ nghĩa xã hội” [48, tr.202-203]. Hồ Chí Minh luôn chân trọng quyền tự do sáng tạo của đội ngũ lao động trí óc. Nói chuyện trong buổi khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính ở cơ quan Trung ương, ngày 6-2-1953, Người khẳng định: “Đảng và Chính phủ thành tâm giúp trí thức tiến bộ mãi lên trên bước đường vẻ vang đó, đồng thời đào tạo trí thức ở trong công nông ra. Không phải là dùng cách “đưa áo nâu lên, áo trắng xuống” hay “vắt cam vứt xác” [49, tr.39]. Nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, trường Đại học nhân dân Việt Nam, ngày 21-7- 1956, Người chỉ rõ: “Đảng và Chính phủ phải giúp bằng cách giáo dục để trí thức có lập trường vững vàng, quan điểm đúng đắn, tư tưởng sáng suốt, tác phong dân chủ. Nói tóm lại: giúp đỡ các bạn trí thức chính tâm và thân dân” [50, tr.216].
Đối với thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sỹ đã hy sinh và đóng góp một phần xương máu cho sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh nhắc nhở các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các địa phương phải làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, “phải chấp hành một cách chu đáo các chính sách của Đảng và Chính phủ đối với anh em thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ” [51, tr.210]. Trong Di chúc, Người căn dặn:
Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời
phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hòa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thân yêu nước cho nhân dân ta [54, tr.503].
Đối với phụ nữ, Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng và Chính phủ phải luôn coi trọng vai trò, địa vị của phụ nữ trong xã hội, nhất là phụ nữ vùng sâu vùng xa; “cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo” [54, tr.504], thực hiện quyền nam nữ bình đẳng. Hạn chế lao động nặng đối với phụ nữ.
Đối với thanh niên, thiếu niên, nhi đồng - những chủ nhân tương lai của nước nhà, Hồ Chí Minh nhắc nhở Đảng và Nhà nước phải có kế hoach cụ thể chăm sóc giáo dục các cháu càng ngày càng khỏe mạnh và tiến bộ. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” [54, tr.510].
Đối với đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, Hồ Chí Minh nhắc nhở chính sách của Đảng và Chính phủ là tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng của đồng bào có đạo hay không có đạo, thực hiện lương giáo đoàn kết, “kính chúa yêu nước”, “phần xác no ấm, phần hồn thong dong”. Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng tôn giáo phục vụ cho mục đích chính trị.
Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng và Chính phủ phải thực hiện chính sách đoàn kết các dân tộc, không phân biệt miền núi hay miền xuôi; các dân tộc đều bình đẳng, đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em. Đồng bào miền xuôi phải ra sức giúp đỡ đồng bào miền ngược cùng tiến bộ về mọi mặt. Phải quan tâm đến đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, cất nhắc cán bộ miền núi.
Kết luận chương 2
Khát vọng giải phóng người Việt Nam không chỉ dừng lại ở những quan điểm tư tưởng, lý luận nhận thức của Hồ Chí Minh, mà đã thực sự trở thành hiện thực sinh động. Xuất phát từ sự cùng khổ của người Việt Nam dưới chế độ thực dân, phong kiến; từ việc
nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí con người đối với tiến trình phát triển của lịch sử, Hồ Chí Minh từng bước đi đến thực hiện mục tiêu giải phóng triệt để con người trong thực tiễn ở Việt Nam.
Cống hiến lớn lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh là ở chỗ, Người đã tìm thấy con đường đúng đắn cho cách mạng Việt Nam - con đường cách mạng vô sản, dẫn dắt toàn dân đấu tranh giành quyền tự do về chính trị. Người lãnh đạo đấu tranh xoá bỏ quan hệ sản xuất cũ, từng bước xây dựng quan hệ sản xuất mới xã hội chủ nghĩa, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân, góp phần giải phóng con người về mặt kinh tế. Người quan tâm chỉ đạo từng bước xây dựng nên văn hoá mới Việt Nam vì mục tiêu phát triển con người, đồng thời quan tâm thực hiện chính sách xã hội vì con người.
Có thể nói sự nghiệp cách mạng của Hồ Chí Minh chính là sự nghiệp giải phóng con người. Thấm sâu trong sự nghiệp cách mạng và di sản văn hóa của Hồ Chí Minh đó là lòng nhân ái bao la, tôn trọng, tin cậy con người. Sự nghiệp và di sản văn hóa ấy mang khát vọng của con người muốn được giải phóng, được không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, được yêu thương nhau trong hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Chương 3
Tiếp tục sự nghiệp giảI phóng con người của hồ chí minh trong công cuộc đổi mới ở việt nam