Xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam vì mục tiêu phát triển con ngườ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng con người Việt Nam pptx (Trang 53 - 57)

Cùng với giải phóng về chính trị và kinh tế là cuộc cải biến cách mạng để tiến tới giải phóng tinh thần, khai thác mọi tiềm năng sáng tạo của con người. Muốn vậy, phải xây dựng được một nền văn hoá mới vì mục tiêu phát triển toàn diện con người.

Văn hóa tinh thần là động lực to lớn đối với một dân tộc và mỗi cá nhân con người. Chỉ có dựa trên cơ sở một nền văn hóa trí tuệ, con người mới thực sự phát huy những phẩm chất, năng lực một cách hiệu quả, mới nhận thức và hành động đúng quy luật khách quan.

Chủ trương xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam được Hồ Chí Minh sớm đặt ra. Từ những năm 20 của thế kỷ XX, sau khi tìm thấy con đường cứu nước, trong nhiều bài viết, Người đã tố cáo đanh thép chính sách “ngu dân” của thực dân Pháp và hậu quả tệ hại của nó đối với Việt Nam, đồng thời định hướng xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tương lai, một nền văn hóa vì sự phát triển toàn diện con người.

Trong Chánh cương vắn tắt, thông qua tại Hội nghị hợp nhất (tháng 2-1930), Nguyễn ái Quốc chủ trương: Về phương diện xã hội thì: a) Dân chúng được tự do tổ chức; b) Nam nữ bình quyền; c) Phổ thông giáo dục theo công nông hóa [45, tr.1].

Trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng, sau Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5-1941), Hồ Chí Minh chỉ đạo việc thành lập chính quyền cách mạng, tiến hành cải cách văn hóa ở những làng, bản mới được giải phóng, những khu căn cứ cách mạng. Đó là những bước chuẩn bị để tiến tới xây dựng nền văn hóa mới của nước Việt Nam độc lập sau này.

Năm 1943, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng nền văn hoấ dân tộc với năm nội dung: 1. Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường; 2. Xây dựng luân lý: Biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng; 3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội; 4. Xây dựng chính trị dân quyền; 5. Xây dựng kinh tế.

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, việc xây dựng một nền văn hóa mới được Hồ Chí Minh đặt ra như một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng. Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng chính phủ, ngày 3- 9-1945, Người đặt ra một loạt vấn đề, trong đó có văn hóa, vừa có tính cấp bách phục vụ cho cuộc đấu tranh trước mắt, lại vừa có tính cơ bản lâu dài nhằm xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam. Hồ Chí Minh nói: “Nay chúng ta đã giành được quyền độc lập. Một trong

những công việc phải thực hiện cấp tốc trong lúc này, là nâng cao dân trí” [46, tr.36]. Người yêu cầu Chính phủ phải phát động ngay hai chiến dịch rộng lớn trong nhân dân: chiến dịch chống nạn mù chữ và chiến dịch giáo dục lại tinh thần cho nhân dân, bằng cách thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính. Đây là bước mở đầu cho cuộc đấu tranh nhằm khắc phục những hậu quả nặng nề mà thực dân, phong kiến để lại trên lĩnh vực văn hoá.

Từ những vấn đề văn hoá cấp bách cần tiến hành ngay trong những ngày đầu của chính quyền cách mạng, Hồ Chí Minh đã nêu ra những tư tưởng lớn: “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Giải quyết vấn đề cấp bách về văn hoá trong những ngày đầu mới giành được chính quyền cũng là thực hiện những tư tưởng lớn của Hồ Chí Minh nhằm xây dựng một nền văn hóa mới trong tương lai. Muốn trở thành một dân tộc có văn hóa, trước hết phải làm cho mọi người biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ, nâng cao kiến thức nhằm giải phóng con người thoát khỏi sự ngu dốt của chính mình. V.Lênin từng khẳng định: Người không biết chữ sẽ đứng ngoài chính trị. Nếu như trước kia, V.Lênin coi mù chữ là một

trong ba kẻ thù bên trong của nước Nga Xôviết non trẻ, thì Hồ Chí Minh coi dốt là một trong ba thứ giặc của nước Việt Nam độc lập, vì vậy “phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập” [46, tr.8]. Đây là sự gặp gỡ của những nhà tư tưởng lớn, những vĩ nhân.

Để thực hiện xóa nạn mù chữ và xây dựng nền giáo dục mới, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Nha bình dân học vụ, Hội đồng cố vấn học chính để giúp Chính phủ soạn thảo chương trình giáo dục mới của đất nước, chuẩn bị mọi điều kiện cho lễ khai giảng các trường phổ thông và đại học. Nhân dịp khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Hồ Chí Minh viết thư gửi các em học sinh vừa động viên, vừa xác định trách nhiệm của thế hệ trẻ với sự nghiệp chấn hưng đất nước. Để chống nạn thất học trong dân chúng, Hồ Chí Minh kêu gọi: Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Những người đã biết chữ dạy cho những người chưa biết chữ. Vợ chưa biết thì chồng bảo, em chưa biết thì anh bảo, cha mẹ không biết thì con bảo, người ăn người làm không biết thì chủ nhà bảo.

Nhờ có những chủ trương đúng đắn, sự nỗ lực của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, công cuộc chống “giặc dốt” diễn ra rất sôi động, rộng khắp. Chỉ trong một thời gian ngắn

đã có khoảng hai triệu người biết đọc, biết viết, đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân ngày được nâng cao.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng nền văn hóa kháng chiến, theo tinh thần vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, “kháng chiến hóa văn

hóa”, “văn hóa hóa kháng chiến”. Ngưòi coi văn hoá cũng là một mặt trận quan trọng như

những mặt trận khác trong sự nghiệp cách mạng. Kháng chiến không chỉ trên lĩnh vực chính trị, kinh tế mà còn cả trên lĩnh vực văn hoá, người làm công tác văn hoá, văn nghệ là chiến sỹ trong sự nghiệp “phò chính trừ tà”. Tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh đã trở thành đường lối văn hoá của Đảng, đã di vào cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, của toàn dân tộc, đem lại những biến đổi hết sức sâu sắc về tư tưởng, tình cảm, tâm lý, đạo đức, lối sống, phong tục, tập quán, trong việc nâng cao dân trí, trong giáo dục, văn học nghệ thuật, v.v.. Nền văn hoá dân chủ mới, văn hoá kháng chiến đã góp phần to lớn tạo nên đời sống tinh thần phong phú; bồi dưỡng tinh thần lạc quan cách mạng, nâng chủ nghĩa anh hùng truyền thống của dân tộc lên tầm cao mới, làm thức tỉnh lương tri của thời đại.

Nền văn hoá mới, theo Hồ Chí Minh, phải có tính chất: dân tộc, khoa học và đại chúng. Văn hoá phải ở trong kinh tế và chính trị. Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi, phải đi sâu vào đời sống thực tiễn của quần chúng, phục vụ quần chúng.

Hồ Chí Minh chỉ ra chức năng của văn hoá là nhằm bồi dưỡng tư tưởng đúng đắn và tình cảm cao đẹp cho nhân dân, loại bỏ những sai lầm và thấp hèn có thể có trong tư tưởng, tình cảm mỗi người. Vì tư tưởng, tình cảm của con người luôn chuyển biến theo hoạt động thực tiễn xã hội mà các chức năng của văn hoá phải vận động thường xuyên để góp phần không ngừng làm cho đời sống xã hội thêm tốt đẹp. Văn hoá khi bồi dưỡng tư tưởng đúng, tình cảm đẹp phải đặc biệt quan tâm đến những tư tưởng và tình cảm lớn có ý nghĩa chi phối đời sống tinh thần của mỗi người và của cả dân tộc. Văn hoá còn có chức năng nâng cao trình độ dân trí, kiến thức, sự hiểu biết của con người; bồi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp, những phong cách lành mạnh, luôn hướng con người vươn tới cái chân, thiện, mỹ để không ngừng hoàn thiện bản thân mình.

Trong lãnh đạo xây dựng nền văn hoá mới Việt Nam, Hồ Chí Minh coi trọng xây dựng văn hoá đời sống, lối sống và nếp sống mới. Ngay từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Hồ Chí Minh phát động phong trào xây dựng “Đời

sống mới”, một đời sống có văn hóa vì mục tiêu con người. Người đưa ra những quan

điểm chỉ đạo xây dựng đời sống mới trên bình diện cộng đồng (đời sống chung) và đời sống mới ở phạm vi cá nhân mỗi con người (đời sống riêng). Khái niệm đời sống mới được Hồ Chí Minh nêu ra bao gồm cả đạo đức mới, lối sống mới, nếp sống mới. Ba nội dung đó có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó đạo đức đóng vai trò chủ yếu. Đạo đức gắn liền và thể hiện trong lối sống và nếp sống, vì vậy việc xây dựng đạo đức mới phải được tiến hành đồng thời với việc xây dựng lối sống mới và nếp sống mới. Đạo đức mới là cơ sở để xây dựng lối sống mới, nếp sống mới lành mạnh, vui tươi, hướng con người tới tầm cao của văn hóa.

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, cùng với việc khôi phục phát triển kinh tế, Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm phát triển sự nghiệp giáo dục, với mục tiêu tạo ra những con người phát triển toàn diện bao gồm cả đức, trí, thể, mỹ. Mục đích của giáo dục là phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân, xây dựng một nền giáo dục mới xã hội chủ nghĩa. Người nhiều lần đi thăm các trường phổ thông, đại học, trung học chuyên nghiệp, các lớp bổ túc văn hóa, các hội nghị học tập của giáo viên. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hồ Chí Minh và Đảng ta, nền giáo dục cách mạng từ phong trào xoá nạn mù chữ, bình dân học vụ, bổ túc văn hoá, sự nghiệp giáo dục Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc, góp phần quan trọng trong việc xây dựng được một đội ngũ trí thức mới, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp cách mạng.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hồ Chí Minh với sự nghiệp giải phóng con người Việt Nam pptx (Trang 53 - 57)