Tình hình nghiện ma túy

Một phần của tài liệu Giải pháp hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy ở nước ta hiện nay (Trang 39 - 40)

Thời gian qua, mặc dù Đảng, Nhà nước, các ngành, các cấp đã nỗ lực triển khai nhiều biện pháp phòng chống ma túy, song tệ nạn này vẫn liên tục gia tăng về số lượng và đặc điểm, tính chất diễn biến ngày một phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế, trật tự an toàn xã hội và sức khỏe nhân dân.

Ma túy ngày càng xâm nhập sâu vào tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và công nhân viên chức - nguồn lao động chính của cả xã hội. Loại ma túy sử dụng thay đổi từ các ma túy truyền thống như thuốc phiện chuyển nhanh sang các loại ma túy tổng hợp, độc hại. Hình thức sử dụng cũng chuyển nhanh từ hút là chủ yếu sang hít, tiêm chích.

Theo báo cáo của các địa phương, tính đến cuối năm 2006, cả nước có khoảng 140.000 đối tượng nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, chưa kể số đối tượng nghiện ma túy trong các trại giam, cơ sở giáo dục và trường giáo dưỡng do Bộ Công an quản lý [20].

Người nghiện ma túy chủ yếu vẫn là thanh thiếu niên, thành phần ngày càng đa dạng, không còn dừng lại ở những người không có nghề nghiệp, không có việc làm ổn định hoặc có trình độ văn hóa thấp, nhận thức hạn chế, có hoàn cảnh gia đình phức tạp, éo le mà đã lan sang cả một số sinh viên, cán bộ, viên chức nhà nước, công nhân lao động. Theo điều tra khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có 1,4% người nghiện là học sinh, sinh viên, 1,27% là công chức, viên chức nhà nước và công nhân lao động [20].

Tình trạng nghiện hê rô in và ma túy tổng hợp (loại kích thích và gây ảo giác) ngày càng phổ biến: năm 1996 tỷ lệ người nghiện hê rô in chiếm 5%, ma túy tổng hợp chiếm 1,4% trong tổng số người nghiện; năm 2001 tỷ lệ này là 66,8% đối với hê rô in và 2,4% đối với ma túy tổng hợp và đến nay là 87% đối với hê rô in và 4,5% ma túy tổng hợp [20].

Số người nghiện ma túy gia tăng ở 36 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó có 8 tỉnh tăng từ 20 - 40%, 11 tỉnh tăng trên 50%, 17 tỉnh tăng trên 100%[20].

Tình hình lây nhiễm HIV trong đối tượng nghiện ngày càng diễn biến phức tạp, đáng lưu ý là số gái mại dâm nghiện ma túy đang có xu hướng gia tăng. Số đối tượng nhiễm HIV hiện đang quản lý trong các Trung tâm chữa bệnh giáo dục lao động xã hội chiếm tỷ lệ ngày càng cao (40 - 50%). 50% số người nghiện ma túy có tiền án, tiền sự; 45% bị nhiễm HIV; 15% mắc lao và các bệnh truyền nhiễm khác [20].

Về độ tuổi: trong số 140.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, dưới 18 tuổi chiếm tỷ lệ 4,5% và 67% ở độ tuổi dưới 30; trên 80% đang ở trong độ tuổi lao động [20].

Về trình độ văn hóa: 81,1% từ phổ thông cơ sở trở xuống, trong đó 11,3% mù chữ [20].

Về nghề nghiệp: 66,2% chưa được đào tạo nghề, không có việc làm hoặc có nhưng không ổn định (chủ yếu là lao động phổ thông) [20].

Tình hình trên là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến gia tăng người nghiện ma túy. Vì vậy, công tác dạy nghề hướng nghiệp, tổ chức lao động sản xuất và tạo việc làm cho người sau cai là một yêu cầu cần thiết để đảm bảo quá trình cai nghiện thành công và chống tái nghiện có hiệu quả.

Một phần của tài liệu Giải pháp hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy ở nước ta hiện nay (Trang 39 - 40)