Vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện

Một phần của tài liệu Giải pháp hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy ở nước ta hiện nay (Trang 25 - 28)

1.2.2.1. Vai trò của Nhà nước trong hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện cai nghiện

Nhà nước là cơ quan quyền lực tối cao, có vai trò đầu não trong tổ chức các hoạt động liên quan đến công tác phòng, chống ma túy, cụ thể trong hỗ

trợ tạo việc làm cho đối tượng sau cai nghiện ma túy, biểu hiện ở một số công việc cụ thể như:

- Nhà nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến việc hỗ trợ tạo việc làm cho đối tượng sau cai nghiện ma túy.

- Nhà nước thiết lập và chỉ đạo các cơ quan chức năng, nhất là hệ thống cơ quan về phòng chống ma túy từ trung ương đến địa phương, cơ sở nâng cao hiệu lực quản lý, điều hành các hoạt động quản lý sau cai, hỗ trợ tạo việc làm cho đối tượng sau cai nghiện ma túy.

- Nhà nước thiết lập và tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức trong khu vực và toàn cầu nhằm thực hiện luật pháp quốc tế, góp phần kiểm soát và phòng chống ma túy trong nước có hiệu quả, hỗ trợ thực hiện công tác quản lý sau cai, hỗ trợ tạo việc làm cho đối tượng sau cai nghiện ma túy.

- Nhà nước có biện pháp tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức xã hội và các cấp tăng cường phối hợp hoạt động có hiệu quả nhằm phòng chống ngăn chặn tệ nạn ma túy ở từng địa phương, đơn vị, trường học.

Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước có vai trò rất quan trọng đối với quá trình giải quyết việc làm. Nhà nước vừa là chủ sử dụng một tỷ lệ lớn lao động của xã hội, vừa là chủ thể quản lý, điều tiết cung - cầu nguồn lao động trên thị trường lao động toàn quốc. Bằng hành lang pháp lý và các biện pháp kích cầu, các chương trình dự án, các chính sách phát triển kinh tế xã hội, các chương trình hỗ trợ việc làm, xóa đói, giảm nghèo, dân số - kế hoạch hóa gia đình, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, xây dựng các công trình then chốt, liên doanh, liên kết với nước ngoài…, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Nhà nước đã điều tiết tạo chỗ làm việc và giải quyết việc làm cho người lao động.

Những mối quan hệ trên đây cho thấy vai trò rất lớn của Nhà nước trong hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện.

Thứ nhất, về phương diện quản lý kinh tế vĩ mô, Nhà nước thông qua thể chế, chính sách và công cụ để tạo ra điều kiện cho sự ổn định và phát triển việc làm. Điều 14 và 15 Bộ luật Lao động xác định Nhà nước định chỉ tiêu việc làm mới trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và nhiều năm, tạo điều kiện cần thiết, như hỗ trợ tài chính, cho vay vốn hoặc giảm miễn thuế và áp dụng các biện pháp khuyến khích khác để người lao động, trong đó có người sau cai nghiện giúp họ có khả năng tự giải quyết việc làm. Nhất là các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế có điều kiện phát triển nhiều ngành nghề mới, tạo việc làm cho nhiều người lao động là người sau cai nghiện ma túy.

Mục tiêu đặt ra là không chỉ có Nhà nước, mà mỗi doanh nghiệp, mỗi gia đình, mỗi người lao động là người sau cai nghiện phải tự thân vận động để tạo việc làm. Doanh nghiệp và người sử dụng lao động được Nhà nước tạo điều kiện và cơ chế hữu hiệu để phát triển sản xuất, kinh doanh. Nghĩa là thông qua đó Nhà nước cũng có một phần trách nhiệm quan trọng nhằm giải quyết việc làm cho người lao động. Đến lượt mình, người có khả năng lao động phải chủ động sáng tạo, để sử dụng quyền lao động, tự tạo ra việc làm, tự tìm việc làm với sự giúp đỡ của Nhà nước khi cần thiết [47].

Thứ hai, hàng năm Chính phủ lập và thực hiện các chương trình và quỹ giải quyết việc làm trình Quốc hội chương trình và quỹ quốc gia về việc làm; ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập chương trình và quỹ giải quyết việc làm của địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định. Các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế, các đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tham gia thực hiện các chương trình và quỹ giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện.

Thứ ba, Nhà nước có vai trò phát triển hệ thống tổ chức dịch vụ việc làm, nhằm tư vấn cho người tìm việc hoặc tìm nhân công, giúp giới thiệu,

cung ứng và tuyển lao động, thu thập và cung ứng thông tin về thị trường lao động, tổ chức cơ sở dạy nghề xã hội. Các sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các đoàn thể nhân dân và tổ chức xã hội được thiết lập tổ chức dịch vụ việc làm, tuân theo sự thống nhất quản lý nhà nước theo hệ thống ngành Lao động - Thương binh và Xã hội.

Thứ tư, Nhà nước có vai trò và trách nhiệm hoàn thiện các quan hệ thị trường lao động và hành lang pháp lý, buộc các chủ sử dụng lao động thực hiện đúng Bộ luật Lao động nhằm bảo đảm lợi ích cho người lao động, đặc biệt là người sau cai nghiện. Đây là điều kiện và môi trường bảo đảm sự tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững của thị trường lao động và giải quyết việc làm.

Thứ năm, Nhà nước với vai trò mở rộng thị trường xuất khẩu lao động, hỗ trợ tạo thêm công ăn việc làm có thu nhập cho người lao động là người sau cai nghiện ma túy.

Một phần của tài liệu Giải pháp hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy ở nước ta hiện nay (Trang 25 - 28)