Kinh nghiệm của nước ngoà

Một phần của tài liệu Giải pháp hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy ở nước ta hiện nay (Trang 33 - 37)

* Ở một số nước phương Tây

Hiện nay, đại bộ phận các nước phương tây đã áp dụng phương thức dùng Methadone thay thế cho ma túy. Xuất phát từ quan điểm lấy độc trị độc nên đại bộ phận người nghiện ma túy ở những nước này đều được phép sử dụng Methadone thay cho thuốc phiện và ma túy. Vì vậy, ở những nước này hầu như không có cơ sở cai nghiện tập trung mà chỉ có các cơ sở y tế chuyên cung cấp và theo dõi cho những bệnh nhân sử dụng thuốc thay thế. Sở dĩ Methadone được dùng thay thế là do đặc tính ưu việt của nó: có tác dụng dược lý giống Mooc phin (êm dịu, giảm đau, ức chế hô hấp) nên hoàn toàn thay thế được Mooc phin; thể dạng tồn tại dưới dạng thuốc uống (sirô, thuốc viên) nên không phải tiêm chích, tránh được nhiễm HIV, cộng với tác dụng dược lý là chuyển hóa chậm nên 1 ngày chỉ cần dùng một liều, thích hợp cho bệnh nhân điều trị ngoại trú. Khi dùng Methadone sẽ giảm các cơn đói ma túy nên thu hẹp được phạm vi phạm tội, khiến người bệnh vừa điều trị mà vẫn hoạt động nghề nghiệp để hòa nhập cộng đồng. Ở hầu khắp các nước trên thế giới đều coi nghiện ma túy là một căn bệnh kinh niên và coi người sử dụng ma túy là bệnh nhân và họ xem điều trị thay thế bằng Methadone hoặc Bupronorphine có kiểm soát tại cộng đồng và các cơ sở được cấp phép là giải pháp tiếp cận hiệu quả trong điều trị, giúp người sử dụng ma túy vẫn có cuộc sống sinh hoạt lao động làm việc như người bình thường. Do vậy, các nước này không cần có các mô hình hỗ trợ giải quyết việc làm cho đối tượng sau cai nghiện.

Nhờ những ưu việt như vậy nên trong vài chục năm gần đây Methadone đã được sử dụng khá rộng rãi: ở Mỹ sử dụng từ 1964 (hàng năm > 70.000 người được điều trị); ở Úc áp dụng từ 1969 (đến 1993 đã điều trị 13.000 người); ở Thụy sĩ có 8.000 cơ sở điều trị bằng Methadone; Tây Ban Nha có 5.000 cơ sở; Cộng hòa Liên bang Đức có 4.000; Pháp từ 1993 đã có 300; Hồng Kông đã sử dụng liệu pháp này từ 1971; ở Vân Nam Trung Quốc đã áp dụng từ 1991. Mặc

dù điều trị ma túy bằng Methadone có nhiều ưu điểm song ở Việt Nam hiện nay mới chỉ thực hiện thí điểm ở một số địa phương trong đó có Hải Phòng, Quảng Ninh và một số địa phương khác. Đây là một thứ thuốc thay thế rất đắt so với mặt bằng thu nhập của đại bộ phận người Việt Nam, đặc biệt là với các cơ sở chữa bệnh của Việt Nam nói chung hiện đang sử dụng bằng ngân sách của Nhà nước thì rất khó có điều kiện tài chính để thực thi phương pháp này.

* Cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ở Trung Quốc

"Chỉ có chủ nghĩa xã hội mới chống được ma túy và cai nghiện ma túy thành công" (Chu Ân Lai). Xuất phát từ định hướng chiến lược đó mà Đảng và nhân dân Trung Quốc đã kiên trì đấu tranh với tệ nạn ma túy trên mọi phương diện từ: ngăn chặn sự trỗi dậy của tệ nạn buôn bán ma túy bằng những biện pháp mạnh (tử hình - nếu tàng trữ hoặc vận chuyển 50g thuốc phiện); giải quyết triệt để vấn đề trồng cây thuốc phiện; cai nghiện bằng mọi phương thức…

Tháng 12-1995, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc ban hành Pháp lệnh cai nghiện ma túy cưỡng bức. Bộ luật quan trọng này đóng vai trò đáng kể trong việc cấm sử dụng ma túy và cai nghiện cho những người nghiện, bảo vệ sức khỏe người dân và hạn chế sử dụng ma túy. Nhiều cơ quan cấp phường, xã và các tổ chức xã hội cũng được sử dụng để giúp đỡ người nghiện, người sau cai nghiện tìm kiếm việc làm hòa nhập cộng đồng phòng chống tái nghiện ma túy. Tổng cục phòng chống ma túy thuộc Bộ Công an được Nhà nước giao quản lý thống nhất công tác cai nghiện trong toàn quốc. Tổng cục này từ năm 1999 đã quản lý 700 trung tâm cai nghiện cưỡng bức quy mô lớn với 120.000 giường bệnh và hàng vạn Trung tâm cai nghiện tại cộng đồng tới tận làng, xã, thôn, xóm và bản.

Chính phủ Trung quốc đã thiết lập 3 hệ thống cai nghiện ma túy: cai nghiện cưỡng bức, lao động trị liệu, sản xuất tạo việc làm tại các Trung tâm cai nghiện tập trung do cơ quan Công an quản lý, cai nghiện tại cộng đồng và được hỗ trợ tư vấn tạo việc làm phòng ngừa tái nghiện do cơ quan Công an và Y tế quản lý, cai nghiện tại gia đình, với các hình thức hỗ trợ tạo việc làm tại

chỗ có sự giám sát và quản lý của cơ quan Công an và các đoàn thể xã hội. Tại các Trung tâm cai nghiện ma túy tập trung thuộc Bộ Công an quản lý áp dụng 5 phương châm: "Quản lý của Công an, rèn luyện của quân đội, giáo dục như nhà trường, chữa bệnh như bệnh viện, lao động như công, nông trường, nhà máy" [65]. Các trung tâm cai nghiện ma túy tập trung này được đặt dưới sự quản lý nghiêm ngặt của Bộ Công an và Cục Công an các khu, tỉnh. Tại đây người nghiện ma túy được rèn luyện như chiến sĩ nghĩa vụ quân sự, huấn luyện điều lệnh, kỷ luật, luyện tập thể thao, chạy dã ngoại, v.v… Việc dạy học văn hóa, ngoại ngữ và dạy nghề cho người nghiện được tổ chức như các nhà trường. Người nghiện ma túy còn được chữa bệnh theo các quy trình điều trị, chữa trị bằng các bài thuốc đông y cai nghiện ma túy Trung Quốc, trong đó có "bài thuốc 6-26" rất nổi tiếng trên thế giới được lấy tên Ngày quốc tế phòng chống ma túy 26 tháng 6. Tại các trung tâm này người nghiện ma túy được tổ chức lao động sản xuất như các công trường, nông trường, nhà máy, xí nghiệp theo phương châm dùng lao động để tự nuôi mình và đóng góp sản phẩm cho xã hội.

Các chương trình cai nghiện ma túy tại cộng đồng và tại gia đình được tiến hành theo quy trình cai nghiện của Ủy ban quốc gia phòng chống ma túy đã ban hành thống nhất trên toàn quốc. Đồn trưởng các đồn Công an, trưởng trạm y tế cơ sở và các đoàn thể được giao nhiệm vụ giúp cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở tổ chức cai nghiện, quản lý sau cai nghiện theo các quy trình chặt chẽ mà Tổng cục phòng chống ma túy, Bộ Công an đã ban hành và hỗ trợ tư vấn tạo việc làm, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện tái hòa nhập tại cộng đồng. Chính vì phân định chức năng quản lý nhà nước rõ ràng có người chịu trách nhiệm chính trong công tác phòng chống ma túy, huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động đấu tranh giảm cung và giảm cầu, giữa yếu tố quản lý, kỷ luật, rèn luyện, chữa trị, giáo dục, lao

động, hỗ trợ tạo việc làm và quản lý sau cai nghiện, nên tỷ lệ tái nghiện của Trung Quốc hiện nay được đánh giá vào loại thấp nhất thế giới.

Công tác giáo dục để nhân dân nói "không" với ma túy, truyền thông huy động cộng đồng và các thành phần xã hội tham gia công tác quản lý sau cai nghiện, hỗ trợ tư vấn tạo việc làm cho người sau cai nghiện được chính quyền nhân dân các cấp coi trọng ở Trung Quốc. Ngày 26 -6, ngày Quốc tế phòng chống ma túy hàng năm, Chính phủ Trung ương và chính quyền các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng trong cả nước về sự nguy hiểm của ma túy để nhân dân cùng Chính phủ giải quyết vấn đề ma túy, đặc biệt là vấn đề quản lý sau cai trong đó có hỗ trợ tạo việc làm phòng ngừa tái nghiện. "Phòng chống ma túy" đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo Trung Quốc quy định là môn học trong các nhà trường và trung học toàn quốc.

Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc đã mở Chương trình "Lưỡi gươm Trung Hoa" tuyên truyền, giới thiệu về phòng chống ma túy, các mô hình hay và hiệu quả trong cai nghiện, quản lý sau cai nghiện, đặc biệt kêu gọi sự tham gia của cả cộng đồng xã hội trong vấn đề tạo việc làm và hỗ trợ tạo việc làm cho những người sau cai nghiện để góp phần nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, phòng ngừa tái nghiện và cũng góp phần phòng chống các loại tệ nạn xã hội có liên quan, chương trình luôn gây được sự chú ý với người dân trong nước và ngoài nước.

Một phần của tài liệu Giải pháp hỗ trợ tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy ở nước ta hiện nay (Trang 33 - 37)