Giải pháp liên quan đến yếu tố cơ sở vật chất

Một phần của tài liệu Vai trò của Viện kiểm sát đối với việc khởi tố bị can (Trang 64 - 69)

MỘT SỐ GIẢI PHÁP, KIẾN NGHỊ NHẰM NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA VIỆN KIỂM SÁT ĐỐI VỚI VIỆC KHỞI TỐ BỊ CAN

3.2.3. Giải pháp liên quan đến yếu tố cơ sở vật chất

- Cần đầu tư để xây dựng những Trụ sở Viện kiểm sát mới, sửa chữa nâng cấp những trụ sở Viện kiểm sát đã xuống cấp, trang bị các máy móc, thiết bị phục vụ công tác nghiệp vụ, như: máy vi tính, máy in, máy photocopy, máy scan,… nhằm phục vụ nhiệm vụ của ngành trong tình hình mới, tạo môi trường làm việc tốt hơn, góp phần nâng cao hiệu quả công việc.

- Cần có sự ưu đãi nhiều hơn về chế độ, chính sách đối với cán bộ, Kiểm sát viên, trong đó cần có sự quan tâm hơn nữa về chính sách lương, phụ cấp đối với những cán bộ công tác trong các cơ quan tư pháp, để họ yên tâm công tác, có trách nhiệm hơn với công việc, hạn chế được sự cám dỗ về vật chất, không bị các thế lực bên ngoài mua chuộc.

3.3. Kiến nghị

Trên cơ sở lí luận về khởi tố bị can và vai trò của Viện kiểm sát đối với việc khởi tố bị can, qua đánh giá thực trạng vai trò của Viện kiểm sát trong thời gian qua, tìm ra những nguyên nhân và giải pháp, để thực hiện tốt hơn nữa vai trò của Viện kiểm sát, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, xin có một số kiến nghị sau:

Thứ nhất: Kiện toàn nhanh chóng và sắp xếp lại đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho bộ phận thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết án hình sự, đặc biệt là những cán bộ có khả năng tinh tế cho bộ phận phân loại, xử lí án hình sự. Việc sắp xếp phải phù hợp với năng lực, sở trường công tác nhưng vẫn đảm bảo để đào tạo cán bộ toàn diện, thông khâu. Nói

như vậy không có nghĩa là coi nhẹ các khâu nghiệp vụ khác, mà là để nhấn mạnh một vấn đề cơ bản: thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết án hình sự là hoạt động chủ yếu, có ý nghĩa quyết định nhất trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát, mà khởi tố bị can là hoạt động “đầu vào” cần được đặc biệt quan tâm.

Thứ hai: Đổi mới công tác quản lí, chỉ đạo, điều hành trong hoạt động, sớm ban hành Qui chế về thỉnh thị và trả lời thỉnh thị. Các Qui chế nghiệp vụ được ban hành trong ngành, trong đó có Qui chế Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự được ban hành kèm theo Quyết định số 07/2008/QĐ-VKSTC ngày 02/01/2008 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã qui định về thỉnh thị và trả lời thỉnh thị nhưng mới chỉ dừng lại ở qui định mang tính qui tắc, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình giải quyết, nhất là đảm bảo thời hạn phê chuẩn quyết định khởi tố bị can.

Thứ ba: Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các bộ phận, đơn vị nghiệp vụ trong nội bộ Viện kiểm sát, giữa Viện kiểm sát cấp trên và Viện kiểm sát cấp dưới, giữa Viện kiểm sát với Cơ quan điều tra và các cơ quan, ban, ngành khác trong việc tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trong công tác phối hợp cần có các qui chế để thực hiện.

Thứ tư: Chú trọng công tác tập huấn, quán triệt các văn bản qui phạm pháp luật có liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành. Bên cạnh đó, cùng với việc tham gia hoàn thiện pháp luật là việc hướng dẫn thi hành pháp luật. Thực hiện thường xuyên việc tổng kết chuyên đề và rút kinh nghiệm nghiệp vụ, trao đổi qua diễn đàn: Báo điện tử của ngành, Báo Bảo vệ pháp luật, Tạp chí Kiểm sát.

Thứ năm: Tăng cường đầu tư hơn nữa cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện làm việc cho Viện kiểm sát các cấp, đặc biệt là Viện kiểm sát cấp huyện. Đầu tư các phương tiện làm việc như: máy ảnh, máy vi tính… Quan tâm đến các chế độ về lương và phụ cấp, các chế độ khác cho cán bộ, Kiểm sát viên.

Thứ sáu: Sửa đổi các qui định có liên quan đến vai trò của Viện kiểm sát đối với việc khởi tố bị can theo qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 như đã nêu.

Kết luận chương 3:

Trên đây là một số giải pháp và kiến nghị nhằm góp phần nâng cao hơn nữa vai trò của Viện kiểm sát đối với việc khởi tố bị can. Qua việc nêu quan điểm chỉ đạo hoàn thiện vai trò của Viện kiểm sát đối với việc khởi tố bị can, đưa ra những giải pháp và đề xuất một số kiến nghị nhằm nâng cao vai trò của Viện kiểm sát đối với việc khởi tố bị can. Những giải pháp nói trên có liên quan mật thiết và có sự hỗ trợ lẫn nhau, phải được xây dựng, thực hiện một cách đồng bộ. Tác giả hi vọng rằng, với những giải pháp và kiến nghị đó, khi được thực hiện, sẽ góp phần nâng cao vai trò của Viện kiểm sát đối với việc khởi tố bị can, đồng thời tạo điều kiện tốt hơn để Viện kiểm sát thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình trong tố tụng hình sự; bảo đảm việc khởi tố bị can đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không bỏ lọt tội phạm cũng như người thực hiện hành vi phạm tội.

KẾT LUẬN

Khởi tố bị can và phê chuẩn quyết định khởi tố bị can được thực hiện trong giai đoạn ban đầu của quá trình điều tra vụ án là một vấn đề khó khăn, phức tạp, có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các Nghị quyết của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 02/01/2002 về một số nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp trong thời gian tới đã nhấn mạnh đến vị trí, vai trò quan trọng của Viện kiểm sát trong các hoạt động tư pháp nói chung, cũng như đối với các hoạt động điều tra ở giai đoạn điều tra nói riêng, trong đó có hoạt động khởi tố bị can. Các quan điểm của Đảng về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát trong hoạt động tố tụng hình sự được qui định khá đầy đủ và chi tiết trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002. Theo qui định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 thì Viện kiểm sát có vai trò quan trọng và quyết định đối với việc quyết định khởi tố bị can, xét về quyền hạn thì rất lớn nhưng trách nhiệm lại nặng nề, trong khi đó các biện pháp để bảo đảm cho Viện kiểm sát đối với hoạt động này vẫn còn những hạn chế nhất định. Qua nghiên cứu một cách khá đầy đủ về lí luận và các qui định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Viện kiểm sát trong hoạt động này, cũng như nghiên cứu về thực trạng vai trò của Viện kiểm sát đối với việc khởi tố bị can thể hiện qua ba chương của Luận văn, tác giả đưa ra một số kết luận sau:

1. Khởi tố bị can là một hoạt động tố tụng ban đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng xuyên suốt cả quá trình điều tra, truy tố. Trong hoạt động này, Viện kiểm sát có vai trò quan trọng và quyết định và là cơ quan chịu trách nhiệm chính, không những có quyền trực tiếp khởi tố bị can mà còn là cơ quan kiểm sát việc thực hiện các qui định này của các cơ quan có thẩm quyền khác.

2. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự hiện nay về vai trò của Viện kiểm sát đối với việc khởi tố bị can vẫn còn bất cập, có quy định không rõ ràng, mâu thuẫn, dẫn đến những cách hiểu khác nhau, đây là một trong những nguyên nhân chính làm hạn chế vai trò của Viện kiểm sát đối với hoạt động này.

3. Nhận thức pháp luật, trình độ năng lực nghiệp vụ của những người có thẩm quyền đối với việc khởi tố bị can còn hạn chế. Trách nhiệm của các Điều tra viên, Kiểm sát viên trong việc áp dụng các qui định của pháp luật về khởi tố bị can mặc dù đã được nâng lên nhưng vẫn “chưa xứng tầm” và đáp ứng được đòi hỏi của công việc. Nhiều cán bộ có sự sa sút về phẩm chất đạo đức dẫn đến vi phạm kỷ luật, vi phạm pháp luật.

4. Cơ sở vật chất đầu tư cho ngành Kiểm sát để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn còn thiếu và nếu có thì chất lượng chưa đảm bảo. Chế độ, chính sách cho những người làm việc trong các cơ quan tư pháp đã được quan tâm hơn nhưng vẫn còn có sự hạn chế, tạo ra tâm lý yên tâm thực sự cho cán bộ, Kiểm sát viên trong quá trình công tác.

5. Để nâng cao vai trò của Viện kiểm sát đối với việc khởi tố bị can cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm của các cán bộ có thẩm quyền trong việc thực hiện các qui định của pháp luật về khởi tố bị can, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc khởi tố bị can trên thực tế, cần sửa đổi những quy định của pháp luật hiện hành cho đầy đủ, chặt chẽ và thống nhất; Quan tâm hơn nữa đến yếu tố con người; Tăng cường cơ sở vật chất cho công tác tư pháp nói chung và hoạt động khởi tố bị can nói riêng.

6. Với giải pháp và kiến nghị nhằm mục đích nâng cao vai trò của Viện kiểm sát đối với việc khởi tố bị can, tác giả hy vọng được đóng góp một phần nhỏ bé vào việc hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng hình sự nói chung và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 nói riêng, đặc biệt là về khởi tố bị can, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động điều tra.

Việc nghiên cứu về khởi tố bị can theo hướng lấy vai trò của Viện kiểm sát làm trung tâm là một hướng nghiên cứu mới về cả về mặt lý luận cũng như thực tiễn, vì vậy trong quá trình nghiên cứu không thể tránh khỏi những thiếu sót. Tác giả rất mong nhận được sự góp ý của các thầy giáo, cô giáo, cùng toàn thể các quí độc giả để có thể nghiên cứu một cách sâu sắc hơn về vấn đề này.

Một phần của tài liệu Vai trò của Viện kiểm sát đối với việc khởi tố bị can (Trang 64 - 69)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(71 trang)
w