QUI ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VÀ THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆN KIỂM SÁT ĐỐI VỚI VIỆC KHỞI TỐ BỊ CAN
2.3.1. Những tồn tạ
Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát đối với việc khởi tố bị can của Viện kiểm sát vẫn còn những tồn tại. Qua những con số phân tích ở trên, số bị can phải đình chỉ vì không phạm tội (bên cạnh đó là số liệu về bị cáo mà Tòa án các cấp tuyên không phạm tội) đã phản ánh chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố bị can còn những tồn tại cần được khắc phục, đó là:
Một là: Việc nắm và quản lí tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Viện kiểm sát còn chưa đầy đủ, kịp thời. Vẫn có tình trạng, Cơ quan điều tra chỉ cho Viện kiểm sát nắm được và kiểm sát khi sự việc rõ ràng, nên khi chuyển hồ sơ đề nghị phê chuẩn cho Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát không chủ động được với các tài liệu có trong hồ sơ, không nắm được việc tiếp nhận, phân loại, quản lí, xử lí và giải quyết.
Hai là: Về chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát đối với việc quyết định khởi tố bị can, phải khẳng định là vẫn còn để xảy ra các trường hợp bị oan, sai dẫn đến việc phải đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ vụ án (mà lí do đình chỉ được qui định tại Điều 164, khoản 1 Điều 169 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003), trong đó có lí do vì bị can không phạm tội, gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Là cơ quan được giao nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm quyết định và kiểm sát việc khởi tố đảm bảo cho việc khởi tố bị can đúng pháp luật, có căn cứ nhưng nhiều Viện kiểm sát, Kiểm sát viên và thậm chí cả cán bộ Lãnh đạo Viện kiểm sát chưa nhận thức đầy đủ vai trò, quyền hạn và trách nhiệm này. Quá trình kiểm sát việc khởi tố bị can chưa chặt chẽ, nhất là những trường hợp tội phạm có liên quan đến các giao dịch dân sự, kinh tế, để xảy ra tình trạng hình sự hoá các quan hệ này và ngược lại. Điều này đã gây ảnh hưởng xấu đến nhiều lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, đặc biệt là đối với người bị khởi tố oan, sai. Mà tỉ lệ án đình chỉ do không phạm tội thể hiện vai trò của Viện kiểm sát đối với hoạt động khởi tố bị can chưa được hiệu quả, chất lượng chưa cao.
Ba là: Trong quan hệ với Cơ quan điều tra, Kiểm sát viên vẫn còn biểu hiện của tư tưởng ngại va chạm, xuôi chiều nên không sâu sát, kịp thời phát hiện ra các vi phạm pháp luật của Cơ quan điều tra, hoặc để ủng hộ và tuyệt đối hoá quan hệ phối hợp với Cơ quan điều tra nên đã buông xuôi trách nhiệm, chông chờ và ỷ nại vào sự chỉ đạo của Lãnh đạo, Viện kiểm sát cấp trên bằng thỉnh thị hoặc chờ ý kiến của Liên ngành tư pháp mới đưa ra đề xuất. Trong khi đó công tác chỉ đạo giải quyết án của Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp, của Viện kiểm sát cấp trên nhiều khi còn chưa
thường xuyên, thiếu thống nhất. Việc trả lời thỉnh thị còn chưa kịp thời, kéo dài, gây ảnh hưởng tới thời hạn xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can.
Bốn là: Một tâm lí của Kiểm sát viên khi làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc hoạt động tư pháp trong việc khởi tố bị can đó là: "sợ" bị oan sai. Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17/3/2003 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan, sai do người có thẩm quyền trong tố tụng gây ra, trước đây; và hiện tại là Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước ngày 18/6/2009 qui định tại Điều 56 về nghĩa vụ hoàn trả và xử lý trách nhiệm của người thi hành công vụ, trong đó có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Thậm chí, ngoài việc phải hoàn trả khoản tiền thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm còn phải bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Đây là qui định có liên quan đến "đồng tiền, manh áo", đến lợi ích kinh tế của Kiểm sát viên, mà không phải Kiểm sát viên nào cũng có đủ điều kiện để sẵn sàng hoàn trả khoản tiền đó khi công việc mình làm bị xảy ra oan, sai.
Có một tiêu chí trong công tác thi đua- khen thưởng hoặc xếp loại đối với Kiểm sát viên (có nơi là không thành văn hoặc nếu thành văn bản thì cũng là văn bản hướng dẫn về công tác thi đua- khen thưởng và xếp loại Kiểm sát viên) là: nếu có oan, sai (là hành vi với mức độ lỗi cao nhất trong hệ thống một số tiêu chí đưa ra để xem xét) hoặc trả hồ sơ để điều tra bổ sung... cho nên, tâm lí "sợ" oan, sai đã được các Kiểm sát viên "học" ngay từ khi được phân công làm công tác chuyên môn nghiệp vụ.
Năm là: Bên cạnh đó, còn có một bộ phận Kiểm sát viên, cán bộ chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ quan, hoặc do nhận thức chưa đúng, chưa đủ nên không phát hiện được những vi phạm trong quá trình xét hồ sơ đề nghị phê chuẩn việc khởi tố bị can. Kiểm sát viên là người làm trực tiếp, nắm được rõ nhất nội dung và diễn biến sự việc nhưng lại chông chờ Viện trưởng, Phó Viện trưởng, trong khi, Viện trưởng, Phó Viện trưởng mặc dù có trách nhiệm phải xem xét toàn bộ nội dung, nếu
như vậy thì công việc của Viện trưởng, Phó Viện trưởng lại là làm thay Kiểm sát viên. Vì vậy, trên cơ sở đề xuất của Kiểm sát viên, Lãnh đạo đơn vị nghiệp vụ mà Viện trưởng, Phó Viện trưởng quyết định. Có nhiều trường hợp, Kiểm sát viên (thậm chí là Viện trưởng, Phó Viện trưởng) nắm được diễn biến nội dung sự việc và hồ sơ rất rõ, phát hiện được những vi phạm, thiếu sót của Cơ quan điều tra nhưng lại không yêu cầu, đề nghị khắc phục hoặc có đề nghị nhưng rồi, vì quan hệ, đã "xuôi chiều" cùng Điều tra viên và Cơ quan điều tra. Có trường hợp, Viện kiểm sát quan điểm: có tội, đồng ý phê chuẩn. Vì thế, dù thiếu các thủ tục tố tụng cũng vẫn phê chuẩn mà không kiên quyết yêu cầu hoặc không phê chuẩn.
Như vậy, có thể thấy rằng, những tồn tại hạn chế trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố bị can của Viện kiểm sát các cấp nêu ra trên đây do nhiều nguyên nhân, cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan.