Giải pháp để hoàn thiện quy định của pháp luật về khởi tố bị can

Một phần của tài liệu Vai trò của Viện kiểm sát đối với việc khởi tố bị can (Trang 56 - 59)

MỘT SỐ GIẢI PHÁP, KIẾN NGHỊ NHẰM NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA VIỆN KIỂM SÁT ĐỐI VỚI VIỆC KHỞI TỐ BỊ CAN

3.2.1. Giải pháp để hoàn thiện quy định của pháp luật về khởi tố bị can

+ Để xác định rõ thời điểm là bị can, theo tác giả, khoản 1 Điều 49 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 cần được sửa đổi, bổ sung như sau: “Bị can là người đã bị khởi tố về hình sự và được Viện kiểm sát phê chuẩn”. Mặt khác, nội dung điều 49 Bộ luật Tố tụng hình sự 2003 cũng cần phải được phân định rõ quyền và nghĩa vụ của bị can tương ứng với thời điểm của Cơ quan điều tra khởi tố bị can nhưng chưa được Viện kiểm sát phê chuẩn và thời điểm sau khi Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định khởi tố bị can để bảo đảm chặt chẽ, góp phần thống nhất về nhận thức trong quá trình tiến hành tố tụng.

+ Việc ra quyết định khởi tố bị can là để tiến hành điều tra với một người mà cơ quan công tố chưa có đủ chứng cứ chứng minh người đó phạm tội. Do đó, khoản 1 Điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự cần sửa đổi theo hướng: “khi có đủ căn cứ để xác định một người bị nghi thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố về hình sự đối với người đó”

+ Nếu giữ như quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành về việc Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định khởi tố bị can thì cần phải quy định rõ trách nhiệm giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát như sau: Một là, nếu Viện kiểm sát huỷ bỏ quyết định khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát chịu trách nhiệm độc lập về quyết định của mình. Hai là, nếu Viện kiểm sát đồng ý với Cơ quan điều tra và phê chuẩn quyết định khởi tố bị can thì Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát cùng liên đới chịu trách nhiệm của Cơ quan điều tra sau khi đã được Viện kiểm sát phê chuẩn quyết định khởi tố bị can. Do đó, qui định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cũng cần phải được sửa đổi cho phù hợp với việc phân định trách nhiệm của Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra, kể cả các qui định về phê chuẩn quyết định tạm giữ, quyết định tạm giam... mà có sự phê chuẩn của Viện kiểm sát.

+ Khoản 3 Điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 cần được sửa đổi, bổ sung như sau: “Ngay sau khi khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải chụp ảnh, lập chỉ bản, danh bản của bị can và đưa vào hồ sơ vụ án, trừ trường hợp không thể lập ngay được

+ Khoản 4 Điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 qui định chưa thống nhất về việc Viện kiểm sát xét phê chuẩn “việc khởi tố” hay phê chuẩn “quyết định khởi tố”. Tác giả quan điểm, phê chuẩn là phê chuẩn quyết định khởi tố bị can chứ không phải là phê chuẩn việc khởi tố, nên khoản 4 Điều 126 cần sửa đổi như sau:

“4. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, Cơ quan điều tra phải gửi quyết định khởi tố và tài liệu liên quan đến việc khởi tố bị can đó cho Viện kiểm sát cùng cấp để xét phê chuẩn quyết định khởi tố. Trong thời hạn ba ngày, kể từ ngày nhận được quyết định khởi tố bị can và các tài liệu liên quan, Viện kiểm sát phải quyết định phê chuẩn hoặc quyết định không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và gửi ngay cho Cơ quan điều tra.

+ Tại khoản 5 điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định: Sau khi nhận hồ sơ và kết luận điều tra mà Viện kiểm sát phát hiện có người khác đã thực hiện hành vi phạm tội trong vụ án chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can, còn trong giai đoạn điều tra nếu Viện kiểm sát phát hiện có người khác đã thực hiện

hành vi phạm tội trong vụ án chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát chỉ có quyền yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố bị can. Quy định này làm hạn chế quyền hạn của Viện kiểm sát trong việc bảo đảm không bỏ lọt tội phạm. Vì vậy, để nâng cao trách nhiệm của Viện kiểm sát, cần bổ sung vào khoản 5 Điều 126 Bộ luật Tố tụng hình sự nội dung như sau: trường hợp đã yêu cầu khởi tố bị can mà Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra.

Khoản 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“5. Trong trường hợp phát hiện có người đã thực hiện hành vi phạm tội chưa bị khởi tố thì Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can. Trường hợp Viện kiểm sát đã yêu cầu khởi tố bị can mà Cơ quan điều tra không thực hiện thì Viện kiểm sát ra quyết định khởi tố bị can và yêu cầu Cơ quan điều tra tiến hành điều tra. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định khởi tố bị can, Viện kiểm sát phải gửi cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra.”

+ Bổ sung qui định tại khoản 6 Điều 126:

“6. Cơ quan điều tra phải giao ngay quyết định khởi tố bị can của mình hoặc quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát và giải thích quyền, nghĩa vụ cho bị can quy định tại Điều 49 của Bộ luật này. Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn hoặc quyết định huỷ bỏ quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra phải giao ngay cho bị can. Trong trường hợp không thể giao ngay được thì sau khi có quyết định phê chuẩn của viện kiểm sát cùng cấp, Cơ quan điều tra phải giao ngay các quyết định đó (cả quyết định của Cơ quan điều tra và quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát) cho bị can. Việc giao nhận các quyết định nói trên phải lập biên bản theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này.”

+ Việc Cơ quan điều tra được quyền ra quyết định thay đổi tội danh là cần thiết để phù hợp với hành vi phạm tội của bị can. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền của bị can, Điều 127 cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng:

“1. Khi tiến hành điều tra, nếu có căn cứ xác định hành vi phạm tội của bị can không phạm vào tội đã bị khởi tố, thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can. Trong trường hợp xác định hành vi phạm tội của bị can không phạm vào tội đã bị khởi tố mà phạm vào tội khác không cùng Chương của Bộ luật Hình sự thì Cơ quan điều tra phải ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can về tội danh đã khởi tố và ra quyết định khởi tố bị can về tội danh mới để tiến hành điều tra.”

Khoản 3 Điều 127 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“3. Cơ quan điều tra phải giao ngay quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can của mình hoặc quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát và giải thích quyền, nghĩa vụ cho bị can quy định tại Điều 49 của Bộ luật này. Sau khi nhận được quyết định phê chuẩn hoặc quyết định huỷ bỏ quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can của Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra phải giao ngay cho bị can. Trong trường hợp không thể giao ngay được thì sau khi có quyết định phê chuẩn của viện kiểm sát cùng cấp, Cơ quan điều tra phải giao ngay các quyết định đó (cả quyết định của Cơ quan điều tra và quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát) cho bị can. Việc giao nhận các quyết định nói trên phải lập biên bản theo quy định tại Điều 95 của Bộ luật này.”

+ Tại điều 127 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định mọi trường hợp Viện kiểm sát thay đổi quyết định khởi tố bị can phải chuyển cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra, dẫn đến phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung là không cần thiết. Theo tác giả, chỉ những trường hợp khởi tố bổ sung thì Viện kiểm sát mới chuyển cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra, còn trong trường hợp có đủ căn cứ, tài liệu để truy tố bị can về một tội danh khác với tội danh đã khởi tố thì Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can và chỉ trong trường hợp cần thiết phải hoàn tất các thủ tục tố tụng thì Viện kiểm sát mới chuyển cho Cơ quan điều tra để tiến hành điều tra. Vì vậy, cần phải nghiên cứu sửa đổi điều 127 Bộ lụât Tố tụng hình sự cho phù hợp với thực tiễn.

Một phần của tài liệu Vai trò của Viện kiểm sát đối với việc khởi tố bị can (Trang 56 - 59)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(71 trang)
w