của học sinh phát triển hơn so với trẻ cùng độ tuổi trước đây
Trong môi trường xã hội và khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ hiện nay, HS thường xuyên tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin đa dạng, phong phú từ rất nhiều nguồn khác nhau (các phương tiện truyền thông, sách báo…), lại luôn chịu ảnh hưởng tác động từ nhiều phía: gia đình, nhà trường và xã hội, đồng thời được tham gia vào nhiều loại hình hoạt động và giao lưu… Vì vậy, vốn sống, kinh nghiệm hoạt động được tích luỹ nhiều. Kết quả nghiên cứu của các nhà tâm lí học trên thế giới và trong nước trong những thập kỉ gần đây khẳng định rằng: so với trẻ cùng lứa tuổi ở những thế hệ trước, HS phổ thông hiện nay có năng lực nhận thức
phát triển hơn, thông minh hơn. Mặt khác, trong những điều kiện tiến bộ của xã hội và cách mạng khoa học công nghệ hiện nay, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học được hiện đại hoá sẽ có tác dụng thúc đẩy sự phát triển năng lực và phẩm chất trí tuệ của HS, tạo nên những biến đổi về chất trong tư duy của HS (ví dụ: ngay từ những lớp đầu tiểu học, HS đã có khả năng tư duy trừu tượng, đã có thể nắm được một số vấn đề lí thuyết của các khoa học). Từ đó, có thể thấy trong quá trình học tập hiện nay, HS có xu hướng vượt ra khỏi nội dung tri thức, kĩ năng do chương trình qui định; thể hiện ở chỗ các em không thoả mãn với những điều đã được học theo chương trình mà muốn đi tìm cái mới. Cụ thể là HS muốn mở rộng, đào sâu những điều đã học, muốn tìm hiểu thực tế để làm sáng tỏ những điều đã hoc, muốn phát hiện và giải quyết vấn đề bằng nhiều cách khác nhau, muốn vận dụng những hiều biết của mình vào thực tiễn… Đặc điểm này đòi hỏi trong quá trình dạy học hiện nay, GV cần quan tâm khai thác vốn sống phong phú, đa dạng của HS, tính đến khả năng nhận thức của các em, không ngừng đổi mới nội dung, cải tiến phương pháp và hình thức tổ chức HĐDH để có thể phát huy tối đa tiềm năng và vốn sống của người học.