Ở Mỹ, Nhật, Anh khi tuyển chọn người học, tiêu chuẩn về bằng cấp tốt nghiệp, năng lực chuyên môn, năng lực học tập và khả năng cống hiến của người học đối với cộng đồng sau khoá học được đặt lên hàng đầu. Người học phải có đơn xin đi học, viết một bài luận, có thư giới thiệu của lãnh đạo cơ quan nơi người học đang công tác.
Thư giới thiệu của lãnh đạo phải giới thiệu rõ mối quan hệ với người học và đặc biệt phải nhận xét được năng lực của thí sinh ở các khía cạnh: năng lực trí tuệ, kiến thức chuyên môn, tác phong làm việc, năng lực giao tiếp, khả năng sáng tạo, tiềm năng đào tạo, các năng lực và phẩm chất cá nhân khác cần cho việc học tập có hiệu quả ở khoá học đại học hoặc thạc sĩ và vị trí công tác mà thí sinh sẽ đảm nhận sau này. Ngoài lãnh đạo có thể giới thiệu sẽ xếp loại năng lực của thí sinh theo hướng dẫn.
Đơn của người xin học phải nêu rõ mối quan tâm và mục đích học tập, các kinh nghiệm nghề nghiệp mà người học có, mục tiêu tương lai, các khó khăn đối với thí sinh. Thí sinh sẽ viết bài đánh giá các yếu tố quan trọng đã ảnh hưởng đến quá trình đào tạo nghề nghiệp hoặc giáo dục của bản thân, những kiến thức và kĩ năng thí sinh muốn có được trong khoá học, kế hoạch học tập (các mục tiêu nghề nghiệp, dự kiến các môn học sẽ học và cách thức tiến hành học tập...), kế hoạch ứng dụng kiến thức và kĩ năng đã học được vào công việc sau này để nâng cao chất lượng ngành giáo dục...
Như vậy ngay từ khâu tuyển chọn năng lực và phẩm chất của người học đã được đặt lên hàng đầu và sự đánh giá năng lực này mang tính khách quan, theo những tiêu chí cụ thể do một người thứ ba đảm nhiệm, đánh giá theo quá trình chứ không dựa chỉ trên một bài thi.