Trong một vài thập kỷ trở lại đây, với tốc độ phát triển nhanh chóng, Trung Quốc nổi nên như một nhà sản xuất lớn đồng thời với dân số trên một tỷ người, quốc gia này cũng đồng thời là một thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa khổng lồ. Các ngành sản xuất của Trung Quốc từ chỗ còn non kém,
hiện nay đã trở thành đối thủ cạnh tranh của nhiều quốc gia phát triển đi trước. Một ví dụ rất rõ cho điều này là ngành công nghiệp thép. Tới nay, sản phẩm thép của Trung Quốc đã chiếm một thị phần lớn trên thị trường thép thế giới với khả năng tác động tới giá cũng như lượng của thị trường này….Có được điều đó là nhờ rất nhiều chính sách hợp lý của Trung Quốc, trong đó, không thể không kể đến chủ trương tận dụng nguồn nguyên liệu phế liệu, nhờ đó, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Với nhiều nét khá tương đồng với Việt Nam, việc xem xét các chính sách có liên quan đến hoạt động này của Trung Quốc từ đó rút ra bài học cho mình là hết sức cần thiết. Cụ thể:
Đối với ngành thép: Trung Quốc được đánh giá là nước nhập khẩu quặng thép nhiều nhất trên thế giới. Hiện tại, ngành thép Trung Quốc phải đối mặt với nguy cơ thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào. Nhận thức được vấn đề này, các nhà hoạch định chính sách pháp triển công nghiệp của Trung Quốc đã rất quan tâm đến phát triển ngành công nghiệp sản xuất thép. Cụ thể, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, bên cạnh việc nhập khẩu quặng sắt, Trung Quốc còn cho phép nhập khẩu phế liệu sắt thép làm nguyên liệu sản xuất phôi thép trong nước. Tuy nhiên, đi kèm theo đó là những quy định, biện pháp nhằm hạn chế tối đa khả năng gây ô nhiễm môi trường do hoạt động nhập khẩu phế liệu săt thép gây ra.
Đối với ngành nhựa: trong 10 năm gần đây, chủ trương của Trung Quốc là tổ chức thu gom nhựa phế liệu trên toàn thế giới để tái sinh lại. Khi đưa vào sản xuất, Trung Quốc sử dụng nguồn nguyên liệu tái sinh này từ 50-70% làm nguồn nguyên liệu đầu vào. Trung Quốc sử dụng lực lượng Hoa kiều ở khắp thế giới trong khâu marketing tiêu thụ sản phẩm. Hiện ở EU, có hơn 200 công ty của Trung Quốc ở khắp EU làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm nhựa, chưa kể ở mỗi nước có đến vài chục kho nguyên liệu nhựa của Hoa kiều lập ra.
Đối với ngành giấy cũng tương tự, Trung quốc cũng đưa ra chủ trương tận dụng một cách tối đa nguồn phế liệu trong nước, đồng thời tiến hành thu mua nguồn giấy và bìa cattong phế liệu từ nước ngoài.
Về công tác quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu, các văn bản hiện hành có liên quan của Trung Quốc bao gồm: Công ước Basel ngày 17/12/1991, các văn bản pháp luật về môi trường nói chung và luật về quản lý và vận chuyển chất thải nguy hại nói riêng bao gồm: Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi mới nhất năm 1999) - là luật cơ bản qui định chung về mọi lĩnh vực liên quan đến môi trường; Luật Ngăn chặn ô nhiễm và Kiểm soát chất thải 1996, Các qui định về Lưu giữ, Vận chuyển Hoá chất, Chất thải nguy hại; Luật Ngoại thương…
Theo nguyên tắc, tất cả các hàng hoá xuất - nhập khẩu đều bị kiểm tra. Văn phòng Kiểm tra hàng hoá Trung Quốc (CCIB) sẽ kiểm tra theo uỷ thác một số sản phẩm. Các tiêu chuẩn về kiểm tra sẽ được xác định trong hợp đồng bán, bao gồm các tiêu chuẩn về chất lượng, trọng lượng, số lượng các phương pháp đóng gói và kiểm tra. Những tiêu chuẩn như vậy không được thấp hơn các tiêu chuẩn quốc gia tương đương của Trung Quốc. Từ 1/10/1996, Trung Quốc áp dụng việc kiểm tra mức độ an toàn theo lệnh đối với những nhóm hàng hoá nhập khẩu theo danh mục quy định. Những nhóm hàng hoá không có xếp loại an toàn của CCIB sẽ không được nhập khẩu vào nước này. Chính phủ Trung Quốc cấm nhập khẩu các loại chất thải vào lãnh thổ quốc gia để tiêu huỷ. Ngoài ra, một số loại phế liệu có chứa các chất thải khác có thể dùng làm nguyên liệu cũng bị hạn chế nhập khẩu. Trong trường hợp cần thiết nhập khẩu các loại phế liệu nêu trong Catalogue, các loại phế liệu bị hạn chế nhập khẩu có thể được tái sử dụng làm nguyên vật liệu, nhà nhập khẩu hay người sử dụng phải nộp đơn xin phép cơ quan bảo vệ môi trường Trung Quốc cấp tỉnh hay Cục Quản lý Bảo vệ Môi trường Nhà nước để được xem xét.
Đối với các loại phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu, việc kiểm tra xem xét phải được thực hiện trước khi bốc dỡ và vận chuyển vào
lãnh thổ Trung Quốc. Không công ty nào được phép hoạt động như một cơ sở phân phối hay kinh doanh phế liệu.
Mới đây, Trung Quốc đưa ra một qui định cho phép nhập khẩu phế liệu cho các công ty nước ngoài (bao gồm cả các doanh nghiệp của Hồng Kông, Macao, Đài Loan) có đăng ký “Doanh nghiệp cung cấp”. Các doanh nghiệp đăng ký miễn phí trước 1/7/2004 với Cơ quan Quản lý giám sát kiểm tra chất lượng Trung Quốc về hoạt động xuất khẩu phế liệu vào lãnh thổ Trung Quốc. Qui định này được viện dẫn từ các qui định về quản lý chất thải của EU nhằm giám sát việc xuất khẩu chất thải vào Trung Quốc. Tính đến hết tháng 12/2004, đã có hơn 2000 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu phế liệu vào Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, đến 1/8/2005, Cơ quan Quản lý giám sát kiểm tra chất lượng Trung Quốc (AQSIQ) lại thông báo tiếp tục nhận đơn đăng ký “doanh nghiệp cung cấp nước ngoài” muốn xuất khẩu phế liệu vào Trung Quốc. Trong Thông báo số 103-2005, AQSIQ đưa ra các điều kiện và yêu cầu đăng ký bao gồm các thủ tục đăng ký và ghi rõ danh mục phế liệu xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Trung Quốc khuyến khích các công ty nước ngoài đầu tư xây dựng các nhà máy tái chế phế liệu bao gồm cả những nhà máy tái chế sắt thép phế liệu, nhựa phế liệu cũng như giấy phế liệu. Điển hình như trường hợp công ty Citiraya Industries Ltd của Singapore đang xây một nhà máy tái chế các thiết bị điện tử như màn hình máy tính, bảng mạch, chíp, máy thu phát các loại, tivi v.v. với công suất xử lý 60.000 tấn/năm và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2005. Hiện nay, công ty này đang xây dựng một mạng lưới các nhà máy tái chế tại một số thành phố lớn của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã đầu tư hệ thống thiết bị kiểm hoá tiên tiến nhằm đảm bảo các thông số cho phép về môi trường và an toàn đối với hàm lượng độc tố và tỷ lệ chất thải không tái chế trong tổng lượng hàng chất thải tái chế nhập khẩu vào nước này.
Từ khả năng về công nghệ tái chế cũng như công nghệ xử lý chất thải, Trung Quốc có thể tái chế nhiều loại phế liệu khác nhau, đặc biệt, có một số
loại phế liệu không có khả năng tái chế ở các nước đang phát triển như Việt Nam đã được các doanh nghiệp nước này nhập khẩu về làm nguyên liệu sản xuất.
Với việc tận dụng một lượng lớn phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho các ngành, các doanh nghiệp của Trung Quốc có thể hạ giá thành sản phẩm và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường Quốc tế. Ví dụ như trong ngành nhựa, theo đánh giá của các doanh nghiệp Việt Nam, giá thành của các sản phẩm nhựa của Trung Quốc được chào bán tại thị trường EU thường thấp hơn từ 15% - 20% so với các sản phẩm cùng loại của Việt Nam. Đây thực sự là yếu tố rất quan trọng quyết định sự phát triển các ngành sản xuất có khả năng sử dụng phế liệu của Trung Quốc.
Như vậy, có thể thấy từ việc thiếu trầm trọng các nguyên liệu phục vụ sản xuất, cho đến nay, Trung Quốc đã có thể đảm bảo được nguồn nguyên liệu trong nước thông qua việc nới lỏng việc nhập khẩu. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, Trung Quốc cũng không ngừng đề cao các mục tiêu bảo vệ môi trường thông qua việc ban hành hàng loạt các qui định nhằm kiểm soát việc xuất khẩu rác thải và các chất thải nguy hại có trong chất thải tái chế, khuyến khích đầu tư xây dựng nhiều nhà máy xử lý tái chế công nghệ cao nhằm xử lý các chất thải nguy hại, các tạp chất đi kèm có thể có trong quá trình sử dụng nguyên liệu phế liệu.
2.3.2Kinh nghiệm một số nước EU
Nhằm bảo vệ môi trường cũng như sức khoẻ cộng đồng, những tiêu chuẩn đặt ra cho hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài vào các nước EU là rất chặt chẽ. Chính vì vậy, chất thải từ các quốc gia ngoài khu vực rất khó xâm nhập vào lãnh thổ các quốc gia này. Tuy nhiên, một số quốc gia EU vẫn cho phép nhập khẩu một số loại phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là các loại sắt thép phế liệu.
VD như trường hợp của Ukraina, sau khi Quốc hội nước này bỏ phiếu áp dụng tăng thuế xuất khẩu thép phế liệu thêm 30 euro/tấn (tháng 10/2002) - có nghĩa là thép phế liệu sẽ ở lại trong biên giới của Ukraina, tạo điều kiện cho các Công ty sản xuất thép trong nước. Ngay lập tức, các Nhà máy luyện thép của EU lên tiếng phản đối việc làm này của Ukraina. Các Nhà máy EU kêu gọi các biện pháp trả đũa và bảo vệ sau khi Ukraina áp dụng thuế quan xuất khẩu thép phế (thuế quan sẽ có hiệu lực từ 1/1/2003).
Với Thổ Nhĩ Kỳ, Hiệp hội các nhà sản xuất sắt thép Thổ Nhĩ Kỳ cũng thực hiện cách làm của EU. Các Công ty sản xuất thép Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu Chính phủ áp dụng các biện pháp với các sản phẩm cuộn cán nóng và phôi thép từ Ukraina. Thổ Nhĩ Kỳ là nước nhập khẩu sản phẩm cuộn cán nóng lớn từ Ukraina (600.000 tấn/năm).
Các nhà máy thép tại EU cũng đã phản ứng gay gắt đề xuất của Hiệp hội Thép Mỹ về việc hạn chế lượng thép phế xuất khẩu với lý do nguồn cung trong nước đã cạn kiệt trước nhu cầu bùng nổ từ khu vực Đông Á. Nếu việc cắt giảm này được thực hiện thì nó sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến giá thép phế liệu ở EU. Lý do là, lúc đó các khách hàng tại Đông Á sẽ phải chuyển hướng tìm kiếm nguồn hàng ở thị trường này, do vậy nguồn cung ứng phế liệu sắt thép tại các quốc gia thuộc EU sẽ không thể đáp ứng sự gia tăng nhu cầu và nó sẽ tác động mạnh đến giá thép phế liệu trên thị trường, gây ảnh hưởng lớn đến ngành sản xuất thép của các nước trong khối.
Những thông tin trên cho thấy, các quốc gia Châu Âu, trong đó có EU vẫn cho phép nhập khẩu phế liệu sắt thép làm nguyên liệu sản xuất. Nhu cầu nhập khẩu phế liệu sắt thép của các quốc gia này là tương đối cao. Biến động về giá, sự không ổn định về nguồn cung phế liệu sắt thép thường gây nên những lo ngại đối với các nhà sản xuất thép ở đây. Song song với việc cho phép nhập khẩu phế liệu sắt thép làm nguyên liệu sản xuất, các quốc gia này thường đặt ra các quy định về bảo vệ môi trường rất khắt khe đối với các chủ thể kinh doanh, sử dụng chúng. Họ thường áp dụng công nghệ tiên tiến trong
việc kiểm tra, giám sát cũng như xử lý chất thải từ quá trình tái chế phế liệu sắt thép nhập khẩu.