Phế liệu nhập khẩu là một mặt hàng nhạy cảm với môi trường, chính vì vậy, việc ban hành rất nhiều các văn bản trên cơ sở điều chỉnh, bổ sung nhằm phù hợp với yêu cầu thực tế cũng như sự phát triển của từng thời kỳ đã thể hiện nỗ lực của Nhà nước với vai trò người quản lý nhằm hạn chế khả năng tác động của việc nhập khẩu và sử dụng mặt hàng này tới môi trường trong nước. Với những biện pháp kiểm soát phế liệu được phép nhập khẩu, gắn trách nhiệm của người nhập khẩu và người sử dụng phế liệu với các vấn đề môi trường phát sinh cũng như đưa ra những qui định về kiểm tra, giám sát
của các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương đã góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ môi trường thời gian qua. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là: Đối với mục tiêu bảo vệ môi trường, liệu các biện pháp quản lý trong thời gian qua đã thực sự hiệu quả chưa? Từ thực tế các vấn đề môi trường liên quan đến việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu trong thời gian qua có thể thấy: Mặc dù đã có những qui định khá chặt chẽ trong việc bảo vệ môi trường trong hoạt động này, tuy nhiên, những vấn đề môi trường còn hết sức bức xúc:
Các ngành sử dụng phế liệu nói chung và phế liệu nhập khẩu nói riêng thường là những ngành có tình trạng ô nhiễm môi trường ở mức cao. Điển hình như ngành thép hiện nay được coi là một trong những ngành công nghiệp ô nhiễm nhất. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ đối tượng sử dụng phế liệu nhập khẩu là các làng nghề với trình độ công nghệ ở mức thấp, năng lực xử lý chất thải hầu như không có cũng như ý thức bảo vệ môi trường không cao dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại bộ phận này hết sức nghiêm trọng.
Tính chưa hiệu quả của các biện pháp này còn được thể hiện ở tình trạng vi phạm các qui định nhập khẩu phế liệu ở mức cao. Những trường hợp nhập khẩu phế liệu không đúng qui định, không đúng chủng loại xảy ra phổ biến ở tất các các loại phế liệu như giấy, nhựa, thép.
Tình trạng lợi dụng việc cho phép nhập khẩu phế liệu của nhà nước để nhập khẩu rác thải, các chất độc hại vẫn còn khá nhiều. Hình thức nhập khẩu hết sức tinh vi.
Thêm vào đó, với việc chưa có những chế tài và biện pháp xử lý cụ thể với trường hợp các doanh nghiệp nhập khẩu không đúng qui định cũng như nhập khẩu chất thải vào Việt Nam cũng gây ra những tác động không nhỏ đối với vấn đề môi trường khi buộc doanh nghiệp tái xuất cũng không được mà tự xử lý trong nước cũng không xong vì không ít loại chất thải chúng ta không đủ trình độ xử lý hoặc không thể xử lý.
Với những dẫn chứng và phân tích ở trên có thể thấy, đối với mục tiêu bảo vệ môi trường, các biện pháp quản lý tỏ ra chưa thực sự hiệu quả, còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính.