trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế
Nhằm mục đích hòa nhập với đời sống kinh tế thế giới và tiến tới việc mở rộng thị trường xuất khẩu cho các hàng hóa xuất khẩu, Việt Nam đã tích cực trong việc tham gia vào các tổ chức quốc tế và khu vực. Nhưng hội nhập vào kinh tế khu vực và thế giới, Việt Nam phải đương đầu với những thách thức lớn lao.
⇒ Thứ nhất, gạo Việt Nam không chỉ cạnh tranh trên thị trường thế giới mà còn phải cạnh tranh với gạo nước ngoài trên thị trường trong nước.
Chúng ta muốn có thị trường toàn cầu thì chúng ta phải mở cửa thị trường cho các nước. Như vậy có thể thấy rằng, khi hội nhập vào môi trường thương mại quốc tế thì thị trường nông sản nói chung, thị trường lúa gạo Việt Nam nói riêng sẽ mở rộng cửa cho hàng nhập khẩu từ các nước. Hàng rào thuế quan và sự bảo hộ của Nhà nước đối với sản xuất và xuất khẩu gạo sẽ hạn chế và tiến tới bãi bỏ. Gạo Việt Nam phải chịu sức ép cạnh tranh gay gắt ngay trên sân nhà, trong khi đó cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ sản xuất, chế biến gạo còn yếu kém. Gạo Thái Lan, Mỹ, Trung Quốc, Pa-ki-xtan và các nước khác có chất lượng cao, giá rẻ hơn sẽ tràn vào thị trường Việt Nam với thuế nhập khẩu không đáng kể.
Bên cạnh sự yếu kém trong cạnh về chất lượng của gạo, bản thân các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa tự trang bị cho mình những kiến thức, thông tin về thị trường, luật pháp và thông lệ quốc tế. Ngoài ra việc tìm hiểu các cam kết của Việt Nam với các nước và của các nước với Việt Nam cũng
chưa được các doanh nghiệp quan tâm một cách kỹ lưỡng như ưu đãi thuế quan, cắt giảm hàng rào phi thuế quan, cắt giảm quota, các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, công tác dự báo thị trường. Đây là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam trong qua trình hội nhập kinh tế quốc tế. Sản phẩm nông nghiệp sẽ phải chịu ảnh hưởng nhiều nhất và sự cạnh tranh của nông sản Việt Nam quá thấp, trong khi người nông dân thì yếu thế, lại chưa có hiểu biết rõ ràng về hội nhập kinh tế quốc tế.
Khi hội nhập, hàng ngoại sẽ tràn vào thị trường Việt Nam. Việc mở cửa thị trường hàng hóa theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO sẽ khiến một số ngành sản xuất phải chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn. Các nước sẽ nhận được ưu đãi nhất định khi buôn bán với Việt Nam. Với lợi thế về công nghệ tiến tiến, sản xuất trên quy mô lớn, gạo của các nước khác sẽ có cơ hội xâm nhập và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam.
⇒ Thứ hai, việc dỡ bỏ hàng rào bảo hộ cho nông sản trong nước cắt, bỏ trợ cấp và giảm thuế nhập khẩu nông sản trong quá trình thực hiện cam kết sẽ làm cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn.
Nền nông nghiệp Việt Nam vẫn là một nền nông nghiệp sản xuất nhỏ, lạc hậu, vốn đã quen với sự bảo hộ của Nhà Nước. Để bảo hộ cho nền nông nghiệp trong nước, trước đây, chính phủ đã áp dụng một số các chính sách như: thuế nhập khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, trợ cấp sản xuất cho nông dân, trợ cấp lãi suất thu mua dự trữ gạo…Tuy nhiên, việc gia nhập WTO cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam phải cắt giảm bảo hộ nông nghiệp với mức độ lớn và trong thời gian tương đối ngắn. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu gạo nói riêng sẽ phải tự mình “bươn chải” trên thị trường quốc tế trong khi chưa có sự chuẩn bị đủ về nguồn lực cũng như kinh nghiệm cọ xát trong môi trường toàn cầu. Do vậy, sẽ có một số
doanh nghiệp xuất khẩu không có khả năng cạnh tranh sẽ kinh doanh không có hiệu quả hoặc phá sản.
Còn đối với người nông dân sản xuất trực tiếp lúa gạo, họ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt hơn với nông sản giá rẻ, chất lượng tốt của nước ngoài trong khi xuất phát điểm của họ còn quá thấp cho quá trình hội nhập sâu rộng của đất nước. Ví dụ như người nông dân sẽ bị đặt trước một lựa chọn bắt buộc: sản xuất theo định hướng cung cầu của thị trường, mở rộng khỏi phạm vi gia đình, làng xã, nhu cầu nông nghiệp ngày nay tập trung chủ yếu là các thị trường thành phố lớn, không những trong phạm vi quốc gia mà còn cả khu vực và thế giới. Nhà nông hàng ngàn năm với lối tư duy cung cầu khép kín thật khó một sớm một chiều để thích nghi với một lối nghĩ mới trước những thay đổi cũng như đòi hỏi chóng mặt xuất phát từ thị trường, bên cạnh còn là những khó khăn vốn có từ trước trong sản xuất nông nghiệp như công nghệ thấp, sản xuất manh mún, đất đai hẹp....Khó cạnh tranh với nông sản nước ngoài hoặc không có khả năng đầu tư máy móc trong một nền sản xuất nông nghiệp cơ giới hoá đều làm cho thu nhập của nông dân giảm hoặc tăng chậm so với cư dân đô thị và người lao động trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Khi đó sản xuất và xuất khẩu nông sản sẽ không còn mang lại lợi ích thật sự hiệu quả.
Trong khi đó, một số nước giàu thuộc WTO vẫn có một số biện pháp để duy trì việc trợ cấp cho nền nông nghiệp của họ và tạo ra nhiều rào cản đối với hàng nông sản nhập khẩu, tạo ra sự cạnh tranh không công bằng, đặc biệt là đối với những nước có nền kinh tế ở giai đoạn đang phát triển như Việt Nam. Chẳng hạn như, EU vẫn duy trì mức trợ cấp cho nông nghiệp của mình thông qua nguồn “hỗ trợ” từ người tiêu dùng khi họ thường phải mua các nông sản với giá cao hơn hẳn so với giá quốc tế (nhất là đối với đường, sữa, thịt bò) do sự bảo hộ cao qua mức thuế quan cao và hạn ngạch thuế quan;
Năm 2001 Mỹ đã chi 763 triệu USD để trợ cấp cho sản xuất gạo và 2,8 tỉ USD cho trợ cấp nông nghiệp, do vậy, giá gạo của Mỹ thấp hơn 35% so với khi không có trợ cấp. Nói cách khác, Việt Nam đang thiệt thòi mất 35% tính trên mỗi tấn gạo xuất khẩu.
Nhìn chung, khi hàng rào bảo hộ bị thu hẹp, sản xuất trong nước sẽ phải đối mặt với mức độ cạnh tranh lớn hơn từ bên ngoài, không loại trừ sẽ có khả năng biến động ở một số ngành, nhất là nông nghiệp, một ngành mà tính linh hoạt trong chuyển đổi không cao. Dù đây chủ yếu sẽ là biến động cục bộ nhưng vẫn đòi hỏi ta phải khẩn trương rà soát để có biện pháp chủ động đối phó với tình hình này như việc điều chỉnh cơ cấu sản xuất, đổi mới công nghệ đi đôi với việc hoàn thiện các công cụ tự vệ được WTO cho phép, hoàn thiện cơ chế thu thập và xử lý thông tin, cơ chế đánh giá cảnh báo định kỳ các tác động để chủ động hơn trong việc ứng phó với các biến động trên thị trường thế giới và trong nước.
⇒ Thứ ba, gạo Việt Nam phải vượt qua các rào cản kỹ thuật gắt gao hơn từ các nước nhập khẩu.
Rào cản kỹ thuật trong thương mại là một trong những rào cản phi thuế quan được sử dụng trong hầu hết các ngành công nghiệp, đặc biệt là nông sản chế biến như là một công cụ nhằm hạn chế hàng hóa nhập khẩu vào thị trường một nước. Các rào cản kỹ thuật đề cập tới những tiêu chuẩn của hàng hóa mà mỗi nước quy định khác nhau và thường là các quy định về an toàn vệ sinh dịch tể, chất lượng và an toàn thực phẩm, phòng chống gian lận thương mại, các tiêu chuẩn đo lường, nhận dạng....
Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (Hiệp định TBT- Technical
Barriers to Trade) của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO được xây dựng
gồm việc đóng gói, đánh dấu, dán nhãn) không tạo ra những trở ngại không cần thiết đối với thương mại quốc tế.
Tuy nhiên, một số nước đã sử dụng những tiêu chuẩn kỹ thuật này như một hàng rào ngăn chặn nguồn hàng nhập khẩu từ nước ngoài vào để bảo hộ hàng hóa trong nước. Chính vì thế khi hội nhập kinh tế quốc tế, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như lúa gạo sẽ phải đối đầu với những thách thức lớn mà rào cản kỹ thuật là một trong những vấn đề cần phải đặc biệt quan tâm để tìm cách vượt qua. Minh chứng rõ nhất là vụ kiện gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Ghana – một trong những thị trường nhập khẩu gạo lớn từ Việt Nam. Khi nhận thấy lượng gạo nhập khẩu từ Việt Nam đạt một thị phần đáng kể trong tổng lượng nông sản nhập khẩu của Ghana và người tiêu dùng Ghana đang quen dần với mặt hàng này thì biện pháp rào cản kỹ thuật trong thương mại của Ghana áp dụng đối với gạo nhập khẩu của Việt Nam là cấm nhập khẩu một số loại gạo thơm có nguồn gốc từ giống lúa ST3, ST7, IR54 của Việt Nam được trồng ở Đồng Bằng Sông Cửu Long với lý do: lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, kháng sinh...Bởi vậy, khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, nếu không tích cực có các biện pháp phòng tránh thì chắc chắn rằng các rào cản kỹ thuật sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với kim ngạch xuất khẩu gạo.
Trước hết về mặt an toàn thực phẩm, trong suốt quá trình sản xuất, phải có chứng chỉ “nông nghiệp an toàn” hoặc “nông nghiệp tốt” để chứng minh mặt hàng này luôn an toàn vệ sinh. Chu trình sản xuất nông nghiệp an toàn là một bộ hồ sơ trình bày công nghệ sản xuất của nông trại từ A đến Z của dây chuyền sản xuất, bắt đầu từ khâu chuẩn bị nông trại, canh tác cho đến khâu thu hoạch, sau thu hoạch, tồn trữ. Riêng đối với gạo, áp dụng các quy định tiêu chuẩn quốc tế như tiêu chuẩn của HACCP,IPPC, OIE, CODEX và GMP… Các tiêu chuẩn này đều quy định khắt khe về quá trình sản xuất, thu
hoạch lúa gạo. Chẳng hạn muốn đạt được tiêu chuẩn HACCP, trong khâu sản xuất - sinh học trên đồng ruộng, nông dân phải áp dụng GAP - là chu trình nông nghiệp an toàn, GAP đòi hỏi không có dư lượng thuốc trừ sâu và thuốc kích thích tăng trưởng trong nông phẩm. Bên cạnh các tiêu chuẩn chung, ở mỗi nước lại yêu cầu phải đáp ứng được những yêu cầu của riêng thị trường đó về mặt hàng nông sản nhập khẩu như môi trường, các chất hóa học, hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật, bao bì, quy cách đóng gói, nhãn hiệu thậm chí cả điều kiện làm việc và phúc lợi của người nông dân.
Khi hội nhập kinh tế quốc tế, việc buôn bán với thị trường thế giới đòi hỏi gạo Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy cách về an toàn thực phẩm cùng với các đòi hỏi về đóng gói, bao bì, dãn nhãn, số lượng lớn, chất lượng gạo phải đồng đều, giao hàng phải đúng hẹn…Trong điều kiện hiện nay của nông nghiệp Việt Nam thì những đòi hỏi trên thực sự là thách thức rất lớn. Lúa gạo xuất khẩu của ta theo đánh giá của các nhà nhập khẩu là chất lượng không ổn định, có độ ẩm và tỷ lệ gãy vỡ cao, hay bị biến màu, và đa phần có chất lượng thấp .Hơn nữa, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm của Việt Nam luôn là vấn đề được quan tâm đặc biệt đối với các nhà nhập khẩu do lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, kháng sinh....Vì thế, khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, nếu không tích cực có các biện pháp phòng tránh thì chắc chắn rằng các rào cản kỹ thuật sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với kim ngạch xuất khẩu nông sản nói chung và mặt hàng gạo nói riêng.
Ngoài ra, yêu cầu phải đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường như một rào cản phi thuế quan – rào cản xanh – cũng là một thách thức lớn đối với các mặt hàng xuất khẩu của ta khi hội nhập kinh tế quốc tế.Trên thực tế, Việt Nam cũng như nhiều nước đang phát triển khác ngày càng phải đối đầu với những yêu cầu ngày càng khắt khe về mặt môi trường của các nước phát triển. Khi
môi trường đang trở thành một vấn đề nóng bỏng mang tính toàn cầu như hiện nay thì các nước phát triển lại càng có xu hướng sử dụng nhiều hơn các tiêu chuẩn vệ sinh môi trường như một công cụ hạn chế hàng hóa của các nước kém phát triển hơn. Đặc biệt là gạo, một hàng hóa nông sản mà quá trình sản xuất trực tiếp tác động với môi trường, sẽ có thế vấp phải những rào cản xanh được dựng lên.
Trong quan hệ thương mại với Việt Nam, chắc chắn rằng các nước sẽ không ngừng sử dụng các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh môi trường như những rào cản để bảo hộ sản phẩm trong nước mà không trái với Luật pháp và quy ước quốc tế. Vì các rào cản kỹ thuật trong thương mại quốc tế ngày càng nhiều hơn và chưa được xác định một cách rõ ràng nên chúng ta cần phải chủ động phòng ngừa một cách hiệu quả các rào cản đang thực sự là vấn đề toàn cầu này.
Hội nhập kinh tế quốc tế là một yêu cầu tất yếu, cần thiết của nước ta trong điều kiện hiện nay. Hội nhập kinh tế quốc tế sẽ tạo cơ hội để chúng ta mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài cho những mặt hàng chủ lực của ta, trong đó có mặt hàng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, khi kinh tế của từng địa phương gắn kết với kinh tế cả nước và toàn cầu thì các biến động giá cả, tác động chính sách, rào cản kỹ thuật, khiếu kiện thương mại trên thị trường quốc tế sẽ tác động trực tiếp đến người sản xuất - kinh doanh trên quy mô rộng với tốc độ rất nhanh . Đây chính là những thách thức chủ yếu mà hàng hóa xuất khẩu nói chung và mặt hàng gạo xuất khẩu nói riêng phải đối mặt. Vì thế cần xây dựng những biện pháp phòng chống rủi ro, bình ổn và bảo vệ sản xuất, tiêu dùng đáng tin cậy và phù hợp.
Riêng đối với ngành xuất khẩu gạo, chúng ta phải nỗ lực cải thiện chất lượng gạo để đạt được tiêu chuẩn quốc tế về độ bóng, tỷ lệ tấm, độ dẻo, vệ sinh an toàn thực phẩm…xây dựng thành công thương hiệu gạo xuất khẩu của
Việt Nam trên thị trường thế giới cũng như luôn giữ được “chữ tín” cho sản phẩm gạo với các đối tác quốc tế.
CHƯƠNG 3
MỘT SỐ GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG XUẤT KHẨU GẠO CỦA VIỆT NAM