III. Những vấn đề tồn tại trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá tại thị trường Hoa Kỳ:
3. Hiểu biết hạn chế về luật pháp Hoa Kỳ của các doanh nghiệp Việt Nam:
Trước hết phải khẳng đinh luật pháp của Hoa Kỳ là không thể không biết khi muốn tham gia vào sân chơi lớn này.Hàng vào Hoa Kỳ không đơn giản, chỉ cần có sức cạnh tranh cao là đủ mà còn phải am hiểu luật pháp Hoa Kỳ. Thí dụ, một quả cam khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ cũng chịu điều chỉnh của vài ba bộ luật về vệ sinh an toàn thực phẩm. Và riêng lĩnh vực này có tới hàng trăm bộ luật cùng các quy định của liên bang và từng bang riêng lẻ. Chả thế mà, mặc dù thủy sản là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam vào Hoa Kỳ (sau dệt-may) nhưng hiện vẫn do phần lớn các công ty nước ngoài làm trung gian, các doanh nghiệp của ta chỉ việc đưa hàng cho họ, còn việc đăng ký, kiểm tra thế nào, do
các công ty này đảm trách. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam tuy là “chủ hàng”, nhưng phần lớn lãi chả được bao nhiêu.
Nhìn chung, đây vẫn là điểm rất yếu của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt, khi ngày càng có nhiều nông sản, thực phẩm xuất khẩu vào thị trường này như gạo, bia, rau quả… thì việc am tường các luật lệ về an toàn thực phẩm của Hoa Kỳ càng trở nên bức thiết.
Các doanh nghiệp Việt Nam khi có hàng thực phẩm vào Hoa Kỳ thì những vấn đề thiết thân như, quy chế hiện hành về vệ sinh an toàn thực phẩm, các tổ chức nào giám định và cấp chứng chỉ cùng các thủ tục liên quan, các thủ tục về vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu nhập khẩu…
Đặc biệt, đạo luật mới về vệ sinh an toàn thực phẩm mà Tổng thống Mỹ vừa ký và có hiệu lực từ 13/12/2003 nhằm mục đích đảm bảo an toàn thực phẩm cho Hoa Kỳ và đề phòng khủng bố sinh học. Đây là điều luật rất khắt khe, chi tiết đến từng mặt hàng, từng thời gian (tính bằng giờ), từng địa điểm nhập khẩu… Điều nguy hại với các doanh nghiệp Việt Nam là nếu không nắm được đạo luật này, hàng hóa xuất khẩu có thể bị trả lại bất cứ lúc nào. Lúc đó, hàng vứt đi thì không đành, nhưng mang về còn khổ hơn vì lúc đó sẽ phải trả thêm những khoản chi phí tốn kém
Như vậy, những doanh nghiệp chưa đủ sức và kém hiểu biết luật pháp Hoa Kỳ, nếu cố vào thị trường Hoa Kỳ nhiều khi lợi bất cập hại. Điển hình là trường hợp giày Hiệp Hưng, một doanh nghiệp lớn trong ngành Da-Giầy, một lô hàng qua Mỹ không trót lọt là cú hích cuối đưa Hiệp Hưng đến bờ vực của sự phá sản.
Có thể nhận thấy rằng, chỉ sau khi hàng chục nhãn hiệu hàng hoá bị mất tại các thị trường lớn, các doanh nghiệp Việt Nam mới quan tâm tìm hiểu đến pháp luật quốc tế có liên quan. Dường như chỉ có lúc này các Công ty tư vấn luật sở
hữu trí tuệ mới thực sự cảm nhận được vai trò của mình. Công ty Luật gia Phạm, một công ty tư vấn luật có nhiều kinh nghiệm từng giúp Vifon đòi lại quyền sở hữu bản quyền nhãn hiệu hàng hoá đang tư vấn cho hàng loạt các công ty vào thị trường Mỹ. Công ty đang tiếp nhận hàng loạt các đơn của các công ty có tầm cỡ như Mỹ phẩm Sài Gòn, Việt Tiến,… để có thể giúp các công ty này đăng ký sở hữu bản quyền tại Mỹ.
Rõ ràng con đường vào Mỹ của hàng Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam trên bình diện sở hữu công nghiệp thật gian nan. Các cơ quan chức năng Nhà nước cũng như chính các doanh nghiệp hẳn đã tiếp thu được những bài học cần thiết để đi tới loại bỏ những rào cản trong tiến trình Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế.
CHƯƠNG III:
MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU HÀNG HOÁ TẠI THỊ TRƯỜNG HOA KỲ HIỆU HÀNG HOÁ TẠI THỊ TRƯỜNG HOA KỲ
Ở nước ta, trong những năm gần đây sản xuất đang chuyển mạnh từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hoá. Nhiều mặt hàng, ngành hàng đã có lượng sản phẩm lớn, có lợi thế trong xuất khẩu. Tuy nhiên, hàng hoá của ta đang gặp rất nhiều rào cản như đã phân tích trước đó…do đó không xác lập được vị thế trên thị trường.
Hiện nay hầu hết các thị trường xuất khẩu của nước ta đều là những nơi có hệ thống bảo hộ sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt với các quy định của pháp luật cũng như các trình tự, thủ tục thực thi phức tạp. Nếu nắm bắt được và biết cách sử dụng hệ thống đó, không những hoạt động xuất khẩu của chúng ta được tiến hành thuận lợi, các lợi ích chính đáng được bảo vệ mà con trán được những rủi ro, thậm chí là những rắc rối không đáng có. Tuy vậy, thực tế cho thấy các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam chưa có ý thức đầy đủ vai trò, ý nghĩa của sở hữu trí tuệ, đặc biệt là vai trò của nhãn hiệu hàng hoá chưa có các hành động phù hợp, do vậy mà đã xảy ra một số trường hợp khó khăn, phức tạp ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của một số mặt hàng nhất định của một số công ty.
Mặc dù số vụ việc tranh chấp như đã nói xảy ra chưa nhiều và chưa phổ biến nhưng trong bối cảnh tự do thương mại ngày càng mở rộng, nếu không kịp thời chấn chỉnh thì các rủi ro, thiệt hại trong xuất khẩu liên quan tới sở hữu trí tuệ sẽ ngày càng lớn và sẽ trở thành mối đe doạ cho hoạt động xuất khẩu của chúng ta.
Để tránh các rủi ro, thiệt hại liên quan đến sở hữu trí tuệ đặc biệt là vấn đề nhãn hiệu hàng hoá đối với hàng xuất khẩu, người viết xin trình bày một số đề xuất dưới đây