II. Một số tranh chấp liên quan đến nhãn hiệu hàng hoá của Việt Nam trong thời gian qua tại thị trường Mỹ.
2. Vụ tranh chấp nhãn hiệu hàng hoá Petro Vietnam
Petro Vietnam là doanh nghiệp lớn nhất và đầu tầu của ngành dầu khí Việt Nam, hoạt động chủ yếu trong ba lĩnh vực chính là xuất khẩu dầu thô, hợp tác thăm dò khai thác dầu khí trong nước và bán các sản phẩm từ dầu khi. Dầu thô không cần nhãn hiệu hàng hoá. Việc thăm dò khai thác dầu khí chỉ thực hiện ở trong nước, cũng không cần nhãn hiệu hàng hoá. Vậy chỉ còn phần sản phẩm từ dầu thô như xăng, dầu nhớt… được bán và xuất khẩu dưới nhãn hiệu hàng hoá như Petro Vietnam.
Tổng công ty Petro Vietnam có chiến lược khuếch trương và đưa những sản phẩm này sang Mỹ và các nước trong khu vực. Tuy vậy vào tháng 7/2002 trang web của Văn phòng sáng chế và nhãn hiệu hàng hoá Hoa Kỳ USPTO tại địa chỉ http://tarr.uspto.gov/ thông báo, nhãn hiệu Petro Vietnam vừa được một công ty có tên NGUYENLAI, địa chỉ 11215 PACIFIC HWY LAKEWOOD, WA 98499 ( Mỹ) đăng ký tại Mỹ. Theo tìm hiểu của các phóng viên VASC Orient, tuy đơn đăng ký này chưa được chấp nhận nhưng nếu không có những biện pháp kịp thời thì nhãn hiệu hàng hoá của Petri Vietnam sẽ bị mất ở nước ngoài.
Khi phóng viên của VASC Orient gọi điện cho doanh nghiệp, trợ lý của Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Nhậm hoàn toàn bất ngờ với thông tin trên. Bản thân ông Nhậm cho biết ông vẫn chưa hay biết gì về chuyện này và giới thiệu phóng viên của VASC Orient với Ban cong nghệ thông tin của Tổng công ty. Tuy nhiên, Ban công nghệ thông tin của Petro Vietnam lúc đó cũng chưa hề biết đến vụ việc này.
Trước tình hình đó, Ban giám đốc của Petro Vietnam đã gấp rút tiến hành các hoạt động để đối phó với vụ đánh cắp nhãn hiệu hàng hoá này. Một lãnh đạo của Tổng công ty cho biết, Petro Vietnam đã chuẩn bị mọt chiến lược bảo vệ nhãn hiệu hàng hoá của mình. Theo Công ty tư vấn luật Pham & Associates, việc đối phó với công ty NGUYENLAI không khó khăn bởi công ty này đã đăng ký nhãn hiệu giống hệt với Petro Vietnam về cả hình lẫn chữ. NGUYENLAI sẽ gặp khó khăn ngay khi Petro Vietnam lên tiếng.
Theo họ, có ba cách để đối phó với việc bị đánh cắp nhãn hiệu hàng hoá này:
Thứ nhất, ít tốn kém nhất nhưng đồng thời cũng là lâu nhất, đó là không hành động gì, để NGUYENLAI tự động bị huỷ nhãn hiệu hàng hoá vì công ty đó phải chứng minh được nhãn hiệu hàng hoá này đã được chính họ sử dụng nếu không đưa được ra những bằng chứng sử dụng nhãn hiệu hàng hoá ba lần ( 6 tháng một lần) thì sẽ bị rút nhãn hiệu hàng hoá. Tuy nhiên cách này hơi mạo hiểm bởi NGUYENLAI có thể đưa ra những bằng chứng không đúng sự thật và thời gian có thể kéo dài đến 3 năm.
Thứ hai, là tranh tụng và thuê luật sư trong nước. Theo luật gia Khánh Toàn, Giám đốc Công ty luật Pham & Associates, luật sư trong nước có đủ khả năng để thực hiện vụ kiện đòi nhãn hiệu hàng hoá nhưng một khó khăn là những hoạt động hành lang ( lobby) các doanh nghiệp Việt Nam chưa quen và chưa có kinh nghiệm.
Thứ ba là tranh tụng và thuê luật sư Mỹ. Các luật sư sẽ giúp Petro Vietnam bác bỏ nhãn hiệu hàng hoá do NGUYENLAI đăng ký, sau đó đăng ký nhãn hiệu hàng hoá Petro Vietnam của Tổng công ty dầu khí Việt Nam. Cách này chắc chắn nhất nhưng cũng rất tốn kém.
Nhãn hiệu Petro Vietnam hiện mới bị công ty NGUYENLAI đăng ký ở giai đoạn 1 do đó có thể xử lý việc xâm hại này bằng cách thuê luật sư của Mỹ. Để giành lại nhãn hiệu hàng hoá Petro Vietnam công ty cũng phải làm theo hai bước, bước thứ nhất là bác bỏ nhãn hiệu Petro Vietnam của công ty NGUYENLAI và bước thứ hai là đăng ký nhãn hiệu hàng hoá Petro Vietnam của Tổng công ty dầu khí Việt Nam.