Phương hướng xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam

Một phần của tài liệu Một số quy định về rào cản kỹ thuật của Hoa Kỳ đối với hàng dệt may nhập khẩu và giải pháp vượt rào của Việt Nam (Trang 71 - 72)

Có thể nói, dệt may là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong thời gian qua và cũng sẽ là một mặt hàng chủ đạo cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Đối với hoạt động sản xuất – xuất khẩu mặt hàng dệt may này, Việt Nam có lợi thế lớn về nguồn nhân lực dồi dào, giá nhân công rẻ…đây sẽ là những yếu tố thúc đẩy cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam phát triển và có triển vọng mở rộng thị trường xuất khẩu ra toàn thế giới.

Nắm bắt được những yếu tố phát triển của ngành dệt may, Đảng và Nhà nước ta cũng đã xây dựng chiến lược từ năm 2010 đến 2020 phát triển ngành dệt may, tận dụng lợi thế để mở rộng phát triển sản xuất trong nước đồng thời thúc đẩy xuất khẩu, mở rộng thị trường xuất khẩu cho mặt hàng dệt may Việt Nam. Bên cạnh đó, không những tăng sản lượng xuất khẩu mà còn nâng cao được chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa các mặt hàng dệt may để đáp ứng được nhu cầu thị hiếu thế giới. Xây dựng ngành dệt may là một ngành mũi nhọn trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

Bên cạnh mục tiêu về sản phẩm thì mục tiêu thị trường cũng luôn luôn phải được đề cao quan tâm chú ý. Mặt hàng dệt may của Việt Nam đã có mặt ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu mặt hàng dệt may lớn nhất cho Việt Nam, đây là một thị trường đầy tiềm năng cho Việt Nam vì dung lượng thị trường Hoa Kỳ lớn, dễ tính, và nhu cầu thị hiếu không cao mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể đáp ứng được. Chính vì thế, thị trường Hoa Kỳ trong tương lai vẫn được xác định là thị trường trọng yếu và đầy tiềm năng của ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ chú trọng đến một thị trường tiềm năng mà hơn hết cần phải chú trọng mở rộng thị trường, đa dạng hóa thị trường. Đây là một mục tiêu hết sức cần thiết cho hoạt động xuất khẩu mặt hàng dệt may của Việt Nam.

Để có thể đạt được những mục tiêu đề ra, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra những định hướng hết sức cụ thể trong việc phát triển hoạt động sản xuất – xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam như sau:

Thứ nhất, chú trọng đầu tư cải thiện, phát triển dây chuyền sản xuất hiện đại. Cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị sản xuất tốt sẽ là nhân tố ảnh hưởng quyết định tới việc nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, từ đó giúp đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thứ hai, cần đặc biệt chú trọng tới các khu nguyên nhiên liệu cho ngành dệt và may mặc. Hiện nay, Việt Nam vẫn thường xuyên phải nhập nguyên nhiên vật liệu về sản xuất,do đó làm cho giá thành sản phẩm cao không tạo được sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại. Đặc biệt cần chú trọng phát triển công nghiệp sợi, dệt, in nhuộm hoàn tất. Do đó, cần có sự đầu tư hợp lý vào những vùng trồng dâu, vùng cung cấp nguyên vật liệu cho hoạt động sản xuất.

Thứ ba, các doanh nghiệp dệt may cần chú trọng xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh, bảo vệ môi trường, đáp ứng được theo đúng tiêu chuẩn quốc tế, chính điều này sẽ tạo sức cạnh tranh cho mặt hàng dệt may của Việt Nam, đáp ứng được trước những rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu đề ra, tạo nên lòng tin của người tiêu dùng đối với mặt hàng dệt may của Việt Nam.

Thứ tư, cần phải chú trọng đến công tác thiết kế thời trang.

Trong một tương lai không xa, mặt hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu sẽ lớn mạnh, tạo dựng được chỗ đứng trên trường quốc tế, do vậy cần phải chú trọng phát triển và thúc đẩy ngành sản xuất dệt may trong nước lớn mạnh.

Một phần của tài liệu Một số quy định về rào cản kỹ thuật của Hoa Kỳ đối với hàng dệt may nhập khẩu và giải pháp vượt rào của Việt Nam (Trang 71 - 72)