Tại Cộng hòa Liên bang Đức:

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH NHẰM BẢO TOÀN VÀ TĂNG TRƯỞNG QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI TẠI VIỆT NAM (Trang 30 - 34)

Đức là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực hiện chế độ BHXH. Bộ luật đầu tiên được ban hành vào năm 1883. Đến nay, nước Đức đang thực hiện các chế độ BHXH bao gồm: hưu trí, y tế, thai sản, thất nghiệp, TNLĐ và chăm sóc người già. Quỹ được hình thành từ đóng góp của người sử dụng lao động, người lao động và hỗ trợ của NSNN. Tổng mức đóng vào quỹ BHXH là 41,5% tiền lương (trong đó chế độ hưu trí 19,3%; y tế, thai sản 14%; TNLĐ, thất nghiệp 6,5%; chăm sóc người già 1,7%), người lao động đóng góp ½ và người sử dụng lao động đóng góp ½. Quỹ BHXH được thực hiện theo phương pháp chuyển đổi thu – chi (tọa thu – tọa chi) theo cách thức chi của năm nào được trả bằng nguồn thu của năm đó, trường hợp không đủ chi thì NSNN sẽ cấp bù.

Tuổi nghỉ hưu là 65. Người lao động đóng bảo hiểm đủ 45 năm được hưởng 70% tiền lương. Nếu về hưu trước tuổi bị giảm trừ tỷ lệ hưởng. Riêng đối với nữ khi về hưu đủ 60 tuổi không bị trừ; đối với công chức nhà nước đủ 65 tuổi có đủ 45 năm đóng bảo hiểm mức hưởng là 75% tiền lương, một năm được hưởng 13 tháng lương hưu.

Hiện nay, bảo hiểm hưu trí đối với người lao động của Cộng hòa Liên bang Đức được thực hiện thông qua 3 hệ thống:

- Hệ thống bảo hiểm hưu trí bắt buộc của Nhà nước liên bang. Đây là hệ thống chủ yếu nhất, thực hiện bảo hiểm hưu trí bắt buộc đối với 80% tổng số lao động làm công ăn lương trong cả nước, gồm các cơ quan bảo hiểm hưu trí đối với công nhân (ArV) và các cơ quan bảo hiểm hưu trí đối với công chức, viên chức Đức (AV). Hệ thống này thực hiện các chế độ BHXH hưu trí sau:

+ Bảo hiểm hưu trí (trả lương hưu cho người lao động tham gia hệ thống khi được hưởng);

+ Bảo hiểm cho thân nhân người tham gia hệ thống khi người tham gia bảo hiểm hưu trí từ trần;

+ Bảo hiểm tàn tật và thực hiện các biện pháp phục hồi sức khỏe khi người tham gia bảo hiểm hưu trí bị tai nạn, bị tàn phế.

- Hệ thống bảo hiểm hưu trí doanh nghiệp, thực hiện bảo hiểm hưu trí đối với những người lao động làm việc trong các doanh nghiệp đó.

- Hệ thống bảo hiểm hưu trí tư nhân, thực hiện bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho mọi người lao động tự nguyện tham gia (kể cả người lao động đã tham gia hệ thống bảo hiểm hưu trí nhà nước).

Quản lý đầu tư Quỹ hưu trí liên bang

Như trên đã nói, quỹ bảo hiểm hưu trí thực hiện thu - chi theo phương thức thu đến đâu, chi đến đấy. Nhưng trước đây, do luật định cho phép nguồn thu lớn hơn chi (có một phần dự trữ) nên quỹ còn dư lớn, đó là nguồn cơ bản đề đầu tư. Nhưng việc đầu tư hiệu quả phần dư này của quỹ gặp nhiều khó khăn, thậm chí có khi không thể đầu tư hết số dư quỹ do mức cung vốn lớn hơn mức cầu về vốn.Vì vậy, vài năm gần đây, luật pháp đã thay đổi khống chế mức đóng đảm bảo hạn chế đến mức tối đa lượng quỹ dôi dư. Tuy vậy, nguồn quỹ để đầu tư cũng vẫn rất phong phú. Điều này được lý giải như sau: tại Đức nói riêng và châu Âu nói chung, ngày nay do nền kinh tế thị trường rất phát triển nên đồng tiền lưu thông hàng ngày, hàng giờ đều đẻ ra lợi nhuận. Khoản chi quỹ hưu trí hàng năm của Đức lên tới 230 tỷ Euro, trong đó ngân sách Liên bang hỗ trợ khoảng 30% (khoảng 70 tỷ Euro/năm), phần này quỹ không được đầu tư mà chi đến đâu được ngân sách cấp đến đấy; còn lại lấy từ nguồn thu phí

bảo hiểm hưu trí và lãi đầu tư. Bình quân hàng tháng phải thu từ 13-15 tỷ Euro. Số thu này tăng dần từ ngày đầu tháng đến cuối tháng mới phải chi nên thu đến đâu được đầu tư ngay đến đó, bình quân hàng tháng có trên 10 tỷ Euro để đầu tư với số ngày đầu tư 20 ngày và như vậy, nguồn đầu tư của quỹ hưu trí thật sự không nhỏ chút nào và nó chiếm vị trí rất quan trọng trong việc phát triển quỹ hưu trí nhằm đảm bảo thực hiện tốt các chế độ BHXH hưu trí đối với các thành viên tham gia quỹ.

Những nguyên tắc cơ bản trong đầu tư quỹ hưu trí bắt buộc của Đức

Theo quy định của pháp luật ở Đức, khi thực hiện đầu tư từ quỹ hưu trí bắt buộc phải đảm bảo đồng thời 3 nguyên tắc cơ bản sau: bảo đảm an toàn tuyệt đối cho quỹ; bảo đảm tính thanh khoản cao; có sinh lời, tức là có lãi suất khi cho vay từ quỹ.

Trong 3 nguyên tắc này thì 2 nguyên tắc đầu là quan trọng nhất, nguyên tắc sinh lời chỉ là thứ yếu. Nhờ nắm chắc và vận dụng sáng tạo 3 nguyên tắc trên mà trong suốt quá trình thực hiện đầu tư của quỹ hưu trí đến nay chưa bao giờ gặp rủi ro làm thất thoát quỹ, mà thường đem lại lợi nhuận cao nên nguồn quỹ để chi bảo hiểm hưu trí cho các thành viên luôn được đảm bảo.

Để đảm bảo các nguyên tắc này pháp luật đã quy định rất rõ ràng về đầu tư quỹ, cụ thể như sau:

- Quỹ chỉ được phép thực hiện đầu tư dưới các hình thức sau đây:

+ Cho các ngân hàng vay. Tại châu Âu cũng như tại Đức các ngân hàng, đặc biệt là với các ngân hàng tư nhân, đều có các khoản tiền bảo lãnh (thường bằng 30% vốn tự có, được công bố công khai, đảm bảo chính xác trên cơ sở của pháp luật) và có bảo hiểm tiền gửi nên việc cho các ngân hàng vay luôn đảm bảo tính an toàn, tuy nhiên lãi suất sẽ bị thấp hơn so với các loại đầu tư khác (vì vậy, quỹ thường có xu hướng cho các ngân hàng tư nhân vay để nâng cao hơn mức lãi suất vay).

+ Đầu tư vào các loại trái khoán có lãi suất cố định như công trái nhà nước, trái phiếu của các hãng tư nhân, trái phiếu có ký cược, thế chấp tài sản, đất đai…

+ Đầu tư vào các dự án phát triển kinh tế, xã hội có hiệu quả.

+ Đầu tư vào thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế. Đây là việc đầu tư trực tiếp vào các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh tiền tệ chuyên doanh hoặc mua cổ phiếu trên

thị trường chứng khoán của các doanh nghiệp này.

+ Đầu tư vào các quỹ đặc biệt (đây là một đặc thù của Đức có tồn tại một số loại quỹ đặc biệt thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt được Nhà nước bảo lãnh).

+ Đầu tư vào các công cụ đầu tư đặc biệt như mua ngoại tệ mạnh có bảo lãnh giá trị ngoại tệ…

Mặc dù thị trường chứng khoán tại Đức rất phát triển, Frankfut là một trong những trung tâm chứng khoán lớn của thế giới, nhưng pháp luật của Đức vẫn tuyệt đối cấm quỹ hưu trí này tham gia và đầu tư vào thị trường chứng khoán vì không đảm bảo nguyên tắc an toàn quỹ và nhiều lý do khác.

- Cách thực hiện đầu tư đảm bảo an toàn tuyệt đối cho quỹ hưu trí:

+ Đầu tư vào thị trường tiền tệ khi và chỉ khi có thị trường vốn và thị trường tiền tệ ổn định, vững chắc với quy chế rõ ràng, minh bạch, nếu không thì tuyệt đối không được đầu tư vào thị trường này (mặc dù một số nước châu Âu khác vẫn cho phép thực hiện). Pháp luật cũng quy định cụ thể chi tiết: ai được phép quyết định tham gia, điều kiện nào thì tham gia, lúc nào thì tham gia và mức độ tham gia vào thị trường này là bao nhiêu...

+ Khi đầu tư vào ngân hàng phải đảm bảo nguyên tắc cùng một lúc đầu tư vào nhiều ngân hàng lớn (thường thiên về các ngân hàng tư nhân lớn) để dàn trải rủi ro nếu không may xảy ra. Phân bổ mức đầu tư cho một ngân hàng phải căn cứ vào giá trị 30% số vốn tự có và mức bảo hiểm tiền gửi của ngân hàng đó (phải thấp hơn hoặc bằng mức đó). Hàng ngày phải liên hệ thương thỏa với hàng trăm ngân hàng khác nhau để có được mức lãi suất cao nhất. Thường xuyên (hàng giờ) kiểm tra mức lãi suất cho vay có phù hợp với thị trường chung thông qua hệ thống thông tin trên mạng máy tính, Internet và mạng ngân hàng của thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế, đặc biệt là thị trường Luân Đôn (nước Anh) trước khi có những quyết định đầu tư. Trong thực tế, việc quyết định đầu tư để đem lại lợi nhuận cao nhất luôn là một kỳ vọng của người thực hiện đầu tư của quỹ, nhưng điều đó vô cùng khó khăn và không phải lúc nào cũng đạt được, vì thị trường vốn, thị trường tiền tệ, thị trường mua bán tiền tệ liên ngân hàng biến động khôn lường, thay đổi hàng giờ nên nhiều khi mất

lớn. Để kiểm tra, tránh lạm dụng, tham ô tiền đầu tư của quỹ tất cả các quyết định đầu tư và kết quả đầu tư hàng giờ, hàng ngày đều được hệ thống máy tính ghi lại và có người thứ hai ngồi theo dõi, kiểm tra, kiểm soát; hàng ngày đều có bảng danh mục thông báo việc đầu tư báo cáo Chủ tịch quỹ biết.

+ Khi đầu tư vào các dự án cũng phải đảm bảo nguyên tắc dàn trải rủi ro, tức là cùng một lúc phải đầu tư vào nhiều dự án thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Trước đây, khi chọn các dự án đầu tư còn phải tính đến cả các yếu tố chính trị, xã hội (đầu tư vào các chương trình xây dựng nhà cửa, hạ tầng cơ sở… theo yêu cầu của Chính phủ), nhưng hiện nay các yếu tố này được ít chú ý hơn để đảm bảo tính an toàn và tính thanh khoản của quỹ. Để xác định dự án nào sẽ đầu tư, các nhà đầu tư của quỹ dựa vào công cụ đánh giá, thẩm định dự án đầu tư do các hãng lớn, có uy tín, chuyên làm công tác thẩm định dự án của Hoa Kỳ và Anh thực hiện. Ở đây, nội dung thẩm định cần quan tâm duy nhất chỉ là độ tin cậy của dự án; người thực hiện dự án này có khả năng hoàn trả vốn vay và lãi vay hay không và khả năng thanh khoản.

+ Khi đầu tư vào các trái khoán phải đảm bảo trái khoán đó có mức lãi suất cố định cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng theo tháng và cao hơn lãi suất buôn bán tiền tệ liên ngân hàng); chỉ sử dụng khoản dư dự trữ của quỹ có thời gian tạm thời nhàn rỗi tương đối lâu dài (không quá 3 năm để loại trừ biến động giá cả của thị trường) và các trái phiếu được đầu tư phải có bảo lãnh của nhà nước và đảm bảo tuyệt đối tính an toàn và tính thanh khoản của quỹ. Hàng ngày phải có cán bộ theo rõi thường xuyên hàng giờ giá cả của thị trường và căn cứ vào chỉ số giá cả thông báo của ngân hàng Frankfut để quyết định đầu tư. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu GIẢI PHÁP TÀI CHÍNH NHẰM BẢO TOÀN VÀ TĂNG TRƯỞNG QUỸ BẢO HIỂM XÃ HỘI TẠI VIỆT NAM (Trang 30 - 34)