Quỹ BHXH là một trong những nội dung quan trọng của hệ thống BHXH. Quỹ BHXH hình thành và hoạt động đã tạo ra khả năng giải quyết những sự kiện, những rủi ro xã hội của tất cả những người tham gia, giúp cho việc dàn trải rủi ro được thực hiện theo cả hai chiều không gian và thời gian, đồng thời giúp giảm tối thiểu thiệt hại kinh tế cho người sử dụng lao động, tiết kiệm chi cho cả ngân sách Nhà nước và ngân sách gia đình. Do đó quỹ BHXH phải được quản lý chặt chẽ để sự vận động của quỹ thông suốt, đảm bảo cân đối, phục vụ tốt cho người tham gia và hưởng các chế độ, góp phần đảm bảo an toàn xã hội và thúc đẩy sự nghiệp phát triển của đất nước.
Quản lý quỹ BHXH là sự tác động của chủ thể quản lý vào đối tượng và khách thể quản lý trong các hoạt động hoạch định, tổ chức, điều khiển, kiểm tra sự vận động của quỹ BHXH, nhằm đạt được mục tiêu đề ra với những nguyên tắc và phương pháp quản lý phù hợp.
Một đặc trưng rất riêng của BHXH là mối quan hệ theo cơ chế ba bên Nhà nước, người sử dụng lao động và người lao động. Người sử dụng lao động thường muốn giảm chi phí càng nhiều càng tốt nên thường họ đóng BHXH ở mức thấp hơn thu nhập thực tế của người lao động hoặc né tránh việc đóng BHXH; người lao động thì luôn luôn muốn lợi ích của mình phải được đảm bảo; Nhà nước bảo hộ và quản lý quỹ BHXH nên để giảm tối thiểu giảm mức hỗ trợ từ NSNN thì phải bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách tăng cường thu, tiết kiệm chi. Chính vì những lợi ích khác
nhau và có phần đối kháng nhau nên giữa các bên tham gia hoạt động BHXH thường tiềm ẩn những mâu thuẫn. Để đảm bảo hài hòa lợi ích và trách nhiệm giữa các bên tham gia thì cần có những chuẩn mực bắt buộc các bên phải tuân thủ. Và Nhà nước với tư cách là chủ thể quản lý xã hội đã thực hiện chức năng quản lý của mình. Quản lý quỹ BHXH có hai nội dung quan trọng là quản lý nhà nước về quỹ BHXH và quản lý sự nghiệp quỹ BHXH.
Quản lý Nhà nước về quỹ BHXH
- Quản lý nhà nước về quỹ BHXH thực chất là sự quản lý của Nhà nước đối với quá trình vận động của quỹ bằng quyền lực của Nhà nước thông qua hệ thống những nguyên tắc, hình thức, phương pháp quản lý và hệ thống các quy tắc ràng buộc đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sự vận động của quỹ BHXH. Quản lý Nhà nước về BHXH được thể hiện thông qua một số nội dung cơ bản sau: Quản lý thống nhất các hoạt động thu – chi quỹ BHXH trên phạm vi toàn quốc gia; xây dựng pháp luật về quỹ BHXH; đề ra các chính sách BHXH nhằm đảm bảo cho các hoạt động của quỹ BHXH được thông suốt, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ; thực hiện thanh tra, kiểm tra các hoạt động của quỹ BHXH; bảo hộ cho quỹ BHXH.
Quản lý sự nghiệp quỹ BHXH.
Dù mô hình có thể được tổ chức khác nhau, nhưng hoạt động sự nghiệp quỹ BHXH có những nội dung chủ yếu sau: quản lý việc thực hiện thu - chi BHXH; quản lý đối tượng tham gia BHXH.
Thông qua bộ máy của mình và trên cơ sở pháp luật BHXH của mỗi nước, các cơ quan BHXH tiến hành các nghiệp vụ thu tiền đóng BHXH của các doanh nghiệp và người lao động và triển khai chi trả các trợ cấp cho người thụ hưởng BHXH và các chi phí quản lý khác.